Tôi mượn lời của ông Ronald Heaberle, tác giả của những bức ảnh gây chấn động thế giới về vụ thảm sát 504 dân thường Sơn Mỹ do quân đội Mỹ gây ra ngày 16-3-1968 khi nói về một tấm ảnh đang gây tranh cãi của mình. Cuối tháng 10/2011 vừa qua, sau 43 năm kể từ ngày kinh hoàng ấy, ông đã trở lại mảnh đất này cùng ông Trần Văn Đức, 49 tuổi, một Việt kiều ở Cộng hòa Liên bang Đức và con trai ông Đức với mục đích xác minh ai là người trong một tấm ảnh ông đã chụp năm xưa. Ông Trần Văn Đức khẳng định tấm ảnh đó do ông Ronald Heaberle chụp ông và em ông là Trần Thị Hà còn chú thích dưới bức ảnh đó hiện được treo trong Bảo tàng Sơn Mỹ thì lại không phải. Ông Đức kể lại: “Sáng ngày 16/3/1968, tôi cõng đứa em gái Trần Thị Hà (sinh năm 1967) thoát ra từ chỗ thảm sát trên 100 người tại Tháp Canh và chạy về hướng tỉnh lộ để lên Sơn Hội - quê ngoại của tôi. Trên đường chạy thì tôi nhìn thấy một chiếc máy bay cá mập quần lượn trên trời nên cứ nghĩ họ sẽ bắn mình. Tôi nằm trùm lên đứa em gái để che cho nó đỡ sợ. Sau đó thì cả hai anh em thoát ra đường lớn và chạy về phía Sơn Thành rồi về Sơn Hội”.
Cuộc tranh cãi ai là người trong bức ảnh trên, Trần Văn Đức và Trần Thị Hà hay Trương Bốn và Trương Năm mấy năm nay vẫn chưa ngã ngũ và có lẽ còn tiếp tục cả sau lần này, khi có cả tác giả bức ảnh trên trở lại mảnh đất mà ông đẫ chụp tấm ảnh đó.
Đọc tin tức trên báo giấy, báo mạng, cả trên một số blog cá nhân gần đây về vụ việc trên, tôi thật buồn. Tôi và anh Thanh Tụng, phóng viên ảnh (đã mất) của Thông tấn xã Việt Nam là hai nhà báo đầu tiên có mặt ở Sơn Mỹ ngay sau ngày tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng (25-3-1975), Ngày ấy vụ thảm sát Mỹ Lai ( Sơn Mỹ ) đã qua 7 năm, nhưng những đau thương, mất mát vẫn còn hiển hiện trên mảnh đất này. Tôi đã gặp nhiều người dân nơi đây mà hâu như ai cũng có người thân bị thảm sát trong ngày 16-3-1968 hoặc bị mất trong chiến tranh. Tôi đã có bài báo viết về mảnh đất đau thương này sau ngày giải phóng, được Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân Dân và nhiều đài, báo khác sử dụng. Tôi không ngờ bài báo của tôi lại mang đến một niềm vui bất ngờ cho một nhà giáo khi đó đang dạy học ở miền Bắc. Gần mười năm sau khi có bài báo trên, nhà giáo này tim gặp tôi ở Nha Trang để cảm ơn tôi vì tôi là người đầu tiên qua bài báo của mình báo tin cho anh biết mẹ anh, một trong những bà mẹ tôi viết trong bài báo, vẫn còn sống sau vụ thảm sát kinh hoàng này! Đối với tôi, Sơn Mỹ đau thương là thế, thiêng liêng là thế, làm sao lại xảy ra chuyện tranh chấp về một tấm ảnh để rồi làm tổn thương đến tấm lòng của mọi người đối với Sơn Mỹ và người dân nơi đây?
Với tư cách là một nhà báo từng có mặt trên chiến trường Quảng Ngãi trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao – Du lịch Quảng Ngãi cùng với Bảo tàng Sơn Mỹ một lần nữa xem xét lại việc này một cách khách quan nhất, có kết luận cuối cùng đúng với sự thật lịch sử về bức ảnh nói trên, chấm dứt việc tranh cãi chẳng hay ho gì đã kéo dài mấy năm qua.
Dù sao, đúng như ông Ronald Heaberle đã nói với các nhà báo trong lần trở lại Việt Nam cuối tháng 10/2011 vừa qua rằng:“Ai là người trong ảnh thì cũng đâu có làm thay đổi câu chuyện buồn của Mỹ Lai, phải không?”
Chú thích: Tấm ảnh gây tranh cãiHà Nội, 8/11/2011