Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ NGỎ GỬI BỘ TRƯỞNG ĐINH LA THĂNG

Phan Thị Thanh Nhàn
Thứ tư ngày 9 tháng 11 năm 2011 4:08 PM
 
Trên các báo và các trang mạng, chúng ta đã đọc nhiều về Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng,Có người khen ông dám nghĩ dám làm, có người chê ông quá vội vã, hơi bốc đồng, thạm chí còn dự báo ông sẽ thành…La Giáng!Riêng tôi, tôi hy vọng vì thấy ít nhất. bộ trưởng đã rất bức xúc với vấn nạn giao thông hiện nay và đang tìm cách giải quyết với nhiệt tình và lòng hăng hái của một người có trách nhiệm. Chúng ta hãy bình tĩnh và ủng hộ ông cùng những quyết sách đúng, chớ nên chưa gì đã vội vã chê bai…
Cuối tháng 10, đầu tháng11 năm 2011,Hội nhà vănViệt Nam cùng UBND và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng tổ chức cho 15 nhà văn đi thực tế và sáng tác theo chủ đề biển đảo và biên giới tại địa bàn tỉnh miền núi Cao Bằng.Vậy là đoàn nhà văn già tuổi bình quân đã…65  có dịp được đến thăm một số trạm biên phòng , nhiều người là lần đầu tiên lên Cao Bằng.Thật là xúc động.
Riêng tôi, vì đã có thời gian làm báo hằng ngày nên cũng đã được đến  tỉnh miền núi biên cương Cao Bằng một lần, nhưng đã lâu lắm rồi. Ngày đó,tôi đã thăm Pắc bó,suối Lê nin và nhiều di tích cách mạng, nhưng chưa được thăm thác Bản Giốc và bộ đội biên phòng.Lần này với chủ đề biển đảo và biên giới, chúng tôi may mắn được UBND và Hội Văn nghệ tỉnh bố trí cho đến nhiều đồn biên phòng sát biên giới với Trung quốc.Cao Bằng có hơn 300km đường biên với hàng trăm cột mốc mới được cắm lại vào năm 2008. Có thể nhiều nhà văn sẽ viết rõ hơn về đề tài đường biên,riêng tôi, nhân dịp này chỉ muốn mời Bộ trưởng Đinh La Thăng cố gắng lên Cao Bằng để giải quết vấn nạn giao thông mà chúng tôi đã trực tiếp thấy trên đường lên biên giới.
Ôi,Cao Bằng đáng yêu sao với đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu lượn vòng duyên dáng trong không gian thoáng đãng của mùa thu,trong màu xanh mát mắt của núi rừng với tiếng xạc xào của bạt ngàn bãi mía, vói màu hoa lau tím, hoa rong riềng và hoa chuối đỏ tươi…Đó là một bài thơ tuyệt vời của thiên nhiên mà chúng tôi sẽ được hưởng thụ trọn vẹn nếu không gặp phải những con đường kinh khủng ,rùng rợn  mà cả đoàn đã trải qua.
Vừa lên đỉnh Khau  Liêu, chúng tôi đòi dừng xe vì từ đây nhìn xuống là một bức tranh đẹp tuyệt vời của con đường ngoằn nghèo uốn lượn dịu dàng giữa núi non trùng điệp.  Nhưng không định thì cũng phải dừng, vì một chiếc cần cẩu to đùng đang đổ đất đá tràn xuống lòng đường, mà hai bên thì núi đang bị xẻ tơi bời.  tôi vốn dốt về địa lý, lại đã đi nhiều đồn biên phòng, nào Sóc Hà, nào Thị Hoa,nào Đạm Thủy, rồi Tà Lùng, Hạ Lang…Giờ tôi không nhớ chính xác ở đoạn nào,nhưng vùa ra khỏi một khu chợ thì mọi người ồ lên vì nhìn thấy một xe con bị lún giữa ngã ba. Nhà văn Hoàng Minh Tường (tác giả “Thời của thánh thần”) kêu lên:
-Ô, xe 33 của Hà nhì quê tôi, khổ chưa?
Vậy mà chúng tôi đành thở dài vì không thể giúp gì được, đành tiếp  tục thận trọng đi lên trên con đường lồi lõm ổ trâu, Đến đoạn rẽ vào đồn biên phòng Thị Hoa, đường chỉ 16km, mà chú Quang, một tay lái đầy kinh nghiệm của Hội nhà văn phải dè dặt khéo léo lái qua những đoạn đường lầy sâu hàng nửa mét, đến nỗi mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi.Trên đường,chốc chốc đồng chí  phó chủ nhiệm chính trị bộ đội biên phòng lại điên thoại hỏi nhà văn Tô Nhuận Vỹ,trưởng đoàn của chúng tôi xem xe đã đi đến đâu,có nguy hiểm lắm không? Chốc chốc,chúng tôi lại phải nhường đường đã quá chật hẹp và lầy lội cho một xe ben  to và dài khủng khiếp chở  nặng hàng hóa ra cửa khẩu . Lúc về, chú Quang phải rẽ một đường mới ,xa hơn rất nhiều để đảm bảo an toàn, vì nếu đi đường cũ,lỡ mà trời mưa hoặc tắc đường thì…
Nhưng đường lên đồn biên phòng Thi Hoa cũng chưa đáng nói bằng đường vào Bản Giốc. Khi chúng tôi đã mệt phờ và sống lưng các nhà văn già đã đau nhừ thì may quá, xe dừng đúng trên đường nhìn xuống thác Bản Giốc .Vậy mà không thể nào đi tiếp đến con đường nhỏ dẫn xuống thác, vì lại một xe cần cẩu rất ngang nhiên đang hoạt động giữa đường,đổ đầy đá răm lấp kín đường đi lối lại của tất cả khách bộ hành và xe cộ! Mọi người cùng hàng chục chiếc ô tô nối đuôi nhau đứng nhìn,chẳng ai biết nói sao. Chúng tôi đành quay xe về đồn biên phòng Đàm Thủy trình bày với thiếu tá Nông văn Thường đồn phó thường trực. Đồng chí giữ chúng tôi ở lại và lệnh cho trạm biên phòng chỗ thác Bản Giốc do thượng úy Hoàng Bằng Giang phụ trách,dẹp xe cần cẩu và giúp họ dọn đường để chiều nay đoàn nhà văn có thể xuống tận chân thác xem cột mốc. (Lẽ ra chúng tôi định…cứ đến xem trước,rồi mới đến đồn biên phòng sau.)
Đường xá kinh hoàng và bên giao thông làm việc tùy tiện như vậy,nên theo các cán bộ của tỉnh Cao Bằng, thì năm 2010 vừa qua,riêng thác Bản Giốc,bên Trung Quốc có tới 1 triệu 8 khách du lịch, mà Việt Nam chỉ có 30.000  người đến thăm!
Khi tôi đang viết bài này thì nhà văn Tô Nhuận Vỹ báo là bên Ủy ban  sắp có buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng vào tuần tới,và tỉnh muốn đoàn nhà văn chúng tôi ký vào bản kiến nghị hay đề xuất gì đó của Cao Bằng với Bộ trưởng về vấn đề nâng cấp các con đường, nhất là đường lên biên giới.Tất nhiên là tôi sẵn sàng ký vào văn bản rất thiết thực này’.
Hy vọng Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ lên Cao Bằng và sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bà con về việc nâng cấp và sửa chữa nhanh,tốt những con đường huyết mạch của tỉnh biên cương phía Bắc này.
11-2011
P.T.T.N

CÁC NHÀ VĂN ĐỒNG KÍ TÊN

Tô Nhuận Vĩ
Hoàng Quốc Hải
Trần Nhương
Văn Lừng
Đức Hậu
Hoàng Minh Tường
Từ Nguyên Tĩnh
Tô Thi Vân
Nguyễn Quang Thiều
Đặng Huy Giang
Trần Quang Quý
Đào Vĩnh