Đời nhà Lê, Sơn Tây là một trấn, trải dài từ Từ Liêm ( Hà Nội ) đến Bạch Hạc ( Phú Thọ ), lỵ sở của trấn đóng ở xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai ( nay La Phẩm là một thôn của xã Tản Hồng, huyện Ba Vì ). Thời Pháp thuộc, tỉnh Sơn Tây được thành lập năm 1892 ( gồm hai phủ Quảng Oai và Quốc Oai, với 4 huyện : Phúc Thọ, Thạch Thất, Tùng Thiện, Bất Bạt ). Để nhớ về miền đất phủ Quảng Oai xưa ấy – là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhà thơ Trần Hòa Bình đã lấy bút danh của mình như để nhắc nhớ về một miền đất mến thương ấy là Bình phủ Quảng.
Bây giờ tên gọi Quảng Oai không còn là đơn vị hành chính cấp huyện như trước nữa, thay vào đó là cái tên gọi hành chính - huyện Ba Vì. Từ xa xưa, Ba Vì vẫn là miền đất cổ xứ Đoài muôn đời mây trắng bay, nơi có những con sống lớn bao bọc như sông Đà và sông Hồng, dòng sông Tích thơ mộng khởi nguồn từ núi Tản Viên rồi đổ về xuôi, và nơi ấy còn mọc lên một dải núi có hình thế rất đẹp, thi hào Nguyễn Trãi – danh nhân văn hoá Thế giới đã gọi tên núi ấy là núi Tổ của nước Nam trong sách Dư địa chí, còn học giả Nguyễn Hiến Lê thì ca ngợi ngọn núi quê hương ông đẹp như núi Phú Sĩ của Nhật Bản.
Quảng Oai xưa – Ba Vì nay có một truyền thống văn hiến lâu đời, vùng đất này đã gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, là một trong Tứ bất tử của nước Việt Nam ta từ cổ xưa. Quảng Oai cũng là vùng đất có dày đặc các di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc tiêu biểu như : thành Đa Bang ( của nhà Hồ xây dựng còn lưu dấu tích ở xã Phong Vân ), đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Tiên Phong, đền Thượng, đền Trung và đền Hạ ở núi Ba Vì,…các danh lam thắng cảnh như vườn Quốc gia Ba Vì, khu K9 ở Đá Chông, cây đa Bác Hồ ở Vật Lại, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn – Thác Ngà, hồ Suối Hai. Quảng Oai còn là vùng đất có nhiều danh nhân, Tiến sĩ được hậu thế biết đến, được lưu danh trong sử sách và bia đá như Tiến sĩ, Lưỡng quốc Thượng thư Nguyễn Sư Mạnh, Tiến sĩ, Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân ( quê Cổ Đô ); Tiến sĩ Phan Nhuệ, Tiến sĩ , Thượng thư Trần Thế Vinh ( quê Phú Châu ); Tiến sĩ Phùng Thế Triết ( quê Tiên Phong ); Tiến sĩ, Tham Tụng Lê Anh Tuấn ( quê Vạn Thắng ); Thượng thư Lê Hữu Tá ( quê Đông Quang )… Thế hệ sau có các danh nhân như nhà thơ Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, Nhà thơ Ngô Quân Miện ( quê Khê Thượng ), Học giả - nhà văn Nguyễn Hiến Lê ( quê Phú Phương ), Hoạ sĩ Sỹ Tốt ( quê Cổ Đô ). Họ đều là những công dân ưu tú của vùng đất Quảng Oai xưa và huyện Ba vì ngày nay.
Quảng Oai bây giờ chỉ còn là tên gọi của một ngôi trường cấp III ở huyện Ba Vì, đó là Trường Trung học phổ thông Quảng Oai - nằm ở trung tâm trên trục quốc lộ 32 của huyện Quảng Oai xưa, nay là huyện Ba Vì – thành phố Hà Nội, tên gọi Quảng Oai đã gợi nhớ về trường xưa lớp cũ của rất nhiều thế hệ học trò và những thầy, cô giáo đã và đang học tập, công tác dưới mái trường mến yêu ấy.
Năm nay, trường Trung học phổ thông Quảng Oai đã bước sang tuổi thứ 50, ghi dấu mốc một chặng đường xây dựng và phát triển trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo các thế hệ học sinh trường huyện của ngành giáo dục và đào tạo thủ đô Hà Nội trong suốt nửa thế kỉ qua, kể từ khi bắt đầu thành lập trường năm 1961 đến nay.
Trường cấp III Quảng Oai xưa, trường T.H.P.T Quảng Oai ngày nay được tách ra từ trường cấp III Sơn Tây của tỉnh Sơn Tây cũ, nhằm thu nhận học sinh hai huyện Quảng Oai và Bất Bạt, khi đó Sơn Tây là địa danh hành chính cấp tỉnh thì Quảng Oai là địa danh hành chính cấp huyện. Trường cấp III Sơn Tây ra đời sớm nhất vùng phía Tây thủ đô Hà Nội ngày nay được thành lập năm 1959, sau đó là Trường cấp III Quảng Oai thành lập năm 1961, và sau này có Trường cấp III Tùng Thiện thành lập năm 1966.
Ngày đầu trường mới thành lập chỉ có một lớp 9 từ Sơn Tây chuyển lên và hai lớp 8 mới tuyển với 135 học sinh và 7 thầy, cô giáo. Sau 30 năm kể từ sau ngày thành lập trường, năm học 1991 – 1992 Trường T.H.P.T Quảng Oai đã có bước phát triển về số lượng với 721 học sinh: khối 10 là 379 học sinh, khối 11 là 96 học sinh, khối 12 là 246 học sinh với tổng số 63 thầy, cô giáo, cán bộ và nhân viên. Trong khoảng thời gian ấy, nhà trường đã đào tạo được 10.034 học sinh ra trường. Năm học 1981 – 1982 là năm trường có số học sinh đông nhất thành phố Hà Nội : khối 10 là 775 học sinh, khối 11 là 642 học sinh, khối 12 là 611 học sinh.
Giai đoạn 1961 – 1991, trường T.H.P.T Quảng Oai đã có hàng trăm thầy giáo và học sinh đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương, đâu đâu cũng có dấu chân của các anh bộ đội là học sinh của trường Quảng Oai, sau chiến tranh có 106 học sinh của trường đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Máu và thân thể các anh đã đổ xuống ở khắp các chiến trường như cửa sông Hàm Luông, huyện đảo Phú Quốc… Đất nước trải qua cuộc chiến tranh, thầy và trò Trường T.H.P.T Quảng Oai đã khắc phục mọi khó khăn để dạy tốt học tốt, sau 4 năm thành lập, trường đã phải triệt để sơ tán do máy bay Mỹ đánh phá công trình thuỷ lợi hồ đập Suối Hai – Ba Vì. 15 lớp phải sơ tán về các thôn xóm hẻo lánh thuộc các xã Chu Minh, Tiên Phong, Đông Quang. Những lớp học dưới hầm sâu rất an toàn bởi luỹ dày bao bọc, che chắn để thầy và trò yên tâm dạy tốt và học tốt. Năm 1975 – 1976 trường thiếu lớp học, đã huy động cả thầy và trò lên tận núi Ba Vì khai thác nứa, tre, với hơn 2000 phên tranh đóng bè xuôi sông Đà rồi sông Hồng đầy vất vả và hiểm nguy để dựng trường, dựng lớp. Trong giai đoạn này, khó khăn là vậy, nhưng các thầy cô giáo và nhiều thế hệ học sinh đã đạt được nhiều thành tích trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt như các thầy Nguyễn Văn Dũng, Lý Quốc Hào, Đỗ Văn Đích, Ngô Chính Cát, Nguyễn Lí Kính đã được công nhận là giáo viên giỏi. Học sinh Nguyễn Văn Nho đạt giải Khuyến khích học sinh giỏi miền Bắc, Đỗ Văn Dũng đạt giải Ba môn Vật lý lớp 10 của tỉnh Hà Tây. Năm 1985, Trần Văn Trường đạt giải Nhất môn Toán Thành phố Hà Nội. Chu Văn Nghị đi thi ném lựu đạn đạt giải Nhất toàn miền Bắc năm 1967. Lê Thị Tố Yến đạt huy chương vàng, Bùi Văn Ngọc đạt huy chương bạc giải chạy Việt dã của báo Hà Nội mới…
Đất nước bước vào thời kì đổi mới ( từ năm 1991 đến nay ), trường có 45 lớp với tổng số 2.032 học sinh, có 111 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có hơn chục thầy cô giáo có trình độ Thạc sỹ, trường có 7 tổ chuyên môn, cơ sở vật chất bề thế với 22 phòng học kiên cố. Trường có đủ các phòng học và phòng chức năng như phòng làm việc của Ban giám hiệu, phòng họp tổ, phòng thư viện, phòng thiết bị, phòng học tin học…Chất lượng học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt từ 80 – 93 % , trong đó có nhiều học sinh đỗ đại học điểm cao từ 26 – 27 điểm trở lên, đó là các em Phùng Ngọc Vững đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn Hoá học và đạt 27 điểm vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, em Lê Tuấn Anh đỗ hai trường Đại học ( Đại học Ngoại thương : 29 điểm, Đại học Y Hà Nội : 29,5 điểm), em Lê Anh Đạt đạt 28 điểm ( trong đó môn Toán được điểm 10. Nhiều em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố : Nguyễn Thái đạt giải Nhất môn Hoá học thành phố Hà Nội năm 1989, Nguyễn Thế Ngọc giải Nhất môn Toán tỉnh Hà Tây năm 1999, Đỗ Thị Ánh Vân, Nguyễn Văn Hưng giải Nhất môn Toán tỉnh Hà Tây năm 2004…
Nhiều thầy, cô giáo đã đạt giải cao trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, Thành phố như cô giáo : Đinh Thị Tuyết đạt giải Nhất môn Thể dục tỉnh Hà Tây năm học 2002 – 2003,Vũ Ba Lê đạt giải Nhất môn Toán tỉnh Hà Tây năm 2005, Nguyễn Thị Thuý Lộc giải Ba môn Hoá học Thành phố Hà Nội năm 2009 – 2010. Nhiều sáng kiến kinh nghiệm của các thầy cô được xếp loại C, B cấp tỉnh, thành phố Hà Nội.
Những năm qua, nhà trường luôn luôn coi trọng công tác quản lý, chỉ đạo có nhiều bước đột phá, đảm bảo tính khoa học và tính thực tiễn cao. Chi bộ nhà trường có 37 đảng viên, chi bộ Đảng thực sự giữ vai trò lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường, Chi bộ Đảng nhà trường liên tục được Huyện uỷ Ba Vì – T.P Hà Nội công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh và được tặng Giấy khen “ Chi bộ vững mạnh xuất sắc ”. Công tác xây dựng đoàn thể được lãnh đạo nhà trường chú trọng nên nhiều năm liền đạt thành tích cao. Các tổ bộ môn đã nhiều lần đạt danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc được Sở GD – ĐT Hà Tây và Hà Nội khen thưởng.
Trường T.H.P.T Quảng Oai luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở GD – ĐT Hà Tây ( nay là T.P Hà Nội ), sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và nhân dân trong huyện Ba Vì, với ý thức tự lực tự cường, tinh thần chủ động sáng tạo, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và đào tạo mà nhân dân giao cho. Hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo được nhiều học sinh ưu tú, sau này có học vị Tiến sỹ, Thạc sỹ hiện đang công tác ở khắp mọi miền của tổ quốc, trên nhiều lĩnh vực khác nhau như : lĩnh vực nghiên cứu khoa học có em Phùng Văn Đồng, Tiến sỹ Vật lý, hiện đang công tác ở Viện Vật lý, sĩ quan cao cấp trong quân đội nhân dân Việt Nam có Trung tướng Phương Minh Hoà - Uỷ viên TW Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, công tác ở các Bộ, ngành có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học, Nguyễn An Bang nguyên Chánh văn phòng cơ yếu của Chính phủ, nhiều người làm công tác quản lý ở các Sở, ngành của các Tỉnh, Thành phố trong cả nước như : anh Nguyễn Thanh Tùng, Tỉnh uỷ viên, Phó bí thư Thường trực tỉnh Điện Biên, anh Nguyễn Minh Mận nguyên Tỉnh uỷ viên – Phó giám đốc Sở KH và CN Hà Tây, anh Đỗ Văn Quang, Thành uỷ viên, Bí thư huyện uỷ Quốc Oai…Nhiều người được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí như Nhà giáo ưu tú Phùng Định, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học xây dựng số 4 - Xuân Hoà – Vĩnh Phúc. Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ, Đại tá Phùng Đình Hỹ hiện là Trưởng khoa Vật lý trị liệu phục hồi chức năng Viện Quân Y 105 - Tổng cục hậu cần…Nhiều văn nghệ sĩ như hoạ sĩ Giang Khích, nhà thơ Trần Hoà Bình, nhà báo Nguyễn Quốc Ân…
Với những thành tích đóng góp vào sự nghiệp trồng người cho quê hương, đất nước trong 50 năm qua, nhà trường đã vinh dự được Đảng và nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba ( năm 1996 ), Huân chương Lao động hạng Nhì ( năm 2001 ), nhiều năm liền được tỉnh và thành phố tặng danh hiệu Tập thể Lao động Tiên tiến và Tập thể Lao động tiên tiến xuất sắc. Ngày 11.11.2011 sắp tới, trường T.H.P.T Quảng Oai sẽ long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 50 năm ngày Thành lập trường, nhằm ôn lại một chặng đường xây dựng và phát triển, đồng thời cũng là dịp gặp gỡ giao lưu của các thế hệ học sinh nhân ngày 20.11 năm nay.
Phùng Hoàng Anh