Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC LỤC BÁT THUẬN NGHĨA

Nguyễn Lâm Cúc
Thứ ba ngày 8 tháng 11 năm 2011 7:41 PM
Nguyễn Lâm Cúc

 Lục Bát là thể loại thơ được đông đảo người đọc, nhất là giới lao động chân tay thích một cách đặc biệt  bởi vần điệu ngân nga, rất dễ thuộc. Nhưng những người bụng đầy chữ nghĩa, hay gọi cách khác là giới “hàn lâm, khoa bảng” lại vô cùng kén chọn khi đọc Lục Bát bởi trong số họ rất nhiều người cho rằng sự mỏng manh rất khó phân biệt Lục Bát đã làm không ít những bài được gắn tên thơ lạc sang Ca dao, Hò, Vè…  Bởi vì hò, vè, ca dao …nhân gian Việt Nam phần lớn đều nằm trong thể thơ Lục Bát:
 
          “Trèo lên cây bởi hái hoa
          Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”
 
          “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
          Người chung một nước thì thương nhau cùng.”
 
          “Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
          Bao nhiêu tất đất tất vàng bấy nhiêu”
         
          “Công cha như núi Thái Sơn
          Nghĩa mẹ như nước trên nguồn chảy ra”
 
          “ Đi mô cho thiếp theo cùng
          Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”
 
          “ Chàng ơi buông áo em ra
          Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa”…
         
          Cũng có nhiều người cho rằng,  nếu không lạc vào những “mảnh đất màu mỡ’ của ca dao, hò, vè  thì người viết dễ sa vào “mê hồn trận” bởi  cái bóng bao la của những cây đại thụ Lục Bát như truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tại sao người ta không gọi ông Nguyễn Du là đại Văn hào khi tác phẩm để lại của Ông là truyện Kiều, điều đó đã được giải thích, bởi hàng trăm câu lục bát trong truyện Kiều đều là những câu Thơ Lục Bát  kinh điển. Nhiều câu, được người đời tách hẳn ra khỏi truyện và đứng riêng thành những câu thơ hoàn chỉnh, đẹp long lanh như bích ngọc. Thậm chí, nhân gian còn đem truyện Kiều ra làm bói toán, tay người dở trang nào, chạm vào câu nào thì cứ những câu ấy mà giải thích, mà “vận” vào mạng số của thế nhân.
          “ Trăm năm trong cõi người ta
          Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

 
          Cỏ non xanh tận chân trời
          Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” Nguyễn Du

Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng nằm trong số những câu Lục Bát được người đời truyền tụng, lan tỏa và nhân bản những câu na ná ở khắp nơi, hệt như nhân bản động vật của giới Khoa học Sinh học. Đó cũng chính là lý do lục bát dễ viết. Vì khuôn mẫu sáu, tám ráp theo vần thuận lợi đã đành, mà còn sẵn khuôn mẫu giai điệu, ý tứ, hình tượng…Cho nên, viết  Lục Bát rất nhiều nhưng viết thật mới, thật hay, đọc phải a lên vì kinh ngạc thì quá hiếm hệt như tìm ngọc trong bãi nhiều đá cuội có màu sắc và hình dáng cầu kỳ.
          Cuối thế kỷ Hai mươi, đầu thế kỷ Hai mốt, cố nhà thơ Đồng Đức Bốn đứng vững với thơ Lục Bát và có những câu đọc một lần in sâu vào trí nhớ bởi những câu chữ đơn giản, giàu cảm xúc như “Chăn Trâu Đốt Lửa”
          “Chăn trâu đốt lửa trên đồng
          Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
          Mải mê đuổi một cánh diều
          Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.”

          Sự xuất hiện của nhà thơ Đồng Đức Bốn khiến người yêu thơ Lục Bát vui mừng.  Phần lớn thơ của Ông đều thể hiện bằng Lục Bát. Rất nhiều bài hay, và có những bài chỉ vỏn vẹn hai câu. Tuy nhiên, trên bầu trời luôn có đủ chỗ cho những ngôi sao tỏa sáng. Người đọc ngóng đợi những cây Lục Bát khác xuất hiện…
Với tôi, Thuận Nghĩa là một cây Lục Bát với ngôn ngữ nhiều bí ẩn, bất ngờ, sung sức:
         
“Nén này đốt những phân vân
cho muôn xa ấy thành gần kề bên
nén này cúi lạy dịu hiền
ngày sau đền tạ cõi miền thanh cao”
 
Người ta đã đốt rất nhiều thứ: rạ rơm, điếu thuốc cháy đến vàng tay, rừng rực cả cánh rừng…là những vật sờ được, nắm được. Cũng rất nhiều vật hư vô như cháy hết hoàng hôn, đốt rụi tâm tư, nướng vàng cảm xúc…Thuận Nghĩa đốt thêm “phân vân” thành nén, khỏi tỏa nghi ngút tất lòng để mong sao những điều chưa thể quyết định, còn chần chờ, còn day dứt ấy thành làn hương khiến cho muôn xa về gần kề, cho bao cách trở thành liền nhau, xóa mờ những khoảng cách. Và rồi, cũng chính lúc làn hương ngát phân vân lan tỏa, thì dịu hiền lên ngôi và trước dịu hiền con người bỗng thành tâm, muốn đền tạ hết thảy kể cả cõi miền thanh tao. “Cúi lạy dịu hiền”, “đốt phân vân là”… là những cụm từ, những tứ thơ Lục Bát thật mới mẻ mà tôi đọc được lần đầu ở thể Lục Bát do Thuận Nghĩa viết. Anh viết dễ dàng, sung mãn, hệt như những câu Lục Bát nằm sẵn trong túi áo, và lúc nào cũng rủng rẻng, chỉ cần thò tay vào lấy ra, trình bày kiểu này, hay kiểu kia cho bạn bè, thiên hạ ngắm chơi. Ví dụ như vài bài mới nhất, trong cuối năm 2011 này của Anh:
 
“Cho dù em cứ là ai
cái đêm mụ mị đủ lai rai buồn
 
Trót mùa dặt dẹo mây nguồn
trời xòe góc thiếu ráp luồn vào đâu?
     
…Em bồng một đóa nắng ngày
đong đưa tận chót khói mây đã từng
 
Anh nhặt đủ nhánh dửng dưng
vẽ em vào giữa muôn trùng nhạt phai”…

 
   Trích “ Lẻ một người quen”-TN
 
Ngửa ra cái thớt chiều hôm
bằm dăm sợi nắng chẻ nồm luồn mây
     
…Này em chín đến tận chưa
để anh còn đợi kẻo thưa ngày vàng
  
Thương nhau trả chuyến đò ngang
chuộc thân đò dọc khỏi sang bến buồn
     
Chiều rơi cái vạt à uôm
thớt mình đau nhát gió luồn chém không…”
   Trích “Chuyến Hạ”
 
 
Ngày đi táng tận nỗi buồn
cánh con chuồn ớt nhấp chôn hạ gầy
 
Trắng em cúi chắp bàn tay
niệm xưa thắp lại nén mây tiễn mùa…
  …Chờ rằm trăng lột trần truồng
ôm cơn khát lỡm dội tuôn nồng nàn
   …Nại hà đắp mố cầu kiều
húp tô cháo lú để liều cuộc em
 
Đầu thai thành cái chụp đèn
chắn che phía gió mới nhen lửa tình. 
 
     Trích “ Tàn Tạ”-TN
  
28.07.11
 
…Thôi về lắng khóm lưng đồi
nghe con bìm bịp ngỏ lời tịch dương
    
…Còn duyên hứng vốc trăng gầy
gom mùa độ nọ nhặt ngày còn dư
   
Tận duyên đợi giữa bất ngờ
muôn ngàn không thể, cũng chờ. Biết đâu
        
…Chưa từng lăn lộn mực đen
cà sa thành mảnh lấm lem. Báu gì
   
Nếu đời chỉ có từ bi
lấy đâu Chúa, Phật rậm rì tụng kinh
   
Biết "em" bánh vẽ lung linh
cớ sao không thể lừa mình cơn yêu
 
Tồn sinh nhón bỏ nhẹ hều
ao choèn sợ nặng cuộc liều với em…”

 
     Trích “ Về Đồng” 10/7/2011- TN
 
Cả ba bài Lục Bát trên Thuận Nghĩa đều viết trong đầu tháng 7/2011.  Rất mới. Những bài Lục Bát của Anh đều dài hơi và “kho” tồn trữ của Anh ngày càng nhiều. Anh còn viết hàng trăm khổ Lục Bát bốn câu đặt tên là “ Níu xưa Lục Bát đôi câu” Cái tựa giống cô gái quê lên thị thành thảng thốt ngoảnh lại nhìn mái gianh, ở đó, giọt nước ngày mưa đang loang vỡ nhớ thương, trong bóng nước, hình dáng mỏng manh của ngôi nhà, của hàng cây cứ đong đưa cùng niềm hy vọng mơ hồ luôn phập phồng.
Có thể đọc Lục Bát Thuận Nghĩa đến…no mà vẫn còn cảm giác thòm thèm như đang dở bữa. Cảm giác này từng xảy ra khi bắt gặp quyển sách hay, truyện ngắn đắc ý.
Phần lớn thơ của Thuận Nghĩa đều nói về Em, đều có bóng dáng Em và đều có Anh, trong một mối tình với tất cả các cung bậc thăng, trầm luyến lưu nặng trĩu như sương đẫm mặt lá ngày đầu Thu. Thấy ở đó, bóng dáng  con người cô đơn, lẻ bước đi trên con đường hun hút, chiếc bóng đổ dài. Bầu trời nhiều mây. Nắng nhọc nhằn len lõi qua các kẽ lá. Sông nước vắng bóng con đò. Vắng tiếng người. Chỉ có bầy chim nhao nhác bay về nơi vô định. Khung cảnh nhiều dằn vặt, nhớ thương và mơ hồ. Khung cảnh đó vừa như là có thực vừa như chỉ là cõi hư ảo do người viết bằng cách riêng của mình lạc vào và dẫn dắt người đọc theo. Vì thế, Em trong thơ vừa là một Em nào đó từng gắn với chính tác giả, cũng vừa là em của thế giới mộng mơ. Một giấc mơ không nguôi và chưa bao giờ tròn trịa.
Nhưng tôi nghiêng về phía tác giả “mơ” hơn là “hiện hữu”  bởi ngôn ngữ thơ Thuận Nghĩa đậm chất Thiền. Nghĩa là, trong “giấc mơ hoa” của những người tịnh tâm do Thiền, họ dẫn dắt tình cảm của mình về phía “giải thoát vào một cõi nào đó”  hơn là tả thực. Hay nói cách khác, Em  trong Lục Bát Thuận Nghĩa chỉ là một sự giải tỏa tâm lý, giải tỏa nỗi niềm kiếp người hơn là một Em da trắng, môi hườm, mắt tím Huế.
 
Trời mù tôi cũng mù tôi
thâm thâm lá rụng rớt lời nắng phai
    
Mù trời lóa một thành hai
em, tôi:  ai đã rõ phai hình hài
     
Soi mình một niệm thiện tai
như trăm kiếp trước còn dài tới nay…”
   Trích “ Mù Em”-TN
 
Có rất nhiều cách để thưởng thức Thơ. Nhưng khách quan nhất vẫn là đọc bài Thơ bằng văn bản. Khi ấy, chỉ có chữ, nghĩa, ý, tứ, nhạc điệu, cảm xúc, hình tượng do tác giả gửi hồn vào câu chữ tạo thành chứ không bị âm thanh, giọng điệu, khung cảnh diễn thơ chi phối, tác động làm sai lệch hay ảnh hưởng. Đọc Lục Bát Thuận Nghĩa càng nên đọc bằng văn bản. Khi ấy, người đọc đối diện với những câu chữ mà dòng sáu, dòng tám tạo ra các bất ngờ hệt như bước trong rừng hoang. Cái gì sẽ xảy ra sau mỗi câu chưa đoán định được. Chữ gì và ý gì đi cùng với câu vừa trôi người đọc khó duy diễn, vì ở đó không có, hoặc chưa tìm thấy dấu vết lối mòn.
…Bi chừ trống bỏi lên cơn
thò tay đụng cái tủi hờn kéo dao…
 
…Không dưng muốn gọi tên người
để nghe em dạ trong lời gió sương
 
Vén mây xem nắng cởi truồng
quấn trăng cho đỡ thẹn thuồng nhiều khi…”
 
   
 “Chẻ tiếng chuông chuốt thành ngày
trang kinh xé xếp thành bầy chim di
thả trôi sông sóng rầm rì
bọt rêu vỗ vả tìm về bến tơ”

 
Tôi cảm thấy hơi tiêng tiếc cho người đọc,  vì anh Thuận Nghĩa dùng nhiều từ mang nghĩa Hán- Việt và ngôn ngữ Thiền, Nhà Phật và Phương ngữ… vào trong thơ nên một số người đọc cho rằng, thơ Thuận Nghĩa khó hiểu:
… “Một hôm về đứng cuối ngàn
hình như em rụng thành tràng kinh tôi”
Trong cuộc sống, có rất nhiều lý do để nhiều người chưa bao giờ biết kinh là gì, giờ kinh là giờ nào và có ý nghĩa gì. Họ cũng chưa từng dự, hay đọc bất kỳ lời kinh của tôn giáo nào. Vì vậy khi anh “ đứng cuối ngàn”. Nghĩa là ở tận cùng, mơ màng thấy như là “ em rụng thành tràng kinh tôi”, dù chữ rất thuần Việt, thì nghĩa vẫn mông lung với những ai chưa từng ngó thấy tràng hạt, hay nguyện kinh vì một lý do nào đó? Mặc dù, “ em rụng thành tràng kinh tôi” là câu thơ giàu biểu cảm, rất hình tượng.
Hoặc như câu Lục Bát sau:
 
 “Rút mây đan cái ngảo chiều
hứng thu nhốt rọ khỏi rêu rao vàng
bệt ngồi vạt chớm mùa sang
nhìn con én dại cuối ngàn lạc bay”

 
“Cái ngảo”  là Phương ngữ. Đây là tiếng của người Quảng Trị- Quảng Bình. Ngảo là một cái hệt như cái rổ tre nhưng nhỏ hơn cái rổ rất nhiều. Cái ngảo chỉ bằng cơi đựng trầu, chính vì thế cũng có nhiều bà cụ miền Trung dùng cái ngảo để đựng trầu. Còn thông thường, cái ngảo tre dùng đựng rau sau khi rửa, đựng nhúm ớt, nhúm tiêu vừa hái hoặc đựng vài ba quả cà…
Thế mà Thuận Nghĩa lại dùng mây óng ánh ngũ sắc để đan cái “ngảo chiều” rồi dùng cái “ngảo” ấy hứng lấy Thu đem về nhốt trong “rọ” cho mùa Thu đừng vàng nữa. “Rọ” cũng là Phương ngữ của hai Xứ trên. Rọ đan mằng tre, bằng mây và dùng để nhất heo, nhốt chó, nhốt gà. Chỉ riêng Thuận Nghĩa là đem “rọ” nhốt  mùa Thu. Trời ạ. Nếu mà bưng được một “ngảo” Mây, tôi chắc tôi sẽ bưng về chốn thị thành cho thiên hạ một phen ngây ngất.
                 
.. “Tuổi buồn còn đó. Xin thưa!
mắt anh thất bát trên mùa hạ rong
hình như có ngọn đòng đòng
dậy thì trên vạt mòng mòng tháng năm”
 
Trong bốn câu Lục Bát trên, hai chữ “thất, bát” tuy là từ  Hán- Việt nhưng lại có nghĩa là mất mùa chớ không hề mang số bảy, số tám. “ Mắt anh thất, bát trên mùa hạ rong” từ đó mới hy vọng, trong hy vọng, kỳ vọng mơ màng một dậy thì :
“Hình như có ngọn đòng đòng
dậy thì trên vạt mòng mòng tháng năm”
Người ta ai cũng có cảm xúc. Và ai cũng có thể xúc cảm trước một sự việc, cảnh sắc, con người, hay một tình huống, không gian, thời gian nào đó. Tuy nhiên, có những cảm xúc chỉ âm thầm diễn ra trong tâm trí ai đó. Có những cảm xúc được thốt lên bằng lời thầm thì, trầm trồ. Và chỉ thành Văn khi người ta dùng lời Văn để viết lại, kể lại. Chỉ thành thơ khi dùng ngôn ngữ Thơ. Mà ngôn ngữ thơ thì đã được đúc kết rằng “ Đó là kết tinh, đỉnh cao của tiếng nói, chữ viết” bởi vì, ngôn ngữ thơ:
“ Tôi khóc chân trời không có người bay
Và khóc những người bay không có chân trời”
Thơ Trần Dần
Hai câu thơ của nhà thơ Trần Dần, nếu là Văn thì có thể viết hàng chục trang mới nói hết ý, nhưng chỉ hai câu thơ dồn nén, để người đọc tự bung mở, chiêm nghiệm, nhà thơ đã làm xong tác phẩm của mình.
Xin được kết thúc bài viết bằng bốn câu Lục Bát khác của Thuận Nghĩa và mời bạn tìm Thuận Nghĩa để đọc ở  đây:
http://thuannghia.vnweblogs.com/
  Vì tôi chưa thấy thơ Thuận Nghĩa đăng ở đâu. Có lẽ do Thuận Nghĩa đang định cư ở Đức và xem việc viết Thơ chỉ là giải tỏa mình.
 
 “Đành thôi đập vỡ cuộc chờ
khẩy tìm cái hạt bất ngờ trong nhau
bạn ơi nhẹ mũi dao sau
máu hồng không nhuộm bạc đầu thành xanh”
TN
 
8/11/2011