Trên “ Tuần Việtnam” (VietNamNet) số này nhà báo Hoàng Hường đã có bài phỏng vấn khá thú vị Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công An quanh “hiện tượng Đinh La Thăng”.
Trước hết xin hoan nghênh tướng Cương đã bày tỏ mối thiện cảm, sự ủng hộ với những lời tuyên bố, những động thái của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, đặc biệt là của Bộ trưởng Bộ Giao thông Đinh La Thăng. Sau nữa, qua cách suy nghĩ, đánh giá “ hiện tượng Đinh La Thăng” chúng ta thấy tướng Cương đã bộc lộ một cách nhìn thẳng thắn, sâu sắc và tinh tường.
Ấy thế nhưng ý kiến của tướng Cương không làm cho tôi vui mà lại gợi nên nhiều nỗi buồn về thân phận dân tộc mình, đất nước mình..
Tướng Cương gọi ra rất đúng rằng, Việt nam ta không phải là nước chậm phát triển, đang phát triển hay đã phát triển mà là một xứ sở …khó phát triển. Cụm từ ba chữ như vậy, có lẽ từ nay về sau nên xuất hiện trên mặt báo đài, trong các văn bản chính thức của Nhà nước chăng? Để bè bạn năm châu bốn biển nhận ra sự tỉnh táo và đức khiêm tốn của dân tộc ta; còn bà con mình cũng liều liệu đừng đòi hỏi lãnh đạo đặt ra những tiêu chí phấn đấu, những chỉ tiêu cho ngành này ngành nọ cao vời quá (!?)
Giải thích vì sao, Việt nam ta “ anh hùng biết mấy, đánh đâu được đấy” mà bước qua thời bình bỗng trở thành đất nước khó phát triển, tướng Cương giải thích rằng, “…bởi cơ chế của ta đã trì trệ cả chục năm rồi, rất nặng nề níu kéo “ và “ muốn làm những điều tốt đẹp như ông ấy ( ông Đinh La Thăng) mong muốn là cả một chặng đường lâu dài, và là một quá trình đau đẻ rất nặng nề..”. Tướng Cương đã cụ thể cho sự trì trệ, níu kéo kia khi chỉ ra, nói và làm như hai ông Bộ trưởng Huệ và Thăng vẫn còn là những biểu hiện lẻ tẻ, mới lạ; hai ông sẽ khó thực thi ước muốn của mình vì hai ông đơn độc lắm. Bởi như tướng Cương nhận xét “ Có thể tôi hơi cầu toàn, nhưng thật tình, đến trước Đại hội 11, không có một bộ trưởng nào để lại cho tôi một ấn tượng tích cực. Tôi không nói tất cả họ là yếu kém nhưng bảo họ để lại ấn tượng tích cực thì tôi không yên tâm”.
Khoan hãy bàn, ấn tượng tích cực của các vị Bộ trưởng là điều gì? Hãy trở lại với lời tướng Cương khi ví cơ chế trì trệ, nặng nề của chúng ta kéo dài hàng chục năm như một quá trình đau đẻ.
Ôi, có một cơn đau đẻ kinh thiên động địa, kỳ vĩ . hoành tráng pha lẫn bi thảm như thế thật sao?
Thôi, không cần ngoái nhìn tít tắp về quá khứ làm gì! Chỉ cần tính từ mùa hè năm 1986, khi trên báo chí xuất hiện ông NVL- mà thuở ấy mọi người coi như một ông Trạng Trình, một Vị Cứu tinh-dám lên tiếng khuyên mọi người “ hãy nhìn thẳng vào sự thật”, hãy tự cứu lấy mình, cho tới những ngày sắp hết năm 2011 này vỏn vẹn cũng đã 25 năm, một phần tư thế kỷ rồi! Hồi ấy ông NVL chả mong muốn và quyết tâm thực thi nhiều điều tốt đẹp như Bộ trưởng Thăng sao ? Nhưng sản phụ Việt nam cứ quằn quại, cứ vật vã đến cạn sức, hết hơi mãi. Hãy giở Y văn thế giới ra xem đã từng có “ ca ” sinh nở nào như thế chưa? 25 năm trước, anh bạn đang hí hửng sẽ là thế hệ “ kế cận” bây giờ anh đã đứng trong danh sách sẵn sàng bị sa thải khi cơ quan ít việc hay cho về hưu non. 25 năm trước, con chị con em cất tiếng khóc chào đời với bao viễn cảnh tốt đẹp; bây giờ cháu trai đã quá tuổi được nhận làm công nhân các khu chế xuất; cháu gái hết tơ tưởng được làm ca ve hoặc tiếp viên trong quán cà phê, quán nhậu..
Cũng vì từng sống trải cơn đau đẻ một phần tư thiên niên kỷ ấy tướng Cương ( và có lẽ là cả tôi và anh) khuyên Bộ trưởng Thăng, muốn hạ đồn thì phải “ vừa đánh trực diện vừa đánh vu hồi”, rằng “ Ở Việt nam chỉ có thể tìm ra từng nút rối để gỡ chứ không thể rũ tung ra để trở thành một mớ rối hơn..”.
Bác Cương ơi, chúng em hiểu tấm lòng đau nước thương nòi và sự cân nhắc trước sau kỹ càng của bác. Ấy thế nhưng những kẻ đang “ đục nước béo cò” tức đang lợi dụng sự nhập nhằng, tranh tối tranh sáng này để vơ vét tài sản của nhà nước, thuế má của nhân dân, đồng vốn vay từ nước ngoài để biến thành tài sản của riêng, họ không mong mỏi gì hơn chúng ta hãy gỡ từng mối rối, gỡ thật từ từ, gỡ từ năm này qua năm khác, gỡ càng lâu càng tốt. Để chúng đủ thời gian kịp biến từ giai tầng dốt nát, biếng nhác thành các đại gia, các nhà tư bản. Để chúng kịp chuyển hóa tiền bạc, tài sản cho con cho cháu, xoá sạch hai bàn tay nhơ nhớp, bẩn thỉu trong cuộc bần cùng hóa đồng bào mình mà trà trộn vào cộng đồng ..
Mươi, mười lăm năm trước lừa đảo, tham nhũng 5, 7 tỷ đã là chuyện động trời, nay con số đã lên tới cả ngàn tỷ cũng là chuyện bình xoàng. Số tiền thất thoát ở VINASHIN nghe đâu lớn gấp cả ngàn lần thất thoát của vụ Lã Thị Kim Oanh. Cách bức giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa miền xuối miền ngược càng ngày càng ghê gớm. Mươi, mười lăm năm trước con bệnh thập tử nhất sinh đưa đến bệnh viện còn được cứu chữa đến cùng bằng đồng tiền của nhà nước; nay nếu người nhà bệnh nhân không đủ tiền chi phí, bệnh viện sẽ xua tay để con bệnh về nhà tự chết lấy. Ngó qua lĩnh vực văn hóa giáo dục, sự nhốn nháo, lai căng, băng hoại đạo đức càng là điều mươi, mười lăm năm trước khó mà hình dung ra...
Muốn rũ tung các mối rối sẽ là mạo hiểm, liều lĩnh, đâm đầu vào chỗ chết? Còn kiềm chế, bình tĩnh, thong thả, nhẫn nại gỡ từng mối rối ư ? Hỏi phải mất bao năm tháng nữa mới gỡ xong tấm lưới bùng nhùng, rối tung mà hình như càng ngày càng rối hơn , các mối rối càng xoắn bện, nhằng nhịt vào nhau hơn .
Bác Cương bảo:”…không thể rũ tung ra để trở thành một mớ rối hơn, trừ khi anh là Putin”. Một câu thách đố! Tự nhiên nẩy sinh ngay một câu hỏi: Do đâu, vì sao, cơn cớ gì, quằn quại, vật vã trong cơn đau đẻ kéo dài suốt 25 năm, ngay trên chiếc bàn đẻ đã một thời “ ra ngõ gặp anh hùng” mà Bà Mẹ Việt nam phải ước ao, mong đợi sinh nở ra…một ông Putin xứ tuyết ?