Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠM BÀN VỀ 5 CÁI GIẬT MÌNH TRONG THƠ VIỆT

Đỗ Trung Côn
Chủ nhật ngày 30 tháng 10 năm 2011 8:49 AM


(Tiếp nối bài 6 cái giật mình… của Đường Văn)

1/  Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

2/ Giật mình thoắt tỉnh giấc mai
Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn
Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên
Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du - Đào Duy Anh khảo đính)

3/ Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe nước cá nghe kinh
Thoảng bên tai một tiếng chày kình
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
(Hương sơn phong cảnh - Chu Mạnh Trinh)

4/ Một mai hỏi tiểu thư mượn sách
Giật mình về một nỗi khách đa mang.
(Sợ vợ ghen với cô đào Oanh - Dương Khuê)

5/ Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng, giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc.
(Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ)

 Người ta sinh ra ở trên đời chung sống với tự nhiên, trời đất, cỏ cây, sông nước; chung sống trong một xã hội nhất định của một thời nào đó. Cuộc sống vật chất, cuộc sống tinh thần ngày một phát triển. Trải qua bao biến thiên “ bãi bể nương dâu”, sấm sét, bão lụt…với con người thì gươm giáo, sung đạn…Chả thế mà trẻ sơ sinh khi mới lọt lòng, mẹ bé đã phải quấn tã chặt chịa để bé nằm yên. Đến lúc già lão, bảy tám mươi tuổi, chỉ mong có giấc ngủ yên lành. Nhưng trớ trêu thay! Không phải muốn là được! Cái yên ả cũng có, cái va động lại càng có. Cho nên người ta giật mình. “Giật mình ấy là lúc ta nghe gì, thấy gì…đột ngột mà nảy mình lên; chỉ sự sợ hãi” (Đào Duy Anh. Từ điển truyện Kiều. tr. 161. H, 1974).
 Thế rồi cái giật mình ấy vào văn chương một cách rất tự nhiên, nhất là văn chương chữ Nôm và quốc ngữ của người Việt Nam ta; tự nhiên như ta đang sống, đang thở. Bởi văn chương là sản phẩm tinh thần của con người. Không thể hiểu được văn chương nếu ta tưởng tượng ra một cảnh lạ lùng, con người sống vật chất đầy đủ ăn no, mặc ấm…mà lại không có văn chương. Tâm hồn con người nghèo nàn đi bao nhiêu. Có lẽ lúc đó, ở đó chẳng đáng gọi là Người (chữ người viết hoa).
 Với sức đọc, sức nghĩ còn rất hạn hẹp, tôi mạnh dạn, tiếp nối tác giả Đường Văn, nêu và bình luận – 5 cái giật mình… trong thơ Việt. Rất mong các bạn xa gần đồng vọng hay phản biện để tôi được nghe những lời chỉ bảo thân thiết và có ích giúp cho sự hiểu biết của bản thân.
1.                                                Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình, xót xa!
Khi sao phong gấm rủ là?!
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?!
                      (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

 Bốn câu thơ trên, Nguyễn Du tả tâm trạng nàng Kiều. Truyện Kiều - Một tác phẩm nổi tiếng của nước nhà đến nỗi có nhà văn hóa đã phải thốt lên: Truyện Kiều còn; tiếng ta còn !...
 Đây  là lúc Kiều rơi vào thanh lâu của Tú Bà. Từ một người con gái tài sắc tuyệt vời, trong môt gia đình gia giáo nề nếp, trở thành một gái lầu xanh! Đau đớn quá! Tủi nhục quá! Xuất thân nàng Kiều”cửa các buồng khuê” giờ đây phải“mặt dạn mày dầy”, trải qua biết bao bướm lả ong lơi, “cuộc say đầy tháng trận cười thâu đêm”. Chính vì thế mà “Khi tỉnh rượu “ đầu óc minh mẫn, “lúc tàn canh” tỉnh giấc sau khi đã“sớm đưa Tống ngọc, tối tìm Trường khanh” bỗng giật mình. Cái giật mình này không phải cái giật mình sinh lý đột ngột nẩy mình lên…, mà là cái giật mình tâm lý: mình lại thương mình, xót xa.
 Ai thương? Chẳng có ai! Cha mẹ ư? Xa vời lắm rồi. Người yêu ư? Cách biệt bao tháng ngày, nay chàng ở nơi nao? Chỉ có mình với mình. Ngẫm lại những ngày phải “nhắm mắt đưa chân” làm những việc  mà Tú bà dạy nàng làm nghề, nàng thấy tâm trạng mình rõ quá. Chỉ có minh thương mình. Thương cho thân phận, hoàn cảnh, thương cho kiếp người ê chề, nhục nhã. Người còn đây, đi đứng, nói năng, nghĩ ngợi, bình thường … nhưng lại “tan tác như hoa giữa đường “- cái tan  tác về phẩm giá.
 Khi luận bàn về Thúy Kiều, có người viết cảm thương cho nàng con nhà như thế, mà phải làm gái lầu xanh như thế. Tôi lại nghĩ khác. Trong một xã hội văn minh, văn hóa, mọi phụ nữ đều phải được tôn trọng, dù họ nghèo khổ, thất học, hay xấu gái…, nhưng nếu vì lý do nào đó mà họ rơi vào cảnh ngộ như nàng Kiều, chúng ta đều cảm thương như nhau. Cảm thương và tự hỏi mình đã làm gì cho họ, giúp họ, về vật chất hoặc tinh thần. Nguyễn Du đi trước chúng ta gần 300 năm. Cụ đã lên tiếng tố cáo cái xã hội phong kiến xấu xa ấy. Nhưng tôi nghĩ Cụ viết cho cả chúng ta hôm nay. Xót xa thay!
2
. “Giật mình thoắt tỉnh giấc mai
Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn
Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên?
Bên mình chỉ thấy Giác duyên ngồi kề”
            Trong Từ điển Truyện Kiều, cụ Đào Duy  Anh giảng chữ giấc mai: Giấc:  một thôi ngủ. Giấc mai: giấc ngủ nhẹ nhàng. Sách Long thành lục chép: Xưa có Triệu Sư Hùng đi chơi núi La phù ở Quảng Đông, gặp một người đàn bà đẹp dẫn vào quán rượu, uống say nằm ngủ. Sáng dậy, thấy mình nằm ngủ dưới gôc cây mai. (Ấy thế mà có vị giáo viên Văn phổ thông giảng cho hoc sinh rằng: giấc mai là giấc ngủ đến sáng mai!!! Văn chương giầu có vậy thay !! Đúng là biển học vô bờ!!).
 Cái giật mình này là giật mình tâm lý, bởi câu dưới có  bâng khuâng (chỉ tâm trạng). Đây là lúc Kiều được vãi Giác duyên thuê hai ngư phủ chờ đợi vớt nàng lên. Ấy là sau khi bị gả cho thổ quan, lúc xuống thuyền, Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường. Dưới làn nước, Đạm Tiên hiện về, bảo thấy nàng “hiếu nghĩa đủ đường “ nên Trời đã rút tên trong sổ Đoạn trường. Tỉnh giấc, bâng khuâng, tâm trạng đã bình yên trở lại. Kiếp nạn đã hết. Bên mình chỉ thấy Giác duyên ngồi kề. Mừng cho nàng và cũng phục tài Nguyễn Du. Bốn câu thơ đọc lên nghe nhẹ nhõm trong lòng, cảm thông với  nhân vật. Cái giật mình này là cái giật mình đáng để nhớ lâu. (vì thơ cụ không kiểu cách, không làm phách như một số nhà thơ ta bây giờ dưới chiêu bài sáng tạo.) Ta hình dung ra một khoang thuyền trống trải, chỉ có hai người. Đủ cả hình ảnh, tâm trạng nhân vật. Tài thật!
3.
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lửng lơ (không phải lững lờ) khe nước cá nghe kinh;
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khach tang hải giật mình trong giâc mộng “
(Hương sơn phong cảnh ca -  Chu Mạnh Trinh )
 Hương sơn phong cảnh – phong cảnh chùa Hương.Chùa Hương ở cuối huyện Mỹ đức, tỉnh Hà đông cũ, nay thuộc Hà Nội, là thắng cảnh nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Văn chương về Chùa Hương không sao kể xiết. Từ các bậc tao nhân mặc khách, các nhà giáo, nhà thơ, cho đến dân thường, chắc ai cũng có một lần thăm Hương Tích tự. Thế nhưng, nhớ về văn thơ viết về đề tài này, người ta hay  nhắc đến Hương sơn phong cảnh  của  quan nghè Chu Mạnh Trinh.
 Bốn câu thơ dẫn ra, chỉ là một lát cắt nhỏ mà cũng đủ cả: nghệ thuật nhân hóa: “chim cúng trái, cá nghe kinh”; nghệ thuật tu từ “thỏ thẻ, lửng lơ” nghệ thuật mô phỏng: tiếng chày kình (cái mõ bằng gỗ hình đầu con cá kình ). Đặc biệt là khách thăm cảnh chùa “giật mình trong giấc mộng”. Cảnh chùa Hương - thực trăm phần trăm mà lại là trong giấc mộng. Cái giật mình này thuộc phạm trù tâm lý. Cảnh thực mà như trong mộng. Thế mà, người ta đang muốn cơ giới hóa, cơ khí hóa lối vào chùa Hương. Nói theo kiểu Nguyễn Tuân, khi nước ta giầu có hơn bây giờ, chăc người ta sẽ bọc i-nốc cả chùa Hương(!). Xin hãy để chùa Hương như nó vốn có, để khách thập phương về hội chùa được “giật mình trong giấc mộng “. Mong lắm thay!
4.
“Một mai hỏi  tiểu thư mượn sách,
Giật  mình về một nỗi khách  đa mang.”
(Sợ vợ  ghen với cô đào Oanh - Dương Khuê)
 Cái giật mình này hơi lạ: có ông chồng đi hát ả đào với ca nữ có tên Oanh, bị phu nhân ghen. Sư tử Hà Đông đay nghiến. Nhà thơ mô tả cái giật mình của nhân vật ông chồng và so sánh với Thúc lang trong Truyện Kiều (ám chỉ ông chồng sợ vợ). Không to tiếng, không ầm ỹ, lời thơ nhẹ nhàng nhưng thâm thúy. Đọc xong, tủm tỉm… và liên tưởng đến bản thân. Cái sâu sắc của thơ ca là như vậy đó.
5.
“Lần thứ ba thức  dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi  đinh ninh
Chòm râu  im phăng phắc”
(Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ)
 Đó là giật mình thật, giật mình vì lo sợ, là cái giật mình sinh lý,…(chỉ  sự sợ hãi như Đào Duy Anh giảng). Đáng lẽ anh đội viên phải thức để bảo vệ giấc ngủ của Bác thì tình thế lại ngược lại. Đây là nghịch cảnh trong thơ mà ta ít gặp.
***
 Tóm lại, trong thơ Việt, tôi cho rằng, cái sự giật mình có thể chia ra: giật mình thuộc phạm trù tâm lý, lại có giật mình thuộc phạm trù sinh lý, để thấy cái phong phú, tài tình của thơ ca Việt./.

Hoàng Mai, cuối tháng  8 - đầu tháng 9 – 2011
ĐTC