Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠC HUẤN GỬI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO

Lạc Huân
Thứ bẩy ngày 22 tháng 10 năm 2011 3:54 PM

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 10 năm 2011.
      Qua trang mạng Trannhuong.com 2 tác giả Đinh Kì Thanh, Nguyễn Trọng Bình thật tận tâm, chân thành, thẳng thắn trao đổi với ông Trần Mạnh Hảo. Hai tác giả đã nói hộ cho tôi bao điều tới  ông Hảo, xem ra hình như ông ấy vẫn không chịu tiếp thu. Tưởng thế là đủ không cần nói với ông Hảo gì thêm nữa, thấy chưa yên lòng, nay tôi đành có mấy lời:
 1/- Văn hoá phê bình:
     Xin lỗi bạn đọc, bài viết của tôi (Lạc Huấn) mấy ông bạn cho là tôi quá mạnh tay, nặng ngôn với ông Trần Mạnh Hảo. Biết làm thế nhất định ông Hảo sẽ bất bình, nổi nóng, thậm chí ông đau. Do “thuốc đắng” quá nên ông Hảo có 2 lần phải kêu trời. Tôi hy vọng nhờ thế phần nào ông Hảo “đỡ tật”.(Trước đây ông có 1 lần kêu trời khi viết về Các Mác). Từ đó mà tôi hy vọng ông Hảo sẽ học cái văn hoá phê bình. Tôi không phải là kẻ “tiểu nhân đắc ý”. Thực tình mà nói tôi muốn ông Hảo thử 1 lần nếm cái đau của những người đã bị ông “thụi”,
     Trong sách Luận ngữ có kể khi ông Trọng Cung hỏi: Nhân là gì? Khổng tử trả lời: “ Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Rõ ràng ông Hảo không thích tôi viết kiểu như thế thật, tôi cũng mong ông đừng viết theo kiểu này cho mọi người. ( Một lần nữa tôi xin lỗi bạn đọc vì tôi không mảy may coi ông Hảo là hạng “thân lừa ưa nặng”, hay loại người “ kì hư bất khả giáo” rồi tuỳ tiện làm tổn thương ông ta)
     “Trần Mạnh Hảo phê bình văn thơ hay giáo dục…thường cứ “băm bổ” như vung chùy quật thẳng vào mặt đối tượng của mình nên thường làm cho đối tượng của ông rát mặt, nóng mắt muốn tay bo quật đòn trả đũa với ông. Cách làm việc như thế theo tôi ít hiệu quả và thường phản tác dụng. Biết kỹ về ông, chúng tôi hiểu rằng ông chỉ “đánh đấm” vì nghĩa lớn, muốn các đối tượng của ông mau chịu thua đặng khuất phục, đổi thay ngay…Thế nhưng ông đã quên rằng là Người, ai cũng có thể diện và có sự tự tôn huống chi văn nghệ sĩ vốn thường tự coi mình là một bậc trí giả về xã hội và thế thái nhân tình nên ông bà nào cũng tự cho là bụng mình chứa hết mấy bồ chữ trong thiên hạ…Bất cứ  ai bị quất roi thì cũng sẵn sàng gồng mình lên chống trả một cách “ăn thua đủ”!!!” (Đinh Kì Thanh).
     Ông Hảo hành xử như thế là đang “ đối thụi” chứ có phải “đối thoại” đâu? Khuất phục được cháu N84, ông Hảo chắc hả hê lắm. Từ cụ Các Mác đến các giáo sư đến các cháu như N84 ông Hảo chẳng tha cho 1 ai cả.
      Hãy nghe ông Hảo dương dương tự đắc theo lối hành xử “Hạ mục vô nhân”:
“Thú thực với ông Lạc Huấn, có nhiều khi buồn quá, một mình xơi hết vài vò rượu, máu “ Sở cuồng” nổi lên, chúng tôi bèn hứng chí đốt đuốc đi tìm đền để đốt. Nhưng bi kịch thay, đi khắp xứ sở này, chẳng tìm đâu ra đền để đốt. Cái ông Lạc Huấn đại ngôn gọi là đền, chẳng qua chỉ là vài ba túp lều rách mà thôi, đốt làm gì, mang tiếng. Than ôi, bi kịch của kẻ muốn đốt đền mà không tìm ra đền để đốt mới sầu muộn làm sao! Nếu ông Lạc Huấn rủ lòng thương, xin chỉ dùm đền nằm ở đâu, chúng tôi sẽ tìm tới để đốt chơi.”
Ông Trần Mạnh Hảo cho rằng “ở xứ sở này chẳng tìm đâu ra đền” hay chẳng qua “chẳng qua chỉ là vài ba túp lều rách mà thôi” à? Thôi thì nếu tác giả Lạc Huấn chưa kịp chỉ cho ông Hảo ở xứ mình có những cái “đền” nào thì tôi xin thay mặt chỉ cho ông Hảo một số ngôi “đền thiêng” sau đây để ông Hảo tìm đến mà “đốt” vậy: nào là “đền” Nguyễn Trãi, “đền” Nguyễn Du, “đền” Nguyễn Bỉnh Khiêm, “đền” Vũ Trọng Phụng, “đền” Nam Cao, “đền” Hoài Thanh… và rất nhiều đền khác nữa kia kìa ông Hảo đi nốc rượu vào rồi thì đốt đuốc lên đến đó mà “đốt đi”. Đấy những ngôi “đền thiêng” của văn học, văn hóa ở “xứ sở này” đó – những “ngôi đền” mà một thời ông Hảo đã hết lời khen ngợi đó; những “ngôi đền” giúp cho thế giới biết rằng ở “xứ sở này” cũng có người đạt tầm danh nhân văn hóa của nhân loại đó. (Nguyễn Trọng Bình)
     Cảm ơn Nguyễn Trọng Bình đã nói hộ suy nghĩ của tôi với 1 kẻ ngông như ông Hảo. Thà được như Nguyễn Công Trứ, như Tản Đà,  như Xuân Diệu,… có tí ngất ngưỡng, tí ngông còn chấp nhận, tha thứ được chứ như ông Hảo thì thật là vô lối. 
      Các vị giáo sư tên tuổi có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, văn học… được ông Hảo hầu chuyện, tôi tin chắc ít ai trong số họ vui vẻ, kìm chế nổi để  nói chuyện, gặp mặt ông Hảo. “Còn những ai bị ông ghét bỏ, bị ông đả kích thì sẽ nhắm mắt giả mù, bịt tai giả điếc chẳng muốn nhìn mặt và nghe ông nói nữa… Như vậy cuộc chiến đấu của ông sẽ chẳng khác gì Don Quichotte chiến đấu với chiếc cối xay gió mà thôi” (Đinh Kì Thanh)
“ Trong bài viết Trần Mạnh Hảo lại ví người ta như chó …thì ôi thôi. Máu hỏa của Trần Mạnh Hảo nhiều khi bốc quá thành ra mất hay. Kẻ hèn mọn này mạo muội vài lời với nhà thơ Trần Mạnh Hảo hãy kiềm chế nóng giận để mãi có một Trần Mạnh Hảo mà mọi người tôn trọng,ưa thích” ( Nguyễn Bá Cự)
      Ông Hảo dần dần tất sẽ bị cô độc. Cái cô độc của ông Hảo là do tự ông chuốc lấy. Ông càng phê phán cay độc và thiếu văn hoá thì ông càng mất đi bạn bè và sự kính trọng của đa số bạn đọc. Nhân vô thập toàn, ai cũng có cái sai, nhưng góp ý cho người bình thường thôi  cũng phải có văn hoá chứ không phải cho các giáo sư đầu ngành. Họ là cái “bình” là cái “ đền” mà tôi muốn chỉ cho ông Hảo đó thế mà ông cho đó là những túp lều rách. Một vài cái sai sót nhỏ so vơí cả cái sự nghiệp, nhân cách của các vị giáo sư đáng là bao mà ông nỡ đánh cho họ tơi bời. Ông Hảo ạ, làm sao khi được góp ý họ tiếp thu và sửa chữa, mang ơn ta mới là người tài giỏi. Làm sao “phê phán cái xấu, cái lố bịch cái lỗi thời để tống tiễn nó ra khỏi đời sống xã hội một cách vui vẻ” ( Molie re). Đừng theo chủ nghĩa phê bình vì nó là lũ “ ruồi nhặng” không biết chổ tốt đẹp thơm tho mà chỉ chăm chắm vào nơi xấu xa, hôi thối”( Lê nin)
     Trong bài viết tôi có nói về chuyện sử dụng bút danh, từ địa phương Nghệ Tĩnh, ông Hảo hiểu sai rồi ông lại phê người khác sai, tôi góp ý lại nếu đúng thì ông nên vui vẻ tiếp thu chứ. Đây là chuyện học thuật, văn hoá mà.
     “Tóm lại qua bài viết này chúng tôi chỉ muốn khẳng định rằng ông Hảo là người có tấm lòng tốt, có nhiều ý kiến hay, xác đáng, ông lại muốn mọi người viết hay hơn, tài hoa hơn… song cách phê bình và đánh giá thường “đao to búa lớn”, nhiều lúc lại báng bổ, “thày đời” khó làm cho người được góp ý chấp nhận ngay lập tức. Ông Hảo cũng là một nhà thơ nhà văn từ trong lò “văn học quốc doanh” mà ra chứ đâu phải là “văn sĩ hải ngoại” hay thi sĩ từ trên trời rơi xuống mà không biết rõ những “con rận trong tấm mền văn học ”. Thế nhưng, nếu ông phát biểu mềm mại hơn, ít trích dẫn các kiến thức sách vở khiến người đọc khó chịu, chắc chắn ông sẽ được đa số khán thính giả ủng hộ và yêu mến.” (Đinh Kì Thanh)
  2/- Cọc đèn tối chân:
    Nhân dân ta có  nói :“Cọc đèn tối chân”. Cho là vĩ nhân đi nữa cũng khó hoàn hảo. Mình khó nhìn thấy cái chưa tốt của chính mình. Nếu được ai chỉ cho thì hãy khiêm tốn tiếp thu mới mong tiến bộ được. Còn cứ theo kiểu; “ Cử thế giai độc ngã độc thanh; Cử thế giai tuý ngã độc tỉnh” cho người tục, ta thanh; người say ta tỉnh, tự đặt bản ngã cao, to hơn người sẽ đi đến suy nghĩ và hành động sai lệch và tự chuốc lấy những điều bất an.
    Trong cuộc trao đổi này có dăm bảy bài viết, có kẻ khen, hâm mộ, có người chê, phê phán tôi chỉ mong ông Hảo hãy bình tĩnh, kiềm chế bản ngã, đừng “ sân’ ( Tham –sân – si trong Phật giáo) đừng kiêu căng ngạo mạn. Ông nên nhớ viết về ông ngoài lời khen ra thì các tác giả hầu như coi ông Hảo là thằng Chí, gã Đonkihote mà thôi.
- Tác giả Trần Đình Trợ là người hâm mộ ông Hảo, cuối bài hạ 1 lời chúc thật lòng: Qua trang Trannhuong.com, cho tôi gửi tới Ngài Donkihote Trần Mạnh Hảo” lời chào của một người hâm mộ”. Ông Trần Đình Trợ tự nhận là Đồ Gàn xứ Nghệ. Với lối viết ảo diệu, nói không phải mà phải, khen đó đọc ra lại là chê… Tất cả cái mà ta tưởng là khen ông Hảo ( hàng chục dòng ngợi ca) rút cuộc với 1 lời chúc, ông Hảo chỉ là 1 Don Quichotte mà thôi. Ông Trợ là Trạng Gàn của dân xứ Nghệ chúng tôi đó.
-Tác giả Đinh Kì Thanh cũng khuyên ông Hảo nên chú ý đến hậu quả của việc mình làm, nếu không: “ Cuộc chiến đấu của ông ( TMH)sẽ chẳng khác gì Don Quichotte chiến đấu với chiếc cối xay gió mà thôi” ( Đinh Kì Thanh).
-Nhà văn Xuân Sách không phải dễ dãi, tuỳ tiện khi dựng chân dung Trần Mạnh Hảo bằng những dòng thơ ấn tượng: 
“Ôi, thằng Trần Mạnh Hảo
Đi phỏng vấn Chí Phèo
Hắn chết từ tám hoánh
Đời mày vẫn gieo neo
Còn cái lão Bá Kiến
Đục bản in thơ mày
Bao giờ thì say rượu
Bao giờ thì ra tay”?
   Thưa nhà văn Xuân Sách, ông hỏi (TMH) bao giờ thì uống rượu ư? Ông ta uống rồi, nhiều nữa nhà văn ạ “ Một mình xơi hết vài vò rượu, máu “ Sở cuồng” nổi lên” rồi. Còn nhà văn hỏi: Bao giờ thì ra tay”?, thưa nhà văn Xuân sách, ông Hảo đã và đang ra tay. Khiếp lắm. Ông Hảo đang   “hứng chí đốt đuốc đi tìm đền để đốt. Nhưng bi kịch thay, đi khắp xứ sở này, chẳng tìm đâu ra đền để đốt. Cái ông Lạc Huấn đại ngôn gọi là đền, chẳng qua chỉ là vài ba túp lều rách mà thôi, đốt làm gì, mang tiếng. Than ôi, bi kịch của kẻ muốn đốt đền mà không tìm ra đền để đốt mới sầu muộn làm sao! Nếu ông Lạc Huấn rủ lòng thương, xin chỉ dùm đền nằm ở đâu, chúng tôi sẽ tìm tới để đốt chơi.” Thế đó nhà văn Xuân Sách ạ. Xuân Sách gọi ông Hảo là “thằng” là “ mày” vì TMH đi với thằng Chí, lão Bá Kiến mà. Thế mà Lạc Huấn tôi mới gọi ông Hảo là “hắn” ( đại từ ngôi thứ 3) mà thấy TMH tỏ ra khó chịu?
 -Về việc đòi đốt đền của TMH tác giả Nguyễn Trọng Bình viết và tặng thơ ông ta như sau:
“Đốt chơi” hả ông Hảo? Ông đã thừa nhận ông việc ông viết phê bình chẳng qua cũng giống như việc là đi “tìm đền” để “đốt chơi” đúng không? Xin thưa với ông Trần Mạnh Hảo, xin thưa với Lê Hoa và những người xem Trần Mạnh Hảo như là “vĩ nhân”, là “dũng cảm”, là “anh hùng”, là người “có tâm và có tài” rằng: với phát ngôn trên tôi chỉ có thể nói ông Trần Mạnh Hảo trong mấy chữ thế này:
“Ngông” – ngông cuồng
“Ngang” – ngang ngược
 “Ngạo” – ngạo mạng
“Hoang” – hoang tưởng và
“Vô”– vô ơn.
      Qua mấy bức chân dung của mình do mọi người dựng lên, mong ông Hảo đọc, xem, ngẫm kỉ, xem có cái gì chưa được thì hãy tự tu mình để ông HẢO  luôn là người TỐT trong lòng bạn đọc, như cái thuở ban đầu chúng tôi nghĩ về ông.
     Tôi xin cảm ơn chủ bút Trannhuong.com đã tạo ra 1 sân chơi bổ ích, cảm ơn tác giả Đinh Kì Thanh, Nguyễn Trọng Bình đã có bài viết đúng mực, theo hướng xây dựng. Mong ông Trần Mạnh Hảo, bạn đọc cảm thông, lượng thứ cho cho những gì tôi viết.   
Lạc Huấn.