( Sưu tầm & sáng tác)
THƠ VÀ NHÀ THƠ
Hai nhà thơ đứng chờ xe buýt trò chuyện với nhau:
- Dạo này ông có viết được gì không?
- Viết được cái đếch gì đâu, vợ tôi cấm tôi làm thơ rồi ông ơi. Mụ ấy bảo hôm nào tôi làm thơ là y như rằng hôm ấy nhà ruồi muỗi. Nghe tức lộn ruột.
- Trời, tưởng gì, quá dễ! Ông cho bản thảo vào cái hộp Lock and Lock chuyên đựng thực phẩm của Hàn Quốc ấy, kín mít. Người ta bán vô thiên lủng, siêu thị nào chả có.
- Thế à? Chắc tôi phải mua hộp Lock and Lock thật đấy. Thế còn ông, viết lách ra sao?
- Tương đối, nhưng tôi toàn phải viết lén mụ vợ. Tôi viết ở cơ quan, viết xong cho vào ngăn kéo bàn làm việc, khóa lại, về nhà là… thôi, không hó hé thơ phú gì hết…
- Này, hình như phụ nữ mà vớ phải những ông chồng làm thơ thì tự nhiên mũi bà nào cũng thính kinh khủng ông ạ.
- Ui cha, đúng ngay tróc, hình như gì nữa. Bữa nào tôi làm thơ ở cơ quan, là y như rằng chiều đi làm về, vừa bước chân vào nhà, mụ vợ tôi đã sừng sộ: Ông lại làm thơ hả? Làm ơn vào tắm rửa giùm tôi cái đi, nhanh nhanh lên!
- Thôi, thôi, kệ xác mấy mụ vợ già lắm mồm, khó ưa. Chúng mình cứ phải làm thơ chứ ông. Thơ chúng mình đâu đến nỗi. Thiên hạ người ta còn phải đi đêm, nhờ vả, bợ đỡ, ơn huệ khen thơ nhau để cho thơ bớt nặng mùi đi kia kìa.
- Kia kìa là ở đâu?
- Internet chứ ở đâu nữa, ồn ào cả gần tháng nay, ông vào mạng mà coi. “Nghệ thuật” để làm thơ bớt mùi đi người ta gọi là ”bốc thơm” đấy.
- Ừ há! Nghĩ cũng hay. Khen thơ mà làm thơ bớt nặng mùi đi được thì quá “siêu”.
Một ông cũng đứng chờ xe buýt nghe thế đột nhiên reo tướng lên:
- Ối hai bác nhà thơ ơi. Cho em hỏi thăm tí, mấy cái bác nhà thơ khen thơ mà làm cho thơ hết nặng mùi tên là gì vậy? Hai bác làm ơn cho em xin số điện thoại của các bác ấy được không?
- Thế ông cũng làm thơ à?
- Không, không! Nhà chúng em chỉ chuyên sản xuất chai sáp… lăn nách!
BÀ CÒNG
Bà má ru con ở trong nhà:
À… ơi…
Bà Còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà Còng
Đưa bà qua quãng đường cong
Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà
À…ơi…
Tiền bà trong túi rơi ra
Tép tôm nhặt được trả bà mua rau.
Thằng con trai học lớp 5 nghe má ru em liền bảo:
- Ba! Ba! Cái ông làm bài thơ này ngộ ghê. Tôm tép lượm được tiền bà Còng thì trả cho bà ấy, có chi mà phải làm thơ khen ngợi này kia nọ.
Ba nó hỏi lại:
- Thế con lượm được tiền bà Còng làm rớt, con có trả cho bà ấy không?
- Trả liền, ba. Lượm được tiền rớt mà ra chợ chỉ mua được mỗi mớ rau thì lấy tiền ấy làm chi mang tiếng, ba. Bọn tôm tép giả bộ tốt, cáo!
- Thế tỉ dụ bà Còng làm rớt thật nhiều tiền, con lượm được có trả cho bà Còng không?
- Làm sao đến lượt con lượm hả ba. Bọn tôm tép theo sát bà Còng như thế chúng nó lượm mất tiêu chứ. Í ba ơi, bọn lớp con chúng nó còn chế ra bài thơ hay lắm. Má ru bài này em con mà nghe thì ngủ mới đã.
- Đâu, bài nào, chế thế nào?
- Đây, bài nè ba:
Bà Còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà Còng
Đưa bà qua quãng đường cong
Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà
Chỉ vàng bà mới rơi ra
Tép tôm nhặt lẹ, thế là…cưa đôi!
Hí…hí…hí…
MỘT CUỘC PHỎNG VẤN
Một nhóm chuyên gia Phòng Kinh doanh và Tiếp thị Tổng Công ty Z trong hai ngày ròng phỏng vấn gần một trăm người xin việc. Họ cần tìm một người cho vị trí Trưởng phòng Phân tích tâm lý tiêu dùng và điều phối hàng hóa. Thôi thì đủ thành phần tham dự phỏng vấn: Kỹ sư, Cử nhân các ngành Kinh tế, Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Cơ khí, nhân viên tiếp thị…
Sáng nay, công việc tiếp tục. Người giúp việc nhóm phỏng vấn xướng lên:
- Xin mời người số thứ tự 97.
Chuyên gia Kinh doanh hỏi:
- Em có thể nói lí do em đến tham dự phỏng vấn không?
- Em muốn thử sức trong lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới ạ.
- Em đang làm nghề gì?
- Dạ, em bán quần áo Sida ở chân cầu Tham Lương, quận Tân Bình.
- Em làm nghề này lâu chưa?
- Dạ, gần 10 năm?
- Hàng bán chạy không?
- Thưa, hàng của em là loại hàng bình ổn giá nên bán chạy.
- Ô, ô, bình ổn giá à? Hay lắm! Bình ổn giá chính là một trong những yếu tố tạo nên nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa mà. Như thế là tư duy kinh tế của em rất… quan điểm, rất chi là…vĩ mô đấy.
Chuyên gia Phân tích thị trường hỏi:
- Làm thế nào mà em lại có thể bình ổn giá trong lúc đồng tiền mất giá?
- Dạ, chỉ nên nói đồng tiền tạm thời rớt giá, giống như sự rơi rớt, làm vơi bớt đi thứ gì đó chúng ta đang đầy, chứ không nên nói mất giá. Từ “mất” bao hàm cả nghĩa không tồn tại, không còn tí giá trị nào. Ví dụ như nói bác Sùng Bái Tín nhà em mất, nghĩa là bác Tín không còn tồn tại, phải không ạ? “Mất” còn bao hàm cả nghĩa sẽ không bao giờ tìm thấy nữa. Cụm từ “mất giá” nghe rất chi là… tiêu cực.
- Tuyệt, em rất ngôn ngữ tiền tệ! Thế em có lập quỹ bình ổn giá không?
- Sao không? Em lập quỹ bình ổn giá gần 10 năm nay rồi.
- Bằng cách nào?
- Thưa, em luôn luôn điều chỉnh giá bán hàng vào 2 ngày lĩnh lương tháng của công nhân.
- Em nói rõ hơn được không?
- Ví dụ ngày thường em bán 20 ngàn đồng/ áo sơ mi. Ngày 15 và ngày 30 hàng tháng, công nhân lĩnh lương, em sẽ bán 30 ngàn đồng/ áo. Đó là 2 ngày vui nhất trong tháng của các thượng đế. Ngày vui người ta thường xông xênh, ít so đo rị mọ hơn ngày không vui. Em trích một phần tiền lời bán hàng từ hai ngày này đưa vào quỹ bình ổn.
- Tốt, còn bình ổn bằng cách nào nữa không?
- Thưa, hiện em có tất cả 45 điểm bán hàng trên toàn thành phố và các tỉnh phụ cận như Đồng Nai, Bình Dương… Tại sài Gòn, những điểm bán hàng trước cổng các khu Công nghiệp Tân Tạo, khu Chế xuất Tân Thuận… thì phải bù lỗ cho các điểm bán lẻ nơi khác ít khách hơn. Đó là cách bình ổn giá thực tế và hiệu quả nhất. Nhưng những điểm bán hàng nào được ưu tiên cấp vốn, vay vốn, bù lỗ mà vẫn lỗ lã hoài thì em sẽ… tái cơ cấu.
- Ồ, em rất sáng tạo. Em có kế hoạch gì trong tương lai?
- Nếu mọi việc suôn sẻ, sang năm em sẽ thành lập VI-NA-SI-DA-HA-CÔ-PO-RÂY-SẦN.
- Nghĩa là gì?
- Đó là từ phiên âm Tổng Công ty hàng Sida Việt Nam. Tương lai nó sẽ là một quả đấm thép của thị trường Sidaha Việt Nam. Nó sẽ cạnh tranh mạnh mẽ và chiếm lĩnh thị trường Sidaha của các nước trong khu vực.
- Rất tốt, rất năng động, dám nghĩ dám làm.
- Nhưng tăng giá bán một áo từ 20 ngàn lên 30 ngàn, em có nghĩ rằng đã tăng 50% giá gốc không?
- Thưa, không nên gọi là tăng giá ạ.
- Thế thì gọi là gì?
- Thưa, phải gọi là điều chỉnh giá. Em vừa sa thải bốn thằng nhân viên vì chúng nó cứ nói tăng giá…. tăng giá. Ghét, cho nghỉ luôn!
Tất cả 4 chuyên gia của Phòng Kinh doanh và Tiếp thị đều bật dậy như một cái lò xo:
- Quá tuyệt vời! Người chúng ta cần tìm đ…â…y… r…ồ…i!
Ô…hô…hô!…
Sài Gòn, 20.10.2011
VDC
( Còn tiếp)