Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“BIẾT BAY MÀ CÒN LẠC”

Nguyễn Lâm Cúc
Thứ sáu ngày 21 tháng 10 năm 2011 4:08 PM
 
Tất cả chúng ta không chỉ mơ mình đứng vững trên đôi chân mà con ước ao tung mình lên khỏi mắt đất, lướt đi tựa gió. Nhẹ hẫng như mây trên tầng không. Uớc mơ đâu chỉ một ngày, mà hết cả đời, rồi truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia, đến độ giấc mơ biến thành máu đỏ chảy rần rần trong huyết quản. Rồi máu đỏ thôi thúc gắng sức, kiên định, cắn răng, trợn mắt ăn sóng, nuốt khói chỉ cốt sao đi được, chạy nhanh, nhảy cao và nung nấu ý chí một ngày nào đó cất cánh bay lên.
 Ôi chao, khi con người rời khỏi mặt đất, thoát khỏi những cản ngăn, vướng bận, che chắn, tầng không mở ra lồng lộng tha hồ vun vút  bay lượn, nhởn nhơ bằng chính đôi cánh mọc lên không phải trên vai mà ngay dưới nách, thì khi ấy, con người sẽ ngừng mọi giấc mơ lại chăng? Và bay được là giấc mơ cuối cùng, thỏa mãn chăng?
 Có vẻ như đang là thế.
 Bởi bay  như chim cho đến bây giờ vẫn chỉ là cõi mơ, chưa có ai đến được nên chưa thể có câu trả lời ngược, hoặc nếu có nói khác đi sức thuyết phục cũng kém.
 Thế nhưng, dù “biết bay, vẫn có thể lạc”. Mà bay trên tầng không, tầm mắt mênh mông, tự do khoáng đạt vậy mà vẫn lạc thì sự lầm lạc chắn chắn dù biết mình sẽ lầm lạc vẫn khó mà thoát. Truyện ngắn Phần Mềm của nhà văn Phan Đình Minh đã cho một cái nhìn vừa cụ thể, vừa ẩn dụ về một loài đang bay và một loài đang mơ bay nhưng lại có số phận gần như giống nhau.
 Nền tảng, không gian truyện là một chốn mà người đời luôn phải ngước nhìn lên với đôi mắt tôn kính, bởi nó được cấu trúc ở thượng tầng cuộc sống: Giới tri thức và khoa học. Hơn nữa, đó là những nhà lãnh đạo, muốn hay không muốn thì họ cũng chính là vai, đầu của xã hội, đại diện cho văn minh, cho tiến bộ và tất nhiên còn  đại diện cho cả những gì tốt đẹp ví dụ như sự tao nhã, tử tế, hay nói cách khác là đại diện cho Văn hóa. Nhân vật Quảng, trong truyện ngắn Phần Mềm là một đơn cử, hãy dành chút thời gian ngắm nghía chân dung của ông ta: “ Ngày đầu ông Quảng về Viện, tiếp xúc, ai cũng xít xoa: “Cơ quan nghiên cứu mà có người hào hoa thế. Cái gì cũng sâu, cũng thạo”. Tóc ông Quảng thì luôn bồng bềnh như mây xếp. Về mái tóc, nhiều người đã nhầm. Ông Quảng bị hói nặng, khéo vun mà được cái đầu giả, lọn có, búp có, chuẩn như lợp, cầu kỳ giống đầu văn nghệ sỹ. 
“Thời sạch sẽ các cụ hói qua lâu rồi”- Tự tin về mái đầu đẹp, ông Quảng hay kháy khót, phân biệt mình với các vị giáo sư của viện. Nguyên nhân cũng bởi mấy năm nay, Hội đồng giáo sư luôn để tiếng trong các cuộc nghiệm thu đề tài khoa học. Các cụ hói toàn “Nghiệm thu vô tội vạ. Trăm phần trăm”. Đơn vị nào đưa đề tài lên, đều “xét chọn”. Điểm thầu, bao, cũng cân. Chuẩn không cần chỉnh. Phong bì đã nhận, phải vỗ tay thôi. Không lẽ xẻn chữ “khen”, “tốt” là đằng khác. Chuyên đề sập xệ thì Hội đồng chấm “trung bình”. Có đủ thang để ghép. Mấy gã thất sừng không chức, không quyền lúc nào trõm được chuyện tò he, lập tức ngoác mồm gọi nhóm kinh viện này là “gà”.
Không biết người khác như thế nào, còn tôi, nếu may mắn được diện kiến ông Quảng, tôi sẽ tay nọ úp vào tay kia để ngay phía trước, một dạ, hai thưa vô cùng e ấp, tỏ rõ rằng thì mà là… tôi rất “ruyên ráng” để còn kiếm chút thiện cảm với người đối diện. Và tất nhiên, không cần hét, chỉ cần ông Quảng chau mày cũng đủ thấy lửa khói ngút vòm trời ông ta ngự trị. Cho nên, tôi hoàn toàn đồng cảm với sự thập thò mãi nơi cửa của Đông, một nhân viên tuy có bằng cấp nhưng lại thiếu nhiều thứ như chỗ dựa, tiền bạc và…liều lĩnh
“ - Chú cho cháu cái thiết kế hệ thống.
Đông thập thò mãi ở cửa phòng ông Quảng. Hơi lạnh của chiếc điều hòa nhiệt độ 18000 BTU loang dịu góc hành lang. Mùi nước hoa xịt phòng thoang thoảng, khiến chồng tôi nhẹ bẫng người.
  - Thiết kế gì? Phần mềm cần gì phải hệ với thống.
  Chết cha. Ông Quảng lại phán không cần bản thiết kế hệ thống mới gay. Mặt Đông bạc phệch như tờ giấy ăn, chuyền dần sang dừ đỏ. Anh đứng như trời trồng, dũi mãi mũi giầy muốn thủng tấm thảm chùi chân mà ông Quảng chẳng gọi vào, cũng không đuổi ra. Con chim sẻ mắc kẹt từ hôm qua trong hành lang kính, cứ bay loạn xạ, bỗng lao phịch vào vai Đông, làm anh giật bắn người.
Trấn tĩnh một hồi rồi Đông cũng liều hé mắt nhòm vào. Hoảng hồn. Trong phòng, ông Quảng đang gập mình lên màn hình máy vi tính. Đông thoáng nghe thấy gì chiu chíu như tiếng va chạm binh khí kim loại. Chết cha, đây là trò chơi game Võ lâm truyền kỳ.”
Thật dễ hiểu khi Huệ xuất hiện trước mặt ông ta với miệng nhoẻn cười  sao cho hé chiếc răng duyên và lún đồng tiền vừa tròn, vừa sâu trên má nhằm làm quà…cầu cạnh, đó cũng là thứ duy nhất mà Huệ đang sở hữu và tự tin khi mang ra đặt cược với thế nhân. Nhà văn Phan Đình Minh viết:
“Tôi bước tự tin qua cánh cửa bọc da, nặng chịch. Trên tay vung vẩy tập thuyết trình phần mềm HOX2.
- Gặp tôi?
  Ông Quảng tỏ ra ngạc nhiên. Tôi nhoẻn miệng cười, cố hé chiếc răng duyên và cái lúm đồng xu. Ông Quảng dùn gối, ấn quả bóng xanh vào dây gánh. Màn hình kêu rộp... điểm thưởng 200.
  - Cháu là Huệ, vợ Đông, chú ạ.
 Ông Quảng đóng cái cúc thứ 2 chiếc áo véc mầu xám tro đang mặc. Rướn người, chìa tay về phía ghế sô pha. Mắt ông đánh ra cửa rất nhanh. “Cánh cửa lúc vào mình đã khép, mà lò xo tự động bao giờ chẳng kéo nó chặt chàng” - ý nghĩ lướt trong đầu tôi.
  - Thế à. Tưởng bạn bên Vụ đối ngoại. Mình già lắm à?!
Mắt ông Quảng ánh lên. Tay ông vân vê quả đào bằng đá ngọc bích, nhìn phát ghét! Mà sao lại mang đào tiên lên bàn làm việc!
 Mắt cười, mồm cười, mũi cười.
  Trán ông Quảng nhẫy nhầy như có nắng đậu trên.
“Ông ta trẻ thật”- Tôi lại nghĩ. Ông Quảng buông quả đào đá, đưa tay lên ốp ốp mái tóc cứng đét vì gôm.
- Chú viên mãn chán. Anh Đông gọi vậy, nên cháu...
Tôi cười tin cậy. Ông Quảng còn dễ chịu hơn những gì Đông kể ấy chứ.
- Đông là việc của nó, mà thôi, tuỳ Huệ.
- Cháu đến báo cáo cái phần mềm HOX2.
- À, ừ, phần mềm.
Con chim sẻ bữa nọ bị lạc, suýt chết đói trong hành lang kính, hôm nay lại sa tới. Nó cứ chấp chới rồi lao mình bùm bụp vào ô cửa mé ngoài.
Biết bay mà còn lạc!?”
Đến đây, con chim Sẻ xuất hiện lần thứ hai trong truyện ngắn này. Thoạt đầu, tưởng như con chim Sẻ vô tình vướng vào mắt Đông khi cậu kỹ sư bất tài, bất lực thập thò cầu cạnh xin duyệt một dự án. Lúc đứng trong hành lang, Đông ngó buâng quơ vừa để trấn an mình, vừa tìm thần hộ mệnh , nếu trên đời có vị thần này. Nhưng bay vào trong mắt Đông chỉ là một con chim lạc. Một chi tiết vàng. Bởi vì, khi khép truyện ngắn lại, các nhân vật trôi theo số phận của mình thì cánh chim va đập mãi trong hành lang vẫn cứ va đập vào tâm thức người đọc. Cái câu, “ Biết bay mà còn lạc” chỉ năm chữ, nhưng nghĩa của nó lại thăm thẳm, khiến ta có thể suy tư hoài, day dứt hoài và có lúc phải à lên, câu này, năm chữ này đâu chỉ là Văn mà là Thơ. Bởi sự súc tích, hàm chứa, sức khơi gợi mạnh mẽ đồng thời cũng rất hình tượng.
Con chim Sẻ trong hành lang cũng chính là hình ảnh của Huệ, vợ Đông. Nhân vật chính của truyện ngắn Phần Mềm. Huệ có trình độ chuyên môn giỏi, có bằng cấp cao, có nhan sắc và đang trẻ trung. Nếu nói một cách bóng bẩy, chữ nghĩa thì Huệ đang có đôi cánh đủ sức bay cao, bay xa trong cuộc đời.
 Nhưng không, Huệ đã lạc. Có thể sau này Huệ tìm được lối ra, có thể Huệ bay cao hơn, cũng có thể những cú va đập lần này làm gãy đôi cánh  suốt đời?
Huệ yêu chồng, có trách nhiệm với gia đình chồng, với người cha chồng đang chờ chữa mắt cấp bách, kinh phí dành cho Phần Mềm HOX2, là cứu cánh duy nhất, trong lúc này của Huệ. Không chỉ thiết kế phần mềm, làm thay chồng tất cả mọi công việc của công trình, Huệ còn chịu đựng đôi bàn tay oặt ẹo của ông Quảng bò khắp thân thể mình. Một cái giá dành cho một lợi nhuận mà Huệ chẳng còn gì để mặc cả?
“Tôi lại rùng mình. Đã ba đêm rồi tôi khóc vì không thể quên cảm giác bàn tay đuồi đuội, mềm oặt, lạnh băng của ông Quảng luồn dưới eo mình.
Lão này mắc bệnh hoa liễu, không cơm cháo gì được nhưng thói gió trăng luôn ngời ngời trỗi dậy khi vấp mắt bất cứ người khác giới nào. Nghe đồn, có lần trà dư tửu hậu lão buột miệng tuyên bố với đàn em: “Bút của anh có thể viết đủ loại giấy”. Mỗi lần vậy, lũ đàn ông cấp dưới lão lại quay mặt, trõ vào tai nhau “Cái thân bềnh bệu kia có lên máy ép mía cả ngày cũng chẳng thể ra một giọt thứ nước tạo người quý giá đâu”. Hơn nữa, lão đang mắc chứng... biến dạng, của mình mà lão chẳng dám nhìn. Mấy tháng nay, đông tây y, chui lủi chữa hoài không khỏi. Cực nhất là tối tối phải nghĩ đủ mẹo, kiếm đủ cớ để cách ly bà vợ già nhưng lắm tiền, vàng.
  “Chiều chú tí. Chú chỉ nhòm. Ôi cháu đẹp. Cháu có kêu, chẳng ai cứu lúc này”.
Nỗi sợ hãi cùng cực, sự khinh bỉ, dẫn đến cảm giác chai lì, tràn ngập trong tôi. Tôi nghe ùng oàng tiếng bom tấn dội từ xa. Rồi đôi mắt nhằng nhịt mộng thịt của ông nội thằng cu Quy cứ lồ lộ. Mặc kệ cho bàn tay những mỡ là mỡ, mềm oặt rờ rịt suốt quãng eo thân thể, dịch xuống... từ đầu đến chân tôi lúc này tựa bùn lã tã rơi khi vách rơm tuột nhứng.
“Thế đã xong chưa ông?”.
“Ôi, chú mệt”.
“ Mệt, còn ham!”.
“Cháu đẹp quá. Chú chết mất”.  “Chú sẽ ký HOX2, mai bảo Đông làm các thủ tục thanh khoản”.
Lão Quảng bệt xuống nền nhà. Hốc mắt lão thấy hai dòng nước. Hô hô. Lần thứ hai tôi gặp lão khóc, một lần khi bố lão chết, lão đứng cạnh quan tài giơ tay cảm ơn mọi người đi quanh. Hồi đó tôi cứ tấm tắc, ông Quảng này thương bố ghê. Còn lần này...
Con chim mang tên Huệ đã lao vào hành lang đời,  bởi vì Huệ nghĩ có thể vút ra khỏi hành lang bằng những cánh cửa trong trẻo kia. Không. Huệ không nghĩ thế, Huệ ở vào cuộc chẳng đặng đừng, biết hành lang là lối hẹp, là không thoát khỏi đau đớn, đọa đày nhưng chẳng thể nào tránh ? Có vẻ như đó là ngỏ cụt mà Huệ không thể không đi, bởi vì Huệ từng nghĩ: “Tôi như cây nước đá bị dòng nước nóng xuyên tâm. Bốn tháng sau, mấy anh chị em cũng sửa xong cái nhà cho cha. Tổng kết kinh phí, vợ chồng tôi lo nhiều nhất. Mấy chỉ vàng hồi môn bay theo xi măng, vôi cát, gạch lát nền. Cả mười mấy triệu vay lãi cao.
Cây nước đá thủng toang hoác không biết lấy gì hàn!”
Cây nước đá không phải bị một cái gì khác mà bị chính dòng nước nóng xuyên thủng. Cùng là nước, vậy mà xuyên rỗng nhau. Thì nghĩa là bị chính những điều tưởng như là mình, chính mình, hay nói khác đi đó là bổn phận của mình, trách nhiệm của mình và nó xuyên rỗng chính mình đến không thể vá, hàn, hay đắp lại nổi mà chỉ còn chính giữa lòng người một sự toang hoác!
 Truyện ngắn đắt giá nhờ chi tiết độc. Trong Phần Mềm, nhà văn Phan Đình Minh lại thêm một lần nữa cho thấy trong kho chữ nghĩa riêng ông, chi tiết luôn bất ngờ, giàu biểu cảm: “Cây nước đá thủng toang hoác không biết lấy gì hàn”, lại là một chi tiết sang, nổi bật  khi mang nó đặt song hành với nhân vật thì nỗi đau, niềm day dứt  của con người nhân lên gấp bội.
 Viết đến đây bất ngờ nhớ một câu thơ nhại của nhà văn Nguyễn Quang Lập “ Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh!”
Vậy bay có phải là ước mơ duy nhất mỹ mãn của con người?
 Giữa không biết bay vĩnh viễn và biết bay theo một cách nào đó ai hạnh phúc hơn? Hay nói cách khác, một người phụ nữ ít hiểu biết, chấp nhận mọi nỗi cuộc đời trong mơ hồ, ngu ngơ, quẩn quanh hạnh phúc hơn,  hay biết rõ tường tận mà vẫn chấp nhận, thì hạnh phúc hơn?
Nhận biết, hay nhận thức đang được cho là điểm ưu việt riêng của loài người. Nhưng cũng có người cho rằng chính sự nhận biết là đau khổ. Nhà văn Phan Đình Minh lại tấm tắc trong một bài viết khác rằng: “ Chúng tôi đã yêu thương nhau như loài vật”. Mà loài vật yêu thương nhau thì hoàn toàn bằng bản năng. Không phải là lý trí, càng không phải là duy ý chí.  Bản năng không bao giờ đi kèm với tính toán, hơn thiệt, vậy sao có người lại cứ tô hô nói rằng sống kém nhận thức, toàn bản năng, đúng là con chứ không phải người?
Đâu là chân lý nhỉ?
Hay chữ bản năng đang bị lạm dụng, áp đặt thậm chí là đang bị cưỡng bức đến sai nghĩa?
 Không chỉ hay bằng những chi tiết ấn tượng,  truyện ngắn Phần Mềm đưa ra bối cảnh ít xuất hiện trong truyện ngắn đó là những nhân vật ở  thượng tầng chót vót của xã hội Việt Nam, và nóng hổi vấn thời, thế.  Ở tầng này, lâu nay ít nhà văn dám động đến, dám nói thẳng, nói thật vì kị húy đủ thứ. Hơn nữa, đề cập đến một lĩnh vực khoa học ứng dụng hay lập trình trên máy vi tính thì thế hệ 6 X trở về trước lại càng hiếm người đủ kiến thức thâm nhập, đừng nói chi đến việc “cởi hết ruột gan” cho người thấy cả đáy lòng.  Mặc dù, truyện chỉ mới đăng ở Tuần báo Văn Nghệ Việt Nam số 25, tháng Sáu năm 2011.
20/10/2011
Nguyễn Lâm Cúc