“Đại Nam toàn đồ” mãi tươi (1)
Hoàng Sa – Trường Sa thuở đó
vẽ phác, hơi chênh toạ độ
“một trăm ba mươi đảo hơn”
trải “mấy ngàn dặm” nước – non (2)
đảo – khơi gắn bó sông son – rừng huyền
Tổ quốc vạn đời thiêng liêng
nhất thống lòng thành địa chí
sách quý trong dăm sách quý:
cương vực đất nước huyện làng
rẻo rừng xanh, chấm đảo vàng
ghi trân trọng giữa thế gian soi nhìn
sử càng sáng niềm yêu tin (3)
in từ bao đời mộc bản
dụ lệnh đỏ hoài triện ấn
Lý Sơn lễ hội khao lề
xương máu thành hồn nếp quê
đi vào quốc sử lại về ca dao
Hoàng Sa – Trường Sa, vạt sao
trong nghìn đêm trăng óng ánh
ngực áo vảy rồng lấp lánh
nghìn khi sóng đội vầng dương
ra khơi chuyền đảo, lẽ thường
chèo theo truyền thuyết khởi nguồn Rồng – Tiên
người triều Thanh, cả Minh, Nguyên (4)
giữa Biển Đông đều là khách
chiến tranh đất liền, sông rạch
chưa bởi Hoàng Sa – Trường Sa!
tìm xuyên sử sách gần xa
những triều đó, bút chưa sa vơ quàng (5)
toạ độ quần đảo chênh chăng?
ta kéo gần vì thương nhớ!
nhất thống đậm nồng máu đỏ
địa chí trong da thịt mình
ai lay nổi niềm đinh ninh
Hoàng Sa liền một hải trình Trường Sa.
TXA.
09:09 – 16:57, 19-10 HB11
________________________
(1) “Đại Nam nhất thống toàn đồ”.
(2) Trích “Đại Nam nhất thống chí”; xem thêm: “Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn).
(3) “Đại Nam thực lục”, tiền biên và chính biên.
(4) Các triều đại ở Trung Hoa.
(5) Theo vài bài khảo cứu trên báo chí, trên mạng vi tính toàn cầu (internnet) của các nhà nghiên cứu, dịch thuật tư liệu sử học.