Tháng 6 năm 1972, có tin Vương Lân đã hy sinh ở mặt trận Quảng Trị. Bà Quê, mẹ Lân khóc khản cả giọng, họ hàng , lối xóm đến chia buồn, bà lục túi áo lấy lá thư cuối cùng của con trai gửi về cách đây mấy tuần. Bức thư đề Ái Tử, ngày 1-5-1972:
Hôm nay, sau những trận đánh ác liệt, đơn vị con tập kết tại vùng Ái Tử, con viết vài dòng hú hoạ gửi về thăm mẹ. Quảng Trị đã giải phóng nhưng còn bề bộn lắm…Ngày mai chúng con nhận nhiệm vụ mới…Trong cơn dẫy chết của quân thù, con mong mẹ bình tâm. Con sẽ chiến thắng như đã từng chiến thắng”. Đợi cho khách xem hết bức thư, bà Quê thốt lên một câu khản đặc: “ Thế mà giờ nó chết rồi, các anh ơi”! Bà Quê ngất đi, người nhà tìm nước gừng cho bà uống tỉnh lại. Có người an ủi bà rằng đây mới chỉ là tin đồn, chưa có giấy báo tử, ngay tin của đồng đội hay đơn vị cũng chưa có, chắc chi tin đồn này đã đúng. Bà Quê ngồi lặng yên. Lân đẹp trai, học giỏi nổi tiếng. Hai năm cuối cấp lớp bảy và lớp mười đều đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh. Thích làm thơ. Hồi học phổ thông đã có thơ in ở báo tỉnh và từ khi vào bộ đội, tháng 4 năm 1968, nhiều bài được đăng ở báo Quân đội Nhân dân. Suốt bốn năm tại ngũ, Lân viết nhật ký hành quân bằng thơ, nhà xuất bản Thanh niên từng in mấy trang liền…Bố Lân làm nghề dạy học. Ông tốt nghiệp trường Quốc học Vinh năm 1926, cùng khoá với giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Trước và sau cách mạng ông từng làm hiệu trưởng nhiều trường trong tỉnh Nghệ An, họ tên ông là Vương Đình Chỉnh nhưng dân trong vùng quen gọi là ông Đốc Chỉnh. Mẹ Lân làm ruộng như một nhà nông cần cù, thế nhưng hồi cải cách ruộng đất vẫn bị quy thành phần địa chủ, ruộng đất, nhà cửa bị tịch thu. Vì thế, sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhiều bạn cùng lớp được xã cho đi học đại học (thời chiến tranh không thi đại học), còn Lân thì ở nhà rồi gia nhập quân đội. Trong mấy chục bài thơ sáng tác, chỉ có một lần Lân nghĩ ngơị về chuyện này, thể hiện hai câu trong bài thơ gửi bạn: “ Vốn xưa nhà chẳng được nghèo/ Để giờ biển cả chống chèo nặng tay”. Thời ấy, nhà nghèo là thành phần cơ bản, được nhiều sự ưu tiên, còn thành phần địa chủ, dù sau có sửa sai, nhưng cách nhìn của cán bộ xã thì hầu như vẫn thế. Chỉ có một lần ấy là Lân hơi “nỗi niềm” về hoàn cảnh của mình, còn ở tất cả những bài khác, thơ Lân rất lạc quan, chỉ có súng đạn, tình đồng đội, tình quê hương và niềm tin vào thắng lợi của chỗng Mỹ cứu nước.
Làng Đông Bích của Lân có gần chục liệt sĩ hy sinh ở Quảng Trị, họ đều có giấy báo tử gửi về, địa phương lần lượt tổ chức lễ truy điệu. Riêng Lân thì không có tin tức gì, ngoài tin đồn ấy. Đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, vẫn biệt vô âm tín. Nhà bà Quê muốn làm giỗ cúng Lân nhưng không biết chọn ngày nào. Mãi đến tháng 8 năm 1976, giấy báo tử mới về. Nội dung như sau: “ Kính gửi gia đình bà Vương Thị Quê. Chúng tôi rất thương tiếc, báo tin và chứng nhận đồng chí Vương Đình Lân, sinh năm 1949, cấp bậc thượng sĩ, chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị C2. D7, E 66, F304, KH5 đã hy sinh ngày 26 tháng 5 năm 1972 tại Trạch Phổ 2, Hải Lăng, Quảng Trị trong trường hợp chiến đấu, được xác nhận là liệt sĩ. Đơn vị đã mai táng tại Hải Lăng, Quảng trị.
Ngày 3 tháng 8 năm 1976. Thủ trưởng đơn vị: Trung tá Hoàng Nhiên”.
Đọc giấy báo tử này, Vương Long, em ruột Vương Lân đã nẩy sinh ý định sau này sẽ đi tìm mộ anh trai vì đơn vị, địa phương rất cụ thể chứ không phải chung chung kiêủ “ hy sinh ở mặt trận phía nam” như nhiều liệt sĩ khác. Thế nhưng mấy lần Long tổ chức đoàn vào Quảng trị đều không có kết quả, vì huyện đội Hải Lăng nói rằng: ở Hải Lăng không có xã nào là Trạch Phổ 2, chắc báo tử ghi nhầm địa danh, hơn nữa, hồi tháng 5 năm 1972, không có trận đánh nào diễn ra trên địa bàn Hải Lăng. Không thể dựa vào tên địa phương trong giấy báo tử, thế thì phải cất công tìm đơn vị, cụ thể C2, D7, E66… Nhưng thời gian trôi qua khá lâu, đơn vị thay đổi, người cũ chẳng còn ai…kết quả tìm được cũng không có gì cụ thể hơn nội dung trong tờ giấy báo tử. Tưởng là chuyện tìm mộ anh trai trở nên mù mịt, thì từ một sự tình cờ Vương Long gặp được anh Lê Tiến Quang, quê ở huyện Anh Sơn, nhập ngũ trước Lân hai tháng, thời chiến tranh là y tá bệnh xá D9 của E66. Một điều đáng nói là Quang và Lân mặc dù ở hai tiểu đoàn khác nhau nhưng đã từng gặp nhau ở trung đoàn bộ trong một đợt tập huấn hạt nhân văn hoá văn nghệ, vì cả hai đều yêu thơ, thích sáng tác thơ. Lần ấy nhà văn Cao Tiến Lê, làm báo Quân khu 4 đã chụp cho hai người một tấm ảnh kỷ niệm, Lân đã gửi về nhà nhưng bị thất lạc. Quang đưa cho Long xem tập nhật ký bằng thơ của mình viết hồi mùa hè năm 1972 ở mặt trận Quảng Trị, trong đó có bài “Đêm Văn Quỹ” sáng tác ngày 26 tháng 5 năm 1972 (đúng ngày Lân hy sinh) ở Hải Lăng, Quảng Trị:
Sáng ngày Phò Trạch đánh to
Chiều nay Văn Quỹ ta chờ thương binh
Suốt đêm lũ muỗi hoành hành
Hừng đông lệnh rút một mình thu quân.
Để hiểu hoàn cảnh hy sinh của Vương Lân, cũng như nội dung bài thơ này, chúng ta hãy nghe lời giải thích của Lê Tiến Quang: Ngày 1-5-1972, toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng, quân ta đóng sát bờ bắc sông Âu Lâu, phía nam Âu Lâu là huyện Phong Điền của Thừa Thiên, thuộc quyền kiểm soát của nguỵ quyền Sài Gòn. Nhiều đêm bọn nguỵ cho biệt kích ra quấy phá, đánh lẻ, tiêu diệt sinh lực ta nên cấp trên cử D9 cộng với hơn hai chục tay súng của C2, D7 vượt sông Âu Lâu đánh sang mấy xã phía bắc của huyện Phong Điền. Trước sức mạnh của ta, lính địa phương nguỵ chạy tan tác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chúng đã huy động lính chủ lực với máy bay, xe tăng, pháo… bao vậy lực lượng của ta trên đất Phong Điền. Trận đánh hết sức ác liệt. Theo kế hoạch, nếu có thương binh thì đưa về hậu cứ của tiểu đoàn ở thôn Văn Quỹ, xã Hải Hoà, Hải Lăng, nhưng trong trận đó, không một thương binh nào của ta vượt sông Âu Lâu được, mà tất cả đã hy sinh! Suốt đêm y tá Quang chờ thương binh mà không đón được một ai là vì thế. Điều đáng nói ở đây là Vương Lân nằm trong số hơn hai chục tay súng của C2, D7 bổ sung cho D9. Theo Tiến Quang, Vương Lân chắc chắn hy sinh ở Phong Điền.
Tháng 10 năm 2010, Quang tự nguyện đưa Long vào Quảng Trị để tìm mộ Lân. Đoàn đi ô tô dọc đường Một, đến cầu Mỹ Chánh, rẽ về phía biển, đến vùng đất của huyện Phong Điền, Thừa Thiên tiếp giáp với Hải Lăng, Quảng Trị. Vùng đất này cách đây gần 40 năm, Quang chỉ nhìn thấy, thì nay đặt chân tận nơi. Một số cán bộ địa phương đã nhắc lại trận chiến khốc liệt ấy và dẫn Quang và Long đi thăm nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Hoà, có 130 ngôi mộ liệt sĩ vô danh, mà theo lời giới thiệu, phần lớn là liệt sĩ trong trận đánh ấy. Cả Quang và Long đều tin Vương Lân nằm trong nghĩa trang này, còn mộ nào thì chưa thể xác định được. Trong chuyến đi ấy, Vương Long đã lấy một ít đất ở vùng chiến sự đó, đem về mai táng trong nghĩa trang của dòng họ trên núi Quỳ Sơn, với tấm mộ chí Vương Lân. Trong ý nghĩ của Long, đây chỉ là nấm mộ tạm thời của anh mình cho người nhà hương khói những lần tảo mộ, để chờ đợi ngày tìm được mộ chính thức.
Thời gian gần đây, ở Nghệ An, đặc biệt là ở Nam Đàn có nhiều Trung tâm tìm mộ liệt sĩ xuất hiện, và điều đáng mừng là đã tìm được rất nhiều hài cốt liệt sĩ, đưa về quê hương. Trung tâm tìm mộ liệt sĩ của cô Hạnh ở Nam Cát xuất hiện trước, trung tâm của ông Trần Đình Bình ở Nam Trung xuất hiện sau. Và nguyên nhân xuất hiện Trung tâm ở Nam Trung cũng khá đặc biệt. Ông Trần Đình Bình sinh năm 1957, quê ở Nam Trung, Nam Đàn, là bộ đội phục viên, làm việc ở Vinh. Nhờ trung tâm của cô Hạnh ở Nam Cát, ngày 25 tháng 2 năm 2011, ông tìm được mộ cha. Sau đó hai ngày, tìm được mộ chú từ chiến trường phía nam. Sau khi hài cốt của cha và chú được mai táng trên quê hương, “vong” của người cha dặn Bình nên mở một trung tâm ở Nam Trung vì đây là nơi nằm trên con đường hành quân vào Nam của bộ đội ta thời chống Mỹ. Thế là từ tháng 3 năm 2011, trung tâm này được mở ra, và chỉ trong một thời gian ngắn đã tìm được nhiều mộ liệt sĩ. Trung tâm của ông Bình ở Nam Trung có 35 bàn thờ, nghĩa cùng lúc có thể có vong của 35 liệt sĩ nhập vào người nhà. Đó là nói về mặt lý thuyết, sự thực khó khăn hơn nhiều. Các gia đình muốn tìm mộ người thân, sau khi thắp hương khấn trước bàn thờ nhà mình thì tổ chức một đoàn từ 5 đến 10 người, là những người thân của liệt sĩ, về lập bàn thờ và ngồi thiền ở trung tâm này. Sở dĩ người ta tổ chức đoàn đông như vậy là để cho vong của liệt sĩ dễ chọn người mà nhập. Thế nhưng thời gian để vong nhập cũng khá lâu, thường là vài tuần đến một tháng mới có kết quả.
Vương Long tổ chức đoàn gần chục người, gồm Long là em trai, còn nữa là các cháu gọi Lân bằng bác hoặc bằng cậu ruột. Đoàn lập bàn thờ và ngồi thiền hơn một tuần thì vong nhập vào cháu Dũng, sinh năm 1982, con người chị ruột kề Lân. Có điều đáng lưu ý là khi vong mới nhập, nói năng rất ngọng ngiụ, chỉ hai chữ “em Long” mà phải nhắc lại mấy lần người nghe mới hiểu được. Nhưng chỉ qua mấy ngày thì nói năng lưu loát, nhưng có điều gì ràng buộc, không vong nào chỉ ngay nơi mộ mình mai táng. Lân khẳng mộ mình ở Quảng Trị, nhưng không cho biết nơi chốn cụ thể. Một điều đáng lưu ý, là khi vong của Lân nhập vào, Dũng ngồi xếp bằng, mắt nhắm, miệng trả lời câu hỏi, đồng thời tay viết ra những gì mình nói vào một quyển sổ. Vì mắt nhắm, chữ viết xiên xẹo nhưng vẫn dễ đọc. Ta hãy theo dõi một đoạn đối thoại giữa người nhà và Vương Lân vào ngày 12 tháng 7 năm 2011.
- Mộ anh ở đâu?
- Ở Quảng Trị.
- Anh nhớ ngày giỗ không?
- Có.
- Ngày nào?
- 13 tháng 4 âm lịch.
- Anh còn gì không?
- Còn ít xương.
- Anh thích về nghĩa trang huyện hay về nhà?
- Về nhà.
- Anh cho biết ngày về?
- ( cười)
- Mộ anh mai táng ở làng, xã nào?
- Đừng đưa tin gì khi anh chưa nói.
- Liệt sĩ chỗ anh nằm có đông không?
- Một mình.
- Ô tô vào được không?
- Được.
- Có biết huyện, xã nào không?
- Không nói trước, thông tin không đúng.
Trong giấy báo tử, Vương Lân hy sinh ngày 26 tháng 5 dương lịch, suy ra âm lịch, đúng ngày 13 tháng 4. Chỉ riêng điều này thôi, chứng tỏ là Lân nói, chứ cháu Dũng không thể biết được điều đó. Trước khi tìm đến trung tâm này, người nhà vẫn tin Lân nằm trong nghĩa trang xã Phong Hoà, thế mà lúc này Lân bảo nằm một mình, làm gia đình băn khoăn. Lân khẳng định ở Quảng Trị, càng chứng tỏ Lân không nằm ở nghĩa trang đó ( thuộc Thừa Thiên). Một điều nữa làm gia đình hoang mang là các cuộc đối thoại không tiến triển gì thêm để biết được nơi mai táng. Phải nhờ Trung tâm hỗ trợ thôi! Bên cạnh bàn thờ Vương Lân có một bàn thờ khác, liệt sĩ nói rất cụ thể nơi mộ mình mai táng, còn nhắc lại số lính mình viết vào tấm vải dù, và khi gia đình đó khai quật lên thì đúng y nguyên. Vong của liệt sĩ đó bảo Lân rằng: “Đừng để gia đình phải chờ đợi quá lâu, tôi ra hạn cho đồng chí đến ba giờ rưỡi chiều ngày 14 tháng 7 phải nói cho gia đình biết nơi mai táng”. Thông thường sáng và chiều các gia đình tìm mộ ngồi thiền quanh bàn thờ, trưa về khu nhà trọ ăn cơm và nghỉ trưa đến 2 giờ chiều. Nhưng 1giờ 30 chiều 14 tháng 7, cháu Dũng từ khu nghỉ trọ chạy thẳng sang khu bàn thờ, tự nhập, mượn một quyển số của gia đình khác viết vào đó: “ Tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng, xã An Mỹ. Long xác định lại thông tin nhé, chiều nay, 3 giờ 30, anh sẽ lên lại”. Long gọi điện vào huyện Hải Lăng, họ cho biết không có xã An Mỹ. Đúng 3 giờ 30 phút chiều 14 tháng 7, Lân xác định lại: “ Thôn An Thơ, có cổng chào, cồn, xung quanh có ruộng, nước cả, chưa cày cấy”. Và mười phút sau, Lân vẽ sơ đồ: cổng chào thôn An Thơ, mũi tên vào làng, khoảng năm vạt ruộng, cồn đất, có cây chặt dở. Anh ở đây!”. Ngày 15 tháng 7, vẽ lại sơ đồ. Nhấn mạnh cồn đất, anh nằm ở đây.
Hỏi:- Trong mộ có di vật gì không?
- Không có di vật. Chỗ anh nằm có mô đất cao hơn chung quanh. Nên vào coi trước. Anh giờ xác định cũng khó.
Long gọi điện vào huyện Hải Lăng, họ cho biết có thôn An Thơ, nằm bên cạnh thôn Văn Quỹ thuộc xã Hải Hoà. Nghe nói thế, Long nhớ lại bài thơ “Đêm Văn Quỹ” của anh Lê Thế Quang, và tin vong báo chính xác. Hơn nữa, đối với cháu Dũng ( người mà vong nhập), cũng như hầu hết người ngồi quanh bàn thờ này thì có thể biết đến tên tỉnh Quảng Trị, chứ huyện Hải Lăng cũng ít nghe nói đến, huống gì thôn An Thơ! Thế là Long cho hai con trai là Lê và Nhuận vào tận nơi xác định lại cho chính xác. Còn vong của Lân vẫn nhập vào cháu Dũng ở khu Trung tâm…
Trước khi đi bộ đội, Lân có một người bạn gái tên là Trâm.
- Anh có muốn gặp người ấy không?
- Giờ gặp rồi khóc, buồn lắm.
- Bác nhắc lại tên người ấy xem.
- Rầy (ngượng) lắm. Kỷ niệm xưa mà. Không nói nữa đâu (khóc).
- Bác có nhớ tên người ấy không?
- Bí mật.
- Bác viết một chữ cái tên người ấy cũng được.
- Chữ T.
Lại khóc, rồi nói tiếp:
- Khó nhớ lắm. Cũng buồn lắm. Ký ức mất hết rồi. Anh buồn là không nhớ được nhiều.
Vễ lại sơ đồ: nhấn mạnh cồn đất, có cây to vừa.
- Mắt mờ lắm, không thấy nhiều đâu. Hôm nào vào Quảng Trị, cháu Nhuận dắt bác đi, mù, không tự đi được…
Lê và Nhuận vào huyện Hải Lăng, tìm về xã Hải Hoà và không khó khăn mấy đã tìm được thôn An Thơ với cổng chào bắc qua đường cái. Công chào ghi câu khẩu hiệu : “Nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm”. Ở cột cổng chào phía bên phải có ghi ba chữ “ Thôn An Thơ”…
16 giờ 16 phút ngày 16 tháng 7, hai cháu Lê, Nhuận từ Quảng Trị nhắn tin về: “Đúng có thôn An Thơ và có cổng chào. Chính xác là một vạt đất, một bên là ruộng, một bên ao bèo. Có hai cây to vừa mới bị chặt ngọn bên cạnh ao bèo, cách mô đất hơn 4 mét. Đó là đất Thừa Thiên nhưng mô đất, là của Quảng Trị, cách Thừa Thiên một ao bèo”. Lưu ý rằng ao bèo ấy chính là khúc sông Âu Lâu bị bồi lấp.
Sáng 17 tháng 7:
- Anh đây! Hai cháu về nhà an toàn chứ? Anh vui lắm. Anh viết một bản trước, sau đó báo cáo với ban chỉ huy: “Kính thưa Ban chỉ huy, đồng chí chỉ huy. Tôi, liệt sĩ Vương Đình Lân, sinh năm 1946. Hy sinh năm 1972, tại tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng, làng An Thơ. Tôi nằm trên một mô đất cao. Vị trí đã được các cháu xác định chính xác vào hôm qua (16/7).
Vương Lân sinh năm 1949 trong giấy khai sinh, nhưng sự thật sinh năm 1946. Những ngày này, nhiều lần Lân nói mình sinh năm 1946.
Ngày 19 tháng 7, đoàn người vào Quảng Trị, có Lân ( nhập vào cháu Dũng) cùng đi. Dọc đường Lân luôn nhờ cháu Nhuận dắt tay, nhưng khi đến gần mô đất của làng An Thơ thì bỗng dưng dứt khỏi tay cháu Nhuận, chạy lên, nằm xuống vạt cỏ, nói: “ Nhà của bác đây rồi”. Rồi khóc: “Nhà của bác xấu quá, ngượng với các cháu”. Một cháu hỏi : “Hay là chúng cháu xây cho nhà bác đẹp hơn”? Trả lời: “ Đừng, đừng xây ở đây, về quê mà xây”!
Đêm hôm đó tổ chức khai quật, bà con thôn An Thơ giúp sức. Đất phù sa màu hồng, nhưng đào chừng sáu mươi phân, gặp một vùng tròn như cái mũ, đất đen, khi bốc vào tiểu, cháu Dũng sờ, bảo: “đây là đầu của bác”. Tương tự cho các phần còn lại của cơ thể: “Đây là tay của bác”. “Đây là chân của bác”.Chỉ còn lại một đoạn chân xương ống, nhưng khá mủn. Thì ra Lân đã chết trong tư thế ngồi rồi bị đất vùi lên nên độ nông sâu của đầu và chân rất khác nhau. Mọi người phỏng đoán rằng Lân đã bị thương nặng ở Phong Điền, Thừa Thiên, cố bò về Hải Lăng, Quảng Trị , nhưng không thoát được. Giá như đêm đó y tá Quang gặp được Lân thì hẳn mọi chuyện đã khác! Ngày hôm sau, hài cốt của Lân được đưa về làng Đông Bích, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An và được mai táng trong nghĩa trang dòng họ.
Có một điều nữa đáng nói là bản thân cháu Dũng không bao giờ quan tâm đến thơ ca, thế nhưng khi vong của cậu Lân nhập vào thì luôn tranh thủ thời gian sáng tác thơ. Ngày 18 tháng 7, Lân sáng tác bài thơ “ Ngày trở về” có đoạn như sau:
Anh đã đi suốt cả cuộc đời
Bốn mươi năm nằm trên đất Quảng
Nơi anh nằm rộn tiếng chim ca
Cánh đồng lúa bao la bát ngát
Ôm vào lòng như mảnh đất quê hương…
Gặp các chị, em cùng các cháu
Lòng nghẹn ngào bao ngày tháng chia xa
Thấy chị gầy, cặp mắt em sâu
Các cháu ngồi buồn, vui bên bác
Ngày trở về hạnh phúc biết bao
Đồng đội ơi, mình xin về trước…
Ghi chú: “Tôi tràn đầy hạnh phúc khi gặp các chị, các em và các cháu nên đã có bài thơ này”.
Bài thơ “ Nam Trung yêu lắm quê mình” với lời chú thích “được sáng tác trước lúc liệt sĩ trở về quê hương (18/7/2011)”, có đoạn:
Chúng tôi về theo tiệng gọi thiêng liêng
Đất Nam Trung nghiêng mình chào đón
Những người con quang vinh trở về
Đồng đội tôi mỗi đứa một quê
Được về đây quây quần sớm tối
Hạnh phúc ngập tràn được gọi tên nhau…
Ngày 17 tháng 7 sau khi đối thoại với người nhà về chuyện tình yêu, Lân có viết bài thơ bốn câu với đầu đề Gửi T.
Anh đã về nhưng không dám gặp em
Kỷ niệm xưa làm anh buốn lắm
Anh chúc em sống đời êm ấm
Hẹn gặp em ở thế giới của mình.
Và còn nhiều bài nữa được viết trong đợt này, giọng thơ tương đồng với thơ Lân để lại trong di cảo.
Có một thời chúng ta xếp những chuyện không giải thích được bằng khoa học là “mê tín dĩ đoan”, nghĩa là chúng ta không chấp nhận thế giới tâm linh. Nhưng gần đây đã có nhiều thay đổi, ngay bộ Công an cũng có trung tâm nghiên cứu tiềm năng của con người, cụ thể là nghiên cứu về vong, linh hồn…và đã giúp nhiều gia đình tìm được mộ liệt sĩ. Không chỉ trong nước, ngay trong kênh truyền hình quốc tế Discovery, đã nhiều lần tôi thấy chiếu chương trình tìm mộ liệt sĩ bằng ngoại cảm ở nước ta. Dân quê tôi vốn vô thần, trước đây vẫn coi chết là hết, nhưng gần đây, nhất là sau chuyện tìm mộ Vương Lân, nhiều người đã thay đổi nhận thức. Thì ra song song với thế giới hữu hình của chúng ta mà như cụ Nguyễn Du gọi là “người có thân” ( Trời kia đã bắt làm người có thân), tồn tại một thế giới vô hình, thế giới của linh hồn, “người không thân”. Phải chăng đó cũng là điều an ủi chúng ta, nhất là đối với những ai tuổi tác đã trôi dần về những năm cuối của cuộc đời?
Tháng 10 – 2011
Vương Trọng
Chú thích ảnh: Vương Lân ngâm thơ trên trận địa ở Quảng Trị, tháng 8 năm 1971.