Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẢ LỜI TÁC GIẢ LÊ HOA

Nguyễn Trọng Bình
Thứ năm ngày 20 tháng 10 năm 2011 6:44 AM

Tôi xin không lòng vòng mà sẽ trả lời trực tiếp hai câu hỏi của tác giả Lê Hoa trong bài viết “Xin hỏi anh Nguyễn Trọng Bình” trên trannhuong.com ngày 18/10/2011 như sau:
1. Về câu hỏi thứ nhất:
Đúng như bạn Lê Hoa đã nói: “Tôi thấy ai đó thật ngây thơ khi hi vọng và đặt trách nhiệm “chấn hưng văn học và phê bình văn học’’ lên vai một cá nhân” nào đó vì thế trong bài viết của mình tôi đã nói rất rõ ràng (có lẽ Lê Hoa đọc chưa kỹ) là hiệu quả và những ảnh hưởng đối với đời sống văn học và xã hội từ những bài viết phê bình của ông Trần Mạnh Hảo là không cao vì theo tôi có hai lý do:
- Lý do thứ nhất, tôi xin trích lại từ bài viết của mình là: “Như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lý giải xã hội chúng ta đang có sự khủng hoảng về văn hóa xã hội rất đáng báo động; những cái giả “văn hóa” đang lên ngôi và lẫn át những “cái thật” văn hóa (tôi tạm gọi thế). Chính điều này làm cho Trần Mạnh Hảo dù nhiều lần lên tiếng cảnh báo, cảnh tỉnh thế nhưng nhìn chung vẫn không thay đổi bao nhiêu (dĩ nhiên tôi chỉ nói văn hóa ở phạm vi hẹp có liên quan đến đời sống văn chương nước nhà thôi)”.
- Lý do thứ hai: khá nhiều bài phê bình của ông Trần Mạnh Hảo viết cho thấy phương pháp phê bình của ông hảo “có vấn đề”. Và “vấn đề” gì thì tôi đã chứng minh rất cụ thể rồi, xin không nhắc lại làm mất thời gian bạn đọc. Vì thế, Lê Hoa đặt vấn đề “Ông Nguyễn Trọng Bình nói Trần Đăng Khoa, Phạm Xuân Nguyên là những nhà phê bình hàng đầu, có hiệu quả, có ảnh hướng lớn, ý so sánh với Trần Mạnh Hảo. Vấn đề này tôi không phủ nhận. Vậy nhưng theo dòng tư duy lô gic của Nguyễn Trọng Bình thì cho tôi hỏi luôn: tại sao có hai nhà phê bình lỗi lạc này mà nền văn học vẫn lẹt đẹt như bây giờ? Hay kiểu phê bình của hai vị này cũng không có tác dụng gì nhiều?” thật ra không có gì khó hiểu cả. Thì đúng như đã nói 1 hay 2 cá nhân thì làm sao thay đổi được diện mạo nền văn học. Cho nên, lẽ ra nếu nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình có chất lượng hơn để “hợp lực” cùng các nhà phê bình tài năng khác như Trần Đăng Khoa và Phạm Xuân Nguyên thì có phải đã tốt hơn cho văn học nước nhà không? Đằng này ngược lại ông Trần Mạnh Hảo lại cứ dương dương tự đắc cho mình là số 1, luôn ngạo mạn, hoang tưởng về tài phê bình của mình. Lê Hoa đọc lại đoạn văn trong bài viết ÔNG LẠC HUẤN: ĐỐI THOẠI HAY ĐỐI THỤI? của ông Hảo sẽ thấy ngay:
“Nhờ những bài phê bình sách giáo khoa văn trung học của chúng tôi, năm 2000, bộ GD&ĐT đã cho thống nhất hai bộ sách giáo khoa văn trung học của hai miền Bắc, Nam và viết lại, sửa chữa lại hàng ngìn điều sai trái mà chúng tôi đã chỉ ra. (…)Nếu chúng tôi dùng hàng trăm bài phê bình để “đánh oan” để vu cáo, bôi nhọ các giáo sư như ông Lạc Huấn vu vạ, thì các giáo sư toàn bốn đến năm mươi, sáu mươi năm tuổi đảng trên, chắc chắn các giáo sư và hàng chục vạn học trò của các giáo sư đang nắm các vị trí then chốt của đảng và chính phủ đã đưa chúng tôi vào tù từ lâu rồi. Chính ông bộ trưởng bộ GD&ĐT thời đó đã cử bà thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai đến tư gia của chúng tôi cám ơn về công lớn của chúng tôi đã chỉ ra hàng nghìn cái sai trong việc dạy văn, dạy sử, dạy mỹ học, văn hóa học…từ bậc trung học phổ thông đến bậc đại học, để bộ cho viết lại sách giáo khoa và thay đổi một số giáo trình đại học…”
Nhân đây tôi cũng xin đặt một phản đề là, nếu nói như ông Hảo viết quyển “Hầu chuyện các giáo sư” năm 1999 mà Bộ giáo dục đã nghe theo đó mà thay đổi để nâng tầm văn học và giáo dục nước nhà lên thì tại sao mấy năm gần đây dư luận lại ca thán chuyện sách giáo khoa môn văn nữa? Hay vấn đề học văn của học sinh bây giờ là một thực trạng rất đáng buồn? Và sắp tới đây Bộ lại chuẩn bị thay đổi mới sách giáo khoa, đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà nữa? Nếu như nhờ ông Hảo mà mà môn văn trong nhà trường nâng lên thì sắp tới Nhà nước có nên mất 70 ngàn tỉ đồng để thay đổi không? Bao nhiêu đây cũng cho thấy quyển “Hầu chuyện các giáo sư” của Trần Mạnh Hảo thật ra như tôi đã nói không có giá trị nhiều về học thuật, chất lượng những bài phê bình này của ông Hảo thật ra không cao vậy mà nhiều người cứ tung hô và bốc thơm ông ấy.
2. Về câu hỏi thứ hai:
Lê Hoa cho rằng tôi cũng là người viết phê bình theo kiểu “cảm tính” khi “chứng minh được ông Hảo hay uống rượu mỗi khi xung trận”. Lê Hoa viết:
“Nguyễn Trọng Bình cuối bài đã có một phát hiện có thể nói là ‘’động trời’’ khi chứng minh được ông Hảo hay uống rượu mỗi khi xung trận. Xin thưa, theo tôi được biết các ông nhà thơ Lí Bạch và Đỗ Phủ bên Tàu cũng vậy. Ở ta có Tú xương, gần đây có nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn cũng là ‘’sâu rượu’’ và uống thậm chí say mỗi khi sáng tác đó thôi (Xin lỗi các vị tiền bối nếu tôi nói quá lời). Vấn đề họ ăn gì hay uống gì để lấy cảm hứng ta không nên chúi sâu vào bàn, không xem đó là kém tư cách, vì đặc thù công việc nên họ có uống cũng không ảnh hưởng đến ai. Ta phải bàn vào tác phẩm họ như thế nào cơ. Chính Nguyễn Trọng Bình lên án ông Hảo phê bình ‘’cảm tính’’ và ‘’xuất phát từ yếu tố ngoài văn chương’’ nhưng cuối bài chính Nguyễn Trọng Bình lại chứng minh ông chính là người như thế?”
  Xin trả lời Lê Hoa là tôi không cảm tính (ngược lại Lê Hoa mới cảm tính và đọc không kỹ bài viết của tôi) mà tôi suy luận trên cơ sở khoa học, tôi căn cứ trên bài thơ “vẽ chân dung” ông Trần Mạnh Hảo của nhà thơ Xuân Sách.
“Ôi, thằng Trần Mạnh Hảo
Đi phỏng vấn Chí Phèo
Hắn chết từ tám hoánh
Đời mày vẫn gieo neo
Còn cái lão Bá Kiến
Đục bản in thơ mày
Bao giờ thì say rượu
Bao giờ thì ra tay”?
Và quan trọng hơn tôi căn cứ vào chính lời phát ngôn rất ngông cuồng của chính ông Hảo trong bài viết ÔNG LẠC HUẤN: ĐỐI THOẠI HAY ĐỐI THỤI? trên trannhuong.com ngày 17/10/2011. Ông Hảo viết như thế này:
“Thú thực với ông Lạc Huấn, có nhiều khi buồn quá, một mình xơi hết vài vò rượu, máu “ Sở cuồng” nổi lên, chúng tôi bèn hứng chí đốt đuốc đi tìm đền để đốt. Nhưng bi kịch thay, đi khắp xứ sở này, chẳng tìm đâu ra đền để đốt. Cái ông Lạc Huấn đại ngôn gọi là đền, chẳng qua chỉ là vài ba túp lều rách mà thôi, đốt làm gì, mang tiếng. Than ôi, bi kịch của kẻ muốn đốt đền mà không tìm ra đền để đốt mới sầu muộn làm sao! Nếu ông Lạc Huấn rủ lòng thương, xin chỉ dùm đền nằm ở đâu, chúng tôi sẽ tìm tới để đốt chơi.”
Và nhân đây tôi cũng xin được nói thêm, những dòng trên một lần nữa cho thấy ông Trần Mạnh Hảo là người rất ngông cuồng và vô cùng ngạo mạn khi ông bảo rằng “đi khắp xứ sở này, chẳng tìm đâu ra đền để đốt” và còn thách tác giả Lạc Huấn rằng: “Nếu ông Lạc Huấn rủ lòng thương, xin chỉ dùm đền nằm ở đâu, chúng tôi sẽ tìm tới để đốt chơi.”
“Đốt chơi” hả ông hảo? Ông đã thừa nhận ông việc ông viết phê bình chẳng qua cũng giống như việc là đi “tìm đền” để “đốt chơi” đúng không? Xin thưa với ông Trần Mạnh Hảo, xin thưa với Lê Hoa và những người xem Trần Mạnh Hảo như là “vĩ nhân”, là “dũng cảm”, là “anh hùng”, là người “có tâm và có tài” rằng: với phát ngôn trên tôi chỉ có thể nói ông Trần Mạnh Hảo trong mấy chữ thế này:
“Ngông” – ngông cuồng
“Ngang” – ngang ngược
 “Ngạo” – ngạo mạng
“Hoang” – hoang tưởng và
“Vô”– vô ơn
Ông Trần Mạnh Hảo cho rằng “ở xứ sở này chẳng tìm đâu ra đền” hay chẳng qua “chẳng qua chỉ là vài ba túp lều rách mà thôi” à? Thôi thì nếu tác giả Lạc Huấn chưa kịp chỉ cho ông Hảo ở xứ mình có những cái “đền” nào thì tôi xin thay mặt chỉ cho ông Hảo một số ngôi “đền thiêng” sau đây để ông Hảo tìm đến mà “đốt” vậy: nào là “đền” Nguyễn Trãi, “đền” Nguyễn Du, “đền” Nguyễn Bỉnh Khiêm, “đền” Vũ Trọng Phụng, “đền” Nam Cao, “đền” Hoài Thanh… và rất nhiều đền khác nữa kia kìa ông Hảo đi nốc rượu vào rồi thì đốt đuốc lên đến đó mà “đốt đi”. Đấy những ngôi “đền thiêng” của văn học, văn hóa ở “xứ sở này” đó – những “ngôi đền” mà một thời ông Hảo đã hết lời khen ngợi đó; những “ngôi đền” giúp cho thế giới biết rằng ở “xứ sở này” cũng có người đạt tầm danh nhân văn hóa của nhân loại đó. Còn tác giả Lê Hoa có muốn “tham gia đốt đền” với ông Hảo thì đi mua xăng mua dầu để mà hất vào cho lửa cháy mạnh thêm! Thật hết chỗ nói, một người ngông cuồng và ngạo mạn ngang nhiên xúc phạm và rất vô ơn đối với tổ tiên, đối với tiền nhân như ông Hảo mà không hiểu sao lại có không ít người xem như thần tượng. Với mỗi cuốn “Hầu chuyện các giáo sư” mà đã “vỗ ngực ta đây” và xem sách mình như là “kinh thánh” vậy? Một con người như thế mà cũng có người mù quáng nghe theo. Không hiểu sao Lê Hoa lại “xếp” Trần Mạnh Hảo ngang với Lý Bạch, Đỗ Phủ, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… như thế? Nói thật, qua dòng của ông hảo viết ở trên, này một lần nữa tôi cho rằng Trần Mạnh Hảo chính là một “thảm họa” của văn hóa Việt. Sát thủ Lê Văn Luyện giết 3 mạng người để cướp vàng cũng không nguy hiểm bằng những người dùng ngòi bút của mình để mỵ dân, để đầu độc văn hóa cho hàng triệu triệu con người như ông Hảo. Thế mới nói cái tác hại tiêu cực, cái mặt trái của cái mạng ảo internet thời buổi nhiễu nhương này. Nam Cao nói quả không sai mà: “sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là bất lương rồi, nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật đê tiện.”

Nguyễn Trọng Bình
Cần Thơ, 19/10/2011