Tôi được nhà văn Nguyễn Lập Em nhờ đọc giùm và "cho ý kiến" về tập truyện ngắn "ĐÓA HOA THỦY TINH" của các cây bút trẻ An Giang mà không khỏi băn khoăn. "Đọc giùm" thì được, nhưng còn "cho ý kiến" thì quả là khó khăn. Khó khăn là vì tôi chưa hề biết một chút gì về các tác giả, ngoài một vùng quê trù phú và hào phóng, vừa có sông nước, đồng lúa trù phú, núi non trập trùng, và một đội ngũ nhà văn, cũng điệp trùng như Cấm Sơn, Thoại Sơn, trong trùng trùng Thất Sơn hảo hán... Những Đặng Thư Cưu, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Lập Em... rồi Hồ Thanh Điền, Trần Thế Vinh, Trịnh Bửu Hoài, Mai Bửu Minh, Trương Công Thuốt... miệt mài cày xới, mải mê thu hoạch trên miền đất đỏ sậm phù sa, mà tôi luôn yêu mến, cảm phục. Cuộc sống trượt đi quá nhanh, những biến động về kinh tế, kéo theo những đổi thay về tâm lý con người, hoàn cảnh xã hội, nếu không đề phòng, rất dễ bị sa vào cái nhìn cũ kỹ, lạc hậu.
Trong số đông những người viết văn, có lẽ lớp trẻ thường hay chọn thơ trước đã. Thơ vốn được coi là loại hình thường trực mà ngôn ngữ (lời nói) dễ có ma lực thu hút nhưng người mới tham gia vào nẻo đường văn chương. Ở thơ, các tác giả dễ chọn cho mình giọng điệu, cách thể hiện cũng như bộc lộ nhanh chóng tâm hồn mình. Thơ lại dễ có điều kiện lan tỏa trong công chúng, cũng như bài ca, câu hò... Nhưng, phần nhiều, chỉ đến khi cảm thấy "thua trận", những người trẻ - kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy - mới quay sang gò gẫm, mò mẫm với con chữ, soi mói, vạch vói vào tâm hồn nhưng con người xung quanh. Vì thế, văn xuôi có lực lượng tác giả mỏng hơn thơ. Vì viết văn xuôi, đòi hỏi tác giả phải có đủ tầm để hướng ngoại.
Mang sẵn cái giả định ấy, tôi đọc, và đọc khá nhanh tập truyện. Cảm giác hân hoan và thích thú khi tiếp xúc với giọng điệu trẻ trung ở đây. Cái thú vị nhất vẫn là ở giọng điệu, bỗng dưng mượt mà, uyển chuyển và ấm áp, khác hẳn những truyện mà tôi được đọc ở đây đó. Cái "chất văn" trong tư duy, trong mô tả và cả trong ngẫm ngợi về số phận con người, nồng ấm mà thanh thoát. Hầu hết các truyện đều được viết công phu, tránh được kiểu "văn nói" vẫn thường thấy.
Tôi đọc và nhận ra rất rõ cái "trục" tâm lý: Tình Yêu - Danh vọng (tiền bạc) - Hạnh phúc được kết nối với nhau đầy thử thách. Cái xu hướng thấy rõ là tiền bạc hay danh vọng đã không làm ra được, hoặc phá vỡ hạnh phúc. Không còn cái mốt trách cứ sự giàu có trọc phú. Con người vùng đất này đang chuyển động, rất mạnh mẽ nhưng vẫn âm ỉ và bền bỉ giữ cái bản sắc nhân hậu. Bên cạnh đó, hình ảnh "người hùng - bụi - nghĩa hiêp" được đề ao hơn sự "thực dụng" trong đời sống và tình yêu. (Buổi chiều êm ả - Trương Chí Hùng; Đôi mắt lá - Dương Kim Chuyển).
Đã có một Quyên, sinh ra và lớn lên trong một gia đình bề thế, giàu sang quyết theo chồng về một vùng quê hẻo lánh, để rồi hạnh phúc cũng mong manh. Đến nỗi "Quyên bây giờ chỉ biết lấy mấy chuyện tào lao này làm niềm vui đó thôi". Để rồi "như một anh lính quèn bại trận trong những dòng nước mắt xót xa". Ở đó có Tuấn, chàng trai tật nguyền. Bị bệnh dộng kinh, cha mẹ phải giấu để cưới vợ cho anh. "Thân gái mười hai bến nước, chong nhờ đục chịu. Em cũng đành mình gặp nhằm bến đục, phải sao chịu dậy". Tưởng hạnh phúc tan vỡ, nào ngờ chính cô vợ quê mùa lại cứu được đời anh, và tất nhiên, xây đắp hạnh phúc cho cô. (Mười hai bến nước - Trần Mỹ Hiền).
Kết cấu truyện hấp dẫn, có sáng tạo ở Trần Hoàng Trâm với Chiều muộn đã đưa người đọc đi theo bước chân hai người trẻ, qua hết khúc ngoặt tâm lý này đến đường cong éo le khác. Để rồi nén tiếng thở nhẹ, mà tin rằng "Có một buổi chiều muộn chỉ để người ta nhận ra rằng mình thuộc về nhau từ rất lâu rồi…". Hoa đời thường (Huỳnh Thị Cam) cũng một lối viết ấy, có điều, câu chuyện u uất hơn, nặng nề hơn và hiệu quả nghệ thuật vì thế mà "nặng ký" hơn?
Điều đáng xem ở đây là những ngòi bút trẻ không quên, không bỏ qua vấn đề đạo lý. Một bà mẹ sinh ra và nuôi được 12 người con, tận tâm tận lực đến cùng để chăm bẵm yêu chiều đến thế hệ cháu. Và bà mẹ - bà cụ ấy đã kiệt sức, cô đơn trước sự vô tâm của... 24 người con! Sự cay đắng dưới ngòi bút của Lưu Kiều Nhi - (Cổ tích những bà mẹ) đã minh chứng cho trái tim của thế hệ tiếp nối. Chỉ tiếc là chuyện còn sơ lược.
Xu hướng khai thác những số phận bất hạnh trội lên. Đóa hoa thủy tinh của Nguyễn Thị Thanh Hiếu là một bài thơ, cay cay mà nồng ấm cho số phận của Quyên - cô gái mắc chứng bệnh xương tủy tinh bẩm sinh. Quyên chết đi để lại cho cuộc đời một lẽ sống trong veo như pha lê.
Mù Khơi (Nguyễn Huỳnh Khánh Chân) (Nhà có bốn người) Phạm Gia Khánh có giọng văn rất hay, nhưng truyện thì chưa chín, mới ở dang tản văn.
Tôi đặc biệt chú ý và yêu thích một loạt truyện ngắn được viết ra không phải để kể mà để phỏng định cho mỗi hoàn cảnh, mối không gian. Không gian ở đây đa chiều, đủ sức vùng vẫy cho các nhân vật. Đôi lúc có cảm giác nhân vật của những truyện ngắn này bay, lượn lơ lửng hơn là bước đi, chạy nhảy. Nguyễn Thanh Thảo với Những đóa hồng vàng lại là truyện không có chuyện, để lại dư âm vì cá tính nhân vật. Có thể coi đó là một hình tương văn học ở nét ký họa, chấm phá. Những mảnh ghép mùa thu của Nguyễn Ngọc Nhân cũng vậy, nó man mác, nó mơ màng, ấn tượng về một thế hệ tuổi trẻ đang tìm một phong cách sống, một tình cảm khó nắm bắt, khó định dạng. Huỳnh Trang với Quê cũ lại cho ta cảm giác mang mang rộng mở ở phía chân trời xa bát ngát. Ở đây cái gì cũng trong veo, từ sông nước, con cá bơi đến mối tình tan vỡ đều nhẹ nhàng, trong suốt.
Gấp sách lại, không chỉ một "Đóa hoa thủy tinh" long lanh, mà còn là cả một bức tranh rộng lớn, phong phú còn đọng lại trong tôi. Và dù, có cố gắng khách quan, có tự chủ khoa học đến mấy, tôi vẫ cứ có ám ảnh như vừa gặp gỡ chính các tác giả. Và cảm thấy họ không trẻ chút nào, mà đang âm thầm, cẩn trong và tự tin trên trang viết của mình.
Nhà văn
HOÀNG ĐÌNH QUANG
(Chủ tịch Hội đồng văn xuôi - Hội Nhà văn TPHCM)