Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DUY MÃN MỘT VẦNG TRĂNG

Trần Trung
Thứ ba ngày 18 tháng 10 năm 2011 6:00 PM
ÁNH TRĂNG

Nguyễn Duy

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
TP. Hồ Chí Minh 1978

Trần Trung
 Nếu kể cả tên bài, với “Ánh trăng”, Nguyễn Duy điệp và biến hóa vẻ đẹp và sự hiện diện của trăng, tới tám lần trong thi phẩm của anh. Điều đó cũng có nghĩa là: ánh trăng xưa hay nay; quá khứ hay thực tại – cứ ám ảnh không dứt trong tâm hồn thi nhân như một điều nhắc nhở tình nghĩa thủy chung.
 1. “Ánh trăng” – mở ra hoài niệm của một thời tình nghĩa; cái thuở ấu thơ; cái thuở sống giữa thiên nhiên – hồn nhiên. Hình ảnh thơ cứ như bắt rễ vĩnh hằng trong tâm hồn dễ yêu thương và xúc động. Bởi, với hai khổ thơ đầu của “Ánh trăng”, Nguyễn Duy đã mở ra kích cỡ rộng mở của không gian “với đồng” ; “với sông rồi với bể”.  Không gian ấy thật “tự nhiên nhi nhiên”. Và, ta bất chợt gặp vẻ đẹp tâm giao của thiên nhiên và tình người; “trần trụi với thiên nhiên; hồn nhiên như cây cỏ”. Nguyễn Duy đã tựa hồn thơ của mình vào cái bất biến – “ngỡ không bao quên; cái vầng trăng tình nghĩa”:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
2. Cái tứ của “Ánh trăng” là sự đánh thức; là điều cảnh báo. Bởi, con người ta khi đã lớn, đã khôn, rất dễ đánh mất con – người – bản – thể, con người – hồn nhiên, thành thực của mình. Ấy là khi người ta đã sống trong tiện nghi; thậm chí mãn nguyện giữa bao nhiêu sự no đủ. Cái sướng, cái thỏa, cũng dễ đánh mất cái tình, cái nghĩa. Và, Nguyễn Duy đã diễn tả trạng thái giật mình – giật mình cho chính mình. Giật mình trong xa xót. Giật mình trong sự sám hối thành tâm.
Trăng chợt đến – trăng cứ hồn nhiên – trăng cứ lặng im như thuở ban sơ tựa như “vầng trăng đi qua ngõ”. Thế rồi, trăng đột hiện trong vẻ đằm thắm, hồn nhiên và viên mãn: “đột ngột vầng trăng tròn”. Phải có “thình lình đèn điện tắt; phòng buyn – đinh tối om”, mới thực sự trỗi dậy trong lòng người lính năm xưa niềm ân hận khôn dứt. Cái thời của hiện tại, cái thời của tiện nghi, chợt nhói lòng đau – nhắc nhớ:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Có hai khuôn mặt: mặt người và mặt trăng. Hai khuôn mặt đối diện, nghiêng soi vào nhau. Thật im lặng mà rất đỗi dư ba xúc cảm tâm tư. Câu thơ “ngửa mặt lên nhìn mặt” của Nguyễn Duy mang vẻ đẹp của hình và của tâm. Hình và tâm soi vào nhau trong im lặng, để rồi chợt cồn, chợt quẫy lên bao nhiêu là sóng tâm tình. Lối so sánh trực tiếp của Nguyễn Duy, ấn tượng lạ. Nhà thơ đem ra một trạng thái so sánh: “có cái gì rưng rưng”, mà cồn cào lên bao nhiêu là không gian dùng để so sánh. Không gian ấy là đồng, là bể, là sông, là rừng. Thế nên, nỗi niềm xót xa ân hận cũng bất chợt trào lên thành thực – cứ như những đợt sóng lòng kế nối nhau:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng.
Ánh trăng “cứ tròn vành vạnh” của Nguyễn Duy không một lời trách cứ. Ngược lại, cứ bao dung, độ lượng; cứ nghĩa tình thủy chung; cứ “im phăng phắc” tỏa sáng xuống nhân gian. Chính sự im lặng khiêm nhường ấy của trăng mới đánh thức niềm cảm suy trong những con người vốn sống thủy chung với tình nghĩa.
Bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ họ Nguyễn, kết trong trạng thái “giật mình” mang cả nỗi tình thành thực; cũng mang bao điều nhắc nhớ: xin đừng vô tình! Xin đừng quên lãng sự hồn nhiên của con người bản thể thuở nào. Bài thơ của Duy viết vào năm 1978 – tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghĩa là bài thơ ấy ra đời chỉ sau ngày giải phóng miền Nam ba năm. Nhưng, điều nhắc nhớ mà cũng là điều khẳng định, tựa như quy luật của muôn đời: cái nghĩa, cái tình của con người sẽ mãi không có cái giá nào mua được:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Điều tâm niệm ấy, hẳn sẽ vang mãi trong tâm tưởng ta: hãy gìn giữ duy mãn một vầng trăng tình nghĩa.