Làng Nhân Trai, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây nay thuộc Thủ đô Hà Nội. Đó là một ngôi làng cổ nằm giữa cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Những mái ngói lô xô, những con ngõ sâu hun hút, những rặng cau vươn thẳng với những vườn cây trái mướt mát xanh tươi... Cổ kính nhất vẫn là ngôi đình rêu phong, nổi bật trên nóc là hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”, “bay vút mái đao thắm sắc trời xanh”. Những hình ảnh gợi về thuở xa xưa của một vùng quê lúa, một trong những cái nôi văn hoá Việt.
Người làng Nhân Trai là những nông dân chân lấm tay bùn, sớm hôm tần tảo với ruộng đồng, vườn tược, lúa má, lợn gà...Chiều chiều, đàn trẻ ríu rít nô đùa trên sân, trên đường làng. Thấp thoáng cạnh cầu ao, cô thôn nữ “hương đồng, gió nội”, giản dị mà duyên dáng. Anh trai làng lực lưỡng, vác cày, giong trâu từ ngoài đồng về. Những bà lão, ông lão gương mặt phúc hậu, gặp nhau chào hỏi rộn ràng...
Nơi đây, có một cụ ông năm nay đã tròn tuổi chín mươi, một cây cổ thụ của làng Nhân Trai. Đó là cụ Hoàng Thành.
***
Hơn sáu mươi năm trước, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm đang diễn ra ác liệt, Hoàng Thành - chàng trai làng Nhân trai đã sôi sục con tim vì sự yên bình của quê hương, đất nước. Ngày Một tháng Năm năm một nghìn chín trăn bốn mươi tám, tham gia trong phong trào đấu tranh chống Đế quốc Pháp xâm lược, Hoàng Thành đã cùng những người yêu nước căng biểu ngữ, cắm cờ Tổ quốc ngay tại Hồ Thuyền Quang, Hà Nội. Năm một nghìn chín trăm năm mươi, anh gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, cầm súng trực tiếp chiến đấu. Năm một nghìn chín trăm năm mươi tư, anh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, một sự kiện lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh tan đội quân viễn chinh xâm lược Pháp, đem lại hòa bình, độc lập, tự do cho Đất nước.
Hai năm sau đó, Hoàng Thành phục viên, trở lại ngôi làng thân yêu của mình để góp phần xây dựng quê hương. Những năm đầu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở thôn Nhân Trai, anh đã từng làm chủ nhiệm. Từ năm một nghìn chín trăm sáu mươi đến một nghìn chín trăm sáu mươi lăm, Hoàng Thành được bầu làm Phó chủ tịch xã Đông Lỗ, rồi tiếp đó làm Chủ nhiệm Hợp tác xã liên xã. Trong thời gian này, với tư cách là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, đứng trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống, ông đã trăn trở về miếng cơm manh áo của những người nông dân quê mình. Đất nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Nền kinh tế miền Bắc đang phải chịu tác động của cơ chế quan liêu, bao cấp, năng suất lao động thấp, trong khi đó chiến trường đang kêu gọi: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt!”... Trong không khí “nước sôi lửa bỏng” ấy, ông Thành đã mất ăn, mất ngủ. Ông trăn trở, vật vã về công việc của hợp tác xã còn hơn nhiều lần lo cho cuộc sống riêng của gia đình mình. Nhưng cơ chế làm ăn theo kiểu “dứt tiếng kẻng thì kéo nhau ra đồng, nghe tiếng kẻng tan tầm, dù đang dở sá cày cũng lập tức tháo trâu” khiến cho năng suất lao động không thể nhích lên được. Hoàng Thành sau nhiều đêm mất ngủ, ông đã quyết định đưa ra chủ trương “phá rào”: “khoán hộ” trong sản xuất hợp tác xã nông nghiệp.
Đó là việc làm “động trời”, vì nó trái với đường lối cơ bản về hợp tác xã nông nghiệp của Đảng. Và tất yếu ông đã phải hứng chịu một hình thức kỷ luật nặng nề: bị khai trừ ra khỏi Đảng, mất chức, trở về với hàng ngũ những người “dân vạn đại”...Cũng trong thời điểm lịch sử này, ông Kim Ngọc, một ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú cũng đã quyết định chủ trương “khoán hộ” để rồi chấp nhận một án kỷ luật của Đảng, trở thành một giai thoại lịch sử, và một bài học đắt giá về nhận thức của quá khứ! Âu đó cũng là bi kịch cuộc đời! Chỉ đến sau khi ông Kim Ngọc đã về với tiên tổ hằng chục năm thì nỗi oan của ông mới được giải. Ba mươi năm sau, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và trở thành nhân vật chính diện trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật...Như vậy, ông Hoàng Thành có khác gì một Kim Ngọc ở Ứng Hòa, Hà Tây. Tuy nhiên, ông không phải là Ủy viên Trung ương Đảng, nên ông không “nổi tiếng”, không trở thành những nguyên mẫu trong tiểu thuyết, phim ảnh và không được tặng Huân chương như Kim Ngọc. Dẫu sao thì suy nghĩ và việc làm của Hoàng Thành là một hành động cực kỳ dũng cảm. Phía trước ông, một cán bộ, đảng viên cộng sản không có mục tiêu nào khác, ngoài lợi ích của cộng đồng, của những người nông dân chân lấm tay bùn quê ông. Chỉ vì điều đó mà ông bất chấp cả danh vọng và địa vị, sẵn sàng hy sinh mọi quyền lợi vật chất và tinh thần của cá nhân mình, cam chịu nỗi đau còn hơn cả sự hy sinh tính mạng trước mũi súng quân thù! Đó là một nhân cách lớn, một phẩm chất trong sáng, không kém những phút giây ở chiến trường Điện Biên Phủ khi ông xông lên trong mưa bom, bão đạn!...
***
Cụ Hoàng Thành năm nay đã bước sang tuổi chín mươi, gần trọn một thế kỷ, cụ vẫn sừng sững như cây tùng, cây bách ở núi cao. Với ba người con, một gái, hai trai đều trưởng thành, phát đạt. Với mười hai trong số mười ba cháu nội, ngoại đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học và trên đại học, trong đó có người là cán bộ cao cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam... Theo quan niệm của văn hóa phương Đông, một trong những niềm hạnh phúc lớn lao là sự đề huề con cháu. Sự an bình, phát triển và tiến bộ của lớp lớp cháu con khiến cho những “cây đại thụ” như cụ Hoàng Thành cảm thấy tự hào và là niềm hạnh phúc nhất của tuổi già. Trái lại từ phía con, cháu, chắt...của cụ cũng vô cùng hạnh phúc và ngưỡng mộ khi có một người cha, người ông, người cụ như cây đại thụ tỏa bóng sum xuê, như tấm gương trong về nhân cách, để lại phúc đức cho con cháu muôn đời!
Gần một thế kỷ chứng kiến và trải nghiệm biết bao thăng trầm, buồn vui, hạnh phúc và đau khổ, cuối cùng, cụ đã trở thành một trong những cây đại thụ của dòng họ Hoàng làng Nhân Trai.
Cụ ngồi kia với bộ y phục rực rỡ một màu đỏ, như ngọn lửa hồng tiếp tục hun đúc cho các con, các cháu, chắt những phẩm chất làm người...
• Nguyễn Ngọc Dương, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh, hiện cư trú tại thành phố Lào Cai,
tỉnh Lào cai. Điện thoại: 098 263 1417. Email:
haingocphoto@gmail.com