Tai nạn giao thông đang là vấn nạn của đất nước. Để hạn chế nó, biết bao giải pháp đã được thực thi nhưng xem ra hiệu quả chưa thấy đâu mà tai nạn vẫn cứ gia tăng. Mới đây, Bộ Công an lại đưa ra dự thảo sẽ cấp phiếu kiểm soát lái xe (KSLX) bên cạnh giấy phép lái xe nhằm quản lý lái xe và ngăn ngừa tai nạn giao thông.
Đành rằng mục đích là cực tốt nhưng xem ra, chủ trương này sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường. Thứ nhất nó đi ngược lại những cố gắng của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lí thông thoáng, giảm bớt phiền hà cho người dân. Thứ hai nó sẽ gây lãng phí mà theo ước tính nếu thực thi cấp phiếu KSLX trong cả nước sẽ tốn khoảng 600 tỉ đồng. Một con số không nhỏ giữa thời cơm cao gạo kém này. Với số tiền đó dư sức để trang bị phương tiện kiểm soát hiện đại cho cảnh sát giao thông mà hiệu quả chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều. Thứ ba là thêm loại giấy phép này có nghĩa là thêm một lỗ hổng tiêu cực cho các cơ quan quản lí, nhất là ngành cảnh sát giao thông. Thứ tư là trước đây công an đã phát hành phiếu này nhưng sau đó thì bãi bỏ vì những phiền hà, tiêu cực của nó. Rõ là “mèo lại hoàn mèo”. Thứ năm là việc cấp lại phiếu KSLX là việc làm chẳng giống ai giữa thời hội nhập. Thiên hạ người ta quản lí nhân sự chỉ bằng một cú nhấp chuột, còn ta bằng cả một đống giấy tờ và thủ tục “hành dân”.
Tóm lại là đây là một tối kiến hơn là sáng kiến bởi nó sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước. Những người nghĩ ra nó chắc bị dồn vào thế bức bách không lối thoát bởi sự bất lực, bất tài cho nên mới nhắm mắt chọn lại cái mà chính họ đã vứt vào sọt rác từ lâu.
Nhân cái sáng kiến này của ngành công an lại nghĩ tới cái sáng kiến của ngành giáo dục. Số là để chống lại cái việc giáo viên cóp giáo án trên mạng, nhiều trường chủ trương buộc họ phải soạn bài bằng tay, cấm sử dụng giáo án in. Thế là cái hình ảnh đã đi vào kí ức tuổi học trò giờ có dịp trở lại: đêm đêm thầy (cô) chong đèn (dù bây giờ là đèn điện) miệt mài trên trang giáo án.
Thế giới đẻ ra công nghệ thông tin (CNTT) để xã hội phát triển. Bộ GD-ĐT cũng đã chủ trương đưa công nghệ thông tin vào trường học với những hô hào năm học ứng dụng CNTT để đổi mới dạy học. Internet đã và đang có mặt khắp mọi nhà. Tác động tích cực của nó đối với sự phát triển xã hội thì không cần bàn cãi. Thế mà, không hiểu sao trong hàng ngũ quản lí giáo dục lại có những vị lãnh đạo muốn quay ngược thời gian như thế ? Vì sao vậy ? Vì sự dốt nát về công nghệ ư ? Rất có thể bởi lãnh đạo cũng không hiếm người mù CNTT hoặc giả nếu biết chỉ đủ để nhắp chuột xem các trang web đen. Vì bất tài ư ? Quá đúng, bởi có những vị lên chức bằng chạy chọt, chứ cái đầu thì rỗng tuếch. Vì lười biếng ư ? Cũng đúng, bởi quan chức bây giờ cần thời gian cho nhậu nhẹt, ăn chơi hơn là đầu tư trí tuệ cho công việc quản lí của mình. Bắt giáo viên soạn giáo án bằng tay tức là họ muốn đá quả bóng trách nhiệm quản lí chất lượng chuyên môn sang người khác. Đây quả đúng là một loại tối kiến cho thấy sự bất lực, bất tài của những người được giao nhiệm vụ quản lí giáo dục phổ thông. Chống giáo viên coppy giáo án của người khác thì phải dùng cái đầu tức là bằng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ chứ không phải bằng cơ bắp, bằng mệnh lệnh hành chính kiểu như thế. Chả trách, giáo dục của ta bây giờ ngày lại ngày cứ luẩn quẩn và tụt hậu.
16-10-2011
Nguyễn Duy Xuân