Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẤT VỌNG BÁC TRẦN ĐÌNH TRỢ

Nguyễn Trọng Bình
Thứ hai ngày 17 tháng 10 năm 2011 11:59 AM
 
Kính thưa bác Trần Đình Trợ, đọc bài viết “TRẦN MẠNH HẢO, TÔI HÂM MỘ ANH!” của bác trên trannhuong.com cháu thấy có chi tiết đề bác cập đến Nguyễn Trọng Bình nên cháu mạo muội thưa lại với bác mấy điều như sau:
Thứ nhất, trong bài viết của mình, bác có viết: “Bạn Nguyễn Trọng Bình lại cho rằng, bí danh thì cũng như bút danh. Thực ra, nó chỉ như nhau, nếu chỉ dùng đúng một lần”. Cháu xin đính chính với bác là trong bài viết của Nguyễn Trọng Bình không có chữ nào, câu nào, dòng nào nói rằng “bí danh cũng như bút danh” như bác nói cả. Bác đọc bài của cháu như thế nào mà lại “phán” như thế, oan cho cháu quá. Cháu chỉ nói đến sự “chính danh’ của tác giả N84 qua bài viết “Bạn đọc góp lời thưa” trên trang mạng trannhuong.com ngày 12/10/2011 thôi. Và tiện thể đây cháu xin nói cho rõ lại ý mình là Không tử nói “chính danh” nghĩa là sao? Là vua “ra” vua, tôi “ra” tôi; là nhà văn phải “ra” nhà văn, nhà thơ phải “ra” nhà thơ, nhà báo phải “ra” nhà báo, là tiến sĩ phải “ra” tiến sĩ, là trường học phải “ra” trường học, thầy giáo phải “ra” thầy giáo, học trò phải “ra” học trò… đúng với cái “chức phận” và “trách nhiệm” mà xã hội và cuộc đời đã ban cho. Và nếu như mang tiếng là nhà thơ mà anh không sáng tác thơ lại đi sang tác…vè; mang danh là tiến sĩ nhưng trình độ mới… phổ thông trung học; gọi là trường học mà học sinh vào đó học mỗi khi đến giông bão phải chui xuống gầm bàn để trốn vì sợ mưa dột và ngói sập… thì đó mới gọi là không chính danh (vì tên gọi nó không đúng với bản chất thật của sự vật, hiện tượng cũng giống như thằng Xuân Tóc Đỏ không thể là “vĩ nhân cứu quốc”, là “đốc tờ’, là ‘giáo sư quần vợt”… mà đúng như Vũ Trọng Phụng nói nó là một thằng lưu manh, thất học, thằng ma cà bông). Cho nên, người chỉ làm vè thì không đáng gọi “nhà thơ”, người mà trình độ chỉ trung học phổ thông thì không nên cấp bằng tiến sĩ, không nên gọi là tiến sĩ; trường học mà cơ sở vật chất chỉ là tre lá tạm bợ và không có phương tiện và cơ sở vật chất đảm bảo cho việc giáo dục con người thì không phải là trường học.
Cho nên, trở lại vấn đề tác giả N84 lấy chữ cái “N” và hai con số “8” và “4” để kí tên dưới bài viết của mình thì thật ra chẳng liên quan gì đến thuyết “chính danh” của Không Tử cả. Trước năm 1945, tác giả T.T.Kh viết Hai sắc hoa tigôn và cho đến giờ này có biết bao người đi tìm lai lịch của T.T.Kh nhưng có ai biết đích xác là ai đâu? Chẳng lẽ, như vậy cũng gọi T.T.Kh là không chính danh sao? Học thuyết Chính danh của Khổng Tử đâu thể hiểu một cách máy móc như vậy được. Đáng lẽ bác phải là người phải hiểu rõ hơn cháu vấn đề này chứ? Bác có đồng ý với cháu không, thưa bác?
Thứ hai, bác viết: “TMH khác với mọi người, anh nhổ toẹt tác phẩm mà anh cho là dở. Anh nhổ toẹt tác giả mà anh cho là tồi. Tả xung hữu đột hết văn chương rồi giáo dục, anh không nương thần tượng cũng chẳng nể đại nhân. Hết “Phản phê bình” rồi “Hầu chuyện các giáo sư”, đến cuộc tranh luận đang diễn ra này, TMH đều miệt mài chứng minh một điều: đánh giá chung của mọi người về nền GD và VH nước nhà, là rất đúng. Hơn thế, anh còn vạch ra nguyên do: nhà dột từ nóc dột xuống”. Nói thật đoạn văn này của bác làm cháu không khỏi bàng hoàng và choáng váng. Vì sao như vậy? Vì đoạn văn này cho cháu hiểu rằng người viết ra nó có cách quan niệm về phê bình văn học nghệ thuật nói chung sao mà “dễ dãi” thế.  Bác thử đọc lại xem, ví như những dòng này: “TMH khác với mọi người, anh nhổ toẹt tác phẩm mà anh cho là dở. Anh nhổ toẹt tác giả mà anh cho là tồi. Tả xung hữu đột hết văn chương rồi giáo dục, anh không nương thần tượng cũng chẳng nể đại nhân”. Cháu thật không hiểu sao bác lại viết như thế để “bốc thơm” nhà thơ Trần Mạnh Hảo?
Một là, người ta nói phê bình văn học cũng là văn học, mà văn học trước hết phải “đẹp” cái đã. Cho nên nếu phê bình văn học mà chỉ có “phang” với “nhổ toẹt” kiểu như bác nói thì chẳng biết cái “đẹp” của văn học nghệ thuật đang ở đâu? Phê bình văn học đâu phải chỉ có “chê”, có “phang” hay chỉ có “nhổ toẹt” thôi. Phê bình văn học càng không phải là để “nhấn người khác xuống bùn” mà trái lại phải kéo người ta lên nếu phát hiện ra tác phẩm kia là những “vũng bùn lầy lội” mà người viết ra nó cứ “ngụp lặn” trong đó mãi. Cho nên cái quan trọng của phê bình văn học là làm sao chỉ cho người đọc thấy “cái dơ”, cái “lầy lội” của “vũng bùn văn học”; làm sao bằng ngôn ngữ phê bình để “thức tĩnh” tâm hồn và “kéo” người ta lên khỏi “vũng bùn” đó để họ mang ơn mình chứ không phải thấy “vũng bùn” rồi tiện đà “nhấn” người ta xuống đó luôn. Có như thế thì phê bình văn học nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung mới thật sự là nghệ thuật, là cái đẹp để “cứu rỗi thế giới”; làm cho cuộc đời vốn đầy những nhiễu nhương nhưng vẫn sáng ngời lên một ánh sáng của nhân văn, nhân ái; làm cho người với người xích lại gần hơn. Ngược lại, như bác nói thì là “phản phê bình”, là “phản văn học”. Nhà phê bình Hoài Thanh có nói đại khái rằng đâu phải ông không thấy cái dở, cái không hay của các nhà thơ mà ông đã chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam. Nhưng mà với ông cái dở nó không “tiêu biểu” cho cái gì hết nên trong Thi nhân Việt Nam chủ yếu ông khen là chính. Nếu như nhà phê bình Hoài Thanh viết phê bình mà cứ “nhổ toẹt”, cứ “phang” từ tác phẩm cho đến tác giả viết ra nó như bác nói thì cháu e là không có Thi nhân Việt Nam để lại cho hậu thế.
Hai là, nguyên tắc của phê bình văn học là phải vô tư và khách quan vì phê bình văn học nói như nhà phê bình Thiếu Sơn là “đọc giùm người khác”. Cho nên đối tượng chủ yếu và trước hết của nó là văn bản (tác phẩm văn học) chứ đâu phải là “thần tượng”, là “đại nhân” gì đó để rồi “nương” hay không “nương” ở đây? Cách nói của bác cho thấy trước khi viết phê bình, người ta là phải “liếc” sang coi phải tác phẩm này có phải của “thần tượng” hay “đại nhân” nào đó không rồi mới viết thì làm sao đảm bảo tính khách quan và vô tư cho được. Ngoài ra ở một đoạn khác bác Trần Đình Trợ viết thế này: “Khi TMH nhằm vào các thủ lĩnh của HNV để chê bai, chắc anh không để ý, đó là những kẻ đang lo cơm áo cho nhiều người”.  Viết thế này thì khác gì bác Trần Đình Trợ bảo rằng đối tượng phê bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo là con người ở ngoài đời (những thủ lĩnh của HNV) chứ đâu phải là tác phẩm văn học.
Cho nên, mới nói đoạn văn trên của bác e là bác đang vô tình “nhổ toẹt” chứ không phải để ủng hộ hay “bốc thơm” nhà thơ Trần Mạnh Hảo đúng như ý định ban đầu của bác. Cháu nghĩ nhà thơ Trần Mạnh Hảo đọc những dòng mà bác viết ở trên có lẽ cũng chẳng lấy làm vinh hạnh gì.
Thứ ba, bác Trần Đình Trợ lại viết: “Cũng nhiều kẻ đã chọc trúng đích, nhưng TMH lại chê bai một cách bài bản và quyết liệt quá.Thà anh cứ chê nhau theo kiểu này:
 “Ghét nhau cùng chiếu không ngồi.
Cùng chai không uống, cùng nồi không ăn.
Chỉ còn có hội nhà văn.
Ghét nhau như ...chó, vẫn lăn xả vào”.
 Hay kiểu như:
“Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ.
Đêm qua nó lại dí thơ vào l...
Vợ tôi nửa dại nửa khôn.
Sáng nay nó lại dí l... vào thơ.”.
Nói thật đọc hết đoạn văn này của bác cháu thất vọng về bác vô cùng, sao bác lại “khuyên” nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình (Thà anh cứ chê nhau theo kiểu này) theo “kiểu” của bác như vậy? Phê bình như thế này là có lợi cho văn học, là nâng tầm văn học, văn hóa nước nhà lên sao? Tại sao bác lại “khuyên” nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết phê bình theo kiểu phải “phỉ báng thơ”, “phỉ báng HNV”? (Tôi không nhớ, những câu tếu táo này của ai, nhưng nó cũng đã phỉ báng thơ, phỉ báng HNV hết lời. Những câu đó đăng đàn đã lâu, cũng có thấy ai phản biện, phản luận gì đâu. Thế mà những ý kiến của TMH vừa nêu, đã thấy “cao thủ văn lâm” dàn trường văn trận bút để chống trả.)
Ôi thôi, bác Trợ ơi bác có biết vì sao bác chỉ nhớ thơ mà không nhớ tên tác giả của hai đoạn thơ bác vừa mới trích ra không? Vì đó là thơ không chính danh, thơ đó chỉ có thể đọc lên cho vui lúc trong người có “hai trăm đồng rượu” ở quán cóc vỉa hè để tếu táo sự đời nhiễu nhương mà khuây khỏa thôi chứ dứt khoát nó không thể đem vào sách giáo khoa dạy học sinh hay đem lên diễn đàn tranh luận học thuật một cách nghiêm túc được. Cho nên thơ đó lúc đầu là của một cá nhân cụ thể nào đó nhưng lâu dần nó trở thành thơ của “tập thể dân gian”, chẳng ai dám đứng ra vỗ ngực xưng tên nhận đó là sáng tác của mình đâu. Bác nói đúng ai lại đăng đàn phản biện những câu thơ mang tính “dân gian” chủ yếu để đọc xả “xì trét” trong lúc “trà dư tửu hậu” chứ không thể mang lên mâm cỗ được bày trí rất đẹp của những diễn đàn văn học nghệ thuật chính danh được.
Thứ tư, bác Trần Nhương tạo điều kiện cho mọi người tham gia tranh luận học thuật lành mạnh trên trannhuong.com, bác Trần Đình Trợ cũng đã ca ngợi vậy mà để “bốc thơm” nhà thơ Trần Mạnh hảo bác lại cho rằng những người tham gia tranh luận và phản biện với nhà thơ Trần Mạnh hảo là “dàn trường văn trận bút để chống trả”? Xin hỏi bác “chống trả” gì ở đây? Nói như thế khác gì bác Trần Nhương cũng là người “tiếp tay” cho việc “dàn trường văn trận bút để chống trả” nhà thơ Trần Mạnh Hảo? Bác ca ngợi bác Trần Nhương hay là ngầm ý chê bai đây?
Cuối cùng, kính thưa bác Trần Đình Trợ, cháu năm nay tính theo lịch Tây là 31 tuổi còn theo lịch ta là 32 tuổi; cháu rất ý thức là bản thân mình chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống như bác, cho nên có khi cháu cũng không hiểu hết được những ý tứ sâu xa của bác chăng? Hay cũng như không lường hết cái gì là “trường văn trận bút” của cuộc đời này như bác nói. Vì thế, nếu những dòng này có gì sơ suất mong bác hãy xem cháu như con cháu trong nhà mà bỏ qua cho. Kính chúc bác nhiều sức khỏe!
Cần Thơ, 17/10/2011
Nguyễn Trọng Bình