Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN MẠNH HẢO, TÔI HÂM MỘ ANH!

Trần Đình Trợ
Chủ nhật ngày 16 tháng 10 năm 2011 10:24 PM

  Tôi khâm phục bác Trần Nhương. Trang Trannhuong.com của bác, đã hút hơn bảy triệu lượt đọc mà không tốn đồng thuế nào của dân. Trên  trang web này, đang có cuộc tranh biện hết sức lý thú, do Trần Mạnh Hảo khởi xướng.
   Từ lâu, tôi hâm mộ TMH. Tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm của anh. Với tôi, anh là người có tâm có tài và rất dũng cảm.
 Rất nhiều người đã đánh giá: văn học và giáo dục nước ta, đang xuống cấp và trì trệ nghiêm trọng. Thế nhưng khi họ bàn đến từng việc, từng tác giả, tác phẩm cụ thể, thì chỉ thấy mỗi giọng nức nở khen nhau. Tác phẩm thì hay, tác giả thì tài, thầy thì sáng, trò thì ngoan, mà cái kết quả cuối cùng của giáo dục và văn học thì lại cùng ...bốc mùi như nhau. Kể cũng lạ!
  TMH khác với mọi người, anh nhổ toẹt tác phẩm mà anh cho là dở. Anh nhổ toẹt tác giả mà anh cho là tồi. Tả xung hữu đột hết văn chương rồi giáo dục, anh không nương thần tượng cũng chẳng nể đại nhân. Hết “Phản phê bình” rồi “Hầu chuyện các giáo sư”, đến cuộc tranh luận đang diễn ra này, TMH đều miệt mài chứng minh một điều: đánh giá chung của mọi người về nền GD và VH nước nhà, là rất đúng. Hơn thế, anh còn vạch ra nguyên do: nhà dột từ nóc dột xuống.
 Những khi thấy anh vạch ra chỗ dột, mọi người lặng lẽ vá víu lỗ hở, rồi họ tìm cách vô hiệu và tấn công lại kẻ phá thối.
  Lại nói về cuộc luận chiến thơ đang xảy ra trên Trannhuong.com. Bắt đầu từ việc TMH đập te tua tập thơ "Lời nguyện cầu trước lửa" của Trần Gia Thái. Sau đó anh lại phang tơi bời những kẻ bốc thơm TGT, bất kể người đó là hội trưởng Hữu Thỉnh, hay tiến sỹ Nguyễn Sỹ Đại.
  Các luận điểm của TMH, có thể chưa thuyết phục hoàn toàn, nhưng chắc chắn là rất trúng đích. Vì trúng đích, nên nó bị liên quân đập trả quyết liệt.
 Khó đập trả sòng phẳng được, các đối thủ của TMH phải viện đến những phương cách khác. Nguyễn Sĩ Đại đã phải viện đến chiêu kể ơn. Ông chì chiết TMH, là phải biết“ơn mưa móc” của từng chiếc bóng điện. Chưa hết, ông còn viện đến chiêu cổ điển, là chụp mũ. Ông dùng cái mũ “có gì với bọn ngoài biên giới”, “âm mưu lật đổ chế độ” để chụp vào đầu TMH.
  Lại có người, học theo các điệp viên, là dùng bí danh. Bởi khi tranh luận, ít ai quan tâm đến lý lịch, nhưng ai cũng phải để mắt đến những bài viết khác của đối phương. Dùng bí danh, sẽ giấu hết các chỗ hiểm, mà chắc chắn sẽ bị TMH đập vào. TMH cũng đã vội chê N84 là không chính danh, mà anh không để ý, bí danh N84 chỉ để dấu bài. Nếu không có bài viết nào khác, dù y ta có trưng gia phả ra, cũng chẳng can hệ gì.
  Bạn Nguyễn Trọng Bình lại cho rằng, bí danh thì cũng như bút danh. Thực ra, nó chỉ như nhau, nếu chỉ dùng đúng một lần. Mọi người thường dùng bút danh cho nhiều tác phẩm. Mà với họ, tác phẩm là đứa con tinh thần, nên bút danh còn trọng hơn tên thật. Còn bí danh trong văn chương, thì không mấy khi dùng để thay tên. N84 chỉ để vậy, TMH muốn xem văn chương y ta để phản biện, cũng đành chịu.
  Rồi người hùng THN xông trận, với bài viết tâng bốc "Lời nguyện cầu trước lửa" của Trần Gia Thái lên mây xanh. Cho dù TMH vừa đạp tập thơ đó xuống tận bùn, thì cái sự bốc thơm nó âu cũng là thường. Nhưng sự bất thường lại ở chỗ, hóa ra THN là kẻ chuyên đạo văn, và bài bốc thơm đó cũng là sản phẩm mà THN vừa đạo được. Trên trang Nguyễn Xuân Diện, sự thật đạo chích đã bị phơi bày. Đạo văn để bảo vệ bề trên, kể ra THN cũng là một kẻ trộm trung nghĩa.
  Rồi “ả hàng tôm” Nguyễn Thị Tị cũng vào cuộc để bảo vệ các nhà văn. Dù giọng điệu đúng là kiểu hàng tôm hàng cá, nhưng “chị ta” có vẻ cũng là tay văn chương sừng sỏ. Chỉ không biết những người được chị hàng cá này bảo vệ, có lấy làm hãnh diện hay không.
  Hồi bị côn đồ hành hung, thầy Đỗ Việt Khoa biết mặt biết tên từng đứa để kêu công an. Nay TMH tứ bề thọ kẻ bịt mặt, họ đang quyết bảo vệ thanh danh các sếp của mình. Trong cảnh thập diện mai phục này, mà TMH không hề bị rối, kể ra anh cũng là tay bản lĩnh.
 Khi TMH nhằm vào các thủ lĩnh của HNV để chê bai, chắc anh không để ý, đó là những kẻ đang lo cơm áo cho nhiều người. Hồi anh phản biện giáo dục, khi nhè đầu giáo sư mà gõ, chắc anh cũng quên rằng: sách các giáo sư  viết không những là “cần câu cơm”cho họ, mà còn “câu cơm” cho bao người khác.
  Ngẫm ra, sự xuống cấp nào cũng có liên quan đến miếng ăn, và TMH đã chọc đúng vào chỗ yếu danh lợi đó. Nếu những điều anh phê phán mà trật lất hết, thì chẳng ai quan tâm. Hoặc anh là kẻ bất tài, thì anh viết ra chẳng ai đọc. Không may, TMH lại có tài, và anh đã phê phán đúng chỗ.
  Cũng nhiều kẻ đã chọc trúng đích, nhưng TMH lại chê bai một cách bài bản và quyết liệt quá. Thà anh cứ chê nhau theo kiểu này:
“Ghét nhau cùng chiếu không ngồi.
Cùng chai không uống, cùng nồi không ăn.
Chỉ còn có hội nhà văn.
Ghét nhau như ...chó, vẫn lăn xả vào”.
 Hay kiểu như:
“Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ.
Đêm qua nó lại dí thơ vào l...
Vợ tôi nửa dại nửa khôn.
Sáng nay nó lại dí l... vào thơ.”.
 Tôi không nhớ, những câu tếu táo này của ai, nhưng nó cũng đã phỉ báng thơ, phỉ báng HNV hết lời. Những câu đó đăng đàn đã lâu, cũng có thấy ai phản biện, phản luận gì đâu. Thế mà những ý kiến của TMH vừa nêu, đã thấy “cao thủ văn lâm” dàn trường văn trận bút để chống trả.
  Nhưng chính vì thế, mà tôi hâm mộ TMH. Dù đơn thương độc mã, anh chẳng sờn lòng. Anh cứ phản biện, cứ phê bình, anh cứ chê bai như đang thực hiện một sứ mệnh.
  Mà chắc đó là sứ mệnh của anh thật. Bởi vì, nếu không có kẻ phản biện như anh, thì mới thật đáng buồn cho văn đàn. Văn chương mà chỉ rặt một giọng tụng ca, tâng bốc nhau, thì e không sẽ còn độc giả. Khi đó, chỉ còn các nhà văn ngồi khen lẫn nhau, để kiếm ăn nữa mà thôi.
 Tôi khâm phục bác Trần Nhương, vì đã cầm trịch công tâm cho cuộc luận chiến tao nhã này. Xin phép bác, qua trang Trannhuong.com, cho tôi gửi tới "Ngài Donkihote Trần Mạnh Hảo” lời chào của một người hâm mộ.
Trần Đình Trợ (trandinhtro.tk)