Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI ĐƯỢC ĐỌC MỘT CUỐN TRUYỆN HAY

M.C.
Chủ nhật ngày 16 tháng 10 năm 2011 9:11 PM
 
Chưa chắc đây sẽ là một cuốn tiểu thuyết “gối đầu giường” trước hết vì …ngày nay không còn ai để sách đầu giường nữa. Xưa rồi ! Nhưng không hiểu sao gấp cuốn sách lại tôi cứ bị ám ảnh. Ám ảnh bởi các diễn biến éo le, bởi các tình tiết sống động, bởi những nỗi đau như biết cựa quậy, bởi sự thương cảm cho số phận của nhân vật cũng như những suy nghĩ miên man về thế sự, về cuộc đời và về kiếp người ….  
Cuốn truyện đó mang tên “Con thuyền không bến đỗ” do dịch giả Lê Thanh Dũng chuyển cuốn tiểu thuyết “ Hà ngạn” - Giải thưởng Văn học Châu Á Man Asian năm 2009 của nhà văn Trung Quốc Tô Đồng - sang tiếng Việt. Sách do Nhà xuất bản Văn học Liên Việt ấn hành năm 2011.

“Nhân vật …”: Nữ liệt sỹ Đặng Thiếu Hương,  một cái tên mà “bao giờ cũng là nốt nhạc hùng tráng nhất trong những trang sử đỏ vùng Giang Nam” lại gắn liền với thân phận của hai  nhân vật xuyên suốt câu chuyện này.
Một là Tôi - người kể và Bố Tôi - người “đã từng là” con của nữ liệt sỹ đó.
Bố Tôi - con trai của người đã góp sinh mạng mình vào việc lát con đường dẫn tới  thành công của cuộc cách mạng. Bà ngã xuống, để con bà ở lại bước lên lễ đài giơ tay đón nhận thắng lợi với tất cả sự vinh quang và niềm kiêu hãnh.
Còn Tôi - con trai của Bố Tôi, lại là người gánh trọn nỗi đắng cay trong “cuộc cách mạng tiếp theo”, khi chiếc bảng đỏ “Gia đình liệt sĩ vẻ vang” - vòng hào quang trước cửa  gia đình bị hạ xuống.
…Cách mạng chồng lên cách mạng cuộc đời kế tiếp cuộc đời như những giọt nước tiếp giọt nước không ngừng trôi trên con sông Kim Tước, nơi mà cha con họ phó mặc những ngày còn lại của cuộc đời lênh đênh …Đôi bờ bó chặt dòng sông, ngăn cách, giam hãm họ như những song sắt vô tình và cay nghiệt. Lên  bờ, họ bị hắt hủi, bị xua đuổi đến mức không còn nơi neo đậu mà đành thả buông số phận đúng như tên tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết: “Con thuyền không bến đỗ”.
…Nhưng ngoài sự giam hãm thân xác, tác giả đã dành nhiều trang để miêu tả tâm trạng bị giam hãm, bị hành hạ thường trực hơn, đau đớn hơn và day dứt hơn… Đó là sự giam hãm của chính những cái bóng của mình…
Cuốn sách hơn 400 trang được chia làm 2 phần gồm 27 chương.
“Quá khứ hiển vinh”: Công bằng mà nói, “nốt nhạc hùng tráng nhất trong những trang sử đỏ vùng Giang Nam” kia trở thành bất hủ một phần cũng nhờ sự có mặt của “Bố Tôi” - ông Khố Văn Cán.
Năm đó, nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí cho cơ sở thì thình lình Đặng Thiếu Hương bị địch bắt. Bà đã kiên cường đấu tranh với địch, hiên ngang và bình tĩnh trang điểm trước khi bước tới giá treo cổ. Nhưng “Chỉ khi nghe thấy đứa trẻ nằm trong chiếc giỏ trong có dấu mấy khẩu súng cất tiếng khóc yếu ớt, bà mới như sực tỉnh cơn mơ chạy đuổi theo và kêu: “ Khoan đã, con tôi ở trong giỏ đó! Hãy đợi đã, đừng làm nó sợ!”…
Rồi chắc biết người dưới thuyền thích nuôi bé trai bị bỏ rơi, một người nhân hậu nào đó đã mang chiếc giỏ đặt trên bậc lên xuống bên bờ sông. Nước triều cuốn luôn chiếc giỏ mang đi khi ẩn khi hiện, như biết trốn tránh, biết vượt khỏi cánh tay của những người trên bờ muốn vớt nó để cuối cùng  chui vào lưới của ông lão thuyền chài Tứ Phong. Trong giỏ một đứa trẻ ngồi ngay ngắn, “nét mặt đẹp tựa thiên thần, tấm thân bé nhỏ trần trụi vương mấy lá rong nước, lớp da non tơ long lanh những giọt nước”. Bế đứa bé lên thì  chợt thấy một con cá chép - loại cá thiêng, cá hóa long - “đội đám bèo rồi quăng mình xuống nước bơi đi mất tăm”…Đứa trẻ đó chính là Bố Tôi!
Câu chuyện ngày càng được tô điểm bằng những chi tiết đậm chất huyền thoại đầy bi tráng.
Sau cách mạng, ông già Tứ Phong đích thân đến trại mồ côi tìm kiếm và nhận ngay ra đứa trẻ bởi có chiếc bớt hình con cá ở mông. Hạt giống đỏ này được bồi dưỡng và trở thành ông Khố Văn Cán, bí thư thị ủy hôm nay. Còn “Tôi” - Khố Đông Lượng - đứa con trai độc nhất của ông.
Giờ đây thì hằng năm cứ đến cữ thanh minh, tất cả bọn trẻ ven sông Kim Tước lại kéo nhau đến bên tấm văn bia bằng đá hoa cương đặt tại nơi bà gặp nạn ở thị trấn Xưởng Dầu để tưởng niệm. Gần thì đi bộ, xa thì đi tàu,…có đứa còn được đưa đến bằng cả xe ..công nông.
 “Hôm sau tôi trở thành đứa con hoang”: Hiển vinh như thế kể cũng đã là cùng rồi!. Nhưng chợt một ngày, cậu bé Khố Đông Lượng đã ngỡ ngàng trước sự sụp đổ của gia đình. Tổ công tác do trên cử về, kín kín hở hở nằm ở thị trấn làm việc suốt từ hạ qua thu. Rồi đúng ngày kỷ niệm liệt sĩ Đặng Thiếu Hương năm đó, ngày mà hàng năm “Bố Tôi vẫn chủ trì lễ dâng hương, Tôi thay mặt toàn thể thiếu nhi đến Đình Cờ dâng hoa, trên đài truyền thanh Mẹ Tôi đọc thơ tưởng nhớ vong linh liệt sĩ ” thì giờ đây tổ công tác chính thức tuyên bố kết quả giám định: bố tôi không phải là con liệt sĩ Đặng Thiếu Hương !
Do “đi sâu phát động quần chúng”, tổ công tác phát hiện ra Tứ Phong hồi xưa chẳng những đã từng đi cướp mà còn… chuyên “bám váy đàn bà” để sống. Thế là một loạt bài phê ông già chết đã từ lâu này là “phần tử khác biệt giai cấp” được phát trên đài truyền thanh địa phương. Mà đã là “phần tử khác biệt giai cấp” thì việc tìm ra con của nữ liệt sỹ Đặng Thiếu Hương biết đâu chẳng là trò “Linh miêu tráo Thái tử” như trong tích “Bao công xử án Bàng Quí Phi”…?!
Bi kịch của gia đình đã xảy ra trong giao diện “đã từng” và “chưa từng” là con liệt sỹ này của ông Cán.
Ngày hôm sau đi học, mặc dù đã được mẹ dặn kỹ thôi thì từ nay chớ có gây sự với ai,  hãy “quắp đuôi lại mà làm người” nhưng vừa ra cửa Lượng đã bị chị em nhà thằng Chốc Bảy cướp ngay chiếc bánh bao có sữa thơm ngon cầm trên tay. Uất ức quá vừa định kêu lên thì đã bị chúng mắng chửi té tát nhà mày là kẻ cướp trên sông, là phản cách mạng, …” và trắng trợn tuyên bố “chúng tao không cướp mà là chuyên chính vô sản với mày!”. Con chị còn hét tướng lên con Khố Văn Cán thì đã là cái gì? Khố Văn Cán là kẻ thù giai cấp rồi nhá, bây giờ hắn là con hoang, mày cũng là thằng con hoang!”. Cả đám người đi đường, cả phố …ai ai cũng tán thưởng một cách sung sướng.
Đầu óc thơ ngây của cậu bé chợt hiểu “Bố tôi không phải con bà Đặng Thiếu Hương thì chẳng là cái gì nữa”, mà bố tôi chẳng là gì thì “tôi đây cũng chẳng là cái gì” và “oan khuất của tôi bắt đầu từ oan khuất của bố” nhưng “tôi không bao giờ có thể nghĩ được rằng thế giới này thay đổi nhanh chóng đến thế, chỉ sau một ngày, tôi đã thành thằng con hoang”.
 “thành khẩn thì tha, ngoan cố bị nghiêm trị”: Khố Văn Cán bị cách ly để kiểm điểm. Hai tháng sau, mẹ con Lượng đến đón về. Từ căn phòng trên lầu có ba cửa khóa, ông ngợp nắng loạng choạng bước ra khiếp nhược, suy sụp. Đáp lại sự mong chờ trở về, được gặp lại những người thân yêu nhất sau cơn hoạn  nạn, để được nhận được sự cảm thông, được an ủi chăm sóc của ông bị dập tắt tức thì ngay khi gặp ánh mắt căm giận, hắt hủi của người vợ. Ông buộc phải đưa mắt cầu cứu con như mong được tha thứ một điều gì. Thì ra trong khi bị truy bức tuy kiên quyết không chịu nhận đã khai man lý lịch nhưng ông lại “thành khẩn” với các khuyết điểm về “tác phong sinh hoạt”. Chức mất, quyền hết, bà vợ không chịu  nổi sự thất thế nhục nhã. Từ một phát thanh viên sáng giá, giờ đây bà không còn đọc trên đài, chỉ cắt giấy, chép bài cho “con Hồng” - một đồng nghiệp mà thường ngày bà vẫn nhìn dưới tầm mắt. Niềm uất hận đó được chút cả lên đầu ông. Bà căm giận, khinh bỉ, hắt hủi và đặc biệt bắt ông viết kiểm điểm về những lần đã chót không chung thủy với bà. Đến giờ, ông phải ngồi vào bàn đối chất với bà. Trốn trong nhà xí cũng bị bà cầm cán chổi thúc cho đến ra… Mặc dầu lãnh đạo lãnh đạo đã từng động viên  bà để vững tâm “đấu tranh” với chồng là “vợ chồng tuy ngủ chung giường nhưng có thể đứng trên lập trường giai cấp khác nhau”. Nhưng rồi cuộc chia ly tất yếu vẫn xẩy ra một khi cuộc  hôn  nhân khi xưa ông mê bà vì bà đẹp còn bà mê ông vì ông “có tiền đồ”.
Ôm ấp cái bóng sửa chữa sai lầm: Một lần ra đường, Lượng chợt thấy trên cổng nhà mình dán tờ giấy đỏ thường để báo tin vui mang dòng chữ: Nhiệt liệt chào mừng đồng chí Khố văn Cán đến đội tàu Hướng Dương an gia lạc hộ. Dưới ký: Toàn thể đội tàu Hướng Dương. Không rõ ông tự nguyện hay được tổ chức bố trí cho tới đây để lao động tự cải tạo.
Rồi một ngày tháng chạp, đường phố rét như cắt da cắt thịt, trong không khí đã thoảng mùi thơm của mỡ rán ngày giáp tết, bà mẹ dọn nhà đi, cha con ông Cán kéo nhau xuống đội tầu Hướng Dương. Nhưng cuốn sổ ghi chép tỷ mỷ sự thành khẩn của ông với vợ thì bị bà bỏ lại cho đứa con mang theo như một nỗi uất hận ném theo hành hạ ông suốt những ngày còn lại.
Tiếp đây là những diễn biến trong 13 năm ròng hai cha con ông Cán lênh đênh trên đội tầu mà cuối cùng vẫn chẳng tìm được chỗ neo đậu cho thân xác lẫn tâm hồn.
Trên tầu người ta vẫn nể trọng ông, vẫn một điều “bí thư Khố”, hai điều “đồng chí bí thư”. Ông vẫn mang theo chiếc ghế bành, hình ảnh của một quá khứ vinh quang. Hằng năm đến cữ thanh minh và ngày hai bảy tháng chín, ông lại chăng tấm biểu ngữ bằng vải đỏ bên mạn tàu - “Liệt sĩ Đặng Thiếu Hương mãi mãi sống trong trái tim chúng ta”. Ông muốn hướng tới cái bóng cao cả trong quá khứ để tự răn mình, muốn tẩy rửa mọi lỗi lầm cho thanh sạch thì hậu quả của chúng không chịu buông tha.
Trong một tình thế gay cấn, khi Triệu Xuân Mỹ, em gái bí thư mới, chạy theo tầu “bắt nợ” ông phải trả giá cho cái tội đã “cắm sừng” khiến chồng mụ phải uống thuốc sâu tự tử thì nỗi nhục nhã dồn ông tới đường cùng. Không chịu nổi áp lực ông dùng kéo tự thiến như muốn để bộc bạch với đời quyết tâm muốn sửa chữa cái tội trai gái lăng nhăng. May mắn ông đã được tập thể đội tầu cứu thoát.
 Mặc cảm tội lỗi khiến ông còn cảnh giác gìn giữ cho cậu con trai mới lớn. Ông luôn giám sát từ ánh mắt của con khi nhìn người khác giới, “bắt vở” được những ý nghĩ đen tối của cậu ngay khi chúng mới chớm nở trong đầu để ngăn ngừa, để giáo huấn, uốn nắn, thậm  chí còn khắt khe nhòm ngó  cả chuyện …cái đũng quần của con !.
Tình yêu và nỗi hận … Thế rồi cô bé Huệ Tiên trên bờ năm xưa lạc mẹ được đội tầu mang xuống cưu mang giờ trở thành một thiếu nữ. Cô như một giọt  nắng xuân nhảy nhót trên đoàn xà lan vốn cục mịch, khô cằn. Trái tim chàng trai đang lớn và khát khao tình cảm Khố Đông Lượng, sao mà thoát khỏi được một tình yêu thầm  cháy bỏng.
Rồi một vận may đặc biệt đã nhấc Huệ Tiên lên bờ và trở thành một ngôi sao sáng giá. Nhưng tính cách mạnh mẽ, thẳng thắn và hơi “hoang dã” …của cô không phù hợp với cuộc sống trên bờ đầy phức tạp nên cũng nhanh chóng bị đẩy vào một góc xã hội. Nhưng dù sao Huệ Tiên cũng là người trên bờ còn Đông Lượng vẫn là dân nhà thuyền. Vượt qua mọi trở ngại cậu tìm mọi cơ hội lên  bờ chỉ để tranh thủ thấy được người mình mong nhớ. Ở đây Lượng chịu không biết bao chuyện rắc rối, nỗi bất công và tới đâu cũng bị cái danh “thằng con hoang con lão Cán” đeo đẳng kỳ thị…
 
…Đối mặt hàng ngày trong một khoang tầu chật hẹp tối tăm, mâu thuẫn giữa hai cha con nặng nề trong một mối quan hệ tình cảm vừa thương yêu vừa oán hận.
Cuối cùng, trong một tình huống nẩy lửa, bị dồn nén, đứa con mất kiểm soát đã sỉ nhục bố, mang chuyện kín của bố nói toẹt giữa chốn đông người. Ông Cán nhục nhã, uất ức, tìm đến lọ thuốc sâu mong trốn sự đời mà rồi vẫn bị cứu thoát .
Nhưng qua cơn hoạn nạn này, hai sinh  linh nhỏ bé cô đơn trên mặt sông đó mới thật sự tìm thấy hơi  ấm trong niềm sót thương và sự thông cảm của tình cốt nhục…Trước sự tuyệt vọng của bố, Lượng tạm trói ông trên thuyền để quyết tâm lên bờ tìm mang lại sự công bằng cho ông.
Không tìm được bí thư thị trấn, Lượng buồn bã tìm đến mộ bà để mong có được một chút an ủi thì nơi đây đã tan hoang. Người ta đang phá đình để xây dựng bãi đỗ xe. Với tất cả sức lực, chàng trai cố tha tấm bia nặng cả tạ nằm vạ vật trong đống gạch vụn về thuyền để làm vui lòng bố…
Nhưng ông biết đâu rằng trên bờ 13 năm trôi qua trên bờ đã có bao đổi thay. Người ta đã xác định được ông giáo Tưởng kia mới là người con đích thực của nữ liệt sĩ. Rồi cuối cùng thì phát hiện nữ liệt sỹ là người …vô  sinh. Chính vì thế mà bà đã phải bỏ nhà chồng ra đi để hoạt động cách mạng. …
…Mang được tấm bia về nhà, ông Cán thấy yên tâm vì từ nay mình được thờ phụng  mẹ. Thế nhưng trong khi loay hoay tìm chỗ đặt tấm bia trong khoang ông thình lình phát hiện hình ảnh chạm nổi phía sau vốn mang hình nữ liệt sỹ cầm chiếc giỏ trong có lộ ra đầu một đứa trẻ thì nay đầu đứa trẻ không còn nữa. Ông hoảng hốt, đau đớn, tự dằn vặt cho rằng mẹ không nhận mình nữa. Sau 13 năm cải tạo ông vẫn không được mẹ tha thứ…
Từ nguồn gốc đến sự tồn tại chỉ là ảo vọng. Ông Cán cột mình vào tấm bia, cái bóng của cuộc đời, để trầm mình xuống dòng sông vô tình chảy về hư vô. 
… Câu chuyện đến đó là hết nhưng không khép được. Khố Đông Lượng với chiếc sào tre nhỏ bé cố chống đưa chiếc sà lan sắt nặng  nề ra giữa dòng sông để tránh sự truy đuổi trên bờ…
Chiếc sà lan số 7 bị bỏ rơi, cô đơn, không tầu dắt, dịch chuyển chậm chạp trong tình thế khẩn trương mà rồi không biết còn dạt về những bến bờ ảo vọng  nào nữa ?!. Câu chuyện chẳng dừng, …cứ trôi trôi mãi mà không  khuất được khỏi tầm nhìn bâng khuâng của người đọc ….
Lời tán thưởng rụt dè: Sau khi đọc, tôi xin mạnh dạn giới thiệu với mọi người rằng đây là một cuốn chuyện hay. Tuy  nhiên giá trị của lời giới thiệu đó lại cần có được một chút hoài nghi và tái thẩm định. Sở dĩ phải thành thật ngay từ đầu như vậy vì, thưa quí vị, tôi là một người chưa hề dính tới nghiệp văn chương. Ba bốn chục năm trở lại đây tôi đi xem “phim rạp” chưa quá 2 lần, ai cho vé giao hưởng thì đi nghe, triển lãm, bảo tàng… miễn phí nếu có tiện qua mới ghé … Thực phẩm văn hóa hàng ngày của tôi là “đọc nhếu nháo” các báo in, báo mạng. Nhưng đọc truyện thì được coi là đã dùng các món hàng xa xỉ. Đối với các sự kiện PR hoặc quảng cáo rùm beng thì chẳng những không vồ vập mà còn thoáng chút nghi ngại nên tôi thuộc lớp người có phần “hơi lùn” về văn hóa, nghệ thuật trong xã hội hiện tại …Vậy một kẻ quanh  năm dưa cà mà cất lời bình phẩm món ăn và bàn về văn hóa ẩm thực cũng đáng ngờ !
Tuy nhiên, theo tôi, đây là một cuốn truyện hay, dễ xem, bởi các sự việc lôi cuốn, phong phú và đầy bất ngờ hấp dẫn, với những nhận xét hết sức thông minh sắc sảo. Với giọng văn thoạt đọc tưởng chừng như bình dị hóm hỉnh kéo người xem đi hết trang này sang trang khác không thấy mệt. Nhưng đây cũng là cuốn truyện mà đã đọc lại thì càng đọc …càng mệt. Nhưng người đọc vẫn miệt mài thích thú vì sự thâm trầm sâu sắc của nó. Đọc lại  người ta lại khai thác được nhiều điều thích thú cho mình hưởng thụ…
Và những bình phẩm có phần kém tự tin: Cầm trong tay cuốn truyện trước hết tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn đến dịch giả, đến nhà xuất bản và tất cả  những ai đã góp phần cho cuốn tiểu thuyết này được ra đời bằng tiếng Việt. Về hình thức đây là một cuốn sách đẹp. Bìa cán láng và in dập nổi rất sang. Tuy nhiên lần đầu bắt gặp tôi cứ đinh ninh đây là quyển truyện có tên là “Tô Đồng” ( vì ít đọc nên chẳng biết Tô Đồng là ai). Sau hiểu ra tôi chia sẻ băn khoăn này của mình với bạn thì bị phản bác: “ Ít lâu nay vì cậu không để ý chứ tất cả các sách tên tác giả đang “ăn khách” bao giờ cũng được  in nổi bật nhất ”. Nhưng tôi vẫn không chịu. Tôi rất mất cảm tình khi được nghe giới thiệu về một người mình mong muốn được làm quen mà cứ phải nghe nhấn mạnh rằng anh ta là con ông nọ, bà kia… Tôi muốn biết hiểu đây là “cậu Bảy” chứ không phải “Anh Hai” nhà ông Tô Đồng thì người ta lại chỉ cho  mỗi thông tin: “Con ông Tô Đồng đấy, hay lắm”.
Lật bìa cuối tôi “sờ” thấy tên dịch giả. Mặc dầu cũng dập  nổi nhưng cắt dán như vứt vương đâu cho đến phút chót mới chợt nhớ ra ! Có lẽ chúng ta cũng nên đề cao vai trò của dịch giả. Tôi chẳng thể thích Bông hồng vàng nếu không nhờ Vũ Thư Hiên, không biết Lev Tolstoi nếu không có Cao Xuân Hạo và chẳng hiều được cái dữ dội của Sông Đông mà không nhờ Nguyễn Thụy Ứng… Vậy hãy nên đề cao giá trị và trách nhiệm người dich. Nghe nói dịch giả Lê Thanh Dũng tuy là một tiến sỹ kỹ thuật nhưng lại thạo văn chương. Người ta bảo trình độ tiếng Trung và tiếng Việt của ông là ngang nhau và còn đồn ông biết cả Anh, Pháp, Nga và tiếng Hungary. Đặc biệt là người có tự trọng trong công việc mình làm . Vậy công bằng có lẽ chúng ta cũng không nên xếp bằng đầu các cuốn sách dịch nghiêm túc với những cuốn sách dịch được dứt ra giao mỗi người một chương…
Và cuối cùng, cái bìa thấy hình như chưa “nhập” với cuốn sách. Trong câu chuyện cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng không liên quan gì tới đôi mái chèo trên dòng sông xanh đỏ đó cả. Có lẽ chiếc sà lan bị đoàn thuyền bỏ rơi mới là tâm điểm của vấn đề .
Với tất cả sự hào hứng và lòng nhiệt tình với cuốn sách cũng như ham muốn được chia sẻ, tôi đã viết những dòng trên đây trong một hoàn cảnh vội vàng , với sự nghèo nàn về tri thức nhưng lại đầy ắp những suy luận hồ đồ và  ngộ nhận nông cạn. Mong được lượng thứ…. !
                 10/X/ 2011
 M.C.