Đọc bài “Xin có đôi lời thưa lại Vương Trọng” của NSND.Lê Huy Quang trên nguyentrongtao.org, “thưa lại” bài “Đổi mới thơ và những điều ngộ nhận” của nhà thơ Vương Trọng, tôi phục Lê Huy Quang đã khu xử đàng hoàng, đúng mực và tử tế trước một sự việc dẫu người lành tính, nhu mì đến mấy cũng khó có thể cho qua được. Đã lâu tôi mới được đọc trên thông tin đại chúng mà “người bị hại” buộc phải ra nhời vì bất ngờ bị “đá móc” khá đau, với lời lẽ thiếu trách nhiệm, động chạm, làm tổn thương đến nghề nghiệp, xúc phạm nhân cách người cầm bút.
Đoạn văn ông Vương Trọng trích dẫn thơ 2 câu thơ “Anh mi ni em” và “ Anh tiết canh em” của Lê Huy Quang theo lối “thầy bói xem voi” như sau: “Thế nhưng trong thời kỳ đổi mới vừa qua, có nhà thơ viết: “Anh mi ni em” rồi giải thích đó là nói tắt mệnh đề “anh lai em bằng xe đạp mi ni” đã thách đố người đọc, nhưng vẫn ít nhiều có lý, còn đến câu “Anh tiết canh em” thì thật khủng khiếp và không ai có thể hiểu được như lời giải thích của tác giả rằng câu ấy có ý “anh và em cùng ăn tiết canh”!
Có người quan niệm rằng những gì có trong đời thì cũng có trong thơ nên họ đưa vào thơ các thứ bẩn thỉu tục tĩu, những danh từ chỉ bộ phận trong cơ thể người mà ngay một bác sĩ giãi phẫu cũng tránh né…và coi rằng mình là người tiên phong, vì từ cổ chí kim ai làm nổi! Cần phân biệt sự khác nhau giữa không làm nổi và không làm đối với người có văn hoá và thấu đáo phong tục, tập quán của dân tộc mình.” (hết trích)
Ông Vương Trọng viết nội dung trên không có sở cứ, bài thơ “Chân dung” đã được mấy tờ báo đăng và in trong tập thơ từ đời tám hoánh rồi, trước cả thời đổi mới tới 23 năm mà bố Trọng cứ thản nhiên phóng bút nhét ngay vào “thời đổi mới” để rồi ề a cao đạo. Chán thật! Thời buối này đến ông Vương Trọng mà cũng thiếu sự cẩn trọng, tra cứu, ngẫm suy trước khi “phán” vống ra những điều vô cảm, vô căn cứ thì chẳng mấy chốc mà chữ “Uy” chữ “Tín” mỏng hơn tờ pơ-luya.
Lâu nay hễ có “cớ” là một số cây bút lên văn đàn “choang” nhau tới số, mắng nhau bằng chữ cũng có, rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” cũng xảy ra rồi. Ngẫm mà thấy buồn hơn vui, mất mát nhiều hơn được. Bởi vậy, kiếm một bài đọc xong vỡ nhẽ, rõ rồi thì thôi, ôn hòa tử tế, ứng xử như Lê Huy Quang thật hiếm?
Ông Trọng viết đến thế mà Lê Huy Quang vẫn điềm đạm, ôn hòa nhưng rành rọt, thể hiện khẩu khí của người có chừng mực. Tôi phục Lê Huy Quang, đọc xong 3 cái gạch đầu dòng ngắn gọn, có căn cứ, nhiều thông tin liên quan rất thuyết phục nên tôi viết ngay những dòng sẻ chia cùng ông với tư cách là bạn đồng niên. Ông phúc lại bằng những lời chân tình, ấm áp không chút nặng nề, ác ý với ông Vương Trọng. ông viết: “Rất cảm ơn tình cảm của Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, những lời đồng cảm, sẻ chia chân tình (và cả chuẩn xác về bài trả lời VT của tôi)…Nguyễn Trọng Tạo cũng nói y như bác, khen tôi đằm thắm, mực thước- Tôi nói là thôi, cùng dân Nghệ-Tĩnh cả; Mỗi người một cách, Vương Trọng vừa bị ốm nặng, mắng mỏ nặng lời trên thông tin đại chúng, người tử tế họ cười cho. Cũng hay, là rất nhiều anh em gọi máy, đều sẻ chia như những suy nghĩ của bác. Tình cờ gặp Nhà thơ Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn (những nhà thơ chính thống, chính hiệu), họ cũng sẻ chia như thế, và rất thích bài CHÂN DUNG!...”
Lê Huy Quang là vậy, giản dị, chân thành với những bài thơ ghi dấu ấn từ thuở nhà thơ chân đất cùng Chu Hoạch, Phan Đan, Tường Vân... ông không sợ làm thơ dở hơn người khác, cũng không cố gắng để hay hơn người khác, mà bao giờ ông cũng chỉ cố gắng phải- khác- người- khác. Bài thơ CHÂN DUNG cũng xuất bản miệng tự thuở hàn vi ấy, cùng đôi guốc mộc theo ông đi hết cuộc đời.
Cảm ơn nhà thơ Lê Huy Quang đã giới thiệu nguyên văn bài thơ “Chân dung” mà chúng tôi quen gọi là “Tiết canh em”.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh - BA TỈNH