“Hồ đồ” là cuốn thứ hai sau “Hư thực” nằm trong bộ ba tiểu thuyết của Phùng Văn Khai, được NXB Văn học ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc. Cũng như “Hư thực”, “Hồ đồ” vẫn trung thành với cách sử dụng hồi ức như là phương tiện chính, chuyển tải các dữ liệu hiện thực từ nhiều cấp độ khác nhau , hình thành một tầng chìm tư tưởng, quy chiếu những giá trị thẩm mỹ, tái hiện những phần khuất lấp của lịch sử.
Về mặt đề tài, nguồn cảm hứng để tác giả hình thành “Hồ đồ” là hội chứng chất độc da cam mà quân đội Hoa Kỳ đã rải xuống các cánh rừng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến những năm sáu mươi của thế kỷ XX, đến nay đã trở thành vấn đề nóng bỏng của thời đại, thức tỉnh lương tâm nhân loại. Bắt đầu là một nhóm người rồi dần dà hình thành cả một tổ chức với quy mô toàn cầu, những nạn nhân da cam thế hệ thứ nhất và thứ hai, cả người Việt lẫn người Mỹ, tiến hành một cách bền bỉ, nhẫn nại, thu thập chứng cứ khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ và các công ty hóa chất đòi công lý.
Tinh thần cơ bản của cuốn tiểu thuyết giống như một bản cáo trạng, lên án những kẻ hồ đồ, gây ra bi kịch nhân sinh, được phát triển thông qua những dòng hồi ức khi sự kiện chất độc da cam đã lùi xa nửa thế kỷ. Tác giả không trực tiếp viết về hiện thực chiến tranh mà anh tìm đến cái bóng của nó, nghĩa là âm hưởng của cuộc xung đột đẫm máu vẫn còn dai dẳng tồn tại trong ký ức con người. Chiến tranh kết thúc từ lâu nhưng với những người mang hội chứng da cam thì dường như không bao giờ bước ra khỏi nỗi ám ảnh chết chóc.
Vậy ta có thể tạm quy ước mọi thao tác của các nhân vật chính trong “Hồ đồ” là thu thập hồ sơ chứng cứ chuẩn bị cho một vụ kiện lịch sử mà kết quả của nó khó có thể dự đoán.
Giống như “Hư thực” xuất bản năm 2008, “Hồ đồ” cũng có dạng kết cấu xâu chuỗi, các trường đoạn được khai triển đan xen nhau, về tổng quát thì vận hành theo quy luật tuyến tính, nhưng cũng không hiếm trường hợp sử dụng thủ pháp đồng hiện. Tuy nhiên về hình thức, cuốn tiểu thuyết này có vẻ như không mấy thuần nhất, nó là sự kết hợp của vài ba dạng cấu trúc, mà nét đặc biệt nhất là dạng cấu trúc không gian - tâm lý vốn bắt nguồn từ những ẩn ức chiến tranh được tái hiện qua hàng loạt tiểu tự sự.
Về đặc trưng thi pháp, phần chủ đạo vẫn là hiện thực cổ điển xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Nghĩa là, các đại lượng thời gian, không gian, cảnh vật, tâm lý nhân vật, xung đột nội tâm... vẫn vận hành theo quy luật tiểu thuyết truyền thống, nhưng khi cần tạo đột biến, tác giả có thể chuyển ngay sang phương pháp hiện thực huyền ảo, siêu thực, thậm chí hậu hiện đại. Mỗi mục được đánh số thứ tự trong 67 mục được xem như một lát cắt trong cuộc đời một nhân vật hoặc nhóm nhân vật. Họ phần lớn đều là nạn nhân chiến tranh bởi đã bị nhiễm chất độc da cam mà cả người đàn ông ở làng và giám đốc nông trường đều định danh nó một cách mỉa mai nhưng khá chính xác là “bị bắn lén”.
Xét đến cùng, phương pháp sáng tác thực chất chỉ là phương tiện, nên, khi chuyển dịch sang siêu thực hay hiện thực huyền ảo, mỗi lát cắt được xem như một truyện ngắn có thể tách riêng, độc lập, nhưng vẫn nằm trong chuỗi sự kiện cấu thành nội dung tác phẩm. Như vậy, về mặt thi pháp, những lát cắt là những tiểu tự sự nằm trong một đại tự sự nhưng là một kết cấu mở, vô cùng linh hoạt, uyển chuyển, có thể thêm hoặc bớt các nhân vật, có thể kéo dài hay rút gọn mỗi mục mà không ảnh hưởng đến nội dung, tư tưởng tiểu thuyết. Điều này làm chúng ta nghĩ ngay đến lý thuyết “giải cấu trúc” và “liên văn bản”, người đọc, qua nội dung văn bản của tác giả, có thể tự mình “tái cấu trúc” thành những dạng văn bản mới theo quan điểm thẩm mỹ của riêng mình.
“Hồ đồ” có cách phát triển tuyến truyện theo dòng hồi tưởng. Nhân vật ngược dòng thời gian về quá khứ, làm sống lại những sự kiện và các mối quan hệ bằng phương pháp phản ánh hiện thực cổ điển.. Quá trình này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Quá khứ và hiện tại tương tác nhau, bổ sung cho nhau để giải thích lịch sử dưới góc nhìn phản biện. Thủ pháp hồi ức đan xen có chức năng giải thích hiện tượng vốn bị lớp bụi thời gian che phủ, đem đến cho người đọc một nhận thức mới, một cách nghĩ mới về những vấn đề thời đại như chiến tranh, hòa bình, nhân sinh, đạo đức cùng những giá trị văn hóa mà trước đây, vì nhiều lý do người ta chưa dám nghĩ đến hoặc chưa thể nghĩ đến, chẳng hạn như gã cán bộ quân lực gạ tình những cô gái trẻ mới nhập ngũ đổi lấy việc không phải đi B hoặc được đi học nước ngoài, hay sự phản bội hèn hạ của tên sĩ quan Mỹ ARM khi hắn lợi dụng lòng nhân đạo của “người lính phía bên kia”.
Bằng thủ pháp hồi tưởng, tác giả sử dụng một lối kể qua mạch văn đôi khi mang tính “khiêu khích” với tiểu thuyết truyền thống, cho dù “Hồ đồ” thực ra vẫn nằm trong thi pháp tiểu thuyết cổ điển. Tính “nổi loạn” được biểu hiện khá rõ trong những câu văn thiên về triết luận, trong đó bao hàm cả động thái phê phán. Nhìn chung, câu văn của cuốn tiểu thuyết này có thể quy chiếu vào mô hình kể + tả+ bình luận ngoại đề. Tất cả những thao tác trên đều đồng thời xuất hiện trong đoạn văn, thậm chí câu văn, tạo nên một dạng câu đặc trưng biểu hiện khá rõ tinh thần “khiêu khích” trong tiến trình phản biện. Các chuỗi phản biện ngầm này móc xích với nhau tạo nên những thông điệp nghệ thuật. Người đọc có thể nhất thời tiếp nhận bằng trực cảm chưa giải mã được bí mật ngón nghề. Nói cách khác, Phùng Văn Khai đã tìm ra được cách viết “ma ám”, anh ta thao túng văn bản, chơi trò ú tim chữ nghĩa mà một trong những quái chiêu đáo để của họ Phùng là tạo ra không ít mảng không gian u ám bằng những câu văn chẳng giống ai, cố gắng thoát khỏi sự áp đặt chủ quan, làm mờ nhòe ranh giới giữa hiện thực và ảo giác. Không gian của “Hồ đồ” hầu như không chấp nhận tính ước lệ, nó cụ thể, chi tiết, thậm chí có góc cạnh và linh hoạt, biến thái khôn lường, đôi khi làm người đọc phải sững sờ. Song hành với thứ không gian sinh động như bị yểm bùa mê ấy là những câu văn bình dị, không lên gân gay gắt mà thường nhấn nhá, tưởng như vô cảm, nhưng thực chất, bên dưới nó là tầng chìm nóng bỏng, sôi sục những ý tưởng, những quan điểm và thái độ thẩm mỹ.
Khi miêu tả cảnh vật, tác giả luôn chọn được góc nhìn đắc địa để tìm được cái thần của nó. Cảnh vật phải biểu đạt được trạng thái tâm hồn, gợi mở ý tưởng. Có thể nói, nhân vật, cảnh vật và người đọc tạo nên sự cộng hưởng thẩm mỹ. Phong cách viết này chi phối toàn bộ cuốn sách:
“Ngoài kia dòng sông gầy guộc mùa đông đang thở, đang hát khe khẽ những lời chỉ cỏ cây mới hiểu. Sông ơi! Sông chảy thì ích gì. Sông đã chảy đi bao nhiêu nước và sẽ còn chảy bao nhiêu?”
“Đêm. Bức tường đen thẫm dựng thẳng đứng choán một khoảng không gian rộng lớn. Hàng vạn tên người nhỏ li ti, phẳng và dẹt in hằn vào bức tường đen đặc. Những hàng chữ sắc nhọn hằn sâu vào đá, gió đêm vi vút mơn man. “
“. Khi những tia nắng cuối cùng chui xuống dòng sông, cũng là lúc đầu óc Gã độc thân dần chuyển động nhanh hơn, những suy đoán đan cài, luân chuyển loang loáng trong trí não”.
“Nơi khu chuồng gỗ, những ánh điện xanh lét chập chờn hắt xuống đám người nằm ngang dọc, hỗn độn. Thỉnh thoảng, tiếng ú ớ, tiếng cười khành khạch, tiếng hú u u tắc nghẹn, tiếng ngáy ằng ặc lịm thiếp rồi lại bùng lên miên man, chờn vờn. Trong Đám người, mấy cậu bé nghịch ngợm ban ngày nằm chết rấp nhớt rãi chảy tràn xuống những chiếc gối bẩn cáu két quăng quật lung tung. Từng chiếc chuồng gỗ thấp quen thuộc như những chiếc quan tài mở nắp với các cậu bé là ngôi nhà nhỏ với vô vàn yêu thương, ấm áp cũng là chỗ trú ngụ cuối cùng”.
“Gã ngồi chồm hỗm trên chiếc giường chỉ còn ba chân, cái chân gẫy được thay thế bằng một tảng bê tông nham nhở, đội kênh chỗ giát giường đến nửa gang. Đang cáu bực vô cớ thì cánh cửa chính có ai giật thốc ra, kêu loành xoành. Một mái đầu tổ quạ ló vào, tròng mắt trắng dã vì thiếu ngủ, cặp môi xám ngoét, má bợt bạt son phấn rẻ tiền trộn lẫn nước mưa. Ả gái nhìn gã van vỉ, nói câu được câu mất: Em đánh rơi chìa khóa, anh có cái búa sang phá cửa giúp em. Em chết mất. Gã độc thân lừ đừ bước khỏi chiếc giường ọp ẹp, không nói không rằng, lục xục nhặt ra con dao cùn và chiếc búa cụt cán đi theo ả điếm. Lưng ả cong oằn trong lằn chớp, bước đi thập thễnh rất khó coi. Gã bước theo sau, chỉ mấy bước ngắn đã đến căn phòng cuối dãy nhà trọ”
“Hơn trăm mẹ nàng táo tợn, đáo để từ trong rừng thoát ra rồi lại bước vào rừng chắc chắn là một đám bất trị mà anh phải cai quản. Họ với biết bao những trò tinh nghịch đến quỷ quái của những cô ả quen khó dễ nũng nịu cấp trên thì anh khác gì một tên mõ làng trong đám người ghê gớm ấy”.
Câu văn trong “Hồ đồ” phát triển theo mô hình không cố định nhưng vẫn có thể quy vào mấy dạng thức phổ biển mà điển hình là câu trần thuật mở rộng thành phần. Các thành phần mở rộng luôn có xu hướng dùng tính từ, trạng từ bổ trợ thông tin, gia tăng hàm lượng thẩm mỹ, kích thích khả năng dự đoán, thẩm thấu sâu hơn vào tư tưởng, tình cảm của đối tượng tiếp nhận. Phải thừa nhận, mạch văn của “Hồ đồ”, tuy mang khuynh hướng triết lý nhưng lại trực tiếp tác động đến tình cảm người đọc. Từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính là một quá trình gần như đồng thời bởi câu văn được viết giản dị, dễ hiểu với lớp từ thông dụng, giàu sắc thái biểu cảm.
Một đặc điểm nữa cũng cần phải nêu đó là tính chất cặp đôi, thậm chí cặp ba trong từng đoạn mạch. Hồi ức, cảm nghĩ và suy tưởng luôn là thao tác ưa thích của Phùng Văn Khai thông qua người dẫn chuyện là gã nhà báo hợp đồng có nhân thân quái gở. Dưới đây là vài ví dụ điển hình minh chứng cho bút pháp “đa nguyên” này:
“Người đàn bà cười chua chát, ôi giời ơi, ở xứ ta ai chẳng anh hùng, các anh hào phóng hay ti tiện với tôi đều giống nhau cả, điều tôi cần các anh có hiểu đâu, hoặc hiểu mà các anh im lặng, im lặng như đã từng im lặng, cái giá của vinh quang đắt đỏ đến thế ư, vinh quang cho ai, tôi chỉ thương những đứa trẻ, nghề nghiệp chuyên môn anh biết đấy, những đứa trẻ, anh ơi chúng là con người đấy, các anh phải kêu lên đi chứ, các anh phải làm một điều gì chứ, chẳng lẽ chúng ta không phải con người?”
“..., họ coi quả địa cầu như một trò chơi tung hứng, lương tâm của lũ quỷ sứ ấy đã bị chúa quỷ tước đoạt từ lâu. Ông thì thầm với cây thông, ve vuốt từng chiếc lá non đang run lên vì lạnh, từ mai ông sẽ có thêm một người bạn, một người bạn im lặng trò chuyện cùng ta trong cái tuổi già nua này, trong thế giới đầy rẫy những con người bất trắc và đểu cáng này, chí ít cũng là trong mùa đông lạnh lẽo đang ập đến”.
“Mây trên trời trắng miên man, dịu nhẹ từng làn gió. Và hương lúa, hương lúa nếp tháng mười dâng ngập đến tận những chòm mây. Cô thôn nữ bước ở dưới sông lên, bắp chân tròn vương chút bùn đọng nước li ti, li ti nhỏ xuống. Cô thôn nữ bước lẫn vào vạt hoa cải vàng tháng mười. Vạt cải giống cô bớt lại cho mùa sau xôn xao trong gió sớm. Cô gái nhìn những bông hoa cải. Ôi sao mà mong manh quá. Cái đẹp mong manh trong gió đẹp biết ngần nào. Như có tiếng đất vỡ rì rầm ở dưới chân. Người thôn nữ quay đầu lại. Mái tóc xấp xõa cuộn một nửa vòng tròn trên nền những bông hoa cải vàng rộng đến tận chân trời. Một ánh nhìn sững lại. Ai kia? Má thôn nữ ửng rực như bông cải. Người con trai bối rối, miệng khẽ há ra không thốt được một lời. Có cái gì chuyển động ở dưới lòng đất, truyền từ đất lên toàn cơ thể họ. Mặt đất lúc ấy chỉ có hai người. Và hoa cải, triền triền hoa cải miên man...”
“. Đi ra khỏi chiến trường lại là đi tiếp vào một chiến trường dằng dặc khác với những dằn vặt, khốn khổ triền miên không có hồi kết thì thà rằng mọi sự nên kết thúc ở chiến trường. Anh đã chạy trốn chiến trường thứ hai này, đã phải lánh mình tít tận nơi thung lũng âm u chỉ bốn bề đá xám. Anh tỉnh táo khôn ngoan hay đau đớn kiệt cùng khi lựa chọn hướng đi ấy. Hay những lo toan cuối cùng của anh là nhằm vào giải quyết một việc khác. Chị như thấy ấm lòng hơn khi nghĩ tới những đứa trẻ, hàng chục, hàng trăm đứa bé khỏe mạnh ríu rít ở cái thung lũng xa xôi kia, nó là nghị lực và ý chí của anh, nó như xương tủy của anh, nó là toàn bộ đời sống, vật chất tinh thần của anh trong cuộc sống mà anh đã dũng cảm bước vào, đã dũng cảm chọn cho mình một bước ngoặt mới”.
Văn của “Hồ đồ” vừa gợi cảm vừa xù xì góc cạnh như là có ma lực thôi miên thiên hạ không chỉ ở cấu trúc ngữ pháp, tuy phần này cũng đóng vai trò quan trọng trong sự bùng nổ hiệu ứng ngôn ngữ, mà còn như tiềm ẩn nguồn năng lượng đặc biệt, tạm gọi là “khí văn” khởi phát từ trạng thái vô thức, thậm chí còn là ẩn ức, khi cần thì được kích hoạt. Đó là những câu văn chỉ xuất hiện khi dòng cảm xúc đạt đến giới hạn thăng hoa, tạo nên sự đột biến trong một sát na thần thánh, làm thức dậy loại năng lượng vật chất vốn vẫn còn ngái ngủ trong tiềm thức hoặc vô thức
Khả năng thôi miên người đọc được xem như một thủ pháp tổng hợp trong việc sử dụng các đại lượng vật chất thời gian, không gian, cảnh vật, các hiện tượng thiên nhiên, cùng với cấu trúc câu, các lớp từ vựng, trường ngữ nghĩa, diễn biến tâm lý, hồi ức, suy tưởng...Không hiếm trường hợp không gian của truyện chuyển dịch từ hiện thực cổ điển sang hiện thực hư ảo tương ứng với trạng thái tâm lý nhân vật vào những lúc bế tắc hoặc chông chênh vô định. Không gian ấy thê lương, mệt mỏi nhưng không ước lệ như tiểu thuyết cổ điển mà là một thực thể vật chất chi phối mọi suy nghĩ, hành động của nhân vật. Cảnh vật trong không gian đôi khi chỉ được chấm phá nhưng hiệu quả về mặt tâm lý của nó có tính lan truyền khá mạnh. Đó là còn chưa tính đến khá nhiều trường hợp, nó còn góp phần tạo nên tính đa dạng của phong cách tiểu thuyết. Nói cách khác, yếu tố huyền ảo của không gian được xem như một loại tiểu thi pháp, hình thành, tồn tại, tham gia vào quá trình vận hành của tiểu thuyết cổ điển là một đặc trưng của phong cách Phùng Văn khai.
Hệ thống nhân vật của “Hồ đồ” thường xuất hiện bằng hồi ức, nghĩa là chỉ hiện diện bởi lời kể của gã độc thân, đôi khi còn gián tiếp đến hai lần qua những dòng hồi tưởng của nhân vật thứ ba với những cấp độ khác nhau.
Ở cấp độ thứ nhất, những người là nạn nhân chiến tranh, đau khổ đến tận cùng, họ bị hoàn cảnh chi phối rơi vào bi kịch, được tác giả miêu tả như những cá nhân có phẩm cách cao đẹp bằng ngôn ngữ trang trọng với thái độ cảm thông, kính nể. Chị tóc dài, nữ y tá, người đàn bà lạc sông, nười nhỏ bé, ông viện trưởng, người gác rừng...là những trường hợp điển hình.
Ở cấp độ thứ hai, những người tài năng, có cách nhìn sự vật, hiện tượng mang tính phê phán, luôn truy tìm nguồn gốc của những bất cập. Họ thường suy nghĩ và hành động không theo chuẩn mực giáo điều mà luôn muốn phá vỡ quy luật, tìm con đường của riêng mình dẫu biết họ cũng là nạn nhân chiến tranh, mang trong mình thứ chất độc quái ác, và tương lai cũng chẳng mấy sáng sủa. Loại nhân vật này được tác giả miêu tả khá sắc sảo một khi tính nghiêm túc bị pha loãng bởi chất cường điệu, hài hước. Gã độc thân đồng thời là người dẫn chuyện, tuy không bị”bắn lén” nhưng trái tim anh ta từ lâu đã nhỏ máu cùng với những nạn nhân dioxine, được xem như một “quái nhân” xếp tốp đầu của type nhân vật “lưỡng cư”, khiến độc giả dù vô cảm đến mấy cũng phải bật cười khi đọc đến đoạn gã buộc túm túi đồ nghề treo lên sợi dây để chống chuột mặc dù lũ chuột trong khu nhà trọ sợ gã hơn cả sợ mèo: “Trước mặt gã là chiếc máy vi tính cóc gặm chập chờn chữ nghĩa. Không hiểu sao, lũ chuột rất khoái cắn chí các dây nhợ của chiếc máy tính. Gã mặc kệ. Khi kết thúc công việc, gã túm gọn tất cả cho vào cái bao tải rồi treo lủng lẳng nó lên như người thắt cổ bằng một sợi dây cước. Lũ chuột đã nhiều lần trượt chân ngã từ sợi dây cước xuống sàn đá hoa nham nhở và bị gã đánh cho chí tử. Có con bị gã đánh chết tươi. Có con bị gã đánh què hoặc bắt sống. Và khi ấy, thường là cuộc hành hình diễn ra như một vở tuồng Tàu cổ nhiều lớp lang, chỉ gã mới được quyền độc thoại duy nhất, tha hồ làm mưa làm gió với nạn nhân”. Chi tiết độc thân dùng búa đập khóa mở cửa giúp ả gái điếm già đi ăn sương về muộn bị mất chìa, hay những dòng suy nghĩ đứt nối bên bờ hồ - công viên rác sau sự cố tòa báo, nơi anh ta là cộng tác viên, cho “giảm biên chế” cũng là những đoạn rất đáng nhớ. Những tình tiết đặc sắc như thế góp phần quan trọng vào việc tạo nên hồn vía cuốn sách.
Nhân vật giám đốc nông trường là đấng mày râu đầy bản lĩnh và lòng nhân ái, nhất quyết từ bỏ người yêu tóc dài có giọng hát ngọt ngào khi biết mình nhiễm chất da cam nhưng cũng không thoát khỏi ngòi bút hoạt kê của Phùng Văn Khai. Đã từng là giảng viên đại học, cái đầu thích “nổi loạn” của anh ta đã phát minh ra một ý tưởng động trời, ấy là nhờ người bạn “điều động” mấy xe đàn ông lên nông trường giải quyết khâu “tình cảm” cho chị em nữ công nhân vốn là bộ đội và thanh niên xung phong quá lứa nhỡ thì. Kết quả là, chẳng bao lâu, nông trường đột nhiên tăng nhân khẩu với hàng trăm công dân nhí, vậy mà “ông bố vĩ đại” ấy, chẳng những “bị” cấp trên lờ đi khoản kỷ luật mà còn ngầm cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ các cháu.
Người đọc có thể quên chị tóc dài, quên người nhỏ bé, quên cựu binh ARM nhưng không thể quên vị giám đốc có máu liều dám bạo gan làm một cuộc “phối giống” vô tiền khoáng hậu, giải quyết êm thấm căn bệnh trầm kha của các “nữ đồng chí” một cách nhanh gọn, hơn bất kỳ biện pháp tư tưởng nào. Hơn thế nữa, anh ta còn cho khắc tên mười tám đứa trẻ chết yểu vì di chứng da cam cùng các bà mẹ sinh thành ra chúng tại khu nghĩa địa tí hon cũng là chi tiết hết sức tiểu thuyết.
Gã thợ săn, nhân vật mang phong cách của một tay giang hồ võ hiệp, có một quá khứ đau khổ bậc nhất trần đời bởi cô vợ lăng loàn lừa gạt, cũng không thoát khỏi thứ ngôn ngữ cứ như “phá đám” của một cây bút thích đùa ngay cả khi sự việc vô cùng nghiêm chỉnh : “... số gã là số voi giày sống dở chết dở. Sống ở trần gian còn khổ bằng vạn lần địa ngục. Ấy là những lúc gã dằn vặt sau bao nhiêu đêm trường đằng đẵng nghĩ ngợi đấu tranh quyết định bán mọi gia sản, danh dự, tình thương để đổi lại sự hoàn bị cho món làm giống làm má kia. Ở đời, có những oái oăm không bút nào tả xiết. Có những trớ trêu không ai tưởng tượng ra nổi đã ứng hiện ở đời Gã thợ săn. Ấy là mãi sau này, khi nơi rừng xanh núi thẳm một thân một mình sống không bằng chết gã mới ngộ ra...”, “ Than ôi, trời xanh chơi trò tạo hóa vô biên vần xoay gã trong quá trình rơi đã khiến toàn bộ của quý trở thành mây khói. Có bi kịch nào giống bi kịch nào. Bây giờ, sau bao nhiêu năm meo móp, chìm nổi, được mất, voi chó gã mới thấm thía nhận ra sự phẫn nộ của rừng thẳm. Tất cả đã muộn rồi”.
Tuy nhiên, gây ấn tượng mạnh hơn hết vẫn là những đoạn văn miêu tả di chứng chất độc da cam qua hàng loạt hình ảnh khủng khiếp khi chị tóc dài sinh ra quái thai hay người đàn bà ở làng đẻ đến lần thứ tám vẫn chỉ là một hình hài bất thành nhân dạng: “ Chị tóc dài oằn rú lên. Một cục thịt đen thẫm, lầy nhầy, hình thù kỳ dị hiện dần, hiện dần dưới bàn tay mụ. Không nghe thấy tiếng khóc. Những bà lão dớn dác nhìn vào mắt nhau. Cả một đời dài dặc bây giờ họ mới giáp mặt với giây phút này. Khối thịt đen thẫm ngọ nguậy trong tay mụ đỡ. Mụ bàng hoàng kêu trời rồi chới với ngã sấp xuống đám xô chậu máu me”.
Ngọn bút của Phùng Văn Khai khi chạm đến hiện thực khốc liệt của thời hậu chiến đã biết chọn điểm dừng. Tác giả không muốn xoáy thêm vào nỗi đau của con người. Nhấn thêm chút nữa, đẩy hiện thực đến tận cùng là tàn nhẫn. Có lẽ hiểu rất rõ điều này nên anh đã chọn phương pháp miêu tả dễ dàng được người đọc chấp nhận, đó là hiện thực hư ảo, một thủ pháp phản ánh hiện thực nhưng được biểu đạt dưới cái vỏ huyền bí. Hình ảnh những đứa trẻ dị dạng sống trong chuồng gỗ, ngâm mình trong ống nghiệm, đã mai táng ngoài nghĩa địa hay đang du ngoạn trong những chiếc ang sành bồng bềnh trên một dòng sông, qua thủ pháp “huyền hoặc hóa” làm người đọc cảm nhận sâu hơn về về nỗi đau của những nạn nhân da cam khi bị những kẻ hồ đồ, nhân danh thứ học thuyết quái gở, nhưng thực chất lại vì lợi ích phe nhóm, đẩy cả một dân tộc vào thảm họa chiến tranh. Điều bất cập này, khi nhận ra bản chất của nó, cựu binh ARM, cùng với những chiến hữu đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ những người khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ đòi công lý. Thằng bé “Tôn Ngộ Không” ba mắt cũng như lũ quái thai hiếu động, tinh nghịch, rủ nhau trốn khỏi phòng thí nghiệm chui vào những chiếc ang sành “nổi loạn” trên sông chính là niềm khao khát được sống, được thương yêu trong một thế giới không có chiến tranh:
“Có thằng nghịch ngợm nhảy ra khỏi chiếc ang đất lập tức bị một bàn tay máu me lạnh ngắt bóp nghẹt quẳng trở lại và đẩy ào vào dòng sông với bạt ngàn đồng loại. Họ thắp những ngọn nến gắn trên miệng các ang. Cứ thế, những chiếc ang lập lòe, bập bềnh trôi trong im lặng”, “ . Bọn trẻ bay phiêu diêu từ những chai lọ bỗng nảy ra một sáng kiến muốn cứu thoát đồng loại, xúi giục chúng nổi loạn. Nhanh như chớp, các tiểu anh hùng bay sà xuống, đập vỡ các ang, hà hơi chuyển kiếp cho bè bạn. Cả một khúc sông náo động, khói sương mờ mịt”, “Trong bể khổ ấy nào biết ai đau khổ hơn ai. Trót đầu thai không thành một cuộc sinh. Không thành một cuộc diệt. Được mất mang mang. Cha mẹ chúng ở đâu sao sản sinh lắm thế. Nhiều lắm. Nhiều đến mức phát hoảng cả dòng sông, cả biển thẳm. Lúc lúc, như mau hơn, biển giật mình thịnh nộ. Hàng trăm ngàn sinh linh du hí, hoan lạc, nhố nhăng, hợm hĩnh, phỉnh phờ... phút chốc lìa đời”.
Từ thế giới ảo của linh hồn những bào thai, gã độc thân thay mặt tác giả làm cuộc trắc nghiệm nhân sinh. Anh ta bất chợt thoát ra khỏi dòng sông ảo giác trở lại trạng thái hiện thực cổ điển, lấy trí huệ làm phương tiện phán xét cuộc thế buộc những kẻ dám “quát tháo cả vào lịch sử” kia, phải thức tỉnh lương tâm: “ Thế giới rộn rạo. Mọi ru vỗ, lừa phỉnh, lấp liếm, đau vờ khóc dối lu loa. So với hàng triệu tiểu quỷ không thành một cuộc sinh không thành một cuộc diệt ấy, bọn người kia xứng đáng hơn hay nhỏ nhen hơn, đau hơn hay mất hơn, thiệt hơn hay lợi hơn chắc chỉ sóng biển là thấu hiểu. Tại sao lại lấy nỗi đau này lấp vào nỗi đau kia?”.
Có thể nói, xâu chuỗi các sự kiện, khai thác triệt để hồi ức chiến tranh làm tư liệu và sử dụng không gian huyền ảo trong quá trình phân tích trạng thái tâm lý nhân vật thông qua người dẫn chuyện là phong cách của tiểu thuyết “Hồ đồ”. Thành công đến mức nào xin để bạn đọc thẩm định, nhưng với cách nhìn của riêng mình, chúng tôi thấy Phùng Văn Khai đã có những thể nghiệm đáng trân trọng.