Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUYỀN CỦA NGƯỜI DÂN VÀ SỰ ÁP ĐẶT CỦA CHÍNH PHỦ

Đinh Kỳ Thanh.
Thứ sáu ngày 7 tháng 10 năm 2011 5:47 AM
 Chuyện xứ người :

                                           Đinh Kỳ Thanh .
     Là một người viết văn và làm báo, tôi đã có nhiều dịp đi ra nước ngoài và nhờ đó có được niềm sung sướng là từng được in dấu chân mình trên khắp các ngả đường châu Á, châu Âu và cả châu Mỹ xa xôi. Những chuyến đi hành nghề đó cũng làm tôi vỡ ra được nhiều điều kỳ thú cũng như từng làm cho tôi sững sờ kinh ngạc. Đáng ghi nhận nhất là những thu hoạch quý báu về quyền làm chủ của công dân các nước và sự áp đặt của Chính Phủ nước họ. Tôi chỉ xin ghi lại một số chuyện hết sức phù hợp với tình cảnh đất nước chúng ta trong những tháng năm này…
   Khoảng giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi lần đầu được qua thăm Anh quốc, tôi đã được một anh bạn kỹ sư người Anh đưa đi thăm hầu khắp miền Trung nước Anh và xứ Walses quê hương của anh . Chúng tôi đã tự do rong ruổi xe trên các con đường hành quân mà các kỹ sư La Mã cổ xưa đã xây dựng (khi quân đội của họ chiếm đóng nước Anh) cũng như từng phóng xe lao vun vút trên các xa lộ cao tốc hiện đại có thu phí. Các con đường La Mã cổ có bề rộng đủ cho hai xe tứ mã chạy song song thường băng qua các mỏm đồi hoặc chạy băng đồng trống rất thuận lợi cho việc phóng ngừa và phản kích chống quân của hoàng gia Anh mai phục đánh quân ngoại xâm. Ngày nay các tuyến đường đó trở thành các tuyến đường du lịch tuyệt đẹp dành cho du khách đi ngoạn cảnh thiên nhiên và khám phá cuộc sống thanh bình của dân sở tại. Các xe cộ chạy trên các đường đó không phải trả tiền và các cung đường thường xa hơn, vòng vèo hơn…do nguồn gốc nó chỉ là những tuyến đường quân sự của người La Mã cổ xưa nhằm chinh phục và khống chế các tiểu vương quốc của người Anh. Còn các tuyến xa lộ cao tốc ngày nay thì được phóng thẳng tắp, rộng thênh thang, mỗi chiều có khoảng từ 6 tới 8 làn xe chạy, được tráng nhựa mượt mà, và không hề có các giao lộ cắt ngang mà chỉ có các cầu vượt hay đường hầm xuyên qua nó. Cứ mỗi lần vào xa lộ cao tốc là chúng tôi phải trả phí qua máy quét tự động trừ tiền hoặc phải dừng xe nộp tiền xu vào các hộc treo bên thanh gác chắn ngang chờ nó tự nhấc lên…Tôi hỏi anh bạn Lane vì sao vào xa lộ cao tốc phải trả phí thì được biết là Chính Phủ chỉ lo xây dựng và bảo trì các quốc lộ, tỉnh lộ và để dân sử dụng miễn phí. Còn các xa lộ cao tốc là do các Tập đoàn , các Công ty tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nên họ được quyền thu phí để thu hồi vốn và kiếm lời. Ai không muốn đi nhanh, không muốn trả phí thì đi trên công lộ, còn muốn đi nhanh, tốc độ cao, đường ngắn và không bị ách tắc lưu thông thì xin vào xa lộ cao tốc và trả phí. Cũng trên các xa lộ cao tốc hay siêu tốc đó, chúng tôi để ý thấy có những đường hầm đi xuyên ngang hoặc các cầu vượt bắc qua. Anh Lane cho hay vì xa lộ được phóng băng ngang các phần đất như các trang trại, cánh rừng tư nhân, các đồng cỏ chăn thả gia súc … nên nhà đầu tư sau khi mua lại phần đất làm đường còn phải xây dựng đền bù cho chủ đất các công trình đó để họ sử dụng riêng cho việc lùa đàn gia súc qua các cánh đồng cỏ hay di chuyển các phương tiện cơ giới nông nghiệp  và lâm nghiệp của họ theo mùa canh tác và khai thác…
   Vậy là theo nguyên tắc thì Chính Phủ phải xây dựng các tuyến đường công lộ cho dân di chuyển bằng công quỹ và không được thu phí, còn các công ty tư nhân thì có quyền đầu tư xây dựng các xa lộ cao tốc hay siêu tốc và thu phí theo hợp đồng với các chính quyền địa phương liên quan. Nhà đầu tư phải tự mình thương lượng với các chủ đất để mua lại quyền sử dụng đất làm cầu, đường, tuyệt đối không được thông qua chính quyền để áp đặt người dân phải nhượng đất hay di dời nhà cửa. Cũng có một nguyên tắc nữa là các công ty chỉ được làm xa lộ thu phí khi Chính Phủ đã có sẵn các công lộ phục vụ nhu cầu đi lại của dân, tuyệt đối không được tự ý nâng cấp hay sửa chữa công lộ thành xa lộ rồi buộc dân phải sử dụng và thu phí…
   Cũng trong những ngày đi thăm nước Anh, trên nhiều tuyến đường tôi đã thấy có những tấm bảng điện tử treo cao nhấp nháy đèn màu báo hiệu tốc độ cho phép lưu thông của các phương tiện và chỉ rõ các đoạn tuyến nào có đặt camera kiểm soát tốc độ.
  Và điều thật lạ lùng là ở thành phố Cardiff, thủ phủ của xứ Walses, tôi có dịp chứng kiến cảnh một số người dân đi biều tình phản đối cảnh sát giao thông xứ Walses đã núp trong các lùm cây ven đường để “bắn tốc độ” các xe bằng camera và sau đó gửi giấy biên phạt tới các chủ xe. Những người biểu tình lý luận rằng đặt camera kiểm soát tốc độ là để nhắc nhở người lái xe tuân hành luật pháp, lái xe nghiêm chỉnh, hạn chế tai nạn …còn núp trong bụi rậm bắn tốc độ thì chẳng giúp lái xe giảm tốc chút nào vì họ không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông nên cứ chạy ẩu…Hơn thế nữa núp trong bụi rậm quay camera là một việc làm không đàng hoàng, có chút gì như rình rập, lén lút, làm mất thể diện chính quyền và không thật sự vì quyền lợi của người dân. Những người biểu tình còn dọa sẽ kiện các ông cò cảnh sát ra tòa về việc đó nên sáng hôm sau chúng tôi đã thấy đích thân ông Cảnh sát trưởng Cardiff phải lên báo chí và truyền hình xin lỗi công dân , hứa chấm dứt ngay các chuyện như thế và tuyên bố sa thải ngay các nhân viên công lực làm ăn mờ ám…
   Trông người lại ngẫm đến ta. Không biết tới bao giờ ở xứ ta có được những xa lộ cao tốc chạy song hành với các công lộ không thu phí và mới chấm dứt được cảnh các nhân viên cảnh sát giao thông nghênh ngang ra đường “làm luật” hay núp gốc cây, cột đèn, bảng quảng cáo… để bất ngờ xông ra bắt phạt các chủ xe chạy quá tốc độ, lấn tuyến và không… đội mũ bảo hiểm?!

 Sài Gòn ngày 7/10/2011
    Đinh Kỳ Thanh.