Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN VÀ NHÓM CÁNH BUỒM VỚI "TỰ HỌC-TỰ GIÁO DỤC"

Nhã Uyên
Thứ tư ngày 5 tháng 10 năm 2011 7:01 AM
src=http://img.vietnamnet.vn/logo.gif- Buổi hội thảo “Tự học – Tự giáo dục”  ra mắt bộ sách tham khảo từ lớp 1 đến lớp 4 của nhóm biên soạn sách Cánh Buồm vừa diễn ra chiều 3/10 tại Hà Nội kéo dài tới hơn 5 tiếng đồng hồ.
Có mặt tại hội thảo, TS Chu Hảo – đại diện NXB Tri thức nói luôn ủng hộ “những con người dũng cảm” và ý tưởng của nhóm Cánh Buồm.

Khán giả bị thu hút bởi những ý tưởng mới mẻ do các tác giả sách trình bày. Nhiều câu hỏi chưa thể trả lời hết nên nhóm Cánh buồm hứa sẽ đăng tải từng nội dung lên website Giáo dục hiện đại.Nhà giáo Phạm Toàn – người đứng đầu nhóm Cánh buồm – hi vọng được nghe nhiều ý kiến phản biện của chuyên gia và phụ huynh vì theo ông, dù được đón nhận hay không cũng đều tốt. 

Nhóm lên không khí sôi nổi của hội thảo, GS Vũ Thế Khôi đã dự báo: “Tôi tin sẽ còn nhiều bộ SGK khác nữa cạnh tranh với sách của Cánh Buồm”. GS Khôi lưu ý, dù thế nào, Cánh Buồm hay các nhóm khác cũng không cản trở bộ SGK hiện hành và nên tham khảo hệ thống đang được sử dụng, chứ không phải đối đầu. Ông mạnh mẽ khẳng định quan điểm “một nền giáo dục nhưng có nhiều quy trình.”

Những nhà giáo, nhà nghiên cứu lão thành như GS Đặng Anh Đào, GS Đặng Thị Hạnh, dù tuổi cao nhưng vẫn đến, chăm chú lắng nghe và cũng nhắn nhủ đến nhóm Cánh Buồm: “Cần tham khảo ý kiến của nhóm làm sách SGK của Bộ GD-ĐT, bởi họ là những người có kinh nghiệm.” Tuy nhiên, GS Phạm Toàn đượm buồn nói: “Buổi hội thảo hôm nay không được đón một cán bộ hay chuyên gia nào từ Bộ GD-ĐT, mặc dù nhóm đã có lời mời.”

Lần này, ưu tiên đặc biệt nhất ở hội thảo của nhóm Cánh Buồm chính là phần dành để giới thiệu về 4 môn học và phương pháp giảng dạy mà nhóm đã biên soạn trong suốt 3 năm qua. Nhóm biên soạn dành thời lượng dài nhất cho phần thông tin về cái mới từ các lĩnh vực khác như xây dựng, công nghệ thông tin.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải, chủ biên sách Văn (Giáo dục nghệ thuật): Với quan điểm, nên bắt đầu dạy nghệ thuật từ lớp 1, môn văn được chọn để làm “mẫu”. Qua môn Văn, nhóm Cánh buồm biên soạn sách theo cách học “ Đi lại chính con đường mà tác giả đã đi để sáng tạo ra tác phẩm.”

Con đường này được lý giải là đường chung chiếm lĩnh các môn nghệ thuật khác, bắt đầu bằng tạo ra “nhân lõi” là đồng cảm để học các ngữ pháp nghệ thuật là thao tác tưởng tượng, liên tưởng, bố cục. Trò chơi đóng vai là một phương pháp dạy học được nhóm đặc biệt sử dụng trong sách Văn lớp 1.

Môn Tiếng Việt (Ngôn ngữ học) đặt mục tiêu sẽ dạy ứng xử với ngôn ngữ một cách khoa học để giữ được vẻ đẹp của tiếng Việt. Vì vậy, môn này được dạy theo hướng cung cấp và xây dựng dần dần cho các em những hiểu biết cơ bản nhất về khoa học ngôn ngữ: lớp 1 học ngữ âm, lớp hai học từ tiếng Việt, lớp 3 học câu và lớp 4 học về văn bản. Lớp 5, các em sẽ ứng dụng tri thức này để sử dụng vào các hoạt động ngôn ngữ.

Môn học lối sống: qua từng lớp, học sinh sẽ được học cách tự phục vụ bản thân đến sống với cộng đồng biết sẻ chia, đồng cảm từ các cộng đồng từ lớn đến nhỏ: cộng đồng nhân loại, xã hội và gia đình. Quan điểm giảng dạy lối sống của nhóm hướng tới sự đồng thuận, có sống hài hòa mới hạnh phúc.

Môn học Khoa học- Công nghệ mang lại nhiều hứng thú cho các khán giả của buổi hội thảo. Với các kiến thức khoa học tưởng rất phức tạp như vòng đời, sự bay hơi của nước, hòa tan…  nhóm Cánh buồm đã biến chúng trở thành dễ hiểu bằng những hoạt động thực nghiệm của học sinh. Thông qua hoạt động, học sinh có thể tự lý giải các hiện tượng xung quanh mình, tạo tư duy thực chứng, chỉ tin vào khoa học. Vì thế, phương pháp thực nghiệm ở lớp 1 để làm nền tảng đi khám phá các nội dung cụ thể về thế giới thực vật, động vật, con người.

Tất cả các tiết học đều hết sức kiệm lời giảng giải của giáo viên mà chủ yếu để các em tự khám phá qua thực nghiệm và đóng vai. Nhiều khán giả cảm thấy rất dễ hiểu với những ví dụ minh họa về hoạt động dạy học.

Môn Văn nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả nhất khi có lời phản biện rất chân thành và thẳng thắn của GS Đặng Anh Đào về phương pháp đóng vai. Bà không ủng hộ các cô giáo không có chuyên môn dạy học sinh đóng kịch. Bên cạnh đó, nhắc nhở các tác giả về những chi tiết sai sót và lựa chọn chưa chuẩn xác của sách Văn, bà nhấn mạnh, SGK không được phép sai sót.

Không dừng lại ở đó, dù nhóm rất quan tâm đến việc xóa bỏ sự áp đặt trong nội dung và phương pháp giảng dạy nhưng GS Đặng Thị Hạnh nói, Cánh Buồm còn đang vướng vào một áp đặt khác: đó là “quy định” muốn hiểu nghệ thuật thì phải “đồng cảm”, điều này đúng nhưng không có đồng cảm cũng không hẳn không học được.

Bên cạnh đó, nhóm chưa bao quát hết các đối tượng học sinh. Theo GS Hạnh, sách phù hợp với học sinh thành phố và gia đình có điều kiện.

GS Vũ Thế Khôi, người được mời phản biện cũng ủng hộ nhóm biên soạn sách: “Đây đã là một bộ Sách giáo khoa, không phải sách tham khảo”.
Theo ông: “Bộ chỉ nên đặt ra chuẩn cho từng cấp học. Nhiều chuẩn sẽ loạn bằng (…) Cần phải có nhiều những bộ sách giáo khoa khác, như thế sẽ tăng tính cạnh tranh” và “Bộ không nên “vừa đá bóng, vừa thổi còi” (vừa đặt ra chuẩn, vừa biên soạn sách) như hiện nay”. Song GS Khôi cũng thẳng thắn: “Nhóm cũng không nên chọn cách đối đầu mà cần tìm hiểu để đưa ra chuẩn đối với hệ thống giáo dục đang tồn tại”.

Không khí khán phòng trở nên nóng và chờ đợi giải đáp từ Cánh buồm. Được nghe ý kiến của những nhà chuyên môn, nhà giáo Phạm Toàn tỏ rõ sự vui mừng và cũng đầy ưu tư khi chia sẻ về công việc của nhóm. Phương pháp táo bạo, mới mẻ nhưng ba yếu tố là người làm sách, sư phạm hóa chương trình và trường để thực nghiệm của nhóm đều rất ít. Nhà giáo Phạm Toàn thừa nhận trước khán phòng: Sách chỉ đạt 30% trong thang điểm của ông và nhóm sẵn sàng nghe mọi ý kiến chê và sẵn sàng để viết lại.Còn nhiều cánh tay giơ lên để phát biểu ý kiến. Nhưng tiếng nói dứt khoát của ông Trần Việt Chung, một giáo viên nghỉ hưu làm nhóm Cánh buồm chú ý: “Tại sao sách của Cánh Buồm lại có nhiều đau thương như thế? Trẻ lớp 1 còn nhỏ và sức khỏe tinh thần còn non nớt.” Theo ý kiến của ông Chung, nên tránh những điều về chiến tranh, về đau thương mất mát. Cần đồng cảm ở những niềm vui, cảm xúc hạnh phúc khi đọc bài thơ hay, ngắm bức tranh đẹp. Đây là ý kiến được nhà giáo Phạm Toàn và các tác giả rất tâm đắc.

Buổi hội thảo có sự hiện diện của PGS. TS Trần Diên Hiển, Chủ nhiệm khoa giáo dục tiểu học- ĐHSP Hà Nội. Ông lặng lẽ ngồi lắng nghe giới thiệu của các tác giả rất chăm chú. Chia sẻ ngoài phòng hội thảo, người đứng đầu khoa Tiểu học nói: “Tôi đến nghe và hiểu để biết thêm một cách tiếp cận trong giáo dục, biết thêm các anh chị làm những gì, ý kiến của xã hội ra sao?”

Đáp lại lời đề nghị nhận xét về bộ SGK của Cánh Buồm, PGS thận trọng đáp: “Đánh giá chất lượng là vấn đề lớn, tôi chưa thể có ý kiến gì. Tôi thấy rằng họ rất mạnh dạn, tâm huyết dù mới chỉ là một nhóm người rất ít.”

Trong khán phòng có cả những người làm nghề nghiệp khác như công nghệ thông tin, xây dựng. Nhiều người cho biết, họ đến vì muốn tìm kiếm một cách để nâng cao khả năng tương tác, truyền đạt ý tưởng từ người này đến người khác mà họ nghĩ rằng có thể tìm thấy ở các phương pháp sư phạm.

Giáo viên: Tôi thích cách giảng dạy này 

 

Cô Nguyễn Thị Thu, GV trường THCS Nguyễn Du- Thanh Hóa: Có nhiều giáo viên đôi khi làm những cái dễ trở nên khó đi. Sách này mình thấy cách dạy rất dễ hiểu. Mình nghĩ nếu dạy tốt thì tư duy trẻ con sẽ được phát huy, nhất là môn Văn. Nhưng nếu giáo viên không có tâm hồn nghệ thuật sẽ rất khó dạy theo cách này.

Lâu nay ở cơ sở, nhiều thầy cô ngại đổi mới phương pháp vẫn dạy theo hướng áp đặt theo khuôn mẫu. Mình biết về nhóm từ lâu và cách làm của họ gợi mở cho  mình những sáng taọ, cách dạy tới cá thể học sinh, không áp đặt theo số đông . Nhưng hiện nay mình thường chỉ dạy học sinh giỏi, còn học sinh trung bình và yếu hơn vẫn phải dạy từ cái mẫu.

Ý tưởng hay nhưng dạy được, theo mình phải thay đổi từ cách đào tạo giáo viên và nhận thức của họ trong làm nghề.

 

 Phụ huynh: mong muốn tìm một phương pháp mới để dạy con 

Chị Trần Thị Minh Thìn:  Là phụ huynh thì mình rất thích. Như con mình, chỉ học khi thích và vui thôi và như thế học nhanh lắm! Còn áp đặt là không học! Mình rất đồng tình vì nhóm định hướng nền tảng từ mẫu giáo, lớp 1. Con mình đã học chương trình này và cháu học rất tốt. Bây giờ dọa không cho đi học, con sẽ sợ ngay. Bài cô giao về làm chút là xong mà vẫn đúng, dù con tư chất bình thường. Mình yên tâm nhưng chẳng thấy dạy ở đâu ngoài trường Nguyễn Văn Huyên. Nếu trường có đưa chương trình này vào giảng dạy 100%, mình sẽ tin tưởng vào nhà trường như lâu nay họ đang đi đúng và làm tốt.

  •  Nhã Uyên

Một số hình ảnh của buổi hội thảo

GS Alain Fenet (người Pháp) qua giới thiệu là một người am hiểu luật, gia đình có tới 20 người làm trong ngành giáo dục, đến từ “nơi cải cách giáo dục đầu tiên trên thế giới” cũng được mời làm người phản biện thứ 2 về bộ sách.
Điểm đáng chú ý nhất của buổi hội thảo chính là phần hỏi-đáp, tranh luận, giữa những người quan tâm đến bộ sách diễn ra và nhóm tác giả. Khán phòng tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội chiều nay có rất đông người tới dự buổi hội thảo. Nhiều trong số đó là những người đã, đang làm trong ngành giáo dục.
Góp ý với nhóm biên soạn, GS Đặng Anh Đào lo ngại: “Gọi môn văn học là giáo dục nghệ thuật là sai. Sách này từ đầu đến cuối chỉ là đóng vai, đối thoại tức đóng/diễn kịch. Xã hội bây giờ sợ những “diễn viên” giỏi như thế lắm.
 Theo nhà giáo Phạm Toàn: “Chúng tôi dùng văn là mẫu để giáo dục nghệ thuật. Việc đóng kịch sẽ giúp trẻ nâng sức tưởng tượng, học được nhiều môn”.
Hoan nghênh ý tưởng của nhóm Cánh Buồm nhưng theo GS Đặng Thị Hạnh: Sách còn áp đặt, còn “sạn” và dành chủ yếu cho HS thành phố, con nhà khá giả.
Bức xúc và mong có sự cải cách, đầu tiên là từ SGK, thầy Đặng Hữu Tuấn, GS dạy Sử Trường THPT Phương Sông Lục Nam, Bắc Giang đã lặn lội xe máy từ về Hà Nội. Một trong những quan tâm của thầy là: “Sao nhóm không viết cả sách Toán. Vậy sắp tới nhóm viết sách mới hay vẫn thấy sách cũ dùng được?”.
 Nhiều trong số các khán giả tới dự buổi hội thảo là những người trẻ. Dù kéo dài hơn 5 tiếng nhưng mọi người đều cảm thấy “chưa thỏa mãn”.

Nguồn VNN.VN