Loa Hồ - một hồ nước rộng, tiếp giáp với nhiều thôn trong xã Tân Hồng thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Theo các bậc cao niên trong làng Phù Lưu - quê các nhà văn: Hoàng Tích Linh (1919 – 1990), Kim Lân (1921 – 2007), Nguyễn Địch Dũng (1925 – 1993), Hoàng Tích Chỉ, (Hoàng ) Thuý Toàn, Hoàng Hưng - trước đây diện tích mặt nước Loa Hồ chừng sáu mươi mẫu (hai mẫu bảy bằng một ha), hiện nay còn trên bốn mươi mẫu. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, hiếm nơi có được một hồ như thế. Nhìn mặt nước Loa Hồ mênh mông, ngỡ như Tân Hồng có một Hoàn Kiếm.
Trải qua bao thăng trầm, đến nay Loa Hồ vẫn còn vẻ đẹp, nói chi cách đây vài trăm năm. Sen hồng, sóng biếc, những đêm trăng sáng... Một vẻ đẹp tự nhiên, thanh khiết.
Mê say cảnh Loa Hồ, các thi nhân xưa trên đất này đã có nhiều bài thơ ngâm vịnh.
Nguyễn Đức Lân (đỗ Phó bảng khoa Nhâm Dần - 1842, thời Thiệu Trị, giữ chức Chủ sự Bộ binh) lấy Loa Hồ là nguồn cảm hứng chính, đã viết trăm bài thơ, phú thành thi tập Loa Hồ bách vịnh. Đó là một hiện tượng độc đáo trong văn chương kim cổ.
Xin trích đôi ba câu trong bài phú nguyên văn chữ Hán, ông Phó bảng viết năm 1872, tạm dịch: Cưỡi thuyền mấy khách tiếp chuyến đi Xích Bích Đông Pha/ Một hồ thu vũ trụ trời mây, muôn thuở góp càn khôn cảnh trí.../ Tạnh mưa, chiếc thuyền con lướt nhanh tung tăng lạc giữa non xanh/ Sáng trăng, gương mặt hồ lan xa thăm thẳm soi hình mây biếc...
Tiếp theo là các bài thơ thất ngôn bát cú: Văn chung (Nghe tiếng chuông), Hồ thượng giai nhân (Trên hồ với người đẹp), Hồ thượng văn quyên (Trên hồ nghe tiếng quyên, tức chim cuốc)... Ví dụ, bốn câu cuối của bài Trên hồ nghe tiếng quyên:
...Bến lạnh cỏ thơm khoe sắc thắm
Chiều xuống khe sâu vắng bóng người
Khắc khoải tiếng kêu mày có thấu
Chiêu hồn ai tủi chuyện đầy vơi*
Đến thời Tự Đức, Hoàng Văn Hoè (hiệu Hạc Nhân), cũng người Phù Lưu, đỗ Tiến sĩ rồi đỗ Yêm bác khoa Tân Tỵ - 1881. Trong tập Hạc Nhân tùng ngôn của ông có bài thơ Đề Loa Hồ đình trung (Đề thơ trong ngôi nhà ở Loa Hồ). Ngôi đình ngôi nhà đó chính là miếu là đền xưa. Đó là nơi các tao nhân mặc khách thường gặp nhau đàm đạo văn chương thế sự. Bài thơ, tạm dịch:
Lung linh miếu nổi ánh hoa bày
Bạn hữu tư văn chính ở đây
Gai trúc xanh rờn, trời để phúc
Sen hồng nước lục, đạo càng say
Qua song núi hiện như mây biếc
Dưới nguyệt trà thơm toả khói bay
Xin gửi chim âu lời nhắn nhủ
Mười năm đèn sách phụ công này.
Trong Hạc Nhân tùng ngôn, Hoàng Văn Hoè còn có bài thơ Cửu nguyệt dạ phiếm chu Cổ Quắc hồ (Đêm tháng Chín chơi thuyền trên hồ Cổ Quắc). Chữ Hán, loa là con ốc. Thành đắp hình chôn ốc gọi là loa thành. Phụ nữ búi tóc hình con ốc gọi là loa kế. Chúng tôi đã coi lại Loa Hồ, đúng như bài phú của Nguyễn Đức Lân đã mô tả: Trời đất linh thiêng, đất hun huyền diệu/ Ba thôn sừng sững, dòng nước uốn quanh - mặt hồ có hình chôn ốc.
Bài thơ chữ Hán về hồ Cổ Quắc của Hoàng Văn Hoè 22 câu. Dạ lai, phiếm nhất chu/Chu tiễn khinh như tiễn/ Vấn thị Cổ Quắc hồ/ Hồ thâm tĩnh như luyện…
Dịch thơ:
ĐÊM THÁNG CHÍN
CHƠI THUYỀN TRÊN HỒ CỔ QUẮC
Đêm nay ngồi mát trên thuyền
Thuyền con nhẹ, lướt như tên vẫy vùng
Đây hồ Cổ Quắc phải không?
Hồ sâu êm ả, sóng bồng như quen
Trời vào thu biếc cao thêm
Buộc thù du giúp êm đềm cuộc vui
Hơi cây, mặt sóng bời bời
Gió đưa cánh nhạn, vòm trời xa xăm
Chuông chùa đâu tiếng vang ngân
Xóm bên mấy nóc âm thầm, thấp thoi
Bốn bề hung khí tan rồi
Núi xanh mờ tỏ, trăng soi ánh ngà
Thuyền đi trăng cũng theo mà
Núi kia trông lại càng xa, xa dần
Chiếc cầu con vượt cách ngăn
Nghe dăm câu hát, nhịp ngân mái chèo
Lan hành thơm mé khe reo
Trăng rơi đáy nước lạnh nhiều, thấu xương
Ngọ Thằng sao xuống thấp hơn
Dẫu khuya thi hứng bồn chồn chưa vơi
Trên trời mây trắmg cứ trôi
Tình đâu bỗng thấy cao vời, phiêu diêu…
Duy Phi dịch
Cổ có một nghĩa là náo động, quắc là con chẫu chuộc. Hỏi lại người làng Phù Lưu mới biết hồ Cổ Quắc chính là Loa Hồ. Mùa mưa, lúc bơi thuyền trên hồ nghe tiếng chẫu chuộc inh ỏi náo động mà thi nhân gọi là hồ chão chuộc - hồ Cổ Quắc. Còn bây giờ, nhân dân địa phương thường gọi là hồ Đầm. Trong đầm gì đẹp bằng sen... Có lẽ vì tiếng Đầm đã được Việt hoá hơn, dễ gọi dễ hiểu hơn.
Gò đất nổi giữa đầm từ xa xưa đã có ngôi đền thờ Bà chúa Đầm. Thời Bảo Đại, Bà chúa được phong sắc.
Gần đây có một bài báo bàn về ngôi đền này. Tác giả viết: “Ngôi đền đầm thờ một người cụ thể: Thanh nữ Lê Ngọc chứ không phải Bà chúa Đầm truyền thuyết. Thanh nữ Lê Ngọc có thể là công chúa Lê Ngọc Hân? Làng Phù Lưu, xứ Kinh Bắc, cách làng Phù Ninh (làng Nành) không bao xa, “đi tắt cánh đồng chỉ vài ba cây số”, “đã có thời hai làng cùng chung một tổng”,“Tượng người đàn bà với hai đứa trẻ phải chăng là hình ảnh công chúa với hai con nhỏ?”...
Về công chúa Lê Ngọc Hân, trong cuốn sử Các triều đại Việt Nam (Quỳnh Cư & Đỗ Đức Hùng. TN- 1995) có ghi: Vua Quang Trung yêu quý Ngọc Hân bởi sắc đẹp và tài năng. Vua băng, Ngọc Hân có bài thơ Ai tư vãn khóc chồng. Sau, nội bộ lục đục, triều Tây Sơn mất. Ngọc Hân và hai con phải đổi danh tính vào Quảng Nam sống lẫn trong dân, không lâu sau, bị phát hiện bị bắt. Ngọc Hân uống thuốc độc quyên sinh. Hai con bị thắt cổ chết (Kỷ Mùi 1799).
Nghe tin thê thảm ấy, Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ đẻ ra Ngọc Hân, lúc đó sống ở quê Phù Ninh (Tục gọi là Nành, Bắc Ninh) liền thuê người vào Quảng Nam lấy trộm được xác con gái và hai cháu đem về mai táng tại đồng làng rồi cho dựng miếu thờ. Gần 50 năm sau, dưới thời Thiệu Trị, miếu bị đổ nát. Một ông tú người làng Nành... đã quyên tiền tu sửa miếu. Không ngờ, ông tú bị tên phó tổng có thù riêng vào tận Huế tố cáo. Triều đình Nguyễn liền hạ lệnh triệt phá ngôi miếu thờ vợ con “nguỵ Huệ”. Hài cốt “bị vứt xuống sông”, hoặc mai táng đâu không rõ nữa! Ông tú kia bị trọng tội. Tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Đăng Giai bị giáng chức.
Gần đây, chúng tôi có dịp đến hồ Đầm thăm đền. Trên cổng đền có bốn chữ Hán lớn: Thuỷ Tiên linh từ - đền linh thiêng thờ Bà Tiên chốn Thuỷ cung, tức Bà chúa Đầm. Hỏi bà Quy - thủ từ đền (đã ở đây trên hai mươi năm) và một số các cụ bà thường đến thắp hương, cúng bái ở đây, tôi được biết Bà chúa Đầm có tên hiệu là Băng Ngọc chứ không phải Lê Ngọc. Dựa trên những thư tịch cổ: Dư địa chí của Nguyễn Trãi (Thế kỷ XV), Đồng Khánh dư địa chí lược (1886)..., Nguyễn Văn Huyên biên soạn cuốn Địa lý hành chính Kinh Bắc, viết bằng tiếng Pháp (Nguyễn Khắc Đạm dịch, Hội khoa học lịch sử VN xuất bản - 1997). Phần về huyện Đông Ngàn có ghi: Phù Lưu xã (Chợ Giầu) thuộc tổng Phi Lưu, còn Phù Ninh xã (Làng Nành) thuộc tổng Hạ Dương. Làng Nành cách Phù Lưu năm bảy cây số.
Bà thủ từ nói: Trong đền, không có tượng công chúa với hai con nhỏ. Để cho tôi tin, bà đã mở cửa đền đưa tôi vào thắp hương và xem lại. Một số pho tượng trong đền có hai tiểu đồng. Bên cạnh pho tượng chính (Bà chúa Đầm) không có hai đứa trẻ.
Dẫu vậy, ngôi đền Đầm Lung linh miếu nổi ánh hoa bày vẫn là linh từ, tôn nghiêm. Về phong thuỷ, hồ Đầm là vật báu. Đó còn là một di tích văn hoá quý hiếm, rất đáng tự hào. Xin được giữ gìn hơn nữa (môi trường, quy hoạch) để Loa hồ - hồ Đầm mãi mãi là cảnh thắng của Tân Hồng, Xứ Bắc, Một hồ thu vũ trụ trời mây, muôn thuở góp càn khôn cảnh trí…
D. P
--------
* Một số đoạn thơ trích trong cuốn Ai lên Quán Dốc Chợ Giầu, Phù Lưu- 1992 (Bài của các tác giả Hoàng Hồng Cẩm, Thuý Toàn...) và cuốn Thơ chữ Hán Hoàng Văn Hoè của Duy Phi, Lê Xuân Hãng, Tống Đức Nhuận.