Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI TỪNG CÓ MỘT ĐỊA ĐẠO

Đặng Việt Thủy
Thứ ba ngày 4 tháng 10 năm 2011 5:35 AM
Kỷ niệm 57 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 – 10/10/2011):
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, những địa danh "địa đạo Củ Chi", "địa đạo Vịnh Mốc"... với những kỳ tích chiến công đã trở thành biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và đã đi vào lịch sử như một huyền thoại của thế kỷ XX. Nhưng trước đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có một địa đạo cũng rất nổi tiếng ở ngoại thành Thủ đô Hà Nội. Đó là địa đạo Nam Hồng.
Nam Hồng là một xã thuộc huyện Đông Anh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20km đường bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nam Hồng là một trong những xã đã anh dũng chiến đấu quyết liệt với hàng trăm cuộc đánh phá của địch.
Từ tháng 12 năm 1946 đến tháng 8 năm 1949 là quãng thời gian Nam Hồng ra sức chuẩn bị kháng chiến. Từ cuối năm 1949 đến tháng 5 năm 1954, quân và dân Nam Hồng liên tục chống địch càn quét, kiên quyết phá tề diệt ngụy, quyết tâm đánh địch, đẩy mạnh sản xuất và góp phần phục vụ tiền tuyến.
Làng mạc, đồng ruộng của Nam Hồng nằm trong khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, ngoài đặc điểm chung là đất rắn, khô ráo, tương đối bằng phẳng, độ cao trong làng không hơn ngoài làng bao nhiêu..., còn mang những đặc điểm riêng: thôn xóm nhỏ, có nhiều tre, ao hồ, đường làng quanh co, nhà cửa phần lớn lợp tranh, xung quanh nhà và vườn tược hầu hết đều có vách đất khá dày, bền chắc. Trong điều kiện đó, chi bộ Đảng xã Nam Hồng đã lãnh đạo nhân dân xây dựng hệ thống hầm hào, công sự chiến đấu từ giản đơn đến phức tạp, tạo thành thế trận vững chắc để tiêu diệt địch, giữ vững lực lượng mình.
Biết thực dân Pháp thế nào cũng đánh đến làng mình, ngay từ năm 1948, nhân dân Nam Hồng đã chủ động xây dựng thế trận chiến đấu. Nếu như những năm trước, nhân dân Nam Hồng tập trung vào việc rào làng, trồng thêm nhiều lũy tre bao bọc... thì giờ đây lại tập trung đào hào, đắp ụ chiến đấu. Phía ngoài làng, bà con đào hào rộng 3m, sâu 1,2m, lấy đất đắp vào chân tre, vừa để chống tăng, vừa nuôi tre tốt, vừa ngăn bộ binh địch lọt vào làng.
Đào hào ngoài lũy tre chưa đủ, bà con còn đào thêm từng đoạn chiến hào phía trong nữa. Hàng trăm ụ súng mọc lên, bất kỳ ở đâu cũng có: trước ngõ từng gia đình, ở một góc đường ngoặt nào đó, hay ở ngoài lũy tre làng...
Do đã được chuẩn bị khá chu đáo nên cuối năm 1949 khi địch đánh Nam Hồng, du kích các thôn dựa vào công sự đã chặn được nhiều đợt tiến công ồ ạt của chúng. Lúc bấy giờ lực lượng địch còn mạnh. Ngoài việc bắt người, cướp của phục vụ cho mục đích chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp còn ráo riết cướp tre, cướp gỗ, phá làng để xây đồn bốt, hòng làm cho du kích và bộ đội ta mất chỗ ẩn nấp đánh địch. Chi bộ Nam Hồng phân tích âm mưu thâm độc của địch, vận động quần chúng dùng mọi hình thức đấu tranh vạch mặt địch, lôi cuốn nhân dân về phía kháng chiến. Các cụ già Nam Hồng đã bao lần lên đồn Tây để "kiện" với mục đích chính không phải là giành lại của cải mà là để giữ vững uy thế chính trị và bảo vệ làng mạc cho du kích hoạt động.
Thời kỳ giặc Pháp tạm chiếm đóng, chúng cũng không thể kiểm soát được Nam Hồng một cách toàn vẹn, vì cán bộ và du kích đã có chỗ dựa vững là lòng dân và hầm bí mật. Công tác cải tạo địa hình, xây dựng công sự của Nam Hồng chuyển từ công khai vào bí mật. Hầm bí mật xích dần từng bước từ ngoài đồng, nơi không liên lụy với một ai nếu địch biết được, rồi vào đến đường làng trước ngõ, sau cùng đã đến với từng nhà, từng người. Lúc đầu, hầm bí mật còn nhiều nhược điểm, dễ bị địch phát hiện. Qua thực tế chiến đấu, hầm bí mật Nam Hồng ngày càng được cải tiến tốt hơn. Nắp hầm có thể tự động đóng, không phải nhờ người ở trên đậy nắp và ngụy trang phiền phức như trước. Dưới hầm không chỉ có một ngăn mà ít nhất có hai ngăn để bảo đảm an toàn nếu địch phát hiện được. Người ở dưới hầm có thể bí mật luồn về phía sau địch quật lại lúc chúng đang chăm chú đào móc cửa hầm đã bị lộ. Bà con còn làm hầm bí mật chứa lương thực, của cải để phòng cháy và chống địch cướp phá. Đấy là những kho ngầm nuôi sống quân và dân Nam Hồng vượt qua những ngày khó khăn tiến lên xây dựng làng mình thành điểm tựa vững chắc cho du kích và bộ đội hoạt động.
Tháng 8 năm 1952, chi bộ Nam Hồng mở đại hội ở thôn Đìa bàn việc củng cố làng xã chiến đấu. Để đối phó với âm mưu càn quét bình định của địch, chi ủy và xã đội tăng cường chỉ đạo toàn dân trong xã tham gia cải tạo địa hình biến "mỗi thôn thành một pháo đài, mỗi nhà là một ổ tác chiến, mỗi người dân là một người quân". Chỉ trong một đợt xây dựng làng chiến đấu, nhân dân Nam Hồng đã làm được 380 ụ tác chiến, sửa chữa và phát triển thêm 7km đường hào, củng cố và đắp mới 29.570m thành lũy nhiều tầng, mỗi gia đình đều có từ một đến hai hầm tránh đại bác và cất giấu của cải. Làng chiến đấu Nam Hồng được hoàn chỉnh hơn, trước nhất là ở các thôn: Vệ, Tằng My, Đìa, Đoài.
Tuy nhiên, việc cải tạo địa hình mới tiến hành trong từng thôn riêng lẻ. Khi quân địch càn quét, dùng xe tăng hoặc bộ binh chia cắt, tập trung đánh chiếm từng thôn thì việc liên lạc hỗ trợ giữa các thôn gặp khó khăn. Ngay trong một thôn nếu đã bị địch chiếm, nhất là khi chúng đóng lại lâu ngày thì du kích cũng khó cơ động đánh địch.
Rút kinh nghiệm qua thực tế chiến đấu, chi bộ đã vận động nhân dân đào đường hầm và tổ chức thành từng cụm chiến đấu liên hoàn giữa các thôn. Đây chính là hình thức mà sau này gọi là địa đạo. Lúc mới đề ra, nhiều người không tin: "Biết làm đến lúc nào cho xong một đoạn đường hầm" hoặc "đang làm nửa chừng giặc đến phá, thế là công cốc". Qua tiếp tục học tập tài liệu "Kháng chiến nhất định thắng lợi" của đồng chí Trường Chinh, nhận thức và tư tưởng của nhân dân được nâng lên một bước, nhất là sau khi được xác định quan điểm "tự lực cánh sinh kiên trì đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng". Từng gia đình, từng thôn xóm nhận phần khoán riêng để vừa sản xuất vừa tranh thủ đào đường hầm. Đức tính kiên nhẫn, bền bỉ của các mẹ, các em càng thích hợp với công việc hết sức tỷ mỷ này. Bằng cách làm đơn giản với cái cuốc ngắn cán, bà con đào đất xúc vào rổ có buộc dây thừng cho người đứng trên miệng hầm kéo lên, nhân dân Nam Hồng đã tạo thành những con "đường làng" sâu trong lòng đất. Dần dần các hầm bí mật của từng gia đình cũng lần lượt được nối liền với đường hầm chung toàn thôn thành một mạng lưới hào ngầm, phối hợp chặt chẽ với mạng lưới đường hào nổi trên mặt đất để có thể đánh địch và phòng tránh bom đạn địch từ nhiều phía.
Các đoạn hào nối liền thôn Tằng My với thôn Vệ, thôn Vệ với thôn Đìa và thôn Đìa thông với thôn Đoài lần lượt hoàn thành. Cứ hai, ba thôn gắn lại thành một cụm chiến đấu vững chắc, tạo nên hệ thống địa đạo Nam Hồng.
Nhờ có trận địa nhiều lớp, nhiều tầng ấy, du kích Nam Hồng đã quần lộn với binh đoàn địch có xe tăng, pháo binh, máy bay yểm hộ. Địch ở ngoài làng, du kích dựa vào hào ven lũy tre mà chiến đấu. Địch vào góc làng nào, tổ chiến đấu ở góc làng ấy theo hào nổi hoặc đường hầm để rút, nếu địch cố đuổi theo thì bất ngờ du kích đã luồn lại đánh vào lưng, vào sườn chúng. Có trận càn, địch đã chiếm xong thôn Vệ, nhưng du kích từ thôn Đìa đã theo đường hào kịp thời sang tiếp viện cùng lực lượng du kích thôn Vệ ở dưới đường hầm tiến công lên, làm cho địch phải tháo chạy ra khỏi làng.
Hệ thống địa đạo Nam Hồng đã phát huy tác dụng to lớn trong việc chiến đấu với địch. Có một câu chuyện rất thú vị về địa đạo: Trong đợt càn ngày 20 tháng 5 năm 1954, địch tiến công suốt từ 6 giờ 30 phút sáng đến gần 17 giờ, sau khi huy động thêm quân, chúng mới phá được cổng và xông vào làng. Nhưng du kích và bộ đội đã kịp xuống đường hầm, rút ra tìm cách đánh vu hồi từ ngoài cổng vào. Thấy miệng hầm, song bọn địch không dám xuống. Chúng bắt cụ Long, 60 tuổi phải xuống hầm gọi du kích lên đầu hàng. Cụ Long vốn là một người giàu lòng yêu nước, trong những ngày địch lập tề xây tháp canh, cơ sở kháng chiến bị vỡ, cụ là người hết lòng chăm sóc nuôi giấu cán bộ và du kích. Lúc này, bị địch bắt xuống hầm, cụ đã mưu trí nói: "Hầm tối lắm, không có đèn không thể tìm hết hang ngách được". Bọn địch đưa cho cụ một chiếc đèn 3 pin và cẩn thận hơn, chúng lấy dây thừng buộc ngang thắt lưng, rồi dòng cụ xuống đường hầm. Cụ Long đi một mạch đến nơi du kích đang ẩn nấp, bảo anh em cắt dây thừng và ở luôn dưới đường hầm với du kích. Bọn địch ngồi trên miệng hầm chờ du kích lên hàng, nhưng càng trông càng thấy mất hút. Chúng cấu xé nhau và thằng này giục thằng khác, cuối cùng không tên nào dám chui đầu xuống đường hầm. Chúng định đào, định đổ nước, chất rơm đốt... nhưng đường hầm sâu hun hút biết đào, đổ nước, hoặc đốt đến bao giờ cho xuể.
Trời tối. Chúng sợ ở lại đây còn bị ăn đòn đau nên đành thu quân chuồn về chốn cũ. Trong trận này địch chết 46 tên (có một quan hai) và 18 tên khác bị thương. Ta chỉ một đồng chí bị thương. Để trả thù, những ngày hôm sau chúng đã cho máy bay mang bom hạng nặng đến thả xuống làng Tằng My 85 quả. Nhiều đám ruộng ven làng bị khoét thành ao. Nhiều lũy tre, tường đất bị san bằng. Hàng chục nóc nhà bị cháy hoặc sập đổ. Nhưng không một người Tằng My nào bị thương vong vì họ đã từ đường hầm nối với đường hào thoát ra ngoài. Nhân dân các thôn xung quanh đã vác cuốc, cào, mang quang gánh đến lấp giúp những hố bom kia, dựng lại nhà, củng cố công sự làng chiến đấu, tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Đặng Việt Thủy
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân
23, Lý Nam Đế, Hà Nội