Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI LƯU GIỮ KỈ VẬT TÚ XƯƠNG, NGUYỄN BÍNH, NGUYỆT HỒ

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ tư ngày 24 tháng 8 năm 2011 10:35 PM
Ghi chép      
 
Cụ Đỗ Huy Vinh - hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam có nhiều sách vở tài liệu. Cụ đã để tâm nghiên cứu viết lách về những nhà văn, nhà thơ danh tiếng: dịch bài “Dục Thuý Sơn khắc Thạch” của Trương Hán Siêu quê Ninh Bình - đồng hương với cụ. Ở Nam Định, riêng với Tú Xương, cụ có những công trình như Tú Xương - tác phẩm và giai thoại - Nhà Xuất bản Văn học 1986; Tú Xương - thơ và đời Nhà Xuất bản Hà Nội 2001. Phần giai thoại Tú Xương được các Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc, Văn hoá Thông tin tái bản nhiều lần. Những câu thơ thật cảm động cụ viết về thân phận nhà thơ tài hoa mà lận đận - Tú Xương: Văn chương gặp cảnh đào hoa/ tài cao cũng xếp, chí cao cũng hèn/ Không đò thôi, xắn quần lên/ Này thơ - này sách - này đèn - này đây/ ( Tú Xương thi trượt trở về). Đôi câu đối của Tú Xương bị khuất lấp đúng 105 năm (1900 – 2005) đã được cụ tìm ra: An đắc thiên vạn gian tịnh vô hàn sĩ/ Thường như nhị tam nguyệt hà tất thiên thai - Uớc được ngàn vạn gian nhà thì chẳng còn ai là kẻ sĩ nghèo nữa. Khi nào khí hậu cũng mát lành như tháng hai, tháng ba thì cứ gì phải (ước mơ) tiên cảnh.
Năm 2004, Nam Định xây dựng bộ phim về Tú Xương để chuẩn bị kỷ niệm 135 năm ngày sinh của cụ (1870 - 2005) tôi được chọn đi cùng. Đến nhà cụ Huy Vinh thấy cụ mở ra chiếc nghiên đã rất cũ lòng bằng sứ, men mầu lam, vành gỗ đã bị đứt, rạn. Cụ Huy Vinh nói: Đây là nghiên của Tú Xương để lại. Hôm ấy chúng tôi cùng nhau vào chùa Vọng Cung, trải chiếu hoa ra mặt hè, cụ Huy Vinh quần chùng trắng, áo the, khăn xếp đóng vai thầy đồ bò ra viết câu đối, tôi đặt nghiên mài mực. Được nhìn thấy chiếc nghiên của Tú Xương, tôi thực sự cảm kích.
     Trước nhất là cụ Huy Vinh rất kính yêu con người tài hoa Tú Xương, đã động lòng mách bảo… trách nhiệm bắt lấy, giữ gìn…
     May có cụ Trần Ngọc Lâm, cháu thúc bá của Tú Xương thuộc chi dưới. Cụ Lâm từng là học sinh trường Thành Chung Nam Định lớn lên làm nghề dạy học. Có lẽ vì vậy, sách vở, bút nghiên của cụ Tú được lưu giữ phần nhiều ở đây. Sinh thời, cụ Trần Ngọc Lâm, cụ Đỗ Huy Vinh thường đi lại giao lưu đàm đạo với nhau. Cụ Lâm ở số nhà 285 phố Hoàng Văn Thụ, cụ Huy Vinh số 4 phố Bắc Ninh, cách nhau chỉ một đoạn đường ngắn. Cụ Lâm học chữ quốc ngữ, chữ Tây; cụ Huy Vinh học chữ nho, chữ Hán, nên chiếc nghiên của Tú Xương, cụ Lâm đã “đưa” cụ Huy Vinh “cầm…” để những ngày lễ, ngày Tết viết câu đối, cho chữ thiên hạ… Câu chuyện “đưa nghiên” này, hôm 7/5/2008 tôi đã phải gặp anh Trần Ngọc Thái - con trai cụ Trần Ngọc Lâm ghi lại, để thêm nhân chứng, cứ liệu, làm tin.
     Với Nguyễn Bính, Nguyệt Hồ và những cây bút lông còn lại. Xin nói thêm về Nguyễn Bính, sau cái trục trặc ở báo Trăm Hoa; năm 1958 ông tay không trở về Nam Định.
     Rồi vào làm trong Ty Văn hoá Thông tin Nam Định. Ở Nam Định, ông lấy thêm người vợ nữa là bà Lai, sinh được cháu Sĩ, đựoc vài ba tháng thì cháu mất, và sinh cháu Hùng - người con trai út của Nguyễn Bính vào khoảng năm 1963. Lúc đầu vợ chồng Nguyễn Bính ở chung với gia đình đằng vợ, số nhà 200 phố Trần Hưng Đạo, cùng với vợ chồng Ngân Sơn - cọc chèo với Nguyễn Bính. Lúc sắp sinh cháu Hùng, gia đình bên nhà vợ lại thu xếp cho vợ chồng Nguyễn Bính đổi vào một căn hộ hẹp số 3A trong hẻm khu lao động Đền Giếng, nay là khu lao động Hoàng Văn Thụ. Những năm ở đây, ngoài số tiền hợp đồng ít ỏi của Ty Văn hoá Thông tin Nam Định trả cho Nguyễn Bính, còn ba miệng ăn trông cả vào bàn tay đan len của bà Lai. Bố mẹ mất, cháu Hùng lớn lên làm nghề thợ xây, rồi xin đi xuất ngoại lao động sang Nga, nay vẫn bên ấy, chưa về…
      Trong những năm cuối đời ở Nam Định (1958 - 1966) Nguyễn Bính ngoài bạn bè văn chương ở Hà Nội ra, ông còn kết thân với các ông Hiếu Lang - phóng viên báo Thời Mới, con cháu dòng nội Tam Nguyên Trần Bích San; Nguyệt Hồ - hoạ sĩ; Việt Quyên, Võng Xuyên là hai cây bút thơ “tầm tầm tỉnh nhỏ”, nhưng họ sống với nhau đậm đà sâu sắc - tình cảm văn chương, đạo lý tình người…
      Có những kỉ niệm đẹp đẽ, ấy là Tết năm Kỷ Hợi (1959) Nguyễn Bính xuất thần bài thơ “Bạch Đào” ngay giữa đêm xuân, viết về giống đào trắng, nở hoa trong Tây viên nhà bạn. Có câu: “Bỗng dưng không hẹn thế mà nên/ Giữa đêm mồng hai Tết Kỷ Hợi/ Có năm người bạn bên sông Hoàng/ Gặp nhau uống rượu mừng xuân mới” Sông Hoàng là Vị Hoàng, còn năm người bạn là Nguyệt Hồ, Hiếu Lang, Võng Xuyên, Trần Đình Sóc và Nguyễn Bính. Hình ảnh cây đào quý chỉ còn lưu giữ trong thơ, nhưng mảnh đất Tây Viên thì vẫn đấy - ở phố Hàng Nâu (cũ) chỉ cách nhà Tú Xương chừng mươi bước dạo… Bài thơ Bạch Đào là lưu bút của Nguyễn Bính, viết bằng bút lông, cuối bài có dòng chữ: “Đề tại Tây Viên, phố Vị, đêm mồng hai Tết năm Kỷ Hợi, Ký tên Nguyễn Bính”. Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái nhà thơ, trong tập “Nguyễn Bính” (150 bài thơ tình, NXB Văn Học) đã in bút tích bài thơ này của ông ngay trên đầu sách.
      Lại nói về mối quan hệ Nguyễn Bính - Nguyệt Hồ - Việt Quyên - Huy Vinh. Hoạ sĩ Nguyệt Hồ, ông không chỉ vẽ tranh biếm hoạ chế giễu bọn giàu sang hợm hĩnh, bọn lừa thầy phản bạn, bọn ma cô, những thói hư tật xấu… nói tóm lại là phường vô liêm sỉ. Ông còn vẽ tranh trữ tình, tác phảm nổi tiếng: Thu dạ thu tâm, Có rửa thì rửa chân tay, Hái rau tần… Khi về Nam Định, ông vẽ: Sông Vị, Chợ Rồng xưa, Trường Thi Nam Định, Ngõ Văn Nhân, Đốt pháo, Đình Vị Xuyên, Mom sông (Nam Định), mộ Trần Bích San, ngôi nhà Tú Xương, cột cờ Nam Định và còn nhiều nữa. Ông thường cộng tác với báo “Tiếu thuyết thứ năm” do Lê Tràng Kiều chủ bút. Đôi khi Nguyệt Hồ cũng làm thơ, chủ yếu để giao lưu, thù tạc. Nguyệt Hồ không có con, thường lấy bạn bè làm vui. Ông yêu quý anh em văn nghệ, đặc biệ là những người có tài. Gặp Nguyễn Bính, vốn cố tri lại đồng hương, hai ông trở nên như bóng với hình, cặp kè khi chơi khi chén… Một lần Nguyệt Hồ cùng với Nguyễn Bính làm thơ đùa Việt Quyên, bài “Bẫy chim” vừa hóm hỉnh, vừa vui và hay. Thấy Việt Quyên về hưu làm thêm nghề xách lồng đi đánh bẫy chim, Nguyệt Hồ tức cảnh: “Bẫy chim nghề ấy sướng bằng tiên/ Rán chén thì ngon bán được tiền/ Đỏ có chào mào, nâu sáo sậu/ Nực thời se sẻ, rét vành khuyên” Nguyễn Bính bèn nối: “Đã quăng bút chạy làng văn nghệ/ Đành xách lồng theo lũ thiếu niên/ Bác với loài chim thù bất cộng/ Mà sao tên Bác lại là Quyên” Chả Quyên là chim Quyên (con cuốc) mà Khi Nguyễn Bính mất, Nguyệt Hồ rất buồn, y như câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Đời vắng em rồi say với ai” Ông xỉu xuống như người mất hồn, gần như thôi vẽ. Năm ấy, Nguyệt Hồ 61 tuổi, Nguyễn Bính kể cả tuổi mụ mới là 48! Đủ biết tình bằng hữu của họ với nhau máu thịt đến chừng nào!
       Cụ Huy Vinh khi ấy ở số nhà 4 Bắc Ninh, Nguyệt Hồ ở 32 Hàng Sắt trên. Sau này đổi thành 100 phố Nguyễn Du, hai nhà cũng chỉ cách nhau một thôi đường bộ. Trong căn nhà chật chội chừng mươi mét vuông, đủ kê một chiếc giường đôi, một giường cá nhân, chỉ chừa lối đi hẹp. Ngoài những bức tranh treo kín tường, Nguyệt Hồ còn thích treo thơ, đúng hơn là dán thơ lên tường. Các bài thơ của Trần Tường, Huyền Hư Tử, cả thơ Huy Vinh. Năm Nguyệt Hồ 70 tuổi, Huy Vinh có bài thơ “Bảy mươi - mười bảy” tặng Nguyệt Hồ: “Bảy mươi, mười bảy khác gì nhau/ Cùng tuổi trời cho trước với sau/ Lợi lão bảy mưoi nhằn sỏ lợn/ Tay chàng mười bảy bẻ sừng trâu/ Bảy mươi ngán ngẩm sờ suông bợn/ Mười bảy thèm thuồng ngủ chỏng câu/ Chớ bảo bảy mươi thường lẩn thẩn/ Vì thằng mười bảy đã khôn đâu”.  (Xuân Ất Mão).
       Huy Vinh với Nguyễn Bính trong quan hệ văn chương chưa tìm lại được gì. Nhưng cái tình giữa Huy Vinh với Nguyệt Hồ, Nguyệt Hồ với Nguyễn Bính như vậy, nên tuy lúc đầu giữa Huy Vinh với Nguyễn Bính có lúc chưa đồng thuận; Nhưng qua thời gian, bạn bè hai người dần hiểu nhau và quý nhau hơn.
      Nguyệt Hồ nghèo túng lắm, nhiều lần đi ăn sáng, hôm nào sang một chút, mua bát phở loãng, ông mang theo giấy gắp hết những miếng thịt, gói về, xào xáo lại cho bữa ăn chính, còn xì xụp tí nước cho qua…
      Rồi vào một buổi sáng mùa hè năm 1992, Huy Vinh đột ngột được tin người nhà Nguyệt Hồ sang báo “Bác cháu sắp đi”, Huy Vinh chạy vội sang… tức tưởi gọi: “Nguyệt Hồ, Nguyệt Hồ! Tôi đã sang với bác đây!” Nguyệt Hồ cựa quậy cố gượng ngón tay, nắm chặt bàn tay Huy Vinh, thều thào qua hơi thở: “Ông Huy…ở lại”, rồi như dốc hết tàn lực cố nâng bàn tay chỉ lên chiếc bàn con bên cạnh, ở đấy có một gói nhỏ. Huy Vinh vội vớ lấy, mở ra, trong ấy thấy hai cặp bút lông cuộn riêng… Nguyệt Hồ gật gật, rồi đi! Huy Vinh về đọc thấy ghi tên từng cuộn: Nguyễn Bính, Nguyệt Hồ.
      Đã có lần cụ Huy Vinh khoe với tôi và dặn: “Khi nào phải sang thế giới bên kia, tôi sẽ gửi lại những thứ này, chú giữ”. Tôi không dám hỏi kỹ… Nào ngờ cũng vào một sớm mùa hạ năm 2006, khi cụ còn đang dự định tuần sau sẽ đi Vũng Tàu thăm các cháu và người con trai thứ đang ở trong ấy. Thì sáng ra, cụ dang tập trong nhà, bỗng kêu “Choáng!” con cháu đưa nhanh vào bệnh viện cấp cứu nhưng không được. Đi, cụ không dặn lại gì. Đến viếng cụ, tôi chỉ biết nhắc người con trai trưởng của cụ - anh Đỗ Trọng Nghĩa cất giữ sách vở và những kỷ vật cụ đã để lại; trong đó có cả những báu vật của Tú Xương, Nguyễn Bính, Nguyệt Hồ. Những bức ảnh trong bài này do nhà văn Lê Hoài Nam bấm máy, nhà thơ Phạm Trọng Thanh và tôi chứng giám, khi cô giáo Lê Thị Loan - vợ anh Đỗ Trọng Nghĩa đưa kỷ vật ra. Hôm làm bộ phim dài tập “Sông Hồng ký sự”, phục vụ chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 9/2009). Tôi cùng tham gia. Hình ảnh chiếc nghiên của cụ Tú đã xuất hiện với dòng thơ Kiếp người câu chữ gió giông/ Từ trong nghiên bút giấy hồng bay lên (thơ Phạm Ngọc Khảnh).
      Vậy là đất Thành Nam, may còn có những kẻ sĩ chân chính, đã đối xử với nhau đậm đà trước sau như nhất, không chỉ nể nhau vì đức, trọng nhau vì tài, mà còn đồng cam - thân phận - va đập - cuộc đời…và họ dành cho nhau những lời lẽ, tác phẩm văn chương đầy đặn thuỷ chung. Người đi sau biết giữ gìn kỷ vật của người đi trước. Đó là nghĩa cử đáng nâng niu trân trọng lắm. Cụ Đỗ Huy Vinh cũng là người đã làm được cái việc ấy!
      Viết bài này tôi đã cố công xới xáo, tìm tòi và khâu nối các mối liên quan. May ra giúp được gì cho các nhà hữu trách lấy đó làm sở cứ đi vào thu thập… Vậy thôi!