Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI TRƯƠNG NAM HƯƠNG - 99 MINI THƠ

Vân Long
Thứ tư ngày 24 tháng 8 năm 2011 10:17 PM
(NXB Thanh Niên 12- 2008)
 Tình bạn trong làng thơ cũng lạ, chẳng phân biệt gì tuổi tác, thân sơ     hay đồng hương đồng khói, chẳng cần ai giới thiệu mới có thể quen…bởi bao nhiêu điều khác biệt ấy, thơ đã làm thay, đã bắc cầu, hoá giải cho tất cả!
Tôi có ông anh thơ, gọi thế bởi tình thân còn hơn ruột thịt, đó là nhà thơ Ngô Quân Miện, sinh trước tôi 9 năm, tình thơ chúng tôi xuất phát từ  năm 1954, ông là người biên tập thơ báo Độc Lập ở kháng chiến về, tôi là cộng tác viên mới tập viết, dần qua năm tháng, được coi như cộng tác viên ruột, mấy chục năm sau, anh đưa tôi về hẳn tòa soạn, cũng là để thay thế anh, khi anh đảm nhiệm trọng trách lớn hơn của tờ báo. Vậy là cho đến khi anh qua đời, gần như tôi được vuốt mắt cho anh sau 54 năm thân thiết tình thơ, tình đời! Để hôm nay tôi tiệm cận tuổi anh, càng thấm câu thơ anh năm ấy:
                                      Tuổi 80 ngấm như men rượu
                                      Tôi đang già, chẳng vội già đi!
 Với Trương Nam Hương, dường như tôi mới quen hôm qua, nếu tính   từ lần trò chuyện đầu tiên. Nhà thơ Trương Nam Hương, kém tôi…29 tuổi, người cũng có câu thơ với ý vị tương đồng:
                                          Tình đừng núi Cốc, sông Công
                                          Em còn trẻ thế, tôi không nỡ già!
 Cùng là sự trì níu thời gian, chỉ khác: người thì có cả một thế hệ để so sánh, người thì chỉ biết mình soi lấy mình! Thực ra, tôi đã quen thơ Trương Nam Hương từ đầu những năm 1990 qua tập thơ đầu Khúc hát người xa xứ (1990), lúc còn ngồi ghế biên tập thơ NXB Tác Phẩm mới. Trong một bài nhận định nào đó về chàng thi sĩ trẻ này, tôi thấy một đặc điểm: Hầu như Trương Nam Hương đã nắm bắt được thi pháp và thực hiện mọi thủ pháp của Thơ Mới chỉ trong vài năm đầu với ngôn ngữ thơ khá phong phú thời đó (mà khi đi vào cuộc sống chiến đấu, người ta đã giản lược đi nhiều phần mềm mại, tinh tế, buồn đau)! Điều này quan trọng lắm, kể cả khi anh muốn bứt khỏi nó để khai phá một con đường mới! Đó phải chăng là sự kế thừa cần thiết!
 Tôi ít có dịp vào thành phố HCM, nếu Hoài Anh còn thuờng trực ở quán bia 81 TQT, Lâm Râu còn sống với nhiệt tình của anh thì hai anh còn là nhịp cầu nối bạn thơ thành phố với tôi. Nhưng hai anh đã khuất, nay cả  Trần Hoài Dương…Mùa hạ vừa rồi, tôi cùng gia đình làm chuuyến du lịch mấy tỉnh miền Tây Nam Bộ, còn được dừng chân vài ngày ở thành phố HCM với họ hàng, mới ý thức được rằng: Ở tuổi này, liệu còn mấy dịp vô Nam? May có số điện thoại của mấy bạn thơ cần gặp, kể cả mấy bạn tôi muốn làm quen. Nhưng người ở đầu, người ở cuối thành phố, mướn được cái xe máy lạ giữa phố xá chưa quen, thì tìm gặp được mấy người ?
                      Nghĩ thế, rồi liều bất nhã gọi điện cho Trương Nam Hương, Lê Thiếu Nhơn… mong được thông cảm hoàn cảnh, mời mấy bạn ghé qua nơi mình trú ngụ. Thế rồi, Lê Thiếu Nhơn đến, đi cùng cố nhân Thanh Tùng thì khỏi nói. Rồi Nguyễn Vũ Tiềm, Nguyễn Thái Sơn. Hôm sau, Trương Nam Hương lại có nhã ý mời mấy bạn thơ gần gụi quanh anh, các anh Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Duy Bằng, Cao Quảng Văn…cùng tiện đi trên một chiếc taxi đến thăm tôi, khiến đương sự vô cùng cảm động. Đúng là tình bạn thơ dù chỉ mới đọc của nhau, đã rộng lượng với nhau như thể…bốn bể đều là anh em! Kẻ may mắn là tôi được hưởng cái thú:
                                 Sài Gòn bất chợt mưa quanh phố
                                 Mới dễ thương sao quán vỉa hè!
                                                                           (Mưa Sài Gòn –TNH)
  Tôi nhận được sách tặng 99 mini thơ Trương Nam Hương từ giữa năm 2009, đọc, và đánh dấu những bài mình thích, mang theo, có cớ mà trò chuyện sơ giao.
Ở thơ tứ tuyệt, tôi từng khâm phục Yến Lan (Thơ tứ tuyệt: Vò rối tơ rồi gỡ  rối tơ/ Gỡ không ra mối lại đem vò/ Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại/ Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ (Chèo), rồi Ngô Quân Miện (Thơ 4 câu: Mây vừa qua – Trăng đã thu/ Tận cùng xa thẳm của hư vô/ Cánh chim vội thế không hay biết / Trái đất sau lưng đã trở mùa –(Cánh chim), nay dường  như Trương Nam Hương đã theo gót được hai bậc đàn anh! Tôi để ngỏ hai chữ dường như, bởi thơ của hai đấng bậc trên là tinh tuyển cả đời chọn  ra một tập. Trương Nam Hương còn trẻ lắm, anh chẳng vội gì tinh tuyển! Mini thơ của anh còn bận ứng xử với đời, thù tiếp bạn, bỡn cợt với người tình…
Tuy nhiên, không vì thế mà anh chưa có hoa hậu mini.           
 Lên Yên Tử là một ứng cử viên sáng giá khi thơ  anh khái quát một     vùng tâm linh, với hình tượng kỳ vĩ:
                                                Ngày mỏng mờ hơn chuông rõ hơn
                                                Trúc vin nghìn bậc đá rêu mòn
                                                Núi khom khom vái mây dâng lễ
                                                Tùng thắp xanh trời vạn nén thơm
Rừng trúc trở thành đoàn khách hành hương đang leo lên từng bậc đá. Núi lớn thế mà chỉ như một khách hành hương khom lưng vái, mây như lễ vật được dâng lên, và những nén nhang thơm cũng có dáng như tùng bách! Khái quát, so sánh hợp lý nên kỳ vĩ mà không khoa trương, không câu lép, chữ độn. Ngay câu mở bài cũng nói được thời điểm khách thăm đã gần leo tới đỉnh (chuông nghe rõ hơn), ngày mỏng đi, sương mờ đục trên cao.
 Khi cần đi sâu vào số phận, tâm thế nhân vật, nhà thơ lại rất tinh tế,      vân vi từng chi tiết sống:          
                 
                                                    Chị
                                      Hổng hơ mùa hạ qua rồi
                                      Thu nhơm nhớm tím
                                                                      khoảng trời
                                                                                     chị tôi
                                       Ngoài đầm hoa súng rũ phơi
                                       Đám mây vẩy cá
                                                                ngồi soi
                                                                           bóng chiều!                                                                         
 Đó cũng là một bài thơ toàn bích! Cái tài của thi sĩ là chỉ dùng sắc thái thiên nhiên mà miêu tả cả hình hài và tâm thế của người phụ nữ vừa qua thời tươi trẻ, mặc dù  anh chỉ giới hạn miêu tả khoảng trời của chị. Sự thương xót lẩn đi chỉ còn thấp thoáng, thấy cả sự rón rén từng nét chữ, tránh đụng vào nỗi buồn mới chớm của tuổi chị, e chị buồn thêm! Hổng hơ là chữ rất ít gặp, chứng tỏ tác giả thận trọng ngay từ chữ đầu để mùa hạ không qua đi một cách phũ phàng, nhưng vẫn có cái gì đó rỗng ra, nhẹ nhàng hẫng hụt ở tâm lý lứa tuổi của người chị. Khoảng trời về chiều của chị đã tím, nhưng chỉ mới tím nhơm nhớm...
                                   Ngoài đầm hoa súng rũ phơi                                               
         Hình như anh trót mạnh tay, đậm nét ở hai chữ rũ phơi, nhưng vẫn       còn kịp pha loãng sắc độ đó bằng nửa câu sau nói về sắc diện của chị, chị vẫn còn đẹp lắm, mới là đám mây vẩy cá  ngồi soi bóng chiều! Chữ nghĩa bài này đặc biệt tinh tế, liều lượng!
 Ở tuổi anh, thơ mini dễ dành cho những bản tình ca, tôi chưa vội thẩm  thơ tình của anh để ta thấy tính nghiêm cẩn, nhân văn của nhà thơ (ấn tượng của tôi về anh) vẫn ôm trùm mọi suy tư, cảm xúc. Sau đây chỉ là một Bông cúc nhỏ nhưng sự nhuần nhụy đã nói thay cho nhiều đôi lứa trong tâm trạng đợi chờ, thương nhớ…
                                    Thương bông cúc nhỏ chiều mưa mãi
                                    Run rẩy chờ anh giữa gió lùa
                                    Hiên không đủ kín cho em khóc
                                    Cặp sách che hờ ngực áo thưa
     Nếu cứ với cái chuẩn thơ hay phải toàn vẹn như những bài, những câu
thơ trên (theo thiển ý) thì đã làm khó cho nhiều nhà thơ, không chỉ với Trương thi sĩ. Ngoài 3 bài thơ vừa dẫn, tôi  vẫn nhặt ra được những viên         ngọc  ở những bài thơ chưa hay trọn vẹn.
Trước cửa thiền, trước lồng chim chờ phóng sinh, thi sĩ tự liên hệ: nỗi  buồn của mình cũng đang bị nhốt, nhưng sao có thể giải thoát chúng như việc mở cửa lồng cho lũ chim kia:  
                                Cửa thiền hương khói siêu linh
                         Lồng chim đã mở, buồn mình chưa bay…
                                                                                  (Chim phóng sinh)
 Trương Nam Hương có cái buồn thường trực như thường thấy ở các     nhà thơ, nhưng ở anh, sức trẻ của tâm hồn đôi lúc đã hoá giải chúng thành nụ cười buồn, thành chút tự trào:
                                     Bàn dửng dưng, ghế dửng dưng
                                 Hai dửng dưng ấy đã từng yêu nhau!
                                                                                     (Tình buồn)
 Chỉ điểm qua chút thành tựu dạng mini đã thấy ngôn ngữ thơ anh đã giầu có lên nhiều, thêm nhiều sáng tạo, uẩn súc mà tươi mới…    
Thơ Trương Nam Hương, như tôi đã nhận xét từ buổi đầu, anh sớm      nhuần nhuyễn chữ nghĩa, sớm “chuyên nghiệp” nên không bị mắc những khiếm khuyết giai đoạn đầu của người làm thơ. Nhưng từ thế cao, thi thoảng lại thấy ở anh một chút cầu kỳ, một ly duy mỹ, e sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới độ chân thực hồn nhiên của cảm xúc chăng? Đáng lẽ dẫn chứng xuôi, tôi xin dẫn chứng ngược: Đây là cái hay chân thực của thơ anh:
                                              Băn khoăn
                                     Đưa mẹ vào Tháp cốt    
                                     Quay về, con bần thần
                                     Quên hoá vàng đôi guốc
                                     Lên đó Người lạnh chân
hoặc hai câu trong bài Bà tôi: Lấy Tiên Bụt để dỗ dành rau cháo/ Chiếc đũa  bà cổ tích cả nồi niêu!  Vừa tránh được cầu kỳ vừa không dễ dãi! Điều còn lại, thông minh như anh, tôi chẳng dẫn chứng làm gì!
 Buổi gặp gỡ đó đông bạn, tôi không thể nói kỹ như trên về mini Thơ     của Trương Nam Hương, có nói cũng không hết ý, nay xin ghi lại thành văn, có tránh nhiệm hơn để chúng ta cùng suy nghiệm! 
                        
                                                               Sài Gòn – Hà Nội hè 2011
                                                                                 V.L.
                                               (nguồn: An Ninh Thế giới cuối tháng 8-2011)