Trang chủ » Truyện

THẰNG DỞ HƠI.

Võ Tấn
Thứ tư ngày 19 tháng 1 năm 2011 5:31 AM
 
 Thi thoảng hắn lại đến nhà ông Nhà văn già chơi. Thật kỳ lạ, ông già cứ nhắc đến người bạn cùng quê với hắn mà hắn thì muốn “quên cho mau giàu”. Đơn giản, vì nó đang làm quan to của xứ sở này, còn hắn lại là kẻ “ta buồn ta đi lang thang...”. Và hai tư duy lối sống đã xa nhau từ thời bao cấp.
 Xứ sở mà ông Nhà văn đã sinh ra trong thời chiến tranh. Sau khi giành độc lập, ông viết về làng quê khó khổ của mình trong nổi niềm “tuyệt vọng”. Nơi đây có con sông quanh năm khô hạn, phơi lòng đầy cát dưới nắng chang chang, có những loài cây chịu đời nắng hạn thành cổ tích. Dân nghèo qua từng giai đoạn gian truân, trầy trật kiếm miếng ăn chưa đủ giáp mùa.
 Hắn thương ông Nhà văn tiền bói. Ông thuộc thế hệ người sót lại của thế kỷ XX, sống kham khổ từ “cơ chế bao cấp” sang “thời kỳ đổi mới toàn diện” mà vẫn thiếu trước hụt sau, nên trăn trở sanh mắc chứng mất ngủ, nghĩ ngợi lo âu : “Biết mình có còn sống tới ngày dân hết nghèo, hết khổ như “ông bạn ấy” nói không nhỉ?!!”. Ông già gọi người bạn của hắn thân mật như vậy. Hắn chỉ cười, nghĩ bụng: “còn lạ gì nó”.
 Hiện giờ, không chỉ có lớp người tri thức, doanh nhân, quan chức... mắc chứng mất ngủ mà cả thường dân cũng bối rối lo toan vì nợ quốc gia đã vượt ngưỡng. Mở mắt ra đã thấy nợ, làm càng nhiều càng đổ nợ. Mười năm đầu thế kỷ mới, ông Nhà văn chờ đợi một cuộc cải tổ kinh tế để người dân được sống ấm no. Nhiều đêm ông cô đơn, thức trắng để mô tả và ao ước về tương lai, mong mỏi cái mảnh đất nắng chang chang, mai này phải giàu, phải khác bởi nền công nghiệp tiến tiến đang phát triển. Thế nhưng ông luôn thắc mắc: “Không thể hiểu nổi “ông bạn” đương thời nói quá mà làm thì đâu phải dễ như nói”
 Hắn dạt đến xứ này chỉ một mình và đã tròn năm lây lất sống kiếm cơm với đủ thứ việc, biết thân biết phận nên né xa chốn quan trường. Hắn làm thuê và viết lách, bao nhiêu tháng ngày đói ăn, mắt lõm sâu, thân thể sa sút như kẻ nghiện. Mấy đêm liền nghe ông Nhà văn già kể chuyện về “ông bạn ấy” là tóc hắn lốm đốm bạc, mặc dù hắn chưa vượt qua hết ngưỡng tứ tuần có lẻ.
 Đêm đêm hắn nằm trằn trọc, hết co rồi dũi, lăn qua, trở lại, than ôi, con dế đầu hè một mình hát một mình nghe. Hắn bắt chước phương pháp trị chứng mất ngủ của ông già. Hắn đếm, đếm lên con số một ngàn có lẻ mà hai con mắt cứ thao láo vì trong đầu hiện hình biết bao con người kẻ chợ, sống tạm bợ sau trận đòn lũ lụt. Hắn không hiểu nổi vì đâu mà thiên tai, bão lũ cứ dập vùi trên dãi đất hẹp khốn khó quanh năm này. Vì đâu mà kẻ giàu mau, người nghèo lẹ.? Và con người luôn sống gấp, sống lừa, chỉ biết mình mà không hiểu được ta!
 Đêm nào cũng vậy, hắn loay hoay chuyện đời thế sự mà mất ngủ. Hắn chẳng thèm đếm nữa, cứ để mọi diễn biến của đêm dài tự nhiên xáo trộn căn phòng trọ. Hắn bắt đầu mơ thấy chuyện tương lai của người bạn cùng quê nói với ông Nhà văn già sở tại.
 Lần đầu ông Nhà văn già tiếp xúc với “ông bạn ấy” trong một cuộc họp ra mắt nhân dân khi mới về nhận chức. Ông bạn ấy bảo: “Nói thì vậy chứ còn tùy vào bà xã bác ạ?”. Câu nói của “ông bạn ấy” ngoài hành lang nhưng làm ông già Nhà văn ám ảnh. Từ đó hắn mường tượng cả những chuyện trên trời, dưới đất đang chảy máu trên mảnh đất nghèo. Hắn cười. “Xem ra thời mất ngủ cũng khiến mình thông minh hơn”.
 Hắn lục lọi trong trí nhớ với những câu chuyện cổ tích ngày xửa, ngày xưa đọng đầy tình người. Thời gian không dừng lại mà hai con mắt vẫn ngoan cố không chịu khép. Người bạn thuở chân đất ngày xửa, ngày xưa nay làm quan to? Hắn còn lạ gì người bạn đồng lứa được dạy dỗ, nhồi nhét lối tư duy thực dụng của thiên niên kỷ trước. “Vật chất quyết định tất cả!” Tình tiền, gái gúm, chức quyền, quan trường vốn là nơi thực dụng...mà chỉ cần bạo gan lao vô sẽ có tất cả. Cuộc sống thực dụng cái gì ra cái đó, sòng phẳng, phát một.
 Chuyện đời người khó ai biết trước, hắn hình dung về ngày cũ, khi “nó” học xong lớp tại chức là nhảy vọt lên Sở làm giám đốc, phòng kính máy lạnh, ngồi cái ghế có bánh xe đẩy, trong ngăn tủ không thiếu một thứ rượu ngoại nào. Ban đêm, ngủ trong căn phòng nhỏ nhưng bao quanh là ngôi nhà to tướng, nằm chềnh ềnh mặt tiền đường phố chính. Ngày “nó” ra Thủ đô, vợ cũng rửa chân phèn nơi cái làng nông thôn trăm năm tồn tại. Đám đệ tử về tận quê rước lên phố, bằng ô tô dành riêng cấp lãnh đạo. Nay về đây, chồng làm quan đứng đầu một tỉnh, vợ mở Công ty ... Từ một ngôi nhà, nảy nở ra nhiều ngôi nhà và hàng chục trang trại như các “đại gia” đương thời đang tận cố sống thực dụng trước khi hạ cánh. Mặc kệ đời sau có giống như hậu thế của “Công tử Bạc Liêu” hay quả báo thành súc vật, chẳng có quan nào mê tín. Nó bảo “tùy vào bà xã” là tuyên bố một cách công khai nhưng không lý do nào kết tội. Việc nhà nước mà như việc gia đình riêng tư vậy.
 Hắn cô đơn giữa phố thị ồn ào, nghĩ đến ông Nhà văn già, thấy thẹn người đương thời, có quá nhiều kẻ thực dụng và vô cảm. Trên mảnh đất nắng chang chang mưa lụt bất thường này người thật thà không chốn dung thân, kẻ mưu mô “đục nước béo cò” diễn trò ảo thuật công khai lừa bịp đầy sân cỏ, khán giả vì bị sắc màu lóa mắt, nhìn khẩu hiệu mà cỗ vũ theo đám đông. Sức la hét có người mạnh người yếu nhưng trong sân cỏ đều là “hùa theo”. Nơi “nó” đang trổ tài lãnh đạo trong môi trường sống cũng đầy giả tạo, nội bộ đang đấu đá tranh giành chiếc ghế đứng đầu. Nhưng không sao cả, nó đang là người được cử đến và sẽ thừa thắng xông lên.
 Hắn và “người bạn cùng quê” đến xứ này, ai cũng vì mưu sinh nhưng đi bằng con đường khác biệt. Hắn làm thuê, bạn hắn làm quan. Hắn cầm bút, bạn hắn cầm quyền. Thời buổi thực dụng, bạn bè kiểu xử sự sang-hèn đâu ra đó, chả thèm quan tâm. Hắn kết luận như thế. Hắn tỏ ra rất lạc quan về tương lai, tương lai mà con người sẽ ứng dụng năng lượng sinh học phục vụ đời sống, nền văn minh tiến bộ sẽ thay thế tất cả sự lạc hậu. Bạn hắn có quyền mơ. Hắn tự phản biện “lý thuyết và thực tiễn chưa hẳn trùng lắp”. Bốn bức tường nhại tiếng hắn, trang giấy và các con chữ đang cười hắn “hèn”.
 Đêm lặng thinh.
 Những câu chuyện cổ tích ngày xửa, ngày xưa lại hiện về trong căn phòng yên vắng. Hàng triệu triệu năm qua, nơi mảnh đất của xứ sở Xương Rồng luôn chịu đựng nắng nóng, hạn hán mà  cuộc sống nghèo cứ dằng dai. Hắn suy nghĩ mông lung. Chuyện cổ tích chỉ là ...chuyện đời xưa mà thôi. Hắn đã chạm chân tới vùng đất nóng, nơi đây còn một động cát có tên Nam Cương rộng hàng trăm mẫu, chập chùng gió thổi, cát bay thành đồi đỏ au dưới nắng vàng như sa mạc. Một khu dân cư hàng trăm năm bám biển sắp bị di dời để thực hiện “Dự án tầm cao mới” sẽ không còn người nghèo nữa. Lý thuyết là như vậy chứ chưa biết bao giờ mới thực thi. Người bạn của hắn có thật tâm gắn bó với bà con trên mảnh đất nghèo này?.
 Vào cuối mùa thu, người bạn của hắn ngao du bên trời Tây để tham quan công trình khoa học. Mảnh đất nghèo lại xảy ra mưa bão, cái lạnh, cái đói của hắn, của nhiều người nghèo khổ đang vật vã tìm cái ăn. Đêm đêm dằn vặc, làm hắn không thể nào chợp mắt. Hắn ra ngoài đi đái, miệng ràm ràm bâng quơ như người lơ ngơ, mất trí. Có một bụi gai nào đó cào nhẹ làm chân, khi trở vào hắn phát hiện những cái móc câu li ti bám vào da thịt rướm máu. Hắn ngồi gỡ mà chẳng hề than vãn. Mắc cỡ à. Hắn lại cười, gương mặt gầy đét sáng sũa hơn.
 Hắn đã đọc đâu đó câu chuyên cổ tích về loài cây mắc cỡ. Chẳng biết hắn có phịa ra những điều nghịch nhĩ người nghe nhưng hắn hùng hồn vanh vách:
   Con trai một lão quan tham lên thay cai quản vùng đất màu mỡ tươi tốt. Người dân canh tác trồng lúa, trồng hành tỏi và trồng nho...nhưng dân tình hiền như cục đất. Để quản lý và thu tô, tất cả các con sông, con suối đầu nguồn đều do vị Quan con cho đắp đập làm hồ chứa nước tuốt tuồng tuột. Đột nhiên ông Trời nổi giận. Mưa dập, lũ dồn phá tan hoang hoa màu, cuốn trôi nhà cửa của dân nghèo, vì các bờ hồ chứa nước không đủ sức chịu đựng nên Quan con lệnh xả gấp gáp. Lũ lụt đến, nhà các quan làm bằng những khối bêtông đồ sộ chọc thủng trời làm sao trôi được, an toàn tuyệt đối cả về lý thuyết lẫn  trên thực tế.
 Năm đó dân đói khát lại tha hương cầu thực, họ bỏ đi không còn một ai. Vị Quan con buồn rồi chết. Lúc đó chẳng còn người để chôn cất nên thây thể vị Quan con vùi trong bùn đất, tự tiêu. Chết cô độc, nỗi lòng vị Quan nọ không xóa được thẹn nên biến thành cây mắc cỡ,  mọc xanh đất nhưng chạm đến là những chiếc lá ngạo nghễ sẽ co cụp lại trông thảm lắm.
  Đêm đêm, hắn phát hiện những gì không ai biết. Nếu sáng hôm sau, ngồi cà phê vỉa hè, hắn im thin thít thì những câu chuyện liên đới tới cái đêm mất ngủ của hắn cũng chìm nghỉm. Đã nhiều thế hệ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, từng sống chung với hạn hán lụt lội, đâu phải ai cũng thấy, cũng biết đến loài cây mắc cỡ. Người ta cảm nhận giá trị loài hoa trinh nữ thẹn thùng, tôn vinh vẻ đẹp thì hắn lại khai thác góc nhìn khác. Hắn cứ bảo chuyện cổ tích chỉ là chuyện kể, có phịa chút đỉnh nhưng cốt lỏi ở chỗ “Loài cây còn mắc cỡ huống chi là con người”. Hắn cười hề hề. 
 Có những đêm hắn lại ngu ngơ độc thoại. Người bạn và hắn đang ở cái nơi có nhiều cây xương rồng và cây mắc cỡ này. Thật khó tin. Nó bảo, nó chỉ ngồi cái ghế quyền lực đương thời trong vòng mười năm thôi, sẽ đưa cái xứ nghèo nhất nước lên tầm cao mới, đứng vào tóp 10 của các tỉnh giàu!. Ừ thì nó là nhà “khoa học tại chức”. Nó lên voi vì thời cơ thuận buồm xuôi gió. Nó được thử thách tài năng hay chỉ bốc phét lấy lòng cấp trên để nâng cao vị thế.? Chả cần quan tâm, loại người vô cảm thời nay, đầy rẫy chốn quan trường, đất nước đang thanh lọc, nhân dân chẳng còn nghe những lời cam kết của họ Hứa.
 Mưa đêm như đồng lõa sự cô đơn. Trận lũ lụt mới lại nhấn thành phố đang nham nhở chìm trong biển nước. Chuyện vỡ đập và xả lũ, các quan địa phương biện hộ không liên can gì đến sự cộng hưởng việc xả lũ làm hư hại mùa màng của dân, tất cả tại thiên tai, tại ông Trời. Nhưng hậu quả đổ lên đầu những người dân nghèo khó, mất mạng, mất nhà và đang cần sự cưu mang của cả thế giới?. Khi nó trở về thì hậu quả đã tan hoang. Thế mà nó lên báo chí vẫn nói sẽ đưa cái xứ nghèo nàn mấy đời lam lũ, hưởng tiền trợ cấp từ trung ương hàng năm hơn hai phần, thoát nghèo chỉ bằng vài cái “dự án...” giống như khai thác Bô xit để đổi đôla.? .
 Hắn thấy có cái gì đó không an tâm, bởi biết đâu chỉ nghe nó nói cái lý thuyết muôn thuở của ước mơ mà trung ương rút nó về ngay, thì tiếc cho bao sự mong đợi của bà con lắm thay!. Thôi, vì bạn bè “Tao ưng cái bụng lắm”. Hắn lại cười vì phải dùng cách xưng hô của bà con miền núi để diễn đạt cảm xúc mừng mừng lo lo này. Sau đó cũng phải chờ đợi “phương án chiến lược tầm vĩ mô” tùy vào cái tài học hành và hiểu biết của một “ông quan phụ mẫu” như nó. Bổng  dưng hắn sực nhớ câu nói của nó đã làm ông Nhà văn già ám ảnh “Nói thì vậy chứ còn tùy vào bà xã bác ạ!?”. Trời đất quỷ thần ơi!. Hắn giật mình kêu lên nhưng bốn bức tường kín bưng chẳng ai hay biết.
 ... Ngày chưa xưa mấy, khi nó còn làm một viên chức quèn, ở gian nhà tập thể 3 mét vuông, bạn bè mày tao nói cười, la hét xả láng, đêm trăng sáng còn cởi trần trèo lên nóc nhà  của Hợp Tác Xã ngồi uống rượu cuốc lủi, nói chuyện thời sự quốc tế, hứng lên đòi đi bắt trùm khủng bố Bilađen để lãnh thưởng. Đó cũng là những lý thuyết và ước mơ của những thằng bốc phét. Chắc nó quên?. Mẹ...sao mình cứ phải nhớ...tào lao thế!
 Hắn có la hét với tần suất cực đại thì người bạn của hắn đã đang chăn ấm niệm êm. Hắn lại thêm một đêm thức trắng. Sáng sớm hắn mò đến nhà ông Nhà văn già, đem chuyện riêng tư thuật lại, ông ấy nói:
 -Chết thật. Thiệt ra, chuyện người thời nay cũng khó phân biệt thật giả! Không biết mình còn sống tới khi đó để...
 Hắn cười:
 -Cuộc sống vốn đơn giản như đang giỡn, mà Bác!
 Ông già lại mắng:
 -Bớt giỡn chút...Thằng dở hơi !!!
 Bình minh vừa rạng. Không kể chắc ai cũng biết ông Nhà văn già đêm qua cũng thức trắng./.
        Tháng 10/2010
            Võ Tấn