Trang chủ » Truyện

ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN

Trần Ngọc Dương
Thứ tư ngày 19 tháng 1 năm 2011 8:30 PM
 
Truyện ngắn
Lúc năm tuổi tôi mới được gặp bố. Bố tôi trở về vào sáng ngày 28 tết, cái tết đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Sáng hôm đó, tôi lon ton chạy vào nhà, tay cầm bông hoa chè bà nội vừa hái cho để cắm lên bàn thờ của bố. Đến cửa, tôi không dám bước tiếp. Mắt tròn xoe, nhìn chằm chặp vào cái phản kê giữa nhà. Góc phản là một chiếc ba lô con cóc to sù, bên cạnh có chú bộ đội ngồi xếp bằng bóc chuối ăn. Quả chuối lấy từ nải quả bày trên bàn thờ. Tôi hét toáng lên:
- Sao chú ăn chuối!
Chú giật mình quay lại:
- Cháu bé con ai? Lại đây chú cho một quả.
Thấy chú đứng dậy giơ tay, tôi sợ quá gọi bà:
- Bà ơi! Trong nhà có chú bộ đội đang ăn vụng chuối.
Bà tôi bỏ giở công việc ngoài vườn chè đi vào nhà. Chú  lên tiếng:
- Con chào mẹ!
Bà vớ luôn cái chổi lông gà vụt chú tới tấp. Vừa vụt bà vừa chửi:
- Cha bố anh. Cha bố anh. Đồ gan lì.
Thấy chú đứng im cười, tôi  vội nói xen vào:
- Chú khoanh tay xin lỗi bà. Hứa bận sau bà cho mới được ăn. Hứa đi rồi bà tha cho.
Hai người lúc này mới chú ý đến sự có mặt của tôi. Bà chỉ tôi:
- Con mày đấy!
Bố nhìn tôi trìu mến:
- Mẹ đặt tên con là gì?
Thấy tôi im lặng bố nói tiếp:
- Bố đâu có ăn vụng, chuối cúng bố, bố phải ăn chứ!
Tôi bám chặt quần bà ngơ ngác, chẳng hiểu ra sao. Từ trước đến nay, tôi chỉ biết có bố trên bàn thờ. Tôi nhìn bà, ngắm chú bộ đội:
- Ứ phải bố, ứ giống bố.
Bà xoa đầu tôi:
- Thế cháu thấy gì không giống nào?
- Bố cháu tóc dài, còn tóc chú cụt lủn.
Bố vội vàng giải thích:
- À! Bố là thương binh, phải cắt tóc ngắn đúng ba phân theo qui định để làm thẻ.
Tôi chưa kịp xà vào lòng bố, mẹ tôi đã ào vào, nhào ngay vào vòng tay, áp mặt vào ngực bố, đôi vai mẹ rung lên từng nhịp theo tiếng nức nở. Rồi mẹ oà lên, không cần giấu diếm giữ gìn. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mẹ khóc thành tiếng. Mẹ đang bán hoa tết ở cổng chợ, thấy có người kháo chuyện. Mẹ bỏ hết tất tả chạy về.
Thấy mẹ khóc tôi cũng khóc theo. Bố lau nước mắt cho mẹ:
- Nín đi, cho con nó nín. Không nó cười cho kìa.
Quay sang tôi bố nói tiếp:
- Con thấy mẹ có hư không, lớn rồi mà còn khóc nhè.
Tôi cong cớn bênh mẹ:
- Có bố hư thì có, làm mẹ khóc .
Mẹ cúi xuống nâng tôi lên trao cho bố. Bố ôm cả hai mẹ con vào lòng. Tôi gỡ tay bố ra:
- Ứ cho bố ôm mẹ .
Mẹ bật cười, bà cũng phì cười.    
- Rõ là vợ chồng phường chèo. Khóc đấy, cười đấy. Thôi tao đi nấu cơm không cả nhà nhịn đói.
Mẹ lau nước mắt vội vã:
- Bà để đấy cho con.
Bà nhìn tôi bảo:
- Cái Lan lấy gương cho mẹ xem. Đẹp chưa, hai mẹ con dọn dẹp nhà cửa, chải lại đầu tóc. Khách đến chơi người ta cười cho.
Đang ăn dở bữa cơm thì khách đến. Mẹ vội vã dọn mâm bát, bà pha nước mời khách. Thấy lũ trẻ con thập thò ở cửa, bố lấy trong ba lô một túi bóng bay phân phát cho chúng tôi. Ngày ấy, miền Bắc hiếm bóng bay lắm. Bóng bay là đồ chơi xa xỉ đối với lũ trẻ con. Người lớn ngồi chật trong nhà, còn ngoài sân chúng tôi la hét cười đùa, tranh nhau nói quả bóng của mình đẹp nhất. Tôi được dịp lên mặt vì quả bóng của mình được bố vẽ thêm  cô bé có hai cái đuôi tôm vểnh ngược.
Trời tối lúc nào chẳng hay, tôi nằm trong lòng bố đánh một giấc ngủ ngon lành. Khi bố đặt tôi xuống phản kéo chăn đắp. Tôi choàng dậy ôm chặt cổ bố:
- Bố!
Bố giở gói vải dù lấy ra một em bé búp bê:
- Bố tặng con gái.
Tôi tỉnh như sáo. Đây là món quà quí nhất từ trước đến giờ tôi có. Mẹ nhìn hai bố con khẽ hỏi:
- Sao biết có con mà mua.
- Mọi người đều thế cả.
Bố cầm chiếc áo len mầu gụ hai tay đưa biếu bà:
- Bà mặc cho ấm.
- Tôi xin anh.
Bà nói rồi khoác luôn tấm áo:
- Anh khéo chọn, bà mặc vừa vặn.
Tôi vội vàng đòi hỏi:
- Thế quà của mẹ đâu?
Bố xoa đầu tôi:
- Bênh mẹ ghê, con gái có khác. Bố không mua quà cho mẹ còn mua cho ai nữa!
Quà của mẹ là bộ váy áo dài trắng muốt, một cái hộp xinh xinh đựng nhành hoa cài đầu. Tôi reo lên;
- Hoa cài đầu cô dâu, bố mẹ cưới nhau đi.
Bố mẹ im lặng nhìn nhau. Bà bảo tôi:
- Hồi chiều, tao sang nhà ông bà ngoại cái Lan xin phép cho cháu được nhận ông bà. Chuyện cũ rồi, bây giờ chúng mày tính sao.
Bố bóp mạnh tay mẹ khẽ nói:
- Chúng con vừa bàn với nhau, sáng mai xin phép mẹ cho vợ chồng con đưa cháu về chào ông bà.
Mãi sau này tôi mới biết chuỵên của bố mẹ qua lời kể của dì Nga - em mẹ.
* *
...Mẹ đang học năm cuối cùng cao đẳng sư phạm thì được tin: bố đi B. Mẹ đạp xe gần 100 Km đến với bố. Sau lần ấy, mẹ không được cấp bằng tốt nghiệp. Nhà trường trả mẹ về địa phương, khi mẹ đang mang thai tôi tháng thứ năm. Ông bà ngoại là những người có danh giá, gia đình nề nếp gia giáo. Ông bà không bao giờ chấp nhận sự kiện trọng đại này. Không thể chấp nhận cô con gái cưng có con mà chẳng có chồng. Ông bà vẫn ngăn cản bố mẹ tôi vì không “môn đăng hộ đối.”
Mẹ phải xách túi bước chân ra khỏi nhà bố mẹ đẻ của mình. Dì Nga bí mật gặp bà nội tôi kể hết mọi chuyện. Lúc mẹ đến chào bà để đi xa, bà đã giữ mẹ lại. Mẹ trở thành con gái bà từ ấy.
Tôi ra đời trên cánh tay của bà, bà lấy quần áo cũ của bố sửa lại cho mặc. Nếu không có bà, chẳng hiểu số phận của mẹ con tôi ra sao. Bà và mẹ đã nuôi tôi bằng những mớ rau, bó hoa. Bắng sổ lương hưu của bà, và bằng cả số tiền ít ỏi đi B của bố. Cả nhà chỉ một mình bà được ăn gạo sổ, có tiêu chuẩn tem phiếu.
Người lính trong chiến tranh đâu có làm chủ được thời gian. Bố mẹ  tôi không kịp làm thủ tục đăng ký. Bố lên đường làm nhiệm vụ gấp, chỉ kịp trao cho mẹ tờ giấy giới thiệu và lá đơn xin đăng kí kết hôn. Chẳng có một chính quyền nào dám giải quyết thủ tục cho bố mẹ khi vắng mặt một người. Họ bảo mẹ phải  chờ dến ngày bố trở về. Bố mẹ có tôi mà không có hôn thú. Tôi không được mang họ bố, mặc dù bà đã cạy cục, chạy vạy nhiều nơi. Điều đó làm cho bà luôn luôn day dứt.
Hai năm sau khi tôi chào đời, gia đình nhận được giấy báo tử của bố. Tôi đâu có hiểu được nỗi đau của bà, của mẹ. Hai người giấu nhau,  giấu tôi khóc thầm. Họ không dám chia sẻ nỗi đau cho nhau, sợ làm cho nhau đau khổ hơn. Họ dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất mà họ có...
* *
Ông bà ngoại chấp nhận gia đình tôi với điều kiện: Bố mẹ phải làm đám cưới. Bà ngoại còn yêu cầu mẹ phải trở về nhà trước ngày cưới.
Hôm rước dâu, bố mặc quân phục, mẹ lộng lẫy xinh đẹp trong bộ đồ cô dâu. Đám rước dâu  đến đâu mọi người đều bỏ dở công việc ùa ra xem. Bà nội tôi trịnh trọng nâng quả khem thong thả bước cùng các cụ già. Tôi đi trước bố tay ôm búp bê mặt vênh lên, mặc mọi người chỉ trỏ. Mẹ tôi nhắc:
- Cẩn thận không vấp ngã đấy.
Mẹ vừa nói xong tôi ngã thật. Cả bố, cả mẹ bứt lên. Bố nhấc bổng tôi lên vai.
Đám cưới của bố mẹ tôi được tổ chức vào một ngày đầu xuân đã làm cả vùng xôn xao. Ở cái thị xã vùng than nhỏ bé này, tin tức truyền đi thật nhanh. Mọi người thêm thắt, thêu dệt, chuyện của hai người trở thành huyền thoại. Đám cưới của anh bộ đội đã báo tử mà vẫn trở về. Đám cưới đầu  tiên của người lính sau ngày chiến thắng.
Hội trường nơi ông ngoại làm giám đốc chật cứng người. Bố mẹ sánh vai nhau đi chào mọi người trong tiếng nhạc du dương, trầm bổng. Chú Hà bạn thân của bố, cùng với cả đội văn công xung kích trung đoàn:  Nơi bố huấn luyện trước khi đi Nam cũng về dự. Đám cưới của bố mẹ thành đêm hội diễn văn nghệ của những người lính.
Thấy tôi dán mắt vào các chú nhạc công, chú Hà hỏi nhỏ:
- Bé Lan muốn hát thử không?
Tôi nhìn chú gật đầu. Chú Hà tuyên bố:
- Bây giờ đến tiết mục đặc sắc nhất. Con hát tặng bố mẹ nhân ngày cưới.
Dàn nhạc dạo hai lần bài " Bé bé bồng bông” mà tôi không sao hát nổi. Thấy thế bố  bế tôi lên nói thầm vào tai:
- Hai bố con mình cùng hát nhé!
 Đang say sưa hát, tôi giơ tay bịt mồm bố lại nói to:
- Bố hát sai rồi, ứ cho bố hát nữa.
Cả hội trường cười rộ lên, các chú nhạc công bỏ cả đàn, cả kèn để cười. Thấy chú Hà giơ tay ra hiệu cho dàn nhạc tiếp tục chơi. Tôi bỏ tay bịp mồm bố, bắt chước chú dõng dạc cầm càng, bắt nhịp:
- Bé bé bồng bông, hai ba.
Tôi cứ tưởng đây như là lớp mẫu giáo. Tôi cũng không hề ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người vừa vỗ tay, vừa hát theo sự chỉ huy của tôi.