Trang chủ » Truyện

ĐẤT DEO -TIỂU THUYẾT CỦA ĐỨC HUỆ

Nguyễn Đức Huệ
Thứ hai ngày 3 tháng 1 năm 2011 6:07 PM
trích tiểu thuyết “Đất dẻo” chương 15 
 
Đang định lên trụ sở công ty thì các chiến hữu kéo nhau ào đến, Âu lùi xe lại, đỗ vào một góc sân rồi ra đón họ. Vẫn đội hôm trước, có thêm ca sỹ Rê Thăng, do Nguyễn Kiến Nghiệp dẫn đầu, đến thăm sếp trưởng. Lụa đem theo một lẵng hoa, mừng anh chị đã đón được cháu về. Ngà vui vẻ pha nước mời mọi người, kể lại chuyện xảy ra. Ba tướng Dũng, Vóc, Thân tỏ ra rất phẫn nộ trước việc làm của Trần Xung, nhất định phen này phải trị cho lão ta một mẻ. Âu xua tay nói:
- Chuyện nhỏ, chuyện nhỏ! Trước mắt có vấn đề quan trọng hơn nhiều, tôi đang muốn bàn với các bạn đây!
Lụa nói:
- Tôi đoán ra rồi. Chắc trên ấy người ta định xử lý anh thật nặng, đúng không?
- Sao chị biết?
- Tôi cũng có những kênh riêng của mình đấy chứ. Nghe nói có người đang muốn nhảy xuống đây chiếm chỗ của anh, còn anh thì họ sẽ điều đi nơi khác, đúng không?
- Ai muốn xuống đây thì tôi không biết. Nhưng việc tôi sắp phải đi là có thực.
Âu kể lại cuộc gặp Thứ trưởng hôm qua. Nghe xong Nghiệp khẽ gật đầu:
- Chắc anh ấy cũng bị nhiều áp lực, nhưng xem ra cũng không ép buộc gì anh lắm?
- Vậy theo các bạn thì nên tính thế nào, tôi có nên bỏ ngỏ thế trận này để đi không?
Mọi người nhìn nhau. Rồi không ai bảo ai, tất cả lắc đầu:
- Không nên!
- Vì sao?
Lụa nói:
- Vì rằng không ai dại gì bày cỗ sẵn cho họ ăn còn mình lại lao đi chữa cháy cho người khác.
Âu nói:
- Nhưng nếu đó là nhiệm vụ?
Lụa nói:
- Nhiệm vụ gì cũng phải thấu tình đạt lý. Việc cử anh đi vào đúng lúc này, khi vừa xảy chuyện, đành rằng Thứ trưởng có ý tốt, nhưng như thế vô tình ông đã thừa nhận với thiên hạ là anh có tội nên phải điều đi, đúng không nào?
Thân nói:
- Chị Lụa nói đúng đấy. Anh đi lúc này sẽ rất bất lợi. Mà sao Tổng không cử ngay cái ông nào đó đang định nhảy xuống đây đi giúp ông Bàn, có phải tiện không, việc gì phải thay đi đổi lại lằng nhằng thế?
Vóc nói:
- Tôi nghĩ cái này anh Âu cần có ý kiến rạch ròi với Tổng. Nếu cấp trên, tôi muốn nói cấp trên ở đây là trên của Tổng, thậm chí trên cả Bộ, nhất quyết yêu cầu phải xử lý anh thật nặng, vậy trước hết hãy đề nghị họ xuống kiểm tra xem thực chất sự việc thế nào rồi công bố công khai trên báo, cho nó rõ ràng minh bạch. Còn việc cử anh đi chữa cháy cho ông Đỗ Bàn vì anh có tài chứa cháy, thì lại là chuyện khác, không liên quan gì đến chuyện này. Tôi nghĩ nếu trong tình trạng nhập nhằng ù xọe như hiện nay thì không đi là đúng. Nếu có quyết định chính thức thì đành phải kháng chỉ thôi anh ạ.
Âu nói:
- Ý Nghiệp thế nào?
Nghiệp nói:
- Tôi có một ý này, không biết anh có chịu nghe không?
Âu gật đầu:
- Anh cứ nói!
Nghiệp nói:
- Tôi nghĩ anh nên làm đơn từ chức. Sau đó ra ngoài, lập một công ty riêng. Tất cả chúng tôi sẽ đi với anh. Ta sẽ bắt đầu lại từ đầu.
Câu nói mạnh như một phát súng, khiến Âu phải giật mình. Anh đưa mắt nhìn khắp lượt. Xem ra không ai pganr ứng gì. Có cảm giác trước khi đến đây, họ đã bàn với nhau rồi thì phải.
- Anh thử nghĩ mà xem. - Nghiệp chăm chú nhìn Âu, nói tiếp - Chúng ta là đơn vị sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Ngày đêm quần quật lo toan, đâu chỉ vì miếng cơm manh áo hàng ngày mà còn muốn góp sức mình làm đẹp cho cuộc sống. Nhưng chúng ta làm mãi mà nó không đẹp được, thậm chí người ta còn làm cho nó xấu đi, đến nỗi đổ vỡ cả niềm tin của con người vào chính cuộc đời này, vậy thì ta có cúc cung tận tụy thế nào cũng hoàn toàn vô nghĩa. Một khi trên thượng tầng còn vô số kẻ quan liêu, tham nhũng, những ông Nghị gật, những ông Trạng rởm suốt ngày ngồi đấy phán bừa thì những kẻ hạ tầng như chúng ta đây, sẽ còn rất mệt. Nếu bây giờ ta nhảy ra ngoài, dù vẫn trong trời đất này thôi, nhưng chắc hẳn sẽ gỡ bỏ được nhiều mối dây ràng buộc, tránh được áp lực từ nhiều phía. Sẽ không phải lo chuyện tranh giành bàn ghế, chuyện đẩy đi đẩy lại. Ta sẽ có một khoảng trời riêng đủ để hít thở bầu không khí trong lành. Ta vẫn đi đúng đường, đúng luật để không ai có thể trách cứ gì, chọc ngoáy gì được cả. Và ta bảo ban nhau làm việc, vui chơi, đi đâu cũng có nhau, thân tình chí cốt. Nếu làm được thế, tôi đảm bảo với anh rằng chúng ta sẽ luôn tìm thấy niềm vui sống, sẽ biết chắc rằng mình đang sống một cuộc đời đích thực chứ không chỉ là đang tồn tại như những vật vô tri vô giác đang tồn tại quanh mình.
Trong mắt tôi, anh là một minh chủ tốt, có tài, có tâm, có sức nghĩ, tầm nhìn, không có lẽ cứ phải bám vào một cái gì mới vươn lên được?
Mọi người im lặng nghe Nghiệp nói, xem ra ai cũng đồng tình. Rê Thăng cười tít:
- Anh nói hay hơn cả bài hát tủ của em. Nghe rất sướng!
Âu cũng mỉm cười vui vẻ:
- Cuộc thảo luận của chúng ta hay đấy! Tôi cũng đã nhiều đêm nghĩ đến chuyện này, nhất là khi vấp phải những trở lực từ nhiều phía. Nhưng sau đó tôi lại tự phản biện mình, để rồi tiếp tục hành trình trên con đường đã chọn.
- Vậy anh phản biện thế nào?
Âu trầm ngâm một lát, rồi cũng bằng giọng tâm sự chân tình như Nghiệp, anh chậm rãi nói:
- Tôi nghĩ rằng đây là cả một cuộc đấu tranh để đi lên phía trước. Nếu cứ mỗi lần gặp phải những trở lực, mình nản chí rẽ ngang tức là thất bại. Có những tình thế buộc người ta phải theo đuổi đến cùng, không thể lùi bước được, càng không thể phủi tay bỏ mặc mà đi chỗ khác, vẫn phải đồng hành trên con đường đó cùng với mọi người dù không ít chông gai, gập ghềnh khúc khuỷu. Rất may là trong cuộc hành trình này, mình không hề đơn độc. Mỗi lúc nhìn lên, nhìn xuống, nhìn ngang, tôi vẫn thấy quanh mình có rất nhiều bạn tốt, như các bạn đây chẳng hạn. Có trong tay những cộng sự thế này thì cái việc cầm cương ở vị trí nào, môi trường nào, trong hay ngoài có khác nhau là mấy, sao lại phải nhảy ra ngoài mới được? Ấy là chưa nói rằng các doanh nghiệp tư nhân khi vào việc cũng gặp không ít vướng mắc, thậm chí từ cấp phường xã trở đi chứ không đơn thuần như anh Nghiệp nghĩ đâu. Thực ra mục đích của tôi và anh nào có khác gì nhau, đều muốn làm cái gì tốt đẹp, một cái gì đó có ý nghĩa cho đời, còn chỉ để làm giầu cho riêng ta thì đâu có khó? Nhưng cái tôi khác anh ở chỗ anh là một người nghệ sỹ, yêu cái đẹp và muốn sống một cách vô tư thanh thản, còn tôi là tướng cầm quân, dù ở mặt trận nào tôi cũng phải thắng chứ không thua được. Phải thắng thì mới gây dựng nên cơ nghiệp lâu dài. Phải thắng thì mới bảo vệ được những con người tốt, mới có thể làm cho số người tốt đó ngày một đông hơn, mạnh hơn, để những kẻ có mưu đồ xấu, làm xấu đi cái đẹp mà ta đang gây dựng từng ngày phải run sợ mà lùi bước, dù họ ở thượng tầng hay hạ tầng cũng vậy.
Nghiệp cười:
- Anh phong cho tôi là nghệ sỹ, thật là tuyệt. Nhưng tôi thấy anh còn nghệ sỹ hơn nhiều. Nhớ có lần anh nói với tôi về cái mệnh đề: “Cơ chế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa” và anh hiểu cái định hướng ấy theo nghĩa nhân văn cao cả, tôi đã cảm thấy anh là một nghệ sỹ đích thực, thậm chí còn là một nghệ sỹ lớn. Nghệ sỹ lớn thì mơ ước lớn. Mong sao mơ ước ấy trở thành hiện thực.
- Anh không tin sao?
- Không phải không tin mà không dám tin, bởi tôi hiểu cái mệnh đề ấy theo cách khác. Tôi cho rằng đó chỉ là sự ngụy trang cho một ý tưởng rất thực dụng. Nói trắng ra là: “Các anh cứ thực hiện theo quy luật thị trường đi, nhưng phải nằm trong sự quản lý của chúng tôi, và chúng tôi vẫn quản lý các anh theo phương thức cũ.”. Đấy, tôi hiểu nó là như vậy. Và như vậy, tất cả sẽ nằm trong cái vòng luẩn quẩn, đổi mới vi mô, nhưng vĩ mô vẫn cũ. Vậy thì anh, hay bất kì vị tướng cầm quân nào trên mặt trận này, cũng khó giành phần thắng. Việc xảy ra với anh vừa rồi là một ví dụ điển hình.
- Nhưng nếu vậy thì cái giải pháp “nhảy ra ngoài” của anh cũng không giải quyết gì, phải thế không? 
- Thêm chữ “nước” vào anh ạ! - Rê Thăng đế một câu - “Nhảy ra nước ngoài!”.
Mọi người cười rộ.
Âu cũng cười rồi nói tiếp:
- Tôi cho rằng trong tình thế này, dùng giải pháp dịch chuyển, dù là “nhảy ra ngoài” hay “nhảy ra nước ngoài” đều không tốt, bởi nó chỉ là sự trốn chạy mà thôi. Điều đó không hợp với tôi. Con người tôi xưa nay vốn thế, luôn đối mặt trước hoàn cảnh để vượt lên hoàn cảnh. Tôi tin rằng rồi đây người ta sẽ nhận ra sự bất cập trước những va đập của hai vế trong cái mệnh đề này, nếu hiểu sự định hướng theo cách của anh Nghiệp, và đương nhiên họ sẽ phải điều chỉnh. Sẽ điều chỉnh dần sao cho hợp lý. Chỉ còn mỗi cách này thôi. Bởi vì, nói theo một doanh nhân đồng thời là một học giả nổi tiếng ở ta thì: “Trong giai đoạn khó khăn này, cách duy nhất của ta là Lãnh đạo phi cách mạng!”.*
- Tức là sự cầm cự để tránh những xung đột lớn?
- Và điều chỉnh dần cho phù hợp giữa kinh tế và chính trị.
- Hai anh đi quá xa rồi đấy! - Lụa chen vào nói -  Tôi nghĩ nếu sếp Âu vẫn quyết gắn với con tầu này thì chúng ta sẽ lại tiếp tục đi. Vậy ta trở lại bàn xem nên “tranh đấu” thế nào với Tổng bây giờ. Theo tôi ý kiến chú Vóc vừa rồi rất đúng, nhưng nếu bảo sếp nên “kháng chỉ” là sai. Họ là cấp trên của mình, nếu ta kháng chỉ là phạm tội khi quân đấy!
Mọi người cười. Vóc quay sang hỏi Lụa:
- Vậy theo chị thì anh Âu vẫn phải đi à?
Lụa lắc đầu:
- Đi thì còn nói làm gì. Ý tôi là ta phải có ý kiến với Tổng trước khi họ ra quyết định. Ta phải đi trước một bước, phải kiến nghị bằng văn bản hẳn hoi, sau đó…
Âu khẽ vẫy tay về phía Lụa:
- Tôi đồng ý với chị. Nhưng trước hết tôi phải trao đổi với Thứ trưởng qua điện thoại đã. Ông ấy hẹn thế mà.

*
*      *

Tan tầm chiều, Thu rời nhà máy ra về. Vừa đến ngã ba thì trông thấy Thắng từ trên một chiếc xe ca nhảy xuống, đi vào vỉa hè phía bên kia. Thu lượn xe sang, bấm còi liên tiếp. Thắng quay nhìn lập tức nhận ra cô, vội vàng bước đến.
- Anh được thả rồi à?
Thắng khẽ gật đầu, có vẻ ngượng với Thu. Nhận ra điều đó, Thu mỉm cười, khẽ trách:
- Sao không điện cho em?
- Di động hết pin rồi. Mà anh cũng ngại.
- Ngại cái gì?
Thắng lắc đầu không đáp. Một chiếc contenrne lừ lừ tiến lại khiến Thu phải giạt xe vào sát mép đường. Chờ cho nó đi qua, cô bảo Thắng:
- Đi. Lên em chở. Mình tìm cái quán nào ngồi cho thoáng.
  Thấy Thu vẫn thân tình như trước, Thắng mới yên tâm ngồi xuống sau xe. Hai người lai nhau đến một quán giải khát ở một góc phố, gọi hai cốc nước dừa, vừa uống vừa trò chuyện.
- Anh có lỗi với em nhiều - Thắng cúi đầu, khẽ nói - Cả với chú Âu, cô Ngà nữa. Anh thật là một kẻ không ra gì, không đáng…
- Thôi, không nói chuyện đó nữa. Em biết cả rồi. Anh Hải đã cho em biết hết.
- Anh ấy nói sao?
- Chả cần nhắc lại. Chỉ nhớ anh ấy khuyên em một câu rằng: “Con người ta sống phải có mục đích của mình, nếu không rất dễ trở thành nạn nhân của kẻ khác.”.
- Anh hiểu! Trưa nay, trước khi thả bọn anh về, anh ấy cũng bảo anh như vậy.
- Thế bọn kia cũng được thả sao?
- Được. Anh Thắng bảo thông cảm cho chúng mày còn trẻ, lại mới vi phạm lần đầu, nên mới tha cho. Từ nay về sau phải tu tỉnh lại, chớ để tao bắt lần nữa đấy! Bọn kia sướng quá cám ơn rối rít. Trên đường về, chúng đã tuyên bố xóa nợ cho anh, từ nay sẽ không còn phải lo lắng nữa.
Thu gật đầu:
- Vậy sau đây anh định sống ra sao. Không lẽ cứ lang thang suốt thế?
- Anh cũng nghĩ đến chuyện này rồi. Có lẽ anh sẽ xin với bố cho vào làm trong nhà máy như em. Rồi anh cũng tranh thủ học như em, để làm sao xứng với em mới được.
- Thế thì hay quá! Xin chúc mừng anh. Cụng ly nào!
Lúc này ở nhà, bà Xung đang nấu bếp. Vừa làm bà vừa ngóng ra ngoài cổng, mong Thắng về mà mãi chưa thấy bóng nó đâu. Nghe bố nó nói thì trưa nay cả bọn được tha mà. Chả lẽ mình nghe nhầm? Bà vặn nhỏ bếp gar, định chạy lên tầng gặp ông hỏi lại thì nghe tiếng cổng sắt rung lên. Ngoảnh ra thấy Thắng ngồi trên xe máy của ai lướt nhẹ vào sân, lai theo một cô gái trẻ. Hình như con Thu cháu cô Ngà? Đúng nó! Chuyện nay sáng nay bà mới nghe loáng tháng, chưa dám tin là thật. Không ngờ…
- Thắng về đấy hả con? - Bà Xung hồ hởi chạy ra sân. Thu bẽn lẽn chào rồi xin phép về ngay nhưng bà không chịu, cứ nắm tay kéo vào nhà, rồi gọi với lên tầng trên, bảo ông xuống ngay có khách.
Ông Xung đang mải viết gì đó bên bàn, nghe thế vội ra ngó xuống cầu thang. Thoáng nhìn ông đã hiểu, vội quay vào khoác áo xuống luôn. Lời đầu tiên ông xin lỗi Thu, xin lỗi gia đình chú Âu bên đó. Cái anh chàng Thắng này hỏng quá rồi. May mà cháu không bỏ rơi nó đấy. Bác cám ơn cháu rất nhiều.
- Dạ không có gì đâu ạ! Cháu hiểu anh ấy mà, thưa bác.
  Câu nói của Thu làm ông bà Xung hởi lòng hởi dạ. Hai người cố giữ bằng được Thu ở lại ăn cơm với gia đình nhưng cô chắp tay xin phép, bảo cháu có việc phải về, hôm khác cháu sang. Bà đành tiễn Thu về, đưa ra cổng rồi nhưng vẫn còn đứng chuyện trò một lúc lâu mới giải phóng cho cô gái.
Từ hôm đó, gia đình ông Xung có một sự thay đổi lớn. Trước hết là ông. Ba ngày sau khi Thắng được tha về, ông làm một lúc hai lá đơn, đến trình sếp trưởng.
Buổi sáng ấy, vừa lên đến trụ sở công ty, Xung đang định sang phòng sếp thì thấy Lê Chưởng ở đâu đùng đùng chạy đến, kéo tuột ông vào phòng mình, đóng chặt cửa lại, thì thầm báo một tin nóng hổi:
- Ông biết chuyện gì chưa? Sếp Âu sắp phải đi rồi!
- Đi đâu?
- Không biết. Có lẽ do bị báo chí nó phang cho hôm nọ, cho nên Tổng mới điều đi.
- Ai nói với ông như thế?
- Em vợ tôi. Cô Lụa.
- Cô Lụa nói à?
Lê Chưởng gật đầu, theo dõi vẻ mặt Xung. Tưởng ông ta sẽ vui không ngờ lại tỏ ra bực dọc.
- Không thể như thế được!
- Tại sao?
- Ông không thấy năm vừa qua chúng ta thắng đậm thế nào à? Không chỉ tăng lãi suất cho công ty gấp bốn lần năm ngoái, mà còn tạo đà cho những năm sau. Đó là công của sếp Âu cả đấy. Cái bài báo kia là trò vớ vẩn, sao Tổng lại có thể dựa vào đó mà làm như thế được?
- Ông nói rất đúng ý cô Lụa nhà tôi. Cô ấy bảo phải đấu tranh với Tổng để giữ ông Âu lại.
- Đúng thế! Bây giờ tôi với ông sẽ bàn chuyện đó luôn. Rồi lát nữa ta sang phòng sếp trưởng.         
  Lúc này, tại phòng làm việc của mình, Âu cũng đang sốt ruột. Suốt ba ngày qua vẫn chưa thấy Thứ trưởng gọi về. Mấy lần anh định gọi lên nhưng hơi ngại, lại thôi. Bình thường thì không sao nhưng hơi mắc chuyện với nhau thành ra khó nói. Đôi lúc hình dung ra vẻ mặt thất vọng của Thứ trưởng khi nghe mình từ chối việc đi chữa cháy chỗ ông Bàn, Âu lại cảm thấy mình có lỗi, như phụ lòng tin của một người anh. Chắc anh ấy đang rất đau đầu về vụ ông Bàn, trong ngành có một đơn vị phá sản thì người đứng đầu rất mệt. Nhưng đúng như các chiến hữu của mình phân tích, đi vào lúc này tức là thừa nhận mình có tội, khác gì tự chui đầu vào bẫy.
Đành phải chờ thôi. Chờ, tức là các công việc khác sẽ ùn cả lại. Việc cổ phần hóa, bầu ra Hội đồng Quản trị, thành lập bộ máy điều hành mới… tất cả cũng phải chờ. Chờ trong một tâm trạng băn khoăn lo lắng. Nhưng Âu vẫn tin rằng một khi chưa trao đổi với anh qua điện thoại tức là Thứ trưởng còn cân nhắc. Chắc ông cũng không muốn để mình phải chịu thiệt thòi. Âu nghĩ vậy.  
Có tiếng gõ cửa. Trần Xung, Lê Chưởng đến. Âu đứng dậy mời vào, định tự tay pha nước uống nhưng Trần Xung giành luôn việc đó:
- Chú để tôi, để tôi!
Ba người ngồi quanh bàn nước. Một lần nữa, Trần Xung lại nói lời cảm ơn mà ông đã nói đến chục lần về việc Âu quyết định tha tội cho thằng Thắng, sau đó mới đi vào công viêc:
- Hai chúng tôi được tin Tổng muốn điều chú vào Nam, thấy không hợp lý chút nào nên đã thảo một đơn thư kiến nghị, quyết giữ bằng được chú ở lại đây làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty. Anh Chưởng với tư cách Chủ tịch Công đoàn thay mặt bốn nghìn cán bộ công nhân ký lá đơn này. Ngoài ra còn một loạt đơn thư của các tổ chức Công đoàn cơ sở nữa. Trước khi triển khai xuống các phòng ban phân xưởng, chúng tôi muốn được thông qua chú.         
Lê Chưởng đưa lá đơn trình sếp. Âu đón lấy nhưng không đọc ngay mà đặt lên chồng tài liệu trên bàn làm việc. Cử chỉ này khiến hai ông phó không khỏi ngạc nhiên.
- Chú không tin chúng tôi sao? - Trần Xung khẽ kêu lên.
- Không phải thế! - Âu mỉm cười - Các anh có ý tốt với tôi thế này là rất quý rồi. Nhưng đây mới chỉ là dự kiến của ngành, chưa chính thức. Ta làm thế có phần hơi vội.
- Tôi sợ khi họ quyết rồi ta mới đệ đơn thì khó. - Lê Chưởng nói.
- Bác yên tâm đi. Trước khi quyết định, thế nào họ cũng trao đổi với tôi lần cuối. Lúc đó các anh hãy làm chưa muộn.
- Vâng, thế cũng được. Lúc nào cần chú cứ báo tôi một tiếng.
Lê Chưởng đứng lên, lấy cớ bận việc về phòng trước. Trần Xung ngồi lại, chờ Âu khép cửa phòng mới đưa ra một đơn thư khác.
- Gì thế anh?
- Tôi muốn xin cho cháu Thắng vào làm công nhân của công ty. Đây là đơn của cháu. Chú xem thế nào giúp hộ.
- Tốt quá!
- Còn đây là đơn xin nghỉ theo chế độ của tôi.
- Xin nghỉ theo chế độ?
- Vâng! Tôi còn bốn năm nữa mới hết tuổi công tác. Nhưng tính thời gian công tác thì đã quá lâu rồi. Hiện đang có chế độ nghỉ hưu sớm nhằm tinh giản biên chế, nên tôi tự nguyện làm đơn xin nghỉ.
- Bác có gì không hài lòng với tôi chăng?
- Không phải! Ngược lại là đằng khác. Mấy ngày nay tôi đã nghĩ rất nhiều xung quanh mối quan hệ giữa chúng ta, giữa công việc hiện nay và năng lực của mình. Và tôi đã quyết chọn giải pháp này. Nên nghỉ là hay nhất.
Âu cầm lá đơn, đọc lướt qua rồi khẽ lắc đầu:
- Bác lại làm khó tôi rồi! Hiện cả công ty, thậm chỉ cả trên Tổng nữa, ai cũng biết chuyện vừa xảy ra giữa chúng ta. Giờ bác viết đơn xin nghỉ không khéo người ta lại nghĩ tôi ép bác.
- Không đâu chú ạ! Tôi thật tình mà. Đằng sau lá đơn tôi có kèm theo bản tự kiểm điểm, gửi cho chú và cho cả Thứ trưởng Tổng giám đốc ngành nữa đấy. Chú cứ đọc đi rồi sẽ hiểu.
Như sợ Âu từ chối, Trần Xung vội đứng lên xin phép về luôn, ra đến cửa còn quay lại nhắc Âu cố gắng đọc ngay và xin Tổng sớm giải quyết cho ông theo nguyện vọng.
…Một thời gian dài, chúng ta quen thói coi năng lực cá nhân chỉ là hạt cát trong sa mạc. Thế rồi lối làm ăn tập thể càng được tuyên truyền thắng lợi thì nền kinh tế càng sa sút, sa sút cho đến bên bờ vực thẳm mới giật mình nghĩ lại. Nghĩ lại, làm lại nhưng lối tư duy cũ thì vẫn còn đó, tạo nên trở lực lớn trong sự phát triển nền kinh tế đất nước trong thời hội nhập. Đơn vị chúng tôi cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Nó cũng phải chịu rất nhiều sức ép, rất nhiều lực cản. Và một trong những lực cản đó, là tôi. Vì chưa vượt thoát khỏi mình, vượt thoát khỏi quá khứ nên tôi đã không theo kịp. Tuy thế, tôi vẫn cố bám víu bằng cách này cách khác, để rồi không biết từ lúc nào, đã trở thành gánh nặng cho đồng đội, anh em, đôi khi còn tạo nên sóng gió, gây nhiễu loạn trong đơn vị, khiến những người thân phải khổ vì mình…
Đó là một đoạn trong bản tự kiểm điểm của Trần Xung. Rõ ràng ông đang muốn thành tâm sám hối. Đoạn tiếp theo ông có thú nhận việc tự ý cho cô Lanh xem một số văn bản, không ngờ gây ra chuyện ầm ĩ trên báo chí, làm giảm uy tín của công ty và tổn thương đến chiến hữu của mình. Lời cuối cùng ông kiên quyết xin được lãnh đạo Tổng cho nghỉ việc, chỉ xin được làm một cổ đông, ngoài ra không có nhu cầu gì hết.  
“Về nhân sự thì Trần Xung thuộc Tổng công ty quản lý. - Âu nghĩ - Không biết cái đơn này ông ta đã gửi lên chưa. Hay mình thử điện cho Thứ trưởng hỏi xem, cũng là dịp để thăm dò về chuyện của mình. Một công đôi việc, tiện quá đi ấy chứ!”
Âu cầm di động, toan nhấn số thì chuông đã reo lên. Thứ trưởng gọi về. Sao lại trùng hợp thế!
- Chúc mừng cậu!
Lời đầu tiên của vị thủ trưởng ngành làm Âu phải sững ra. Anh chưa kịp hỏi thì ông tiếp:
- Bộ trưởng đã giải trình trước Trung ương về vấn đề của cậu. Và ông đã thuyết phục được người ta. Khi nghe ông nói sản phẩm Cotto của cậu đã xuất sang hai mươi nước trên thế giới, nhiều vị lãnh đạo cao cấp rất mừng, muốn xuống thăm đơn vị đấy. Thế là trong cái rủi có cái may, đúng không nào? Một lần nữa xin chúc mừng anh bạn trẻ!   
----------------------------------------
*Lãnh đạo phi cách mạng: Chữ của ông Nguyễn Trần Bạt trong cuốn “Suy tưởng” – NXB Hội Nhà văn 2006