Trang chủ » Truyện

CHUYỆN LẠ VỀ MAO TÔN ÚC (3)

Bão Vũ
Thứ hai ngày 8 tháng 11 năm 2010 9:35 AM
Ba
 Sunday, November 07, 2010
Thư ám hiệu hũ sành nhúm lông
Cuộc li biệt đầm đìa lệ chảy

Lại nói, Mao Tôn Úc chạy trốn vào nhà một lão nhân, được ông cho trú ngụ, bảo vào trong nghỉ qua đêm. Úc đi vào nhà trong, lần mò bóng tối thấy một tấm ván mỏng phủ chiếu cói, nằm xuống, tâm thần suy nhược, một lát đã thiếp đi. Đang mơ màng chợt có tiếng quát tháo vọng đến: “Tên cẩu mao ấy trốn đâu mất rồi!” Tôn Úc sợ hãi mở bừng mắt. Không hiểu hoảng loạn quá mà tưởng ra thế, hay bọn thủ hạ của lão Trưởng Thượng vẫn còn đang lùng sục ngoài phố. Có tiếng trống cầm canh từ cổng thành Đông vẳng tới. Đã đến giờ Hợi. Ánh nến phòng ngoài vẫn sáng. Có tiếng ho khan. Lão kỳ nhân còn thức. Rồi có tiếng ngâm nga, giọng khàn u uất:

Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông, nước bể Đông chảy cuồng loạn
Rót về Tây, mưa núi Tây từng trận chứa chan
Rót về Nam, trời Nam mù mịt
Rót về Bắc, ngọn Bắc phong vi vút bay...
Nào ai tỉnh, nào ai say
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?...
( Lược trích “Hồ trường” của Dương Bá Trác)

Tôn Úc nghĩ, lão kỳ nhân cũng có tâm sự u uẩn. Chắc cũng là một kiếp văn nhân tội đồ. Bèn ngồi dậy, ra phòng ngoài, vái lão nhân, rồi hỏi:
-  Khuya rồi, lão tiền bối chưa ngủ, vẫn còn uống rượu ngâm thơ?
Lão kỳ nhân cười:
- Thèm rượu mà không rượu thì ngâm suông bài thơ có rượu. Cái lão họ Dương ấy chắc cũng thường đói rượu như ta nên trong thơ phú lão mới rót rượu tưới khắp tứ phương cho hả cơn khát...
Tôn Úc chợt nhớ trong bọc có bầu rượu ngon lúc nào cũng đầy do đám tửu bảo của Nhương Tác Nghiệp lo cho từ khi đến quán cơm. Bèn lấy rượu đặt lên bàn, mời. Lão kỳ nhân cầm luôn bầu rượu tu một hơi dài, mặt mày hồng hào,rạng rỡ hoạt bát hẳn lên. Tôn Úc rụt rè hỏi:
- Vãn bối nghe giọng nói của lão tiền bối như người Trung Nguyên. Dám hỏi, thân thế của người như thế nào?
Lão kỳ nhân tu thêm một hơi rượu nữa, rồi nói:
- Ta người nước Sở, huyện Khổ, cùng quê với Lão Tử. Gặp năm đại loạn, ta lánh xuống phía Nam, rồi trôi dạt sang đất này.
Mao Tôn Úc cả mừng, kêu lên:
- “Tha hương ngộ đồng hương”. Các bậc liệt tổ liệt tông đã đưa đường cho vãn bối gặp được tiền bối nơi đất khách quê người, đúng lúc lâm đại nạn. Chẳng hay gia cảnh của người thế nào?
Lão kỳ nhân nói:
- Tổ tiên ta vốn họ Trương. Đến đời ngài Trương Thể, là một học giả vào cuối thời nhà Minh (1596 - 1648), không hiểu sao lại đổi họ tên thành Kim Thánh Thán. Có câu chuyện truyền lại: Khi thân mẫu sinh ra ngài, đã nghe thấy có tiếng thở dài ở miếu Khổng Tử (1), cho rằng sự ra đời của Trương Thể đã khiến đức thánh Khổng Tử phải than phiền, nên khi trưởng thành lập nghiệp mới đổi tên như vậy. Lại có người nói, vì đeo nghiệp bút nghiên làm nghề bình luận văn chương mà gặp vạ nên mới đổi họ tên, ẩn tích. Cứ như vậy, các đời sau con cháu trở thành họ Kim.
Mao Tôn Úc quỳ sụp xuống lễ:
- Vinh hạnh cho vãn bối được diện kiến hậu duệ của bậc phê bình gia đại tài Kim Thánh Thán. Vậy xin cho biết quý tính của tiền bối để ghi lòng tạc dạ ơn cứu tử.
Lão kỳ nhân vuốt chòm râu thưa, phán:
- Ta là Kim... Thánh Phán.
Mao Tôn Úc ngạc nhiên:
- Khi lão tiền bối ra đời... đức thánh Khổng Tử đã phán câu gì ạ?
- Ta sinh ra ở nơi không gần miếu Khổng Tử nên không có chuyện “thánh phán”. Cha ta là Kim Giáp nên đặt tên ta là Kim Ất. Lớn lên, ta cũng theo nghiệp tổ phụ Kim Thánh Thán làm phê bình văn chương. Các văn sĩ đương thời rất thán phục sự đích đáng của ta khi phê phán tác phẩm của họ nên phong cho ta là Kim Thánh Phán. Ta bèn lấy tên ấy làm bút hiệu, rồi thành chính danh.
Mao Tôn Úc kinh ngạc:
- Không ngờ một dải đất hẹp người thưa như xứ này lại có nhiều nhân tài xuất chúng, khiến bậc đại tài Kim Thánh Phán, hậu duệ của đệ nhất phê bình gia Trung Hoa phải trở thành kẻ vô danh, sống bần hàn trong ngõ tối.
Kim lão nhân cười nhạt, lặng lẽ uống rượu. Ông không tu cả bầu nữa mà rót rượu ra chiếc chén mẻ cáu bẩn đã từ lâu không có rượu. Mao Tôn Úc nghĩ, chắc ông thất bại trong trường văn trận bút nên thoái chí. Bèn khích lệ:
- Thưa lão tiền bối. Tâm sự của người cũng tựa vãn bối. Thiển nghĩ, chọn nghề văn vốn là hạ sách, nhưng đã sa vào nghiệp chướng này thì chẳng dễ gì thoát ra được. Con đã quyết đến xứ này mưu cầu chút danh. Nay có duyên may được tiền bối cứu vớt, con xin làm đệ tử. Với đại danh của lão tiền bối, cộng chút thuật mọn của con, thày trò ta tựa lưng nhau thành thế ỷ dốc, song bút hợp bích ắt làm nên trận quỷ khốc thần sầu ở nơi này, xứng là những hậu duệ của hai bậc tiền nhân Kim Thánh Thán và Mao Tôn Cương.
Kim Thánh Phán cả cười:
- Ngươi quên tình cảnh hiện thời của mình sao? Đám thủ hạ lão Tử Y Trưởng Thượng suốt đêm qua vẫn truy nã ngươi đấy.
Nghe nói đến lão áo tía, Mao Tôn Úc lại toát đẫm mồ hôi, kể lại mọi chuyện cho Kim lão nghe. Kim Thánh Phán vuốt râu:
- Thật kỳ lạ. Trời xanh đặt cho ta và ngươi cùng số phận. Ta cũng từng là người nổi tiếng nơi này. Khi mới đặt chân đến đây, văn nhân các nơi  biết ta là hậu duệ của Kim Thánh Thán đã kéo đến rất đông để yết kiến, nhờ bình luận tác phẩm của họ. Chính lão Tử Y đang cầm quyền sinh sát bây giờ, xưa kia được gặp ta cũng vinh hạnh như được diện kiến long nhan.
- Thế rồi...
- Thế rồi mấy lần viết bài bình phẩm văn chương, ta bị phạm...
- Cũng phạm đến lão Tử Y như vãn bối?
- Không, còn hơn thế. Nguyên, xứ này phàm hành dụng văn chương phải tuân
“lệ cữ phạm”.
Mao Tôn Úc ngạc nhiên:
- Thưa tiền bối, chuyện này không có gì lạ đối với các văn nhân. Nước nào chẳng có những điều kỵ. Đến như Tây Vực là xứ toàn mục phu thất học, chuyên nghề chăn gia súc mà cũng có tới 108 điều kỵ trong văn chương, gồm đại kỵ, trung kỵ và tiểu kỵ.
- Ngươi biết thế nào về Đại, Trung, Tiểu kỵ?
- Thưa, 108 điều kỵ của Tây Vực chỉ gồm 36 điều đại kỵ: Cấm phẩm bình về mọi việc làm của bậc Tối Thượng; 36 điều trung kỵ: Cấm phẩm bình về thân nhân của bậc Tối Thượng, gồm cha mẹ, vợ con, anh chị em và họ nội, họ ngoại...và 36 điều tiểu kỵ: Cấm phẩm bình về những liên quan khác đến bậc Tối Thượng, gồm bạn hữu, thủ hạ, địa danh, phần mộ, nhà cửa, vật dụng...(2)
- Nhà ngươi cũng thông thuộc đấy. Nhưng ở đây số điều kỵ lại suy biến rất lạ lùng. Nguyên thủy đơn giản, chỉ có 1 điều kỵ gọi là Thái Cực kỵ, nghĩa là đừng phạm tới triều đình. Từ Thái Cực kỵ suy thành Lưỡng Nghi kỵ, là 2 điều, cấm phạm đến Thiên và Địa. Từ Lưỡng Nghi kỵ sinh Tứ Tượng kỵ, là thành 4 điều kỵ nữa. Tứ Tượng kỵ phát sinh thành Bát Quái kỵ...
Mao Tôn Úc thất kinh kêu lên:
- Từ Bát Quái kỵ biến thành 64 điều kỵ, tiếp theo hóa ra 4096 điều kỵ (64x64), rồi cứ thế biến thành tới hơn 16 triệu điều kỵ... sau lại biến hóa theo phép lũy thừa, thành Vô Cùng kỵ không đếm xuể. Vậy thì tránh sao nổi.
Kim Thánh Phán thở dài:
- Một lần trong bài văn ta nói đến tên một con ngựa, không ngờ đó lại là tên con ngựa của người em kết nghĩa với con ông chú vợ của đấng Tối Thượng. Tức là đã phạm Tiểu kỵ. Phán quan ghi tên ta vào sổ hình nợ ( mang nợ hình phạt ) Lần sau ta nói đến một tên đạo tặc có bộ ria chữ “Bát” mà không hề biết vị anh họ của người gọi cụ ngoại đấng Tối Thượng là nghĩa phụ cũng có bộ ria chữ “Bát”. Theo lệ, “đệ nhị phạm Tiểu kỵ thành nhất phạm Trung kỵ”. Lần thứ ba, ta phẩm bình bài thơ vịnh chiếc gậy chống của đức Thái Thượng, tức là cha của Tối Thượng. Thế là phạm Trung kỵ. Theo lệ, quy đổi: “Đệ nhị phạm Trung kỵ thành nhất phạm Đại kỵ”. Ta bị xử tội chém ngang thân. Nhưng nhờ Hình Bộ phúc tấu với triều đình xin giảm tội, vì ta là người ngoại quốc. Ta bị phát vãng hai mươi lăm năm cắt cỏ chăn ngựa, gấp đôi hạn lưu đầy chăn dê nơi Phiên quốc của Tô Vũ ngày xưa.
- Rồi sau...
- Sau đấy ta trở về ngõ hẻm này, ngày ngày ngồi chép lại những điều ta đã bình phẩm, những chuyện ta đã trải, những lời của các bậc tiền bối Kim Thánh Thán, và tổ phụ Mao Tôn Cương của ngươi...
Mao Tôn Úc hỏi:
- Lão tiền bối chép để làm bản khắc in, đem bán?
- Làm thế sao được. Viết thế nào cũng phạm vào điều kỵ như ngươi đã tính ra vừa rồi đấy. Mọi sự trên đời đều kỵ.
- Vậy người viết để làm gì?
- Để bán cho.... mấy nhà ở phố Hàng Mã chuyên mua giấy lộn. Giấy lộn đắt hơn giấy trắng. Giấy trắng giá rẻ nhưng khó mua vì chỉ bán cho các thư sinh, văn nhân. Ta có những văn hữu chí tình giúp mua giấy trắng, ta bỏ công làm cho giấy trắng thành giấy lộn.
- Sao họ không mua lại luôn giấy trắng của các văn sĩ, khỏi bẩn giấy tốn công, đắt tiền?
- Làm thế bị phạt nặng vì chỉ được dùng giấy chính phẩm vào việc viết chữ của thánh hiền.
Mao Tôn Úc ngắm tờ giấy trước mặt Kim lão nhân kín mít những nét chữ thảo thư tung hoàng khoáng đạt còn ướt mực.
Úc nhẩm đọc:
Mặc Tư Uyên nói: Cái nghề phê bình văn thơ nhạc kịch là nghề hèn hạ nhất trong tất cả các nghề. Mạc Điểu Bá Nha cũng nói: Đời nào cũng có những kẻ không đủ tài hành động hay sáng tác, tự cho mình có phận sự rất quan trọng là đi phê bình hành vi và tác phẩm của những kẻ khác. Cứ thế mà suy thì nghề phê bình đã có từ thời thượng cổ...
Tứ Lễ nói: Kẻ đạo chích bất thành sẽ là kẻ truy bắt trộm giỏi vì y đã biết mánh khoé của đạo trích. Vậy, kẻ sáng tác bất thành dễ dàng trở thành phê bình gia.
Tư Tăng Đàn nói: Văn sĩ khi tác nghiệp mà nghĩ đến các phê bình gia thì khác chi kẻ chiến binh hèn khi xung trận chỉ nghĩ đến lúc bị các lang băm mổ xẻ chữa thương cho y  bằng dao cùn nhụt. (3)
Mao Tôn Úc phá lên cười ha hả, không nghĩ lúc này trời đã sáng, lũ thủ hạ của lão Tử Y Trưởng Thượng có thể còn rình rập đâu đấy. Thì ngay lúc đó có tiếng đập cửa gấp. Tôn Úc hoảng sợ toan chạy vào nhà trong, nhưng Kim lão nhân ra hiệu cứ ngồi yên, rồi ra mở cửa dẫn vào một gã thiếu niên. Kẻ ấy vái chào:
- Thưa ông Kim, sắp đến ngày “Xá tội vong nhân”, chủ tôi sai tôi đến lấy giấy lộn sớm, kịp làm hàng.
Kim Thánh Phán nói:
- Ta biết, nên đã làm suốt đêm qua. Lại nhờ người này đến giúp.
Thiếu niên nhanh nhẹn vơ tất cả những trước tác, văn bản trên bàn, dưới đất nhét vào cái bao lớn rồi vác lên vai bước ra cửa. Kim lão giơ tay:
- Khoan đã, bây giờ ngươi còn đến đâu nữa?
Thiếu niên trả lời:
- Tôi đến quán cơm “Trannhuong”. Ở đấy cũng có nhiều giấy lộn.
Kim lão nhân đưa mắt cho Tôn Úc, rồi bảo thiếu niên:
- Tiểu tử, ta nhờ ngươi chuyển đến Nhương chủ quán thư này. Ta nợ tiền rượu của y đã lâu, hẹn khi chủ của ngươi giao tiền giấy, ta sẽ trả y.
Kim Thánh Phán lấy mảnh giấy vẽ hình một cái hũ, đáy hũ có nhúm lông, rồi gấp lại đưa cho thiếu niên, dặn: Đưa tận tay Nhương Tác Nghiệp, đừng để ai biết thư khất nợ này, mất thể diện của ta. – Rồi quay sang bảo Tôn Úc: ngươi cho ta mượn chút bạc vụn thưởng công cho tiểu tử này. Tôn Úc lập cập làm theo. Khi gã thiếu niên đi rồi, Úc hỏi:
- Lão tiền bối có cao kiến gì, sao lại vẽ hình như vậy gửi cho Nhương Tác Nghiệp ?
- Ta gọi Nhương đến để y lo cho ngươi hồi hương. Ta chẳng còn sống được mấy. Ngươi ở lại đây cũng chẳng làm được chuyện gì.
- Sao Nhương Tác Nghiệp hiểu được ý Kim lão tiền bối mà đến đây?
- Y đã đến đây thăm ta vài lần. Nhà ta như cái hũ nút. Nhúm lông dưới đáy hũ chính là nhà ngươi đấy. Ta báo cho y biết: “Mao đang ở đây.”
Mao Tôn Úc ôm mặt khóc:
- Úc này mưu lập công danh mới tìm đến đây. Chẳng dè bây giờ danh chính cũng chẳng còn, chỉ là một nhúm lông bỏ đi dưới đáy cái hũ nút.
Kim lão mắng:
- Nam tử Hán mà bi lụy như bọn quần thoa, sao có dũng khí làm phê bình gia? Nín đi, rồi giúp ta viết cho kín những xấp giấy này để mai giao hàng.
Nhương Tác Nghiệp phải ba hôm nữa mới đến đây được, vì lão Tử Y chắc sẽ cho người canh giữ quán ấy ít lâu. Ngươi còn ngân lượng thì đưa cho ta đi mua gạo rượu về ăn mấy ngày, chờ Nhương Tác Nghiệp.
Từ hôm ấy, Mao Tôn Úc ngồi hùng hục viết kín những tờ giấy trắng, để Kim lão nghỉ ngơi và lo việc ra phố mua vật dụng nấu ăn. Bao nhiêu điều tâm huyết về văn nghiệp, Úc trút hết vào những tờ giấy để biến chúng thành giấy lộn. Có lúc thương thân mình, Úc khóc than vì đã sa nghiệp chướng.
Đúng ba hôm sau, trời chưa sáng rõ, Nhương Tác Nghiệp dắt con ngựa gày còm, và đeo một túi tranh vẽ tìm đến túp nhà hũ nút. Tôn Úc vô cùng thán phục Kim lão đúng là Kim Thánh Phán. Nhương chủ quán kể:
Bọn thủ hạ của lão Tử Y dẫn về một lũ người linh tinh liên quan đến “cẩu mao”: Kẻ có râu rậm, kẻ làm nghề thịt chó, kẻ mặc áo lông, kẻ bán phất trần, kẻ thu mua lông gà vịt... Có một gã trai trẻ đang khoác tay một ả kỹ nữ nghênh ngang trên phố cũng bị dẫn về. Gã này cậy thế ông ngoại là quan chức đại thần gì đó, vừa đi vừa chửi bới: “Cả chủ lẫn tớ các ngươi là bọn cuồng xuẩn. Rồi ông ngoại ta sẽ cho cả lũ bay no đòn!” Gã đó lại chính là cháu ngoại của lão Tử Y mà lũ thủ hạ không biết mặt. Lão Tử Y đành thả bọn tiện dân lôi thôi lếch thếch ấy đi rồi phạt roi cả lũ thủ hạ.
Kim Thánh Phán bảo:
- Lão Tử Y đã lùng sục ba ngày, nay đã lơi lỏng. Nhương chủ quán hãy đưa Tôn Úc ra khỏi thành ngay lúc này. Rồi lão cũng sẽ nghĩ ra Tôn Úc  đang trốn ở đây, vì ta cũng là một văn nhân Hán tộc.
Nhương chủ quán đem theo một lưỡi dao cạo, bảo phải cạo trọc đầu cho Tôn Úc. Kim lão cũng cho như thế là phải, để phòng thủ hạ của Tử Y truy bắt những người có râu tóc khả nghi. Thế là Mao Tôn Úc đầu trọc lốc như một nhà sư .
Kim Thánh Phán nói:
- Thôi, hai ngươi đi đi. Bây giờ còn sớm, ít người qua lại nghi kỵ.
Mao khóc, quỳ sụp vái Kim lão:
- Xin lão tiền bối cùng hồi hương với con. Nơi này không có ích gì cho lão tiền bối cả. Về Trường An, con sẽ phụng dưỡng người đến trọn đời.
Kim lão đứng thẳng người lên dõng dạc nói:
- Kim Thánh Phán ta khi xưa rời huyện Khổ đất Sở trên lưng ngựa còm đã thề rằng, lúc về sẽ ngồi trong xe tứ mã sơn son có rèm che. Nay ta lại chân đất thân tàn mà trở về, há chẳng biết thẹn ru? Kẻ trượng phu không lập được nghiệp lớn thà vùi thân trong bụi đường nơi đất khách. Nhương Tác Nghiệp, ta biết ngươi có hảo tâm với ta bấy lâu. Vậy xin nhờ cậy ngươi một việc. Khi ta chết ở đây, hãy vùi xác ta bên dòng tiểu khê phía ngoài cổng thành Đông kia, nhớ để đầu ta quay về phương Bắc.
      Nói xong, Thánh Phán phẩy ống tay áo cầm bầu rượu đi vào nhà trong. Mao Tôn Úc và Nhương Tác Nghiệp đứng ngây một lúc vì những lời bi tráng của Kim lão. Rồi Tôn Úc cùng Nhương chủ quán ra đi, đến cửa còn nghe tiếng của Kim lão:
      Hồ trường! Hồ trường!...
       Ta biết rót về đâu?...
      Hai người ra đến cổng thành Đông, bị đám lính canh giữ lại xét hỏi. Nhương nói sắp đến rằm tháng Bảy, đem tranh thờ ra thành ngoại bán. Còn gã này - chỉ Mao Tôn Úc đang vác túi tranh, dắt ngựa – là kẻ làm công, đưa đi theo để sai vặt. Gã đội trưởng gác cổng thành cũng biết tiếng Nhương Tác Nghiệp là thợ vẽ của kinh đô nên cho qua. Ra khỏi cổng thành, đến một dòng kênh nhỏ nước xanh đặc sệt chảy lờ đờ, Mao Tôn Úc hỏi:
      - Có phải đây là dòng tiểu khê mà Kim tiền bối bảo sẽ là nơi đặt phần mộ của người?
      Nhương gật đầu:
      - Nhưng Kim lão không biết đây là cái mương thoát nước thải độc ở xưởng làm bánh của người Cao Ly chảy từ phía kia.
      - Còn dãy đại cao các màu xanh như núi ở hướng Bắc kia là gì vậy?
      - Đấy là những tòa Thượng Cồ Chung Cư cũng của người ngoại quốc dựng lên để kinh doanh...
      - Vậy mà Kim lão tưởng đây là “thủy”, còn ta tưởng kia là “sơn”. Than ôi, cõi trần mọi sự chỉ là hư ảo. Xin đọc câu thơ này để bái biệt hiền huynh: 
      Dãy lầu cao chắn ngang từng Bắc
      Cửa Đông thành dòng nước xanh xao...
      Nhương ứa nước mắt:
- Đệ cũng xin đọc tiếp để tống biệt huynh. - Rồi cất giọng não nùng:
       Ngậm ngùi này chốn đưa nhau
       Cỏ bồng muôn dặm đi đâu vội vàng ?..
.
      Mao Tôn Úc đọc câu tiếp theo:
      Bóng người đi như làn mây nổi
      Lòng người chờ tựa khối tà dương...
      Nhương Tác Nghiệp đọc hai câu cuối cùng:
      Vẫy tay từ thuở chia đường
      Hý vang tiếng ngựa cho buồn lòng ai..
      Đó là bài thơ “Tống biệt” của Lý Bạch đời Đường mà hai kẻ tri âm đã lấy làm thơ giã biệt. Đến một con đường lớn, Nhương nói:
      - Hiền huynh cầm thêm chút ngân lượng này làm lộ phí rồi lên ngựa, cứ thẳng đường này chừng một dặm, đến ngã ba, rẽ phải là đường về phương Bắc. Đệ phải quay lại quán kẻo đám thủ hạ của lão Tử Y nghi ngờ. Đường đi thiên sơn vạn thủy, xin huynh hãy bảo trọng. Mong có ngày tái ngộ.
      Mao Tôn Úc vái Nhương Tác Nghiệp rồi gạt nước mắt lên ngựa mà đi.
      Từ đấy người đời không còn nghe nói gì về Mao Tôn Úc nữa. Nhương Tác Nghiệp dò hỏi những thương nhân thường qua lại Trung Hoa tin tức của người tri âm, nhưng toàn những tin đồn thất thiệt. Có người bảo: Úc về Tràng An gặp thời văn thịnh, bèn lập Văn đàn, lên ngôi bá chủ được vua vời vào triều phong nhất đẳng Văn thần. Người thì bảo: Úc bỏ văn nghiệp làm nghề buôn tơ lụa sang vùng Tiểu Á, thành phú gia địch quốc. Nhưng lại có tin nói, Mao Tôn Úc về đến Tràng An thì vợ con đã chiếm bán hết gia sản. Gã hàng thịt ở chợ Trường An ngày xưa vẫn còn hận Mao, đe sẽ tìm gặp đánh cho trận nữa. Mao sợ hãi trốn đi. Rồi biệt tích hẳn.
      Thật là:
      Bách nghệ thiên nghiệp hà như ý 
      Lập thân tối mạt thị văn chương
      ( Đại ý: Trăm nghìn nghề sao không hợp ý nghề nào, lại lập thân bằng nghiệp văn chương tệ hại? )
      Chuyện lạ về Mao Tôn Úc Bão Vũ không có điều kiện viết tiếp, xin tạm dừng ở đây. Muốn biết số phận của mao tiên sinh thế nào xin xem phần sau do Trân  Nhương bịa tiếp...  

  ____________________________________
      (1) Tiêủ sử Kim Thánh Thán có nói đến chuyện này.
      (2) Phóng tác theo quy định về những điều húy kỵ trong thi cử dưới triềuNguyễn trong tiểu thuyết “Lều chõng” của Ngô Tất Tố.
      (3) Phỏng ý của những nhà văn từng là nạn nhân của các nhà phê bình: Mark Twain Marcel Pagnol, Shelley, Stendhal. (Nhiều nhà văn tên tuổi khác cũng có ý kiến tương tự ).
       Những tên người phiên âm theo tiếng Hán trong đoạn này là do BV phỏng đặt
      theo tên Tây Dương. Ví dụ: Mặc Tư Uyên chính là Mac Tu-ên (Mark Twain)
.
Đọc:
Kì 1:http://trannhuong.com/news_detail/6836/CHUYỆN-LẠ-VỀ-MAO-TÔN-ÚC-(1)
Kì 2: http://trannhuong.com/news_detail/6879/CHUYỆN-LẠ-VỀ-MAO-TÔN-ÚC-(2)