Trang chủ » Truyện

BÓC LẠI MÀN ĐÊM

Dương Phượng Toại
Thứ hai ngày 22 tháng 11 năm 2010 5:39 AM

Truyện ngắn của DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI
Cho đến bây giờ, tôi vẫn là một cô gái! Mặc dù ngày dòng sông nhận tôi đã chảy một độ đường hơn nửa thế kỷ! Nơi tôi ở trong sâu thẳm không có khái niệm thời gian. Chỉ biết rằng khi không còn nhìn thấy ánh nắng mặt trời, thì toàn thân tôi đã tê cứng, vô cảm. Linh hồn tôi bay vụt lên, bỏ lại khối cơ thể bầm giập để về với thế giới vĩnh hằng tuổi hai mư¬ơi. Tôi đâu muốn xa thế gian này. Thời điểm tôi hoá thân, thế gian còn tăm tối và cùng cực. Tôi gác lại tất cả những gì của  tuổi trẻ, thèm khát, ước ao. Xa cha mẹ, xa anh chị em, tôi đi theo con đường và lý tưởng tôi đã chọn. Đi về phía ánh sáng Con Người! Công việc của tôi trên cõi dương vẫn còn dang dở, còn bề bộn lắm. Cuộc đời vẫn chờ đợi tôi. Nhưng có kẻ đã m¬ưu mô sát hại, c¬ướp mạng sống của tôi. Hắn còn đó, giương giương tự đắc và vẫn đi trên con đư¬ờng tôi đi. Thỉnh thoảng hắn vẫn được mời dự các hội nghị nói chuyện truyền thống với tư cách cán bộ lão thành cách mạng. Bộ mặt hắn đầy vẻ khổ hạnh, xót xa. Nên không ai biết bụng dạ hắn. Vì người đời đến nay vẫn còn thói quen nhìn cái vỏ bọc hào nháng, ngoan đạo để đánh giá, cất nhắc và xu nịnh lẫn nhau: đồng chí ấy có một lý lịch trong sáng, có một bề dày thành tích...  Tôi đã một lần thất bại khi chọn hắn. Không bao giờ làm lại được!
-Đây là nơi xác chị Hà Giang trôi dạt vào. Dân xóm ngày ấy lập miếu thờ... Trỏ tay vào cây đước già bên sông, hắn nói với những người trong đoàn cán bộ đi cùng: -Tôi có diễm phúc là người hoạt động cùng thời với liệt sĩ Hà Giang. Chị đã hy sinh vô cùng gan dạ. Bọn giặc đã giết hại chị một cách dã man. Thằng Tây quan hai Phòng Nhì tra tấn chị chết đi sống lại và nó đã... Hắn bỏ kính, lau mắt. Hắn khóc? Hắn dễ xúc động đến thế ư? Tin hắn, mọi người cũng ngậm ngùi theo hắn. Sao lại tin hắn Mới cách đây hơn ba mươi năm chứ xa xôi gì, hắn dẫn dân quân ra chặt cây đước này và phá ngôi miếu thờ. Hắn huơ tay: “Để nơi này chỉ tổ phát sinh tệ mê tín dị đoan, tụ tập phường đồng cô bóng cậu!”... Trong tâm địa, hắn lợi dụng cơ hội cải cách văn hoá, bài trừ duy tâm, hòng triệt tận gốc, xoá đi một dấu tích liên quan đến quá khứ không hay ho gì của hắn. Nhưng năm sau cây đước vẫn nẩy cành sinh ngọn. Những búp lá non tơ như bàn tay tí xíu của trẻ con vẫy vẫy nắng ban mai. Túp miếu vẫn được dân xóm lợp bằng những mảnh thuyền gỗ cũ che chở cho một bát hương leo lét khói trầm... Hắn lại huyên thuyên:
-Làng chúng tôi sẽ tôn tạo, xây dựng lại ngôi miếu thờ thật to đẹp, khang trang cho vong linh chị thanh thản và đề nghị Nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hoá. Nơi đây sẽ là một điểm tham quan du lịch, có thể thu lợi cho ngân sách xã, góp phần làm giàu đẹp quê hương?... Thảo nào năm nọ, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, hắn lại ra đây quét quét dọn dọn. Đoàn người vẫn đi theo và nghe hắn thao thao bất tuyệt: -Tôi sẽ bỏ tiền thuê hoạ sĩ trung ương dựng tượng chị! Vạn sự khởi đầu nan. Đất nước mở cửa, ta phải mạnh dạn đầu tư. Muốn ăn cá cả dong dây cho dài!...
Nghe tới đây, tôi rùng mình bay trở lại khoảng tối câm lặng.
Thời kỳ ấy quê tôi chìm dưới ách kìm kẹp của thực dân Pháp và bọn tề ngụy. Chúng săn lùng Việt Minh hết sức gắt gao hòng triệt phá các cơ sở cách mạng. Tôi và hắn cùng trong một tổ hoạt động của tổ chức Việt Minh nằm vùng gây dựng lại các cơ sở bị vỡ. Tôi tổ trưởng. Hắn là một đội viên tháo vát, thông thạo địa hình. Chúng tôi phải luôn di chuyển, thoắt ẩn thoắt hiện, từng chung bát, tựa lưng dưới những căn hầm bí mật ẩm ướt. Đến đâu, cũng phải đặc biệt chú ý xoá dấu vết. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể bị địch phát hiện, bao vây. Cơm do cơ sở liên lạc cung cấp hằng ngày. Họ thường giấu khi một rá, lúc một đùm gói trong lá chuối, đặt dưới gốc cây duối, cây găng... giả cơm trưa của người đi làm đồng. Đúng giờ hẹn, có ám hiệu, chúng tôi chỉ việc lẻn ra lấy. Chỉ cơm gạo đỏ, một thứ gạo ở vùng chiêm trũng, bốc bằng tay ăn với muối vừng, rau muống, rau lang mà sao vô cùng ngon ngọt. Nước uống đựng trong quả bầu khô ngái mốc mùi giọt gianh, uống đến đâu mát lạnh ruột gan đến đấy. Quần áo thay trút đều do người cơ sở cung cấp và giặt giũ. Đó là những bà mẹ có con dâu, con gái mới đẻ ôm chăn chiếu bên trong gói những mớ quần áo của chúng tôi lẫn vào đi giặt ngoài bến sông. Tôi rất biết ơn họ. Đã nhiều người hóa thành thiên cổ. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau, những bộ khung cốt gày guộc, chỉ nhìn, mà không nói được.
Gia đình ông Vệ Chẩm xóm Ao Miếu là một cơ sở bí mật tuyệt đối tin cậy. Ông Vệ Chẩm từng đi lính khố xanh cho Pháp. Trong một trận càn vào một ấp ở đồng bằng Nam Bộ, ông bị thương, thọt một bên chân. Loại ngũ, ông về quê sinh sống, được một cơ sở của ta giác ngộ và giới thiệu. Qua nhiều phen thử thách, tôi thực sự yên lòng. Ban ngày, ông vẫn đàng hoàng tiếp bọn Tây Phòng Nhì và bọn Việt gian đến chơi tổ tôm, xóc đĩa. Ban đêm, ông nuôi giấu cán bộ Việt Minh trong căn hầm bí mật, ngay dưới mũi chúng! Căn hầm đào khá rộng, sâu và kiên cố trong lòng đất khu vườn trồng đầy chuối và ổi xum xuê, có lối thoát hiểm bí mật ra bờ sông chỉ riêng ông và tôi biết. Tại căn hầm này, ông Chẩm đã trở thành Đảng viên. Dưới cờ, ông thề và khóc: “Tôi đã hồi sinh! Tôi xin quãng đời còn lại phụng sự cho Đảng, cho Tổ Quốc, nhân dân!” Gương mặt ông hồng hào, khảm những giọt nước mắt lóng lánh dưới tia sáng bên bờ sông lọt qua khe hầm, khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Trước mặt tôi là một nông dân, một phế binh tự tin, tự nguyện hy sinh vì cách mạng!
Một lần chập tối chúng tôi vừa trong một ngôi chùa bước ra, đang men dưới bờ tre để ra bờ sông thì phát hiện bọn địch đi tuần phía trước. Chúng tôi vội đứng ép vào nhau như chết tại chỗ dưới lùm tre. Mùa mưa, đêm trước vừa mưa xong, nước dềnh đầy ruộng. Đỉa ngo ngoe bơi dày đặc trong màu nước đục ngầu, thoăn thoắt bám vào bắp chân, bắp vế chúng tôi. Những chiếc vòi được dịp tha hồ hút máu. Khiếp quá! Tôi nhắm chặt mắt không dám rung chân, động đậy kẻo gây ra vòng sóng nước. Ông Chẩm khẽ nhè bọt vào bàn tay, đưa xuống, lặng lẽ xoa vặn những con đỉa to mọng như quả chuối bụt, nhét vào túi ngực và bóp chặt lại. Ông liếc mắt ra hiệu cho tôi cũng làm thế, nhưng nhét đỉa vào túi ông. Cứ như vậy ông bặm chặt môi, một tay vừa bắt đỉa, một tay vừa giữ túi. Đỉa vẫn ở đâu bơi tới nhiều đến nỗi không còn bọt để nhìa. Phải đến nửa giờ sau bọn địch mới đi khỏi ngõ chùa. Chúng tôi gần như ngột thở, hít mấy hơi không khí rõ dài mới hoàn hồn bước lên. Nhìn ông Chẩm lộn túi vẩy đám đỉa xuống ruộng, lúc này tôi mới thực sự phát sợ những cái cục tròn ứ máu, nhung nhúc kia. Lưng áo tôi ướt đẫm mồ hôi...
Ông Chẩm còn từng một mình bảo vệ tôi, gỡ thoát cho tôi trong một đêm trên đường tôi vừa từ bãi sú lên gặp ngay ổ phục kích của tên Bang Hận. Từ một phía khác, bịt khăn đen kín mặt, ông đã sử dụng một lúc hai tay hai khẩu súng ngắn bắn tới tấp vào địch. Mấy tên gục tại trận. Thằng Bang Hận và đồng bọn hốt hoảng lăn xuống vạ đê, xả đạn loạn xạ lên trời. Lợi dụng sơ hở, tôi tụt vội xuống sông, lặn một mạch sang bờ bên kia... Trong chiến đấu, tôi thấy ông xuất quỉ nhập thần, đôi chân chạy như gió, không hề thọt tý nào. Về cơ sở, đã thấy ông bảnh choẹ trong bộ quần chúp bâu, áo “ba đờ xuy” ngồi tựa lưng trên bộ tràng kỷ với ấm trà Vân Hải vừa pha xong. Ông đứng dậy, đôi chân khập khiễng, miệng cười cười mời tôi. Chén trà nóng rẫy môi...
Để đón một cán bộ cấp trên từ áng Dài, Cát Bà về kiểm tra và giao nhiệm vụ mới cho tổ chúng tôi triển khai công tác trừ diệt bọn hội tề ác bá, tôi quyết định tổ chức cuộc họp quan trọng này tại căn hầm của ông Vệ Chẩm. Ông khuyên tôi không triệu tập hắn, chỉ cần tôi, ông và hai đồng chí ở làng Lưu Thượng. Tôi bảo: “Phiên họp này cần đầy đủ các cốt cán!” Giọng ông vẻ đượm buồn: “Xin đồng chí hiểu ý tôi! Tôi thấy dạo này thái độ của đồng chí ấy khang khác, có nhiều điểm phải xem xét!” Tôi vỗ vai ông: “Đồng chí yên tâm. Trước hết phải đoàn kết nội bộ!”
Nhưng không ngờ, cái đêm ấy lại là đêm định mệnh. Ngay sau lưng tôi, hắn đã phản bội. Hắn phi báo từ lúc nào mà bọn địch ém phục rất bí mật, không hề gây động tĩnh, không một tiếng chó sủa. Cuộc họp tan, ông Chẩm thận trọng mở nắp hầm. Chúng tôi lần lượt chui lên. Hai người lên trước. Tôi và hắn lên sau. Bất ngờ hắn ho rũ rượi như người sặc thuốc lào. Một tràng súng nổ. Nhanh như cắt, ông Chẩm ném luôn hai quả lựu đạn và tụt xuống đưa đồng chí cán bộ cấp trên thoát theo lối bí mật ra bờ sông. Căn hầm bị bao vây. Tôi và hắn trở tay không kịp, đã bị địch bắt! Lúc đó tôi lại chợt nghĩ: “Chả lẽ Vệ Chẩm giở mặt? Vệ Chẩm phản bội?...” Tôi bị nhốt tại lao Phòng Nhì Quảng Am. Những ngày căng thẳng và nặng nề. Bọn địch thay nhau dụ dỗ, tra tấn. Vô ích. Chúng điên cuồng đánh đập tôi rất man rợ, bất chấp chỗ nào trên cơ thể yếu mềm của người phụ nữ. Trong một đêm, bất ngờ hắn xuất hiện trước mặt tôi khi tôi vừa tỉnh dậy sau trận đòn và những chậu nước lạnh hắt vào mặt. Người tôi tê dại và buốt nhói. Nhưng tôi vẫn đủ trí nhớ nhận biết hắn: “Con chó đã phản bội! Hóa ra lúc mày chống cự, chạy đến cuối vườn và cũng bị bắt... chỉ là một màn kịch... Đồ đê tiện!” Hắn ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Khai đi. Không ai biết đâu! Tôi giữ kín cho! Cô trẻ đẹp, cuộc đời còn dài lắm!...” Tôi trừng mắt, nhổ vào mặt hắn. Hắn lùi lại lấy vạt áo lau bãi nước bọt đen sì những máu: “Không biết điều thì chớ trách! Cô lại tin thằng Vệ Chẩm hơn tôi? Nói cho mà biết, thực tình tôi rất thích cô. Nếu thuận, tôi và cô sẽ trốn đi nơi khác…”
Đêm cuối cùng... Chúng trói tôi vào một tấm ván đóng dựng đứng cạnh song sắt cửa sổ. Tên quan hai ngật ngưỡng đến gần. Nó trùm bộ mặt phì nộn, lởm chởm vành râu quai nón sặc mùi rượu mạnh vào mặt tôi. Nó cười gằn, liếc đi liếc lại trên tay một lưỡi dao sáng lạnh. Tôi nhìn nó trừng trừng, không hề run sợ. Bỗng nó xé phắt ngực áo tôi: “Ha ha... Bầu vú trinh nguyên! Bỏ phí tuổi xuân sao cô em?”... Nó vục cái mồm râu xuống, nghiến ngấu. Tôi cắn luôn vào chỏm đầu nó, đay giất như giất túm lông một con chó. Con chó rít lên. Thoắt cái, nó ấn lưỡi dao sắc lẹm vào ngực tôi. Tôi rú lên đau đớn. Bầu vú quí nhất của đời người con gái đã bị nó khoét mất! -Đảng Cộng sản muôn năm! Đảng Cộng sản muôn năm! Muôn... năm… Giây phút cuối cùng tôi vẫn cố thét thật to. Tiếng thét vang dội cả khu nhà giam. Chúng để nguyên cả tấm ván đầm đìa máu, cho tôi vào một chiếc hòm gỗ, đóng đinh lại. Gà gáy, chúng bí mật khiêng chiếc hòm ra bến sông rồi buông xuống. Dòng sông lập tức nhận tôi trong sức chảy cuồn cuộn rung chuyển cả đôi bờ. Thuỷ triều đang rặc mạnh. Xoáy ngầm va sầm sập qua những cồn đá. Nước sông, nước mắt từ đáy ruột sâu thẳm của nhân gian đã đưa chiếc hòm nhằm ra hướng cửa biển. Chiếc hòm dạt vào một vạt rừng sú vẹt, vướng vào một gốc cây. Không! Đấy là linh hồn tôi vươn ra vít chặt lấy rừng cây và bãi đất quê hương. Tôi không thể rời xa những người thân, không thể rời xa mảnh đất này!
Sáng sớm, có hai cha con người câu cá đậu thuyền ở một cồn đá đang thả câu. Cậu bé bỗng giật tay cha: -Cha ơi! Có vật gì giống cái hòm gỗ từ trên kia trôi xuống! Nheo nheo mắt nhìn một lát, người cha vội quấn sợi dây câu vào tảng đá: -Đúng rồi! Một chiếc hòm! Nước rặc đã đáp nó vào rìa rừng!... Hai cha con gấp gáp chèo thuyền tới, gỡ chiếc hòm ra khỏi cành cây đước và vớt lên. Khi lưỡi mỏ neo vừa cạy được nắp hòm, họ ngã bổ chửng dưới lòng thuyền, khiến con thuyền chao mạnh suýt đắm. Cậu bé thất kinh hét lên: -Ối! Cha ơi! Xác chết! Một... một... chị...  Đàn bà... con gái!... Người cha loạng choạng, cố trấn tĩnh: -Bọn người nào mà ác độc thế này hả giời? Nó khoét mất đôi nhũ của người ta! Tội nghiệp cô gái! Chết cũng không toàn thây! Hẵng khiêng lên bờ đã con! Rồi chạy vào gọi dân làng!
Các đồng chí và dân làng nhận ra tôi. Họ khóc nấc, đầy căm uất. Hắn cũng ở đâu chân thấp chân cao chạy đến ôm mặt rống lên: -Ối trời ơi! Chị Hà Giang ơi... Bị địch bắt, chị vẫn một lòng kiên trinh, sắt đá. Thà chết, chứ không chịu khuất phục!...
Mọi người bó liệm, chôn cất tôi dưới cánh đồng bên sông. Người thuyền câu làm một túp miếu nhỏ ghép bằng những mảnh ván và mui thuyền, cạnh gốc cây đước. Hàng ngày những nén hương thắp lên. Lòng dân xóm đê ấm lại. Linh hồn tôi có nơi đậu, từ bấy đến giờ... Ông Chẩm sau đó, sống dở chết dở vì hắn và một số cán bộ nhẹ dạ tin lời hắn đồn nhảm: “Vệ Chẩm vợ con rồi vẫn tình ý với Hà Giang. Không xơ múi gì nên mới chỉ điểm cho giặc bắt!” Ông suýt bị thủ tiêu. May có lệnh của Khu uỷ kịp ngăn lại để điều tra tiếp. Hiểu cho ông, tổ chức đã cử người bí mật giám sát, giúp ông vượt qua những cơn nguy hiểm. Còn hắn, vẫn giấu mặt, cay cú ông: “Phải bịt ngay đầu mối này!” Thế rồi... ông bị mất tích!
Hắn là con một gia đình bần nông không tấc đất cắm dùi. Cha mẹ hắn quanh năm lầm lụi đánh lưới ngoài sông. Hắn đi ở chăn trâu cho một nhà giàu dưới làng Vị Hương. Năm đói ất Dậu, người các làng chết như ngả rạ. Nhà hắn chẳng còn ai. Hắn như “cây lúa rài” sót lại cuối đồng. Ngày cả tổng kéo sang tỉnh lỵ cướp chính quyền trong tay thực dân Pháp, hắn cũng theo đoàn người vác gậy gộc, dao mác vượt sông. Như chiếc lá cuốn vào cơn lốc, hắn gia nhập Thanh niên cứu quốc, ngày ngày chạy liên lạc, tối tối xách gậy tuần phòng khắp xóm thôn. Ngày tôi về đây, được cơ sở giới thiệu, qua mấy lần thử thách, tôi đã dễ dàng tin hắn. Nhờ đi theo cách mạng, hắn có được ít chữ nghĩa và nhiều người nhờ vả. Vốn lợi khẩu, hắn trở nên khôn ngoan, biết tính thời cơ, biết cách ăn nói, diễn thuyết chỗ đông người. Hắn được cử làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất. Hắn lôi kéo, thúc ép bà con bần cố nông đấu tố các gia đình địa chủ, thân hào chí sĩ và tìm cách hại cả những người từng có công nuôi hắn: “Đây là những địa chủ bóc lột giai cấp nông dân!” Hắn sai người trói bà Vệ Chẩm điệu ra đình: “Chồng mụ từng đi lính, từng làm chỉ điểm, làm tay sai cho giặc! Đang thời kháng chiến lại tự dưng mất tích. Chắc chắn là theo giặc, di cư vào Nam âm mưu phá hoại cách mạng. Vệ Chẩm ở đâu, mụ phải biết!...” Bà Vệ Chẩm chỉ khóc, gập lưng xuống lạy, không thành lời.
Phong trào hợp tác hoá lan rộng. Huyện triệu tập cốt cán các xã triển khai. Hắn mừng khấp khởi. “Đây là cơ hội tốt! Phải khẩn trương ủng hộ và thực hiện chủ trương chính sách! Chân chủ nhiệm ở cái làng này không mình thì ai?” Hắn xoa hai bàn tay hứa trước huyện xin đưa nông dân làng hắn vào hợp tác xã thật nhanh. Nếu để nông dân tự nguyện tự giác thì rất lâu mới “một trăm phần trăm”. Phải bằng một kiểu riêng, bằng  mọi cách vận động, ép buộc họ vào như một sự tự nguyện. Tiền trảm hậu tấu. Trên biết đấy là đâu. Cứ báo cáo hay, đầy đủ là xong hết! Hắn cho kẻ khẩu hiệu khắp các bức tường, sai đánh trống, phát loa mọi lúc mọi nơi. Nhà nào còn chần chừ, hắn cho người đến đầu ngõ, trèo lên mái nhà bên cạnh chõ loa sắt vào sân họ mà ra rả, éo ắt: “Cầm vàng còn sợ vàng rơi, vào hợp tác xã đời đời ấm no!” Hắn vẫn nhằm mũi dùi vào nhà ông Vệ Chẩm? Lúc này làng nước vẫn chưa ai tỏ sự mất tích của ông trong thời đen tối. Nhà chỉ còn bà Chẩm với bốn đứa con, đời sống vô cùng nheo nhóc, khổ cực. Bà Chẩm còn nửa tỉnh nửa mê, chưa hiểu thế nào là hợp tác, chưa biết thế nào là thiên đường no ấm. Sao lại đem ruộng đất vừa mới được chia chưa nóng tay vào cày bừa, chung trâu chạ khoẳm? Chia cơm chia gạo thế nào đây? Không khéo lại mất hết! Cứ để làng nước làm trước, ăn trước đi đã!
Hợp tác xã Hoà Phong do hắn làm chủ nhiệm đã một năm trời. Bà Chẩm vẫn là một trong số ít người còn đứng ngoài. Huyện phê bình hắn trước hội nghị hàng tổng: “Hoà Phong của đồng chí vẫn còn một số cá thể chậm tiến”. Hắn đỏ mặt tía tai nghĩ: “Con mụ vợ thằng cha Vệ Chẩm thế mà ngoan cố! Đã vậy, sẽ biết tay!” Hắn liền cho người kéo phường thợ kèn đám ma đến ngõ bà Chẩm gióng giả suốt ngày đêm. Chưa đủ, hắn còn đặt một chiếc võng ngay đầu lối đi, hạn ba ngày không động tĩnh gì sẽ vào khiêng bà ra Uỷ ban. Tiếng kèn tàu nỉ non, ai oán. Tiếng chiêng trống thúc tức ngực. Tiếng thanh la não bạt the thé như mũi dao chọc vào ruột gan. Hai hôm sau người ta thấy bà Chẩm đến vái hắn và đưa ngón tay cái cho chị giúp việc chuyên nấu nước bôi mực đen ấn vào góc tờ đơn xin vào hợp tác xã. Thấm thoắt, nhờ năng nổ, xun xoe, hắn được cất nhắc và lọt vào huyện uỷ viên. Hoà Phong tiếp tục được chọn làm điển hình của huyện trong việc đổi vùng đổi khoảnh ruộng đất, hợp nhất bốn thôn thành hợp tác xã cao cấp. Để lấy thành tích, hắn tích cực hội họp, tập trung bà con xã viên đem toàn “sảo thắng điền” các xứ đồng “bát cơm bát canh” đổi cho các xã bạn, xung phong lấy ruộng trâu đằm, trâu đái về cải tạo. Ruộng đất được kẻ ô, kẻ thửa, khoanh vùng rửa chua khử mặn. Hàng nghìn, hàng vạn công lao động ném xuống. Nhiều vùng chở nước đã thành vùng chở thóc. Chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hợp tác xã của hắn cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tuy thời gian này đời sống cực kỳ khó khăn, mỗi công lao động chỉ được ba lạng thóc! Dân vẫn vừa tham gia chiến đấu vừa sản xuất xây dựng hợp tác xã. Tiếng tăm hợp tác xã Hoà Phong bay khắp tỉnh. Hắn được mát mặt. Đây là một chủ nhiệm gương mẫu, tận tuỵ và có công tích trong phong trào đưa nông nghiệp vùng ta lên cao! Sau mỗi đợt thi đua, hắn lại nghĩ: Đúng là lòng dân mênh mông cửa bể! 
Nói tiếp chuyện bà Vệ Chẩm. Dưới Bãi Bầu, Bãi Vịt có những vạt đất cỏ sậy, năn lác mọc um tùm. Lũ chuột tha hồ làm tổ, sinh đàn sinh đống, kéo vào các cánh đồng phá hoại lúa màu. Nhìn đất hoang, bà tiếc ngót ruột. Tháng ba bớt việc, bà đưa các con tranh thủ xuống vỡ đất phục hoá. Mấy mẹ con đầu tắt mặt tối làm cật lực được một khoảnh rộng khoảng năm, sáu sào ruộng. Mồ hôi đổ xuống. Dảnh mạ mọc lên. Trời cho ngay lưng ngũ cốc để chống đói! Khi bông lúa được hạt thì mẹ con bà Chẩm chân tay đã quắt queo, mặt mũi cháy đen, nhẻm nhuốc vì nắng gió. Chiều hôm trước thăm lúa, bà mẩm bụng: Hợp tác chưa vào thu hoạch, mai tranh thủ gặt về phơi phóng là vừa! Ai ngờ sáng hôm sau mẹ con hí hửng quang gánh, liềm hái tới nơi thì... Ôi thôi, chỉ còn gốc rạ lập lờ dưới nước đục! Bà quơ tay lên trời khóc hu hu: “Ma không thương người ốm, trộm chẳng thương kẻ nghèo. Uổng bao công be bờ, cuốc góc rồi các con ơi!” Hoá ra hắn cho dân quân mang cả súng theo, gặt suốt đêm! Đã vào hợp tác có tổ có đoàn, cấm không ai được tự tư tự lợi cá nhân. Tất cả tài sản là của tập thể!
Rồi đến sau năm máy bay B52 Mỹ rải thảm bom xuống Hà Nội, Hải Phòng... Theo lệnh của huyện mở rộng khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, các xã đưa người sang Đầm Mạch ven cửa biển Nam Triệu làm đầm thu bắt cá tôm. Hàng nghìn đội viên đội Thuỷ lợi 202 của các làng đem thuyền vượt sông, cắm chốt trên bãi triều, chặt sú vẹt, xẻ đất đắp đê. Trong khi lấy đất, đội 202 làng Hoà Phong bập phải một vật cứng khiến lưỡi mai khựng lại. Đào hố đất rộng ra, bất ngờ phát hiện đấy là một bộ hài cốt. Nhưng có điều rất lạ là bộ hài cốt chôn đứng, chằng buộc áp sát vào một cây cột gỗ đóng thẳng trong lòng đất! Trông chẳng khác gì một bó củi đâng trơ lũa, khẳng khiu. Bên trên là một hộp sọ như một cái gáo dừa bạc phếch. Đám phụ nữ yếu bóng vía bỏ chạy tán loạn. Lúc hoàn hồn, người ta đem bộ hài cốt lên gò cao và cho người mua tiểu sành mang sang, chôn cất cẩn thận.
Tin bộ hài cốt chôn đứng bay về làng. Ông chủ nhiệm đang uống rượu trong tiệc mừng ngôi nhà mới vừa xây xong, bỗng trợn mắt, ngất xỉu tại chỗ. Mọi người hốt hoảng đưa đi cấp cứu. Cả làng cũng không hiểu vì sao lại như vậy! Hắn bất tỉnh, chết giấc hàng giờ. Hồi lại. Xong lại ngất. Đôi mắt hắn đờ đẫn như ai vừa lấy mất thần sắc. Cả nhà hắn cuống cuồng lo sợ. Làng nước tha hồ đồn thổi. Những gì dư luận ấm ức bấy lâu, nay được dịp bung ra: Ông chủ nhiệm đang nguyên lành, bỗng phải gió hoặc thần đạo gì đó vật lăn quay! Tại làm nhà, đào chân móng chạm long mạch chăng? Hay do tháng trước chặt cây, phá ngôi miếu thiêng ngoài bờ sông? Lạ thật! Đang vui thì gẫy đàn! Cũng đúng thôi! Cũng chẳng oan! Có đục khoét mới nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, của nả bề bề như thế. Ai bảo Trời không có mắt?... Nhưng thực tình chẳng ai biết được căn nguyên hắn chôn giấu những gì từ những đêm đen ngày xa ấy? Chỉ có hắn biết! Chỉ có tôi biết! Và cái người cùng hành quyết ông Vệ Chẩm biết. Nhưng tay này đã chết đuối trong đêm canh đê vì say rượu lao đầu xuống cống. Bữa rượu do chính hắn thết đãi... Hãy xem hắn tỉnh lại. Hắn lờ mờ nhận ra mình vừa chết bên mâm rượu. Đầu óc hắn như tờ giấy thấm ướt nhoè. Tờ giấy dần dần khô, nhưng còn mang máng lay động, khiến hắn có cảm giác bộ não đặc sền sệt như một cái bọc nổi trên mặt nước dập dờn mọc xua xúa ra những miếng mụn quá vãng...
Biết Vệ Chẩm là người tinh thông, là tay súng lợi hại, hắn không khỏi lo lắng. Linh tính mách bảo cho hắn: Vệ Chẩm đã nhận biết ra kẻ chỉ điểm căn hầm bí mật! Phải diệt ngay con người này! Hắn tìm mọi cách để đưa đẩy ông Chẩm phạm khuyết điểm với tổ chức. Nhưng ông lại là người thận trọng, nhạy cảm, nên né tránh được một số vụ do hắn giăng bẫy. Qua những canh thoát hiểm, ông đã ngợ ra: Không ai khác. Tiếng ho của hắn là ám hiệu cho địch hành sự một cách chính xác! Hà Giang hy sinh là một tổn thất lớn cho tổ chức cách mạng khu vực duyên hải này. Lệnh trên phát xuống: Phải tìm ra kẻ giấu mặt! Khi đối diện, ông bất chợt nhìn xoáy vào hắn. ánh mắt hắn như bị bẻ gãy, không bình thường. Vậy mà chưa kịp ra tay, “con hùm xám” Vệ Chẩm đã bị sa cơ!
Đêm ấy, nhà Lý Thân ở làng Giữa làm giỗ mẹ rất to. Ông ta cho mời đủ chức sắc kỳ hào, lý dịch các làng. Đèn măng sông sáng trưng năm gian cửa ván bưng mở thông thênh. Chiếu tổ tôm, chắn cạ bày sàn sạt. ả đào bên Vĩnh Bảo về hát xướng thâu đêm. Trống phách, xênh loan tom chát, cùng lời ca rền rĩ, lên bổng xuống trầm. Người ra kẻ vào ăn uống, hút xách ồn ào, tấp nập. Theo kế hoạch, Việt Minh cũng cải trang nhập vào đám đô hội đó để nắm tình hình, gặp thuận lợi là rải truyền đơn. Nếu bọn quan và lính Pháp bên phố huyện sang là tuỳ cơ ứng biến, có thể đánh úp, cướp lấy súng. Vệ Chẩm và hắn cũng lọt được vào các chiếu tổ tôm.
Gà gáy, Chẩm đang chờ nước “ù”, chợt một gia nhân đến bên ghé tai nói nhỏ: “Thưa... Ông ra ngoài có người gặp. Rất gấp!” Chẩm chột dạ: “Có chuyện gì? Nhiệm vụ đang dở chừng! Sao trên lại cho người gặp giờ này?”. Tình huống đột ngột, Chẩm không thể thoái thác vì không còn cách nào khác. Đưa bài cho người bên cạnh cầm hộ, ông xỏ giày đứng dậy. Vừa tới ngõ, chỗ có bụi chuối rậm, mắt còn hoa bởi từ trong sáng bước ra, Chẩm liền bị hai người chằng khăn vuông kín mặt quật ngã, trói nghiến và nhét giẻ vào miệng. Một tiếng quát nhỏ rất sắc rít qua kẽ răng: “Vệ Chẩm đã bị bắt! Việt Minh xử về tội hai mang!”
Ngay trong đêm, Chẩm bị dẫn đi. Hai bóng đen bịt kín mặt, xóc nách ông tắt qua cánh đồng. Độ này ruộng khô, luống cày vặn vỏ đỗ, mép đất sắc như dao cứa gan bàn chân. Chẩm bị lôi trẹo cả gân cốt. Gió bấc lùa từng cơn. Mưa dầm rắc lất phất. Hai mắt Chẩm bị thít chặt trong dải khăn hoi mùi mồ hôi, chua lợm. Tất cả lặng câm như những bóng ma đi vào cõi tối đen. Trong thâm tâm, Chẩm nghĩ: “Không có tội gì với nhân dân, với cách mạng, mình không sợ! Nhưng đây là ai bắt? Bắt theo lệnh ai?”
Một chiếc thuyền nan đã chờ sẵn dưới bến Cống Trộm. Thuyền vượt sông. Như một mũi tên hun hút. Sông nước mênh mang, chao đảo. Tiếng cáy còng ri rỉ. Tiếng cá quẫy tí tách. Tiếng những đàn chim đêm bay ràn rạt trên đầu. Mái chèo gác lạch cạch. Cập bãi. Chẩm biết mình bị đưa sang Đầm Mạch. Chúng lôi Chẩm lên một gò đất cao. Một bóng đen hỏi: -Thế nào? -Tháo mắt tháo mồm. Cho nó nhìn! Trên bảo vẫn y án! Người đứng bên nói, giọng rin rít như hai thanh sắt mài vào nhau. Chẩm nhận ra hắn. Đúng hắn. Hắn đã lừa Chẩm ra ngoài và bố trí bắt gọn.
-Tôi không có tội. Sao các anh lại bắt tôi ra đây?
-Cách mạng xử! Không! Hắn đổi giọng: Tao xử! Không cách mạng nào hết! Bây giờ tao tuyên bố rõ: Mày là vật cản của tao! Vì mày mà tao không chiếm được Hà Giang. Tao biết mày đã biết tao là ai! Chính tao chỉ điểm đây! Kể ra bắt và khử mày sớm mới đúng. Nhưng mày quá tinh khôn. Nên Hà Giang mới sa lưới! Càng tốt, khi vớ được con cá to! Không ăn được, tao phải đạp đổ. Tao phải ra tay trước, nếu không sẽ chết vì mày!
-Đồ chó đểu! Đồ rắn độc! Chẩm hét lớn. Tiếng vỡ vào đêm. Bầy vạc ăn đâu đó trong đầm nước giật mình vột lên quang quác. Đàn két mòng cũng nháo nhác bay, đập cánh loạn xạ. Chúng đụng cả vào người Chẩm. Hắn nghiến răng vặn cổ áo Chẩm. Đôi mắt ông phát tia lửa vào mặt hắn: -Đồ phản bội! Quả là tao không sai khi đã nghi ngờ... Tiếc rằng Hà Giang đã cả tin mày và không nghe tao... -Có thế cô ta mới bị xẻo vú!
-Đồ khốn nạn! Đồ đểu giả!
-Cho mày chửi khản cổ trước khi chết! Mày muốn chết kiểu gì? Chọn! Mau! Xuống đấy mà gặp Hà Giang!
-Bắn! Bắn tao đi!
-Không! Bằng giá mày xui tao “ông ơi tôi ở bụi này”! Tao đã có cách! Cho mày hưởng “lộc nước” từ từ...
Trói Chẩm vào gốc cây, chúng lấy mai, cuốc đào một cái hố. Lưỡi mai xẻ xoàn xoạt. Tiếng đất quật xì xọp. Sóng vã vào đêm từng gợn trắng. Gió thông thốc, lạnh buốt, mang theo tiếng hú rít xa thẳm từ những cánh rừng sú vẹt. Hố đào xong, ngập nước. Đống bùn ứa ra, hắt ánh nhờ nhờ. Một cây cọc gỗ được đóng sâu dưới đáy hố. Chúng kéo Chẩm tới, ấn xuống, rồi cột chặt đứng vào cây cọc...
-Đảng Cộng sản muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Cách mạng muôn năm! Bất ngờ Chẩm hô to, tưởng vỡ ngực, làm cả hai thằng giật nẩy. Bỗng những chuỗi âm thanh rào rào... ào ào... như tiếng gào thét của loài thuỷ quái từ đâu đó ngoài cửa biển vọng tới chuyển động rùng rùng cả một vùng rừng bãi.
-Nước lên! Rút mau! Hắn ra lệnh cho thằng kia. Chúng vội vã xuống thuyền. Hắn còn ngoảnh lại mỉa mai: Vĩnh biệt! Vĩnh biệt đồng chí! Chiếc thuyền biến vào trong đêm. Tiếng hô của Chẩm vẫn rền rền như những viên đạn đuổi theo vang vang trên sông nước:
-Cách mạng muôn năm! Nhân dân sẽ trừng phạt chúng bay... Trời Phật sẽ trừng phạt chúng bay... bay...
Già nửa thế kỷ. Một chớp tay. Đất trời, sông nước quê hương chứng kiến bao biến đổi. Tôi vẫn trẻ như cái ngày không nhìn thấy mặt trời. Ông Vệ Chẩm vẫn đứng dưới ngợp ngàn làn nước sông quê và những ngọn gió hú rít từ những cánh rừng. Còn hắn. Dưới ánh mặt trời, hắn được nhiều thứ quá. Ngực hắn lấp lánh những tấm huân, huy chương. Vợ con hắn được hưởng giàu sang phú quí do hắn tích cóp bấy nhiêu năm từ mồ hôi xương máu, công quĩ của những người nông dân. Hắn đã lợi dụng sự lớn rộng của cách mạng, lòng tốt của nhân dân để bớt xén, dựng được ngôi nhà lộng lẫy. Hắn đã trả thù được cho nỗi nhục đói nghèo “đầu không chằng đít không rễ” của tổ tông, cha mẹ hắn. Nhưng có cái mất mà hắn không biết, hay cố tình không biết? Con cái hắn là những tên đầu cơ, những thằng đội lốt những cán bộ xã, phường do hắn tìm cách luồn lọt và chạy chức quyền... Thằng lớn, nhờ tiền cha rải, giành được chức phó chủ tịch kiêm trưởng công an. Thằng hai, con sâu mới đang bò vào lừa đảo và bòn rút các dự án. Cuộc đấu thầu công trình xây dựng, đấu thầu đầm thuỷ sản nào trong vùng cũng có bàn tay nó. Vợ chồng đứa con gái thứ ba có một nhà hàng karaoke ở Móng Cái, thực chất là một tụ điểm hành nghề mại dâm và bí mật buôn bán phụ nữ qua biên giới. Thằng thứ tư chuyên buôn bán nhà đất. Sang tên người nọ, mượn họ người kia, lúc bên chồng lúc bên vợ. Ngoài những biệt thự ở Vân Đồn đang nghén thành bạc tỷ, nó đã có bốn, năm lô đất đầu Cầu Mới. Thằng út chở động vật hoang dã trên ô tô, bị công an phát hiện, truy đuổi. Trong lúc chạy trốn, hoảng loạn, xe nó gây tai nạn giao thông, thiệt mạng người vô tội. Anh chị em chúng đang tuồn của tìm mọi cách chạy án cho nó. Người làng ít ai biết vụ việc này, vì hắn giấu rất kỹ như từng giấu quá khứ dưới những trang lý lịch màu hồng. Hắn tưởng phù vân ma thuật và thời gian sẽ vùi lấp đi quá vãng, dòng sông sẽ nhấn chìm, cuốn trôi đi tất cả tội lỗi cho hắn...Sau vụ phát hiện bộ xương chôn đứng, hắn ốm lơ lửng một thời gian dài. Vợ con chạy chữa cho hắn đủ thứ thuốc men, đủ đường cúng bái. Thằng cả bảo đàn em: “Bằng mọi giá phải cứu bố, để làm chỗ dựa. Vì ảnh hưởng của ông vẫn còn có lợi cho đường làm ăn của chúng ta...” Chục năm nay, hắn thành con người khác. Tâm trí như một vùng nước lợ. Ban ngày tỉnh táo. Ban đêm mê muội, hò hét, rên la. Giọng hắn khàn khàn, rờn rợn như từ âm phủ phát ra. Người ta thường thấy hắn ra bến sông tỉ mẩn nhổ đi trồng lại đám cỏ cáy còn lấm vệt phù sa. Rồi đêm đêm hắn lại tự biến mình thành pho tượng đá dưới gốc cây đước già. Đám trai gái đi chơi về khuya qua đây thường doạ ma nhau, ù té chạy. Có đêm, hắn lang thang khắp cánh đồng hì hụi lật từng vầng cày y đứa trẻ tìm bắt dế chọi. Vợ hắn luôn phải canh chừng, sau cũng đâm chán, coi như chuyện bình thường của kẻ đãng trí. Bà ta bỏ mặc, hắn đi đâu thì đi.
Còn ông Vệ Chẩm? Ông cũng như tôi, bị mất nhiều thứ quá! Và đến hôm nay, ông từng nói với tôi, bằng thứ ngôn ngữ không lời dẫn qua âm thanh của ngọn gió, của sóng bãi triều: “Chỉ vì chủ quan mà tôi mất một ván cờ! Hắn vẫn sống trờ trờ để hưởng thụ! Chả lẽ cách mạng để thế sao?” Nhìn ông, tôi rất buồn, đau đớn và tủi hổ, vì hơn năm mươi năm trước, tôi từng nâng đỡ kết nạp hắn vào tổ chức! Tôi ân hận, có những ý kiến của ông nhận xét về hắn, tôi đã không để ý. Tôi đành an ủi ông bằng sự truyền cảm qua những đốm lửa nhỏ: “Anh đau một, tôi đau mười. Nhưng vẫn còn đó Đức tin. Cái quả của hắn rút từ ruột dân mà có. Đấy là cái thiểu đức, toàn những hạt đắng và thối! Còn cái quả của anh tuy bị hắn đập vỡ, nhưng lại còn cái hạt phát tán đi. Đó là những đứa con ăn học thành tài. Các con anh đã thừa kế lòng trung thành, bản lĩnh và đức độ của cha! Cái mất của anh nằm trong cái hạt, lại đâm chồi nẩy lộc thành những thứ vô giá.”
Một buổi sáng cuối thu. Bầu trời đầy mây đã mấy hôm đang mỏng dần sau ánh nắng. Mây rạn từng mảng như cánh đồng khô hạn nứt nẻ chân chim. Những khe hở mỗi lúc một hé, toang ra cho ánh nắng hắt xuống. Dòng sông tráng một lớp bạc lấp lánh. Người câu cá ngày xưa thường ngồi trên cồn đá giữa khúc sông, bây giờ đã là một lão ngư râu tóc bạc trắng như một tiên ông, như một cây cổ thụ sắp hoá thạch. Nhưng dáng lão còn quắc thước, da đỏ nẩy đồi mồi. Lão thường ngâm ngợi những câu ca cổ không rõ lời. Lời ca nhoè trên mặt sông. Cậu con trai của lão là giám đốc một Công ty Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản. Anh đón lão vào phố huyện. Nhưng lão cả cười: “Con trai của ta ơi! Ta là người của dòng sông, không thể rời xa nơi đời ta từng nổi chìm với nó. Con cũng từ mặt nước mà lớn khôn! Và còn ngôi miếu nhỏ kia, ngày nào ta cũng thắp hương. Hãy để ta mai đây hoá thân ở nơi này!”
Đoạn sông đột nhiên vắng lặng. Lão ngư ngồi thong thả buông câu. Bỗng xuất hiện một người đàn ông béo tốt, da ngăm đen, chèo một chiếc thuyền gỗ. Chiếc thuyền cứ vật vờ trên mặt sông, quanh quẩn chỗ nước xoáy trước cửa miếu. Ông ta hết nhìn sông nước, bầu trời, lại ngửa mặt cười sằng sặc. Lão lấy làm lạ, để ý. Ai mà phởn chí, ngộ nghĩnh thế nhỉ? Từ xa, lão nhìn kỹ. Đúng rồi. Đúng cái ông người làng Hoà Phong từng làm chủ nhiệm, từng có thời ra bẻ gãy cần câu của lão, bắt lão nộp “hoa thuỷ” nếu không muốn đi khỏi cồn đá này! Chiếc thuyền gỗ vẫn trôi lòng vòng. Ông ta lại cười như điên như dại, nói những gì lảm nhảm. Ngược chiều gió, lão nghe không rõ... Sần sật. Sật sật. Mẩu phao chủng tít rồi chìm nghỉm. Cá cắn câu. Nó kéo rất mạnh, muốn kéo cả cần trúc và lão xuống. Chắc chắn con cá này rất to? Lão dùng hai tay nắm rõ chắc rồi giật mạnh. Chiếc cần câu gãy đánh rắc. Lão vội nhoài theo vồ lấy nửa trên và thoăn thoắt kéo vào. Chà chà... To thật. Dễ chục ký! Con cá giãy muốn đứt sợi dây câu. Cá sủ! Lão mừng quýnh. Lâu lắm, mấy chục năm nay dòng sông này mới lại có cá sủ trở về! Nhưng khi nhìn ra chiếc thuyền đang lênh đênh ngoài kia, thì... quái lạ, không thấy người đàn ông đâu. Chiếc thuyền đang quay lơ như chiếc mo mực trên chỗ xoáy ngầm. Lão giật mình, gọi thất thanh:
-Ối làng nước ơi. Có người chết đuối... chết đuối... Mấy thuyền lưới trên thượng lưu lao tới. -Đấy, chỗ nước xoáy trước cửa miếu. Lão vừa chèo chiếc mủng vừa hét: Thuỷ triều bắt đầu lên, chảy mạnh lắm. Phải đón lõng đằng kia! Gió thổi lồng, gằn những ngọn sóng. Dòng sông chảy quặt lại thượng lưu, sôi réo từng mảng xoáy. Vẫn chưa thấy tăm hơi. Một đoàn xà lan chở hàng chạy qua. Còi tàu rúc hối hả, âm vang. Thấy trên sông nhốn nháo, mấy thuỷ thủ kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Họ liền lao xuống, lặn ngụp, quần đi đảo lại. Sau một hồi toả rộng vòng tìm theo chiều nước chảy, một chàng trai chợt ngoi lên: -Đây rồi! Bà con ơi! Lạ lắm! Anh cố sức bơi, kéo một xác chết vào chân cồn, hổn hển: -Lạ lắm! Ông ta chết đứng. Đứng như người chào cờ dưới đáy sông!...
Mọi người quây lại: -Nam! Tưởng ai. Hoá ra anh Nam! Giỏi quá! -Thằng Nam! Con trai cả ông Vệ Chẩm! Ở đâu mà cháu lại qua đây?
-Cháu đang chở hàng ra cảng chuẩn bị cho chuyến đi biển sang Nhật!
Cái xác chết dưới đáy sông được vớt lên, nhợt nhạt:
-Trời đất ơi... ông chủ nhiệm cũ làng Hoà Phong!
Vòm mây rạn từng mảng lớn, tụ về cuối chân trời. Dòng sông rỡ ràng, lấp loá nắng trưa. Chiếc bát hương trong ngôi miếu đùng đùng bốc cháy!
 
DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI
Cẩm La-Yên Hưng-Quảng Ninh
ĐT: 033 3680 774  -  0982 367 982