Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÀY NÀY 75 NĂM TRƯỚC, CỤ PHẠM QUỲNH ĐƯỢC MỜI VÀ MẤT TÍCH

Vũ Thế Khôi
Thứ bẩy ngày 22 tháng 8 năm 2020 9:57 PM

NGÀY NÀY 75 NĂM TRƯỚC, CỤ PHẠM QUỲNH ĐƯỢC MỜI VÀ MẤT TÍCH

75 năm trước, vào 2h chiều ngày 23 - 08 - 1945, một nhóm người vũ trang đi xe o-tô ập vào ấp Hoa Đường trên bờ sông An Cựu, "mời" cụ Phạm Quỳnh đi gặp chính quyền Cách mạng Thừa Thiên-Huế. Cụ Phạm không bao giờ trở về nữa.

Một thời gian dài có những lời biện bạch rằng cụ Phạm bị một nhóm dân quân manh động sát hại. May thay, 8 năm trước đại tá TS Nguyễn Văn Khoan đã viết ra sự thật trong sách do Nxb CAND in ấn: “Báo “Quyết Thắng”, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung Bộ, số 11 ra ngày 9 - 12 - 1945 cho biết: “cả 3 tên Việt gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23 - 8 và đã bị Uỷ ban khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”.

Chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu…”

Vậy tại sao Hồ Chủ tịch gọi cụ Phạm Quỳnh là "học giả" và viết thư mời ra cộng tác với Cách mạng?

Nguyễn Cảnh Thuỵ: Lúc chuẩn bị được "mời đi", cụ còn có vẻ phấn khởi, dặn các con lấy hết vải đỏ ra may cờ cho Việt Minh. Khi bị gọi đi, các con nhắc cụ chưa uống thuốc, cụ bảo chốc về uống. Cụ có ngờ đâu họ tóm cụ đi... thủ tiêu(!)
________________

TÔI ĐI CẢI TÁNG THẦY TÔI

Phạm Tuân
Phạm Tôn'blog

Lời dẫn của Phạm Tôn: Ông Phạm Tuân là con trai út trong năm con trai của Phạm Quỳnh, sinh năm 1936 tại Huế, hiện định cư tại Mỹ.

…Năm 1948, anh Bích tôi (Phạm Tuân – PT ghi chú) lúc bấy giờ làm Bí thư cho Quốc trưởng Bảo Đại đã dò hỏi được nơi Thầy tôi bị giết và chôn nhưng không thực hiện được việc tìm kiếm. Phần vì địa điểm là một nơi xa xôi, hẻo lánh, hiểm trở, lại là một vùng “xôi đậu” thiếu an ninh. Phần vì nghe lời khuyên can của những người am hiểu tình hình: không nên mạo hiểm, vì rất có thể đây là cái bẫy…giăng ra để bắt và tiêu diệt những người có liên hệ với các nạn nhân…Một hình thức “nhổ cỏ phải nhổ cho sạch rễ” vậy.

Mãi cho đến năm 1956…bỗng một hôm gia đình chúng tôi được thông báo chuẩn bị sẵn sàng để đi nhận lãnh hài cốt Thầy tôi! Một niềm vui mừng khôn tả, đồng thời một nỗi xúc động vô biên tràn ngập trong lòng anh chị em chúng tôi. Lập tức chúng tôi đi tìm những tin tức chính xác hơn.

Được sự giới thiệu của ông Hoàng Hùng (Bộ trưởng Bộ Kiến Thiết) (là con trai một người bạn Phạm Quỳnh, từng ở nhà Phạm Quỳnh thời còn đi học ở Hà Nội – PT ghi chú) và ông Võ Văn Hải (Văn phòng Phủ Tổng thống), chúng tôi tìm đến gặp ông Võ Như Nguyện. Được biết ông Võ Như Nguyện (nguyên Tỉnh trưởng Bình Định) cùng ông Hoàng Ngọc Trợ (Quận trưởng quận Phong Điền, Thừa Thiên) là những người được Tổng thống Ngô Đình Diệm trao cho việc tìm kiếm (hài cốt cha con Ngô Đình Khôi, anh của Ngô Đình Diệm – PT ghi chú).

Việc tìm kiếm hài cốt không đơn giản mà là một công tác lớn lao, đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực, phương tiện và an ninh tuyệt đối

Ngày 5 tháng 2 năm 1956 (cận Tết) tôi và chị Hảo (Phạm Thị Hảo, con gái thứ ba trong tám con gái của Phạm Quỳnh – PT ghi chú) tôi đi Huế để cùng với một phái đoàn của chính phủ tìm và nhận hài cốt các nạn nhân.

…Thật “nghịch đời”, lúc sinh thời, Thầy tôi và cụ Khôi vì khác chính kiến nên đã trở thành thù địch, thề “không đội trời chung”, thế mà khi thác lại nằm chung một hố.

Chúng tôi (tôi và chị Hảo) phải ở lại Huế lâu hơn dự định, vì như đã tả ở trên, địa điểm là một nơi xa xôi, khó đi lại nên chính phủ phải huy động công binh khai quang, ủi đất làm đường, bắc cầu cho xe hơi đi…trên mười lăm cây số. Ngoài ra còn phải điều động binh sĩ đến giữ an ninh quanh vùng. Nói tóm lại là cả một công trình nan giải mà chỉ có một chính quyền mới thực hiện được mà thôi…

…Nhưng đôi lúc tôi tự hỏi, giả sử như Thầy tôi không bị chôn vùi cùng huyệt với cụ Khôi và ông Huân, những người thân của Tổng thống, thì chúng tôi có được sự giúp đỡ này không?

Suốt ngày 8 tháng 2 năm 1956, đào xới đất, kết quả chỉ bới lên được một bộ hài cốt không phải là của một trong ba người. Mọi người đều thất vọng, lại lo rằng sau mười một năm, trải qua bao mùa lũ lụt, có thể các di hài bị nước lũ cuốn trôi đi chăng?

Đến chiều hôm sau, cận Tết, dưới trời mưa lâm râm, bỗng xuất hiện một cụ già đi ngang qua. Cụ hỏi toán dò tìm: “Đã tìm thấy các cụ chưa? Đào mương nào, mương cũ hay mương mới?”. Thì ra có hai mương…Cụ già nói tiếp: “Cách đây mười một năm tại đây tôi có đào một con mương để dẫn nước từ sông lên ruộng. Hôm sau, ra tát nước thì thấy mương bị lấp. Du kích trong làng cấm không cho tới gần. Vài năm sau, có người đến thầu mấy thửa ruộng của tôi, cũng đào mương, thì bị khuyến cáo không được đào thẳng mà phải đào chếch sang một bên”.

Thì ra đây là “mương mới”, chỗ tìm ra hài cốt độc nhất nói trên. Toán công binh tiếp tục đào sâu hơn, với chu vi rộng lớn hơn, thì quả nhiên tìm được ba bộ hài cốt ở vị thế đúng như những chi tiết thâu lượm được.

Gần đến hài cốt, để tránh đụng đến xương, đám người có phận sự ngưng sử dụng cuốc, xẻng mà chỉ dùng đũa cả khơi đất ra từng mảng. Sau cùng lộ ra rõ rệt ba bộ hài cốt nằm chồng lên nhau.

Hài cốt của Thầy tôi rất dễ nhận vì dài và ngay cạnh, tôi nhận ra được đôi mắt kính cận…Hài cốt của cụ Khôi và ông Huân thì ngắn và nhỏ bé. Thân nhân nhà họ Ngô còn nhận ra được hai chiếc răng vàng và cái thắt lưng to bản (quân phục Nhật) của ông Huân.

Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn ba cái tĩnh, vải liệm trắng đỏ, ba chậu tráng men lớn chứa đầy cồn 90 để rửa xương.

Việc thử nghiệm, rửa hài cốt và tẩm liệm kéo dài đến khi trời tối

Tại làng Văn Xá, quan tài cụ Khôi và ông Huân được quàn dưới một lều vải lớn, có thể chứa cả trăm người, có đèn điện thắp sáng choang, vòng hoa phúng viếng bày la liệt, lính mặc lễ phục túc trực hai bên, các bộ trưởng thứ trưởng âu phục trắng cà vạt đen, các đại biểu, cán bộ đủ mọi cấp ra vào tấp nập…Tiếng cầu kinh của giáo chúng thập phương vang rền suốt đêm. Được biết, ngày hôm sau sẽ di chuyển hai quan tài về Hiền Sĩ. Tại đây, một nhà thờ lớn đã được dựng lên để cử hành tang lễ trọng thể theo nghi thức quốc táng, có đông người tham dự và sau mồng ba Tết mới đưa về Phú Cam chôn cất.

Trong khi đó, trên một ngọn đồi thấp cách đấy không xa, trong một chiếc lều nhà binh nhỏ bé, dưới ánh sáng mờ ảo của mấy ngọn nến, hai chị em tôi cùng cụ bà Ưng Trình (thông gia với gia đình chúng tôi) thay phiên thắp nhang bên linh cữu Thầy tôi.

Chúng tôi có mời một thượng toạ trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ trong làng đến làm lễ cầu siêu. Bên chính quyền cũng cử một đại diện đến phúng điếu và phân ưu. Sau đó, cắt cử hai quân nhân mặc lễ phục nghiêm chỉnh túc trực bên quan tài.

Như trên đã nói, ban tổ chức có cung cấp ba tĩnh bằng sành để đựng hài cốt…Cả ba có nắp in hình thánh giá của công giáo, nên chị tôi đã tế nhị từ chối để chỉ dùng cái tĩnh đã mua sẵn dành riêng cho đệ tử nhà Phật với chữ “Vạn” trên nắp.

Quá tủi thân trước sự khắc biệt, lòng ngậm ngùi thê thiết, chị em chúng tôi quyết định thuê đò chở quan tài Thầy tôi về Huế ngay đêm hôm ấy… Tám giờ sáng hôm sau thì đến chùa Vạn Phước. Thượng toạ trụ trì đã chờ sẵn. Sau nghi thức đơn giản, đúng chín giờ thì hạ huyệt. Một số đông bạn học cũ của các anh chị tôi tại hai trường Khải Định và Đồng Khánh đến chia buồn và tiễn đưa.

Thời gian dài kế tiếp sau đấy, người dân Sài Gòn được thấy một con đường lớn, rộng từ phi cảng Tân Sơn Nhất vào trung tâm thủ đô mang tên đại lộ Ngô Đình Khôi… Rồi đến thời Đệ nhị Cộng hoà của Tổng thống Thiệu “nghe nói” tên Thầy tôi đã được đặt cho một con đường nhỏ, gần đường Triệu Đà trong Chợ Lớn… Chị tôi và tôi lân la đi tìm, nhưng chẳng thấy tăm hơi…Tất cả chỉ là một “dự tính” mà thôi.

Ôi, thế thái nhân tình…
__________

(Trích bài Sống lại với ký ức thuở ngày xưa, báo Ngày Nay (tiểu bang Minesota), số 385, ngày 30-6-2005 và Việt Học tạp chí phổ thông, số 2 (Nam Califonia) tháng 6-2005).

http://xuandienhannom.blogspot.com/…/ngay-nay-75-nam-truoc-…

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi