Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“HOA GẠO ĐÁY HỒ” VÀ “CỬA SÔNG THIÊN ĐƯỜNG”, HÀNH TRÌNH CỦA NGUYỄN HẢI YẾN ĐẾN VỚI VINH QUANG

Đặng Văn Sinh
Thứ tư ngày 26 tháng 8 năm 2020 10:27 AM




Bước vào nghề khá muộn, mãi đến năm 2016 mới có những truyện ngắn đầu tiên, nhưng Nguyễn Hải Yến đã tạo dựng cho mình một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt bằng tập truyện “Quán thủy thần”, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2019.

Chùm truyện ngắn “Hoa gạo đáy hồ” và “Cửa sông thiên đường” lại một lần nữa khẳng định tài năng của nhà văn nữ xứ Đông khi mà chị giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” 2018-2020. Đây là cuộc “đấu xảo “ văn chương sang trọng, nghiêm túc, được những bậc thầy công tâm có con mắt xanh thẩm định chất lượng nên đương nhiên dư luận xã hội đồng tình tán thưởng.

Với hai truyện ngắn đẳng cấp này, Nguyễn Hải Yến trở thành hiện tượng, nhưng không phải nhất thời bởi sự lancer của giới truyền thông, mà là “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên không phải đợi đến “Hoa gạo đáy hồ” hay “Cửa sông thiên đường”, huyền ảo trên nền huyền thoại mới trở thành một trong hai đặc điểm làm nên phong cách Nguyễn Hải Yến, mà là sự tiếp nối từ những thiên truyện trước đó từng làm mê mẩn tâm hồn bạn đọc, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi như “Cây mẫu đơn hoa trắng”, “Quán Thủy Thần” hay “Dành dành cánh kép”.

Có thể xem, “Hoa gạo đáy hồ” và “Cửa sông thiên đường” được hình thành từ cảm hứng huyền thoại, cốt truyện nửa hư nửa thực nhập nhòa giữa hai thế giới âm dương, không đối lập mà giao thoa với nhau tạo nên những điểm giao cắt. Tại đó, tác giả thiết lập cho mình điểm nhìn nghệ thuật trước khi dựng nên “khung” văn bản. Lấy huyền thoại làm không gian truyện, căn cứ vào từng lớp văn bản: lớp hiện thực, lớp hư cấu, lớp nửa hư cấu nửa hiện thực, sau đó diễn đạt bằng ngôn ngữ mông lung, mờ nhòe, lãng đãng như sương khói. Đó chính là cách tạo nên hiệu ứng cao nhất về phương diện thẩm mỹ đối với người đọc.

Tạm thời chưa nói yếu tố huyền thoại, “Hoa gạo đáy hồ” và “Cửa sông thiên đường” vẫn là những truyện ngắn mới, lạ ở phần lõi, ly kỳ, hấp dẫn, rất khó tìm thấy cốt truyện tương đồng cho dù ở cấp độ sơ lược nhất, nhưng dường như lại cùng một dạng cấu trúc nếu nhìn từ góc độ tổng quát. Cả hai thiên truyện đều có người phụ nữ trẻ tham gia vào các sự kiện như là nhân vật trung gian. Ở “Hoa gạo đáy hồ” là cô gái từ Hà Nội lên, tìm vào thung sâu để gặp người phụ nữ ướp trà sương, còn ở “Cửa sông thiên đường” là cô gái theo người đàn ông đi thuyền đến búng Pha Long, nơi cửa sông thiên đường tìm mẹ. Chị Mai và người mẹ đều đã là những hồn ma, nhưng được phục dựng như những hình tượng văn học sống động. Bối cảnh của hai truyện cũng có những nét tương đồng về lòng hồ thủy điện ngập sâu năm chục mét hay những thác dữ trên sông nhấn chìm cả những chiếc bè gỗ lẫn tính mạng con người. Cửa sông thiên đường, nơi những hồn ma tụ tập và phiên chợ mỗi năm chỉ có một lần của người làng đảo nơi cây gạo đôi nở hoa dưới đáy hồ, đều là những chi tiết bất ngờ xuất hiện trên nền huyền thoại được tác giả khai thác từ tầng vô thức nên có sức thẩm thấu và cảm hóa đối với người tiếp nhận như một phép lạ.

Tuy nhiên, sự giống nhau chỉ là hiện tượng giả đánh lừa người đọc. Về bản chất, hai thiên truyện khác hẳn nhau. Ở “Hoa gạo đáy hồ” tư tưởng thẩm mỹ hướng về ký ức cộng đồng, mối tình có nền tảng sử thi được tái hiện qua cặp vợ chồng người người lính Điện Biên hay anh kỹ sư xây dựng với người con gái ướp trà hoa bưởi và những cư dân làng đảo bồi hồi nhớ cố hương. Những hồi ức và những mối tình ấy khiến người ta bâng khuâng man mác bởi mạch văn đầy biến ảo dù câu chuyện đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn lan tỏa mãi.

Ngược lại, với “Cửa sông thiên đường”, cấu trúc văn bản đa tuyến hơn, cốt truyện diễn biến phức tạp và dữ dội hơn. Đọc xong “Hoa gạo đáy hồ”, ta thấy lòng bâng khuâng như vừa được lại vừa mất một cái gì”. Nhưng ở “Cửa sông thiên đường”, bi kịch mối tình tay ba như một dự báo cho người đọc cái ác hiện diện ngay trong bản chất mỗi cá thể, trong mỗi gia đình nếu không có đủ khả năng chế ngự nó. Người anh cả, con trai ông thợ rèn là một hình tượng nhân vật sáng tạo độc nhất vô nhị của Nguyễn Hải Yến. Xưa nay, chưa thấy ở tác phẩm văn học nào mà người đàn ông ghen tuông đến mức gắn đao kiếm, chông sắt nhọn dưới gầm giường trong khi thang lại làm bằng gỗ phượng. Kết quả của hành vi bệnh hoạn ấy là ông bố đẻ sập bẫy qua đời. Thảm kịch mẹ con chị Hoài bị nước cuốn khi chiếc bè qua thác dữ hay người em nuôi hiền lành, trung thực đối xử với anh cả vô cùng tình cảm, bỏ nhà ra đi tìm người yêu chỉ là hệ quả gắn với những tội ác gã chủ bè đã mất hết nhân tính gây ra.

Khác với “Hoa gạo đáy hồ”, tư tưởng thẩm mỹ của “Cửa sông thiên đường” là bi kịch cá nhân. Nói rõ hơn, đó là câu chuyện về thân phận con người khi sinh ra đã phải chịu cảnh “chớp bề mưa nguồn" (chữ thường dùng của NHY). Truyện có cái kết cũng rất đáng cho người đọc suy nghĩ. Sống tử tế, lương thiện như mẹ con chị Hoài và người em, kẻ thì chết tức tưởi, người lang thang, phiêu bạt, trong khi kẻ thủ ác như anh cả lại trở thành chủ bè, giàu có, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt. Hóa ra cái ác ở trên đời này không phải bao giờ cũng phải trả giá ngay ở cõi nhân gian. Cũng bởi vì lẽ ấy nên Nguyễn Hải Yến mới đưa đến cho chúng ta một “Cửa sông thiên đường”, nơi tá túc tạm thời của những vong hồn trước khi được phép lên thiên đàng hay sa xuống chín tầng địa ngục.

Với hai truyện ngắn đặc sắc này, Nguyễn Hải Yến chẳng những được tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” vinh danh mà chị còn có chỗ đứng xứng đáng trong tâm hồn bạn đọc.

Chí Linh, 10 tháng 8 2020

Đ.V.S.