Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CƠM ÁO KHÔNG ĐÙA VỚI KHÁCH THƠ

Trần Hậu
Chủ nhật ngày 23 tháng 8 năm 2020 9:44 PM


Các nhà thơ hôm nay được khắc chữ vàng trong lịch sử văn học Nga, sinh thời không hiếm khi rơi vào cảnh khốn cùng. Tờ Nhân chứng và sự kiện kể về việc sinh thời Anna Akhmatova, Boris Pasternak và 6 nhà thơ Nga nổi tiếng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (được gọi là thế kỷ Bạc) đã vất vả kiếm sống như thế nào.

Nhà thơ không phải là một nghề. Nhà thơ là một thiên chức. Hiện nay các nhà thơ, nhà văn không hiếm người kiếm sống bằng nghề báo, biên tập sách, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực showbiz và giáo dục-đào tạo. Nhưng ở thế kỷ Bạc, ít người tồn tại và nuôi sống được gia đình bằng nhuận bút thơ. Ngay cả những nhà văn vĩ đại mà chúng ta biết tên qua các cuốn sách giáo khoa văn học cũng phải tìm kiếm những nguồn thu nhập thêm.

Aleksandr Blok

Aleksandr Blok (1880-1921) - nhà thơ hàng đầu của trường phái Hình tượng Nga, cùng với các nhà thơ khác đã tạo nên một "Thế kỷ Bạc" của thơ ca Nga.

Thời sinh viên, Blok đã công bố các bài phê bình văn học, các tập thơ, diễn thuyết tại hội tôn giáo-triết học. Được biết, sau khi cụ thân sinh qua đời năm 1909, nhà thơ được hưởng gia tài, điều này đã giúp ông thoát khỏi nỗi lo lắng về việc nuôi sống gia đình và cho phép ông dành thời gian rỗi thực hiện những dự định văn học lớn. Và chỉ sau cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 (8 năm sau), lần đầu tiên trong đời, Blok buộc phải lao động kiếm sống.

Trong giai đoạn từ năm 1917 đến 1920, Blok hoạt động xã hội rất tích cực, ông tham gia Ủy ban Điều tra đặc biệt chuyên điều tra tội ác của chính phủ Nga hoàng với tư cách biên tập viên các biên bản tốc ký; là ủy viên Ủy ban Sân khấu-văn học, cộng tác với Ban Sân khấu của Bộ Dân ủy giáo dục; tham gia hội đồng biên tập của Nhà xuất bản “Văn học thế giới”; là Chủ tịch Hội nhà thơ Petrograd.

Thời gian này, Blok chuyển sang viết văn xuôi. Nhật ký của ông đầy những ghi chép về các cuộc họp kéo dài lê thê. “Thật kinh khủng! - nhà thơ thốt lên. -Phải chăng tôi không có chút quyền tối thiểu của một nhà văn?”

Nikolay Gumilyov

Nicolay Gumilyov (1886-1921)- là nhà thơ Nga thế kỷ bạc, người sáng lập trường phái văn học Đỉnh cao.

Gumilyov thực hiện chuyến du lịch đầu tiên tới châu Phi bằng tiền của gia đình, chuyến thứ hai - bằng tài trợ của Viện Hàn lâm khoa học Nga. Trong khoảng thời gian giữa các chuyến đi, nhà thơ xuất bản tạp chí, điều hành các cuộc họp tại “Phân xưởng thơ ca” do ông tổ chức, tham gia dịch thuật, xuất bản các tập thơ, phụ trách ban phê bình văn học của tạp chí “Apollon”, nơi đã công bố “Những bức thư về thơ ca Nga” nổi tiếng. Suốt cả cuộc Thế chiến thứ nhất, nhà thơ ở ngoài mặt trận. Năm 1918, ông xin vào làm việc tại ban mật mã của Ủy ban chính phủ Nga ở Paris, nhưng công việc sự vụ không thích hợp với ông. Hai tháng sau, ông trở về Nga.

Gumilyov là biên tập viên, dịch giả, giảng viên. Ông được bầu làm chủ tịch Hội nhà thơ Petrograd thay Blok. Nữ họa sĩ Nga Olga Della-Vos-Kardovskaya nhớ lại của gặp gỡ của chồng bà với Gumilyov năm 1920, khi được hỏi “Anh sống thế nào”, nhà thơ trả lời: “Biết nói thể nào nhỉ! Tôi dịch một dòng được trả ngần ấy tiền, còn bơ hiện nay giá thế này. Trong khi đó, mỗi ngày tôi dịch được không quá 7 dòng. Thế đấy, anh hãy đoán xem tôi sống thế nào”. Năm 1921, trước khi mất, Nikolay Gumilyov nghĩ về việc ông sẽ phải làm gì trong tương lai: “nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn học, nhà khảo cổ, dịch giả. Không nên chỉ mỗi sáng tác thơ…” (Gumilyov là chồng của nữ thi sĩ Anna Akhmanova)

Anna Akhmatova

Anna Akhmatova (1889-1966) - nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, dịch giả Nga, một trong những khuôn mặt xuất sắc nhâtf của thơ Nga thế kỷ XX

Một năm sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Akhmatova làm việc tại thư viện Trường Đại học Canh nông (cho mượn sách, viết phiếu thư mục). Trong những năm buộc phải im lặng, bà nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm của Aleksandr Pushkin, kết quả là đã xuất hiện các công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực Pushkin học

Akhmatova không công bố thơ từ năm 1925-1939, và sau đó còn một thời kỳ gián đoạn nữa, từ năm 1946-1955. Năm 1946, nữ thi sĩ bị phê phán gay gắt, bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn Liên Xô, bà không còn tiền để sống. Bà buộc phải kiếm sống bằng dịch thuật. Sau khi Stalin từ trần, tác phẩm của Akhmatova lại được quan tâm. Những bài thơ kêu gọi chiến đấu và chiến thắng của bà viết từ những ngày đầu chiến tranh, được các báo tranh nhau đăng tải. Akhmatova gọi đó là thơ “đặt hàng”, và nhận được những khoản nhuận bút “phi thường”.

Nhưng tiền bạc mang lại ít thay đổi trong cuộc đời bà. Bà thường phân phát quà tặng của bạn bè cho những người mà theo bà cần hơn. Năm 1953, Akhmatova nhận được một khoản tiền lớn, nhuận bút bản dịch vở kịch thơ “Marion Delorme” cho tuyển tập tác phẩm của Victor Hugo. Bà đã tặng toàn bộ nhuận bút của mình cho Aleksey Batalov, con trai của một người bạn thân, để “ăn diện”, nhưng chàng trai đã mua một chiếc xe “Moskvich” cũ màu xanh.

Vladimir Mayakovsky

Nhà thơ Vladimir Mayakovsky (1893-1930) - một đại diện tiêu biểu nhất của trường phái thơ vị lai thế kỷ XX

Năm 15 tuổi, Mayakovsky kiếm sống bằng nghề khắc gỗ và tô màu những quả trứng Phục Sinh. Sau khi bố qua đời, hoàn cảnh kinh tế của gia đình trở nên bi đát. Vì thế nhà thơ tương lai buộc phải bỏ học. Năm 1911, sau khi làm quen với David Burlyuk (nhà thơ kiêm họa sĩ Nga), Mayakovsky lần đầu tiên bắt đầu đi đọc thơ và diễn thuyết trong nước. Nhà thơ Korney Chukovsky nhớ lại: “Ít ai biết rằng vào những năm đó, Mayakovsky cực kỳ túng thiếu…Trong phòng của ông, món đồ gỗ duy nhất là chiếc mắc áo… Nhiều ngày ông đứt bữa”.

Từ năm 1912, các tập thơ của Mayakovsky lần lượt được xuất bản, ông cộng tác với các tạp chí và báo, viết kịch, bút ký, kịch bản điện ảnh, làm đạo diễn và diễn viên, tổng biên tập các tạp chí “LEf” và “LEf mới”, tổ chức các nhóm thơ vị lai, hoạt động như một họa sĩ và nhà thơ tại thông tấn xã “ROST”, làm công tác tuyên truyền và quảng cáo – cho đến tận năm 1930. Theo thông tin của nhà nghiên cứu văn học Thụy Điển Bengt Jangfeldt, thời gian này Mayakovsky thu nhập cao gấp 13 lần người công nhân bình thường. Thành công văn học và sự trọng dụng của chính quyền cho phép nhà thơ nuôi được mấy gia đình và đồng thời vẫn tiêu xài xả láng.

Marina Tsvetaeva

Maria Tsvetaeva (1892-1941) - nhà thơ, nhà văn Nga, một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của Nga thế kỷ XX

Năm 1918, Maria Tsvetaeva xin được việc làm ở Bộ Dân ủy về vấn đề dân tộc, nhưng bà chỉ làm ở đây được hơn 5 tháng - trải nghiệm công việc đầu tiên và cuối cùng của bà ngoài văn chương. Ở nước Nga thời kỳ cách mạng, gia đình bà sống bữa no bữa đói, nhưng trong thời kỳ lưu vong, cuộc sống của bà cũng không dễ chịu hơn. Ngoài số tiền 600 koruna/tháng do chính phủ Czech trợ cấp, bà còn có một khoản thu nhập nhỏ bằng in và đọc thơ (1 franc/1 dòng).

Nhà thơ Nga Aleksey Eysner viết: “…Alya, con gái của Marina Tsvetaeva, đan mũ. Con trai Seryozha kiếm được một ít, cả ba mẹ con nhặt nhạnh được khoảng 2000 rúp cho một cuộc sống kham khổ. Bạn bè thậm chí đã thành lập một ủy ban hỗ trợ nhà thơ.

Trở về tổ quốc, Tsvetaeva kiếm sống lặt vặt bằng dịch thuật. Một lần, bà viết đơn xin làm chân rửa bát tại nhà ăn tập thể của Hội Nhà văn, nhưng không được chấp nhận. Không lâu trước lúc thắt cổ tự tử, bà viết trong nhật ký: “Từ nhỏ, mình cũng như cả gia đình mình, được giải phóng khỏi hai khái niệm này: danh vọng và tiền bạc…Tiền ư? Mình sổ toẹt vào nó. Mình chỉ nhận ra tiền khi không có nó thôi…”

Boris Pasternak

Boris Pasternak (1890-1960)- nhà thơ, nhà văn Nga-Xôviết, đoạt Gảiải nobel Văn học năm 1958

Năm 1916, Pasternak làm trợ lý về soạn thảo công văn và báo cáo tài chính tại một nhà máy. Sau đó, ông sốt sắng tìm kiếm nguồn thu nhập ổn định. Từ năm 1923, Pasternak sống rất khó khăn, ông dịch thơ của các nhà thơ Đức nổi tiếng, lập thư mục các bài bình luận của các tác giả nước ngoài về cái chết của Lênin, sáng tác thơ cho thiếu nhi. Thu nhập rất ít ỏi.

Đến năm 1927, Pasternak đã trở thành nhà thơ nổi tiếng. Tại các nhà xuất bản, ông đặt điều kiện về tiền nhuận bút (không dưới 3 rúp một dòng – mức tối thiểu thời bấy giờ). Đến cuối những năm 30, ông chuyển sang viết văn xuôi và dịch thuật, công việc này về sau trở thành nguồn thu nhập chính. Vợ nhà thơ, bà Zinaida Pasternak , nhớ lại: “Anh ấy kiếm được rất nhiều tiền, nhưng tôi không mua sắm kim cương”, người vợ đầu và con trai, ông bạn nhà thơ Tabidze, Akhmatova, những người thân của Tsvetaeva đều sống bằng tiền trợ cấp của Pasternak.

Trong những năm cuối đời, nhà thơ gặp rất nhiều khó khăn. Ông buộc phải từ chối giải thưởng Nobel Văn học. Vào thời điểm đó, nhuận bút các tác phẩm của ông được đăng tải ở phương Tây lên tới hơn một triệu USD, nhưng ông không biết. Ở Liên Xô, người ta không cho phép nhận nhuận bút ở nước ngoài, còn khi cho phép thì nhà thơ đã qua đời.

Osip Mandelshtam

Oship Mandelshtam (1891-1938) - nhà thơ, nhà văn Nga,một trong nhnưgx nhà hơ tiêu biểu nhất của trường phái thơ Asmeist (Đỉnh cao) Nga.

Sau năm 1917, Mandelshtam làm việc ở Bộ Dân ủy giáo dục, phụ trách tiểu ban phát triển thẩm mỹ của ban cải cách nhà trường phổ thông, đồng thời cộng tác với các báo, dịch thuật, ba năm liền ông là cố vấn văn học của báo “Thanh niên Moskva”.

Năm 1927, ông ký hai hợp đồng: xuất bản tuyển tập thơ và tuyển tập các bài báo với số tiền nhuận bút cho phép ông đi du lịch Kavkaz. Năm 1930, khi trở về, ông xin cấp một căn phòng, nhưng bị từ chối. Còn khi nhà thơ nhận được căn hộ ở Moskva thì ông sống ở đấy không lâu, vì phải trả tiền nhà. Đành phải đến tá túc tại nhà bạn bè.

Nữ thi sĩ Nadezhda Volgin công nhận rằng Mandelshtam kiếm được nhiều tiền hơn tất cả các dịch giả bà quen biết, nhưng ông không biết tiêu tiền, trong những ngày đói nhất ông có thể đổi một khẩu phần bánh mỳ lấy suất bánh ngọt và sau đấy nhịn đói. Năm 1932, ông được cấp lương hưu 200 rúp/trên tháng vì “công lao đối với nền văn học Nga”. Thời gian này, ông viết nhiều nhưng không có điều kiện in ấn.

Năm 1934, nhà thơ bị bắt vì viết thơ trào phúng về Stalin, ông bị đày ở Ural, sau đấy được chuyển về thành phố Voronezh – đến năm 1937, gia đình sống gần như bần cùng, thỉnh thoảng nhận được một ít nhuận bút (của nhà hát, báo) và sự giúp đỡ của bạn bè. Bà Nadezhda Yakovlena, vợ ông, nhớ lại: “Đôi khi tôi cảm thấy không thể sống nổi nữa…Thế nhưng Osip bỗng nhiên nói: “Tại sao em lại nghĩ rằng em phải được sung sướng?”. Điều đó đã và đang động viên tôi rất nhiều”.

Nguồn Aif.ru