THĂM THẲM MỘT TÌNH YÊU HÀ NỘI
Nhà PBVH Vũ Nho
Thứ sáu ngày 28 tháng 8 năm 2020 9:18 AM
Đọc Hà Nội và tôi của Vũ Ngọc Tiến, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Những năm gần đây, có một số nhà văn gốc Hà Nội, quan tâm đến Hà Nội của mình đã viết nhiều về thành phố này. Trong số đó phải kể đến các tên tuổi đáng chú ý như Đỗ Phấn (Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Ngẫm ngợi phố phường, Đi chơi bờ hồ, Bâng quơ một thời Hà Nội,…) , Nguyễn Trương Quý (Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Còn ai hát về Hà Nội,…), Bảo Sinh (Bát phố), Trần Thị Trường (Phố hoài),… Và bây giờ là Vũ Ngọc Tiến. Cuốn sách có nhan đề “Hà Nội và tôi”, như vậy Hà Nội được cảm, được nhìn, được miêu tả, được đánh giá qua lăng kính của nhân vật tôi – nhà văn Vũ Ngọc Tiến. Nhân vật ấy từ thuở ấu thơ sống giữa những người thân trong gia đình, sống cùng bè bạn học cấp 1, cấp 2, rồi vào Đại học. Và trở thành kĩ sư, nhà văn, qua tuổi thất thập. Lúc nào cũng đau đáu về những con người, những vẻ đẹp văn hóa Hà Nội, những thăng trầm của thành phố ngàn năm tuổi từ thời Pháp chiếm đóng, qua thời hòa bình, qua cuộc kháng chiến chống Mĩ cho đến thời mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới. Chúng ta từng biết đến truyện ngắn “Một người Hà Nội” rất nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải, dựa vào nguyên mẫu bà Tuyết Chi là cô họ của nhà văn. Theo Nguyễn Khải thì đó là “hạt vàng” của đất Hà Nội. Trong sách này của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, hình ảnh của bà Tuyết Chi được khắc họa khá chi tiết trong bài “Hà Nội có bà Nguyễn Du”. Ngoài hình ảnh bà Tuyết Chi, nhà văn còn nói đến những người Hà Nội khác trong 23 bài viết của ba phần Hoài niệm Thăng Long, Muốn quên một thuở và Trăn trở hôm nay. Trong số những người Hà Nội được tác giả phác họa chân dung, có những người lương thiện, đứng đắn, lịch lãm của một Hà Nội thanh lịch, hào hoa. Như là những người trong gia đình nhà văn, doanh nhân Mỹ Bảo, mẹ nhà văn, ông thứ trưởng Tư Cóc, “Bà Nguyễn Du”, ông già tìm hoa trong rác, ông PTY đi tham gia kháng chiến, anh chàng Chung có giọng tenor “rất bay và sáng đẹp hơn cả Trọng Nghĩa”, có Ba Toác, có Hải “chichomex”, có Lê Mai – một nhà văn Hà Nội, Ông Phúc Phật quê Gia Viễn Ninh Bình, anh bạn giám đốc quen tình cờ trên đồi thông (Lục hòa). Đồng thời có cả những người giàu có, lắm tiền nhưng chây ỳ, quỵt nợ như bà Phúc Toàn; có người làm nghề phe phẩy như bà Tuyết Phe; có kẻ cầm đầu lưu manh móc túi như Tâm Sứt; có người tù ngổ ngáo anh chị như Bôn Tây; có họa sĩ VP sa đọa trác táng hoàn lương (Ngôi nhà chung và chàng họa sĩ); có kẻ lưu manh, từ chủ đề, phất lên, buôn bán - kể cả “buôn vua”, khoác áo trí thức như Đại Vĩ (Cái chết của một đại gia). Tay hiệu trưởng vốn là “gã đánh trống” gian manh gặp thời, Tâm, kẻ lừa tình giờ là “sếp cỡ bự trên thành phố” (Ngoại tình tuổi năm mươi). Không lên giọng tụng ca thái quá, cũng không oán hận hay chì chiết, khinh miệt, Vũ Ngọc Tiến cứ khách quan, trung thực dựng lại chân dung của họ, làm nên hai mảng sáng – tối, đẹp –xấu, văn hóa, thanh lịch- phản văn hóa, thô kệch của một Hà Nội mà tác giả yêu đến the thắt con tim. Trong số những người phụ nữ của Hà Nội xưa, để lại ấn tượng mạnh mẽ là bà Tuyết Chi, người phụ nữ đảm lược, thông minh. Bà là “hình mẫu lí tưởng về một phụ nữ Hà thành xưa vẹn đủ Công – Dung – Ngôn – Hạnh, một nữ doanh nhân giỏi giang, lịch duyệt” (tr. 55). Ch