Mùa hè, tôi cùng người em họ đi xe Honda băng qua những nương rẫy trồng mía có nhà máy đường gần đó, ruồi bay quanh những đống mía khô rào rào như mây đen khi trời sắp mưa. Nhưng ở đây nhiều ngày không mưa. Cuối ruộng mía có một căn nhà gỗ, khang trang hơn những căn nhà khác của xóm dân kinh tế mới. Năm đó tôi còn trẻ, học đại học, không nghề ngỗng gì, mùa hè vào rẫy chơi, đi với đứa em họ mà tôi thân thiết từ nhỏ, làm nghề y tá chích dạo, thỉnh thoảng giúp việc cho chú ấy, cuộc sống vui vẻ, không thiếu thốn như ở thành phố. Hãy tưởng tượng một cánh đồng trải dài dọc khe suối, quanh dốc đồi, cỏ lau trắng xóa, những người công nhân làm mía, làm nhà máy đường, tưởng tượng tiếng đàn ghi ta của họ khi đêm xuống, bên đống lửa. Tôi và người em đến căn nhà ấy, chỗ ở của người chủ cánh đồng, một người dân Sài Gòn cũ bán hết sản nghiệp lên vùng kinh tế mới, trồng mía cung cấp cho nhà máy đường cấp huyện. Hạn hán và sâu rầy là hai nỗi lo của người trồng mía, năm ấy họ có đủ cả hai.
Khi chúng tôi đến nơi, trời sập tối, trước sân có bầy chó nằm canh bên đống lửa. Cảnh hoang dã, bí mật. Trong nhà có một người bệnh. Bạn đứng ngoài cửa nhìn vào đã nhận ra ngay cảm giác ấy. Khung cảnh im lặng, mặc dù có người đi ra đi vào, đồng hồ trên tường chạy sai giờ, không gian chập choạng mờ ảo, thoáng mát, mặc dù ngoài trời hầm hập nóng, ngọn đèn leo lét trên bàn thờ. Em họ tôi vừa là y tá tự học vừa biết châm cứu, thuốc nam. Chú ta lôi trong cái bọc ra những dụng cụ hành nghề. Người bệnh nằm trên giường, trong màn chống muỗi màu xanh, loại màn của quân đội, đưa cánh tay ra ngoài, như kiểu hồi xưa các lương y đến bắt mạch cung nữ. Tôi nhìn thấy cánh tay trắng muốt, đeo ở cổ tay một vòng cẩm thạch màu xanh thiên lý. Nhìn kỹ, những đường gân tay nổi lên xanh mét. Qua làn vải mùng, tôi nhận ra đó là cô gái, bằng tuổi tôi hoặc nhỏ hơn, mắt nhắm nghiền, mặt đẫm mồ hôi, thở mệt nhọc, ngực phập phồng lên xuống. Cô bị ho và sốt đã nhiều ngày, ông em tôi chuẩn đoán bị sưng phổi, ngày nào cũng đến chích một lọ benzathine penicillin. Thời đó đau bệnh gì cũng chích trụ sinh, gọi là chữa bá bệnh. Chích thuốc đã ba ngày mà bệnh nhân không đỡ, bớt ho nhưng vẫn sốt. Kẹp nhiệt, lên đến 39 độ C. Cô vén mùng ra định ngồi dậy nhưng em tôi ngăn lại. Mắt cô sáng, long lanh, như của người bệnh, nhưng tia nhìn đằm sâu, dịu dàng. Cô nằm sấp xuống để em tôi chích thuốc rồi kéo mùng lại, tiếng muỗi bay vo ve khắp nơi. Sau khi xong việc, hai anh em khăn gói chuẩn bị ra về, tôi tìm thấy trong túi xách của mình mấy viên ký ninh còn sót lại. Hồi đó là thuốc dự phòng mà người dân đi rừng nào cũng thủ trong người. Tôi tin chắc cô gái bị sốt rét rừng. Nhưng khi nói ra điều ấy em tôi gạt đi, bảo sốt rét xảy ra theo chu kỳ, và ở người bị sốt rét, trước đây họ đã sốt nhiều lần rồi, nhưng cô này bị lần đầu. Vả lại cô còn ho hen sổ mũi, thở mệt, giống như bệnh cảm mạo. Tôi nghĩ thầm, những người ở thành phố về quê cũng có thể mắc bệnh lần đầu, và như thế càng nguy hiểm, nhưng cảm thấy không tiện nói thêm, nhất là trước mặt mẹ cô gái. Đó là một người đàn bà gầy, dáng điệu thanh nhã, giọng nói nhỏ nhẹ. Lục được tất cả mười viên thuốc ký ninh, tôi đưa hết cho bà và dặn lát nữa cho cô uống. Một tuần sau, ông em họ của tôi vừa cười ra vẻ bí mật vừa bảo tôi, tối nay chúng ta đi ăn, có người mời tiệc. Tôi không hỏi ở đâu, vì từ khi tới vùng đất lạ này tôi đi đâu cũng được, gặp gì cũng thấy mới, càng đi với chú em càng học nhiều thứ.
Cô gái khỏe trở lại. Đi lại bình thường, linh hoạt. Nếu đúng là sốt rét, khi cắt cơn, người bệnh hồi phục mau lẹ. Hóa ra cô là người thích trò chuyện, với lối nói chuyện kín đáo nhưng dí dỏm. Bàn ăn bầy ngoài sân, gần bậc thềm, cái nồi lẩu thịt dê bắc trên lò lửa sôi sùng sục, và nhiều món ăn giản dị nhưng nấu ngon, đã lâu tôi không còn nhớ, nhưng nhớ được hũ rượu nếp than, kèm một xô nước đá mua ở đâu về. Rượu nếp than bỏ đá vào, chung quanh cái lẩu, ông chủ nhà với bốn năm thực khách đang trò chuyện ồn ào vui vẻ. Hôm ấy trăng rằm, gió mát. Khi đi rửa tay, tôi băng qua căn nhà rộng, thấy cô bé đứng ở đó. Cô mỉm cười cám ơn tôi đã cho thuốc. Té ra hôm trước cô không nói gì, vì đang lên cơn sốt cao, nhưng tai nghe mắt thấy mọi chuyện. Tôi tình cờ nhìn qua vai cô về phía bàn thờ nơi có ngọn đèn leo lét, lần này nhác thấy cái kệ sách nhỏ. Tôi vốn mê sách. Bất kỳ ở đâu mỗi khi nhìn thấy tủ sách là mắt tôi dán vào không rời ra được, trời đất bỏ qua một bên. Tôi thấy trên ngăn cao nhất một cuốn sách dày. Thấy tôi nhìn đăm đăm cuốn sách, cô gái bước tránh ra một bên để tôi tiến lại gần. Có lần tôi đã đọc nó, lắc nhắc mười năm trước. Cuốn sách dày tám trăm trang, bìa cứng, in đẹp, có tên “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”, do Nguyễn Đông Ngạc chủ biên, nhà xuất bản Sóng, bản in 1973. Anh thích cuốn nào, lấy về mà đọc, cô mỉm cười, nói. Tôi không khách sáo, cầm lên, chăm chú đọc. Tôi lướt qua những truyện ngắn những tên tuổi quen thuộc, từ Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, đến Cửa sau của Mai Thảo, từ Nhất Hạnh với Cửa tùng đôi cánh gài đến Nhã Ca với Truyện cho những tình nhân. Tôi đứng như thế, đọc quên trời đất. Ngực tôi đập mạnh. Tôi đọc lướt, rồi đọc từng chữ, đọc từng chữ, đọc lướt.
Tôi đứng như thế bao lâu, tôi không biết. Sau hôm đó tôi có dịp đọc một hai lần trọn vẹn các truyện ngắn, ba mươi sáu tác giả, mỗi tác giả một truyện. Tôi không biết chúng hay hoặc dở thế nào, tôi không kịp phân tích và thẩm giá, chỉ nhớ lại ấn tượng. Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ lõm bõm láng máng từng đoạn hoặc từng ý. Nhớ Bình Nguyên Lộc với câu mở đầu: chim đang bay lượn bỗng đứng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Tôi nhớ mở đầu của Nguyễn Mạnh Côn: Tôi có người em gái xinh đẹp, yêu chồng, trung thành với chồng, không ngớt lo lắng và không ngừng săn sóc cho chồng. Câu mở đầu nhẹ nhàng mà khiêu khích của Trần thị Ngh: Một hôm chàng nói với tôi: em dám bỏ trốn với anh không? Tôi nhìn chàng nghi ngờ: chưa có cuộc ngoại tình nào thành công cả. Tôi bị ám ảnh với các nhân vật nửa lãng mạn nửa cơ cực của Võ Phiến, nụ cười tinh nghịch điệu nghệ: buổi chiều anh về tới nhà trời còn sáng một lúc lâu. Khoảng một giờ. Trong ráng chiều đôi ba con én nhào lộn ngoạn mục trên các mái nhà. Tôi thích chữ ngoạn mục, chữ hơi cổ, bây giờ không mấy ai dùng nữa, nhưng đã được gieo xuống đắt. Trong cảnh ấy phải là ngoạn mục, chứ không phải đẹp mắt. Vì én nó bay rạo rực lắm. Tôi ngạc nhiên vì truyện Lòng thành của Túy Hồng, giọng văn rườm rà, kể lể khúc nôi, trong khi ở tác phẩm khác Túy Hồng sắc sảo hơn, viết văn như phóng dao nhọn. Nhưng có lẽ sâu hơn là tôi thích cái nhìn khinh bạc của bà về các vấn đề xã hội trong Những sợi sắc không mà tôi đọc trên nhật báo. Tôi thích Trùng Dương với lối văn như văn nói: đến chiều vụ dọn nhà kể như xong. Nguyễn Đức Sơn không ngớt ám ảnh tôi với Ý tưởng chiều tà, kể chuyện một chàng trai lên cao nguyên rồi đổi ý trở về. Ai biết đâu nhiều năm sau nữa chính tác giả sẽ lên đó và không về nữa, nằm xuống. Tôi hay nhớ một vài câu lác đác trong những truyện đã đọc, mỗi tác phẩm chỉ nhớ một hai câu. Như của Nguyễn Đức Sơn: anh biết chắc rằng ngày mai ngày kia hay một ngày nào sẽ đến, dù anh có về đây ở sân ga này hay trở lại ngôi biệt thự kia, không bao giờ anh còn nhìn thấy nắng của ánh hoàng hôn kia nữa. Truyện về chiến tranh của Cung Tích Biền làm tôi bàng hoàng. Với nhân vật chú Sáu và hai con bò của chú. Hình ảnh tội nghiệp của người nông dân Việt Nam: chiều nào khi mặt trời sắp chôn xuống chân núi, chú Sáu cũng mang hai con bò phân tán ra hai nơi góc vườn. Chú phân tán ra hai nơi làm chi vậy? Để có chết thì chết một con thôi. Tôi nhớ người đàn bà hàng xóm của tôi ngày trước có bốn con trai, mà ba người phải đi lính, bà dặn mỗi anh đi một binh chủng khác nhau, để nếu có mệnh hệ gì bị đứa này còn đứa khác, ngờ đâu ba đứa con của bà đi lính thì sống, đứa ở nhà làm ruộng thì chết vì trúng đạn pháo kích. Tôi nhớ dáng anh nằm ngửa sau cái cày, con bò biến đâu mất.
Tôi gập sách lại, nhìn qua cửa sổ, trăng rằm lên rọi sáng một sườn đồi, như ánh phản chiếu của một nền văn học tráng lệ, giữa những um tùm cỏ lau dại, những vạt mía năm nay xơ xác mất mùa. Lúc nào nhìn vầng trăng nhô lên chân trời, tỏa sáng dịu dàng, tôi cũng đứng sững. Nó tròn đẹp như một ngọn đèn lồng trong ngày rước dâu về nhà chồng. Năm ấy có một hoàn cảnh kỳ lạ ở nông thôn, rừng núi, nơi những người dân thành thị, tư sản và trí thức, thầy giáo và sĩ quan, bỏ nhà bỏ cửa về vùng kinh tế mới. Họ sống cuộc đời lăn lộn khổ cực với nông dân nhưng vẫn mang theo chút ánh sáng thị thành, chút văn minh cuối cùng của Việt nam Cộng hoà, với những băng nhạc bị cấm lưu truyền ở thành phố nhưng ở nơi hoang dã thiên hạ nghe thoải mái, những cuốn sách bị truy quét ở Sài gòn được giữ lại rải rác đâu đó trong góc nhà, trên sạp lúa của nông dân. Hoàn cảnh cũng giống như thời tản cư, kháng chiến chống Pháp của Doãn Quốc Sỹ với Chiếc chiếu hoa cạp điều. Những người thành thị ấy, không bị ghen ghét, truy bức nữa, không bị cải tạo vì tự họ đã cải tạo rồi trong rừng sâu núi thẳm, hòa mình vào đời sống thiên nhiên, tự bôi xóa mình, làm cho con cái thất học, liệng bỏ giáo dục vào xó nhà, những thứ mang lại cho họ bất hạnh trong một xã hội hận thù. Thế mà giữa đống lau sậy ấy trong đám sách vở mối mọt ấy vẫn còn le lói ánh sáng đèn đường, mùi cà phê trong tóc, mùi phấn son kỹ nữ lẫn vào mùi phân bón, nhang khói văn chương trộn với bã mía thời gian.
Khi những người khách ăn uống sắp xong, cô gái hôm trước mang ra một cái dĩa lớn, trên đó có xoài xanh cắt nhiều lát mỏng và một túi muối ớt. Tôi không để ý lắm vì vốn không phải người ăn vặt. Thỉnh thoảng thấy cô cậu ăn trái cây chua chấm muối như khế, cóc, ổi, tôi đều cười thầm, nghĩ đó là trò con nít. Thấy bọn đàn ông chúng tôi thờ ơ, cô phải tự mình quảng cáo, cô mở cái túi ra và bảo muối ớt này không phải bình thường mà em học của má em, má em học ở quê lúc nhỏ. Kêu bằng muối ớt Tây ninh, té ra má cô gốc Tây ninh, lấy chồng Sài gòn, gồm có muối, tiêu, ớt, tỏi giã nhỏ, trộn với tôm sấy khô, đường cát trắng. Tôi nhìn kỹ còn thấy một vài chiếc lá thơm như bạc hà, rau tần thì phải, cắt sợi nhỏ nhuyễn. Hỏi thì cô cười bảo là bí mật riêng. Tò mò tôi lấy một miếng xoài xanh chấm vào muối ớt ăn thử. Nước bọt ứa ra đầu lưỡi. Tôi chưa thấy một thức ăn chơi nào ngon thế, chưa thấy một thứ muối ớt nào thơm đến thế. Lần đầu tiên mình tôi ăn hết một trái xoài xanh cắt lát, mọi người đều cười.
Lúc bấy giờ sương không biết từ dưới đất bay lên hay trên trời tỏa xuống hay chính là rừng núi tan ra mà cả bầu trời mù mịt. Từng đám lãng đãng tạt vào cửa sổ khiến tôi thấy lạnh. Tôi run lên như khi đọc Ý tưởng chiều tà của Nguyên Đức Sơn, quên mất trái đất vẫn còn quay. Tôi mượn cuốn sách về đọc. Tôi tự bảo sẽ đọc nhanh trong vài ngày rồi đem trả, nhân đó mượn cuốn khác, tìm dịp làm quen với cô gái. Các nhà văn lớn thường kể chuyện hồi bé ăn cắp sách. Những câu chuyện của họ thật thú vị. Tôi chưa thấy ai nói khi lớn lên họ còn giữ thói hư tật xấu đó không. Tôi không ăn cắp sách nhưng mượn cuốn “Những truyện ngắn hay nhất” mà không trả. Nhưng ngày hôm sau xảy chuyện bất ngờ rồi tôi hẹn lần hẹn lữa. Cuộc sống trôi đi dồn dập, ông em họ quý báu của tôi dời về địa phương khác, khá xa, vùng biển, tôi phân vân giữa việc đi theo hay trở về trường hay ở lại. Tôi dự định mang trả cuốn sách cho cô gái, nói lời chia tay, rồi quên bẵng.
Nhiều ngày sau, khi trở về thành phố, lao vào công việc học hành này nọ, một hôm lục lại ba lô, tôi thấy nó. Sự vô tình hay lãng quên ở đời là sát thủ của nhiều thứ, nó lấy mất của chúng ta nhiều năm, nhiều tháng, nhiều quà tặng. Khi tôi mải mê đọc những dòng chữ vàng úa bị ném vào lửa chỉ còn lại vài cuốn, may mắn rải rác đâu đó, khi tôi đọc nhanh những dòng chữ ấy, tôi quên mất rằng bữa tiệc ngoài sân đã tàn, trăng đã lên từ lâu, và sau lưng tôi người thiếu nữ thị thành trôi dạt về rừng núi, sau cơn sốt rét, vẫn đứng đó kiên nhẫn đợi. Vào lúc ấy tôi chưa để ý đến dĩa muối ớt Tây ninh chờ tôi ngoài kia, với những miếng xoài xanh nửa chua nửa chát, nhưng khi nuốt vào tê tê đầu lưỡi. Tôi quên mất những thứ chờ tôi trong hiện tại mà chỉ nghĩ đến quá khứ và đôi khi, đến tương lai. Sau này có dịp ở hải ngoại tìm được cuốn sách Những truyện ngắn hay nhất do sự giúp đỡ của nhà văn Lê Hân, nhà xuất bản Mở nguồn in ở Mỹ, tôi bỗng nhớ câu chuyện cũ. Nếu không có cuốn sách mới in ở hải ngoại, có lẽ tôi đã quên mất câu chuyện mấy mươi năm về trước, cánh đồng mía bên sườn đồi, những xác mía khô chất cao như núi, ruồi đen bay như cơn bão, cơn sốt rét trong mùng, bữa tiệc lẩu dê với rượu nếp than pha nước đá, dĩa xoài xanh nửa chua nửa chát nhờ ăn với muối ớt Tây ninh lừng lẫy mà ngọt tê cả lưỡi. Trong một mùa hè trên một đất nước hỗn loạn, đã từng sáng lên ngọn đèn, cô gái vừa dứt cơn sốt rét, cuốn sách thoát khỏi nạn phần thư trở lại với trần gian, một trần gian nóng bức đến nỗi mọi vật chỉ sống được về đêm dưới trăng.
Nguyễn Đức Tùng