Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỘ ĐỘI VỀ LÀNG

Lê Bá Thự
Thứ tư ngày 26 tháng 8 năm 2020 3:46 PM


Truyện ký - Lê Bá Thự

– Bộ đội về làng bọn bay ơi!

Một tay bế cắp nách đứa em, tôi hô hoán mừng rỡ khi nhìn thấy mấy chú bộ đội đi tiền trạm vào nhà liên hệ nơi ở cho các chiến sĩ sẽ về đóng quân ở làng tôi.

Bộ đội về làng là làng sẽ đông vui hơn, sẽ có nhiều lời ca tiếng hát hơn, cho nên lũ trẻ con chúng tôi đứa nào cũng thích.

Những năm năm mươi của thế kỷ trước bộ đội thường xuyên về đóng quân ở làng tôi. Đơn vị này ra đi một thời gian ngắn thì lại có đơn vị khác đến. Làng tôi là nơi huấn luyện các chiến sĩ trước khi ra mặt trận. Cũng là nơi dưỡng quân sau các chiến dịch, các trận đánh. Tôi thích ngắm các chú bộ đội mặc áo trấn thủ bó sát người, đầu đội mũ nan bọc lưới nguỵ trang, chân đi dép cao su bốn quai, hàng ngũ chỉnh tề, tập hợp ở sân nhà tôi mỗi buổi sáng, hát vang ca khúc “Vì nhân dân quên mình”.

Tôi rất thương các chú bộ đội vừa mới đi đánh trận trở về, nhiều chú bị sốt rét, da vàng như nghệ,miệng rên to lúc lên cơn sốt, người run cầm cập,đồng độiphải nấu nước xông.Có chú chân bị sâu quảng, vết loét tròn xoe, sâu hoắm, thứ nước nhờn màu đo đỏ chảy ra từ đó. Tôi nghe người ta nói, người bị sâu quảng phải đắp một con cá nhỏ vào miệng thịt loét sâu, cho con sâu quảng có cái ăn thì chân mới đỡ đau.Tôi phát khiếp khi nghe nói như vậy. Nhưng tôi không thấy các chú bộ đội ở nhà tôi áp dụng bài thuốc “nhử mồi” này. Tôi chỉ thấy các chú rắc một thứ bột trăng trắng vào cái hố sâu hoắm đỏ lòm trên chân mình. Tôi còn nhỏ nên chẳng biết đó là bột gì, thuốc gì.

Đi chăn bò tôi thường hay lân la xem các chú bộ đội tập bắn đạn thật. Chẳng hạn xem các chú bắn súng cối. Cánh đồng làng tôi rộng mênh mông, cho nên đây là bãi tập bắn hoặc bắn thử lý tưởng cho loại súng này. Khẩu súng cối có hai chân chống để dựng súng hướng ngược lên cao. Chú bộ đội nạp đạn từ phía trước nòng, hai tay thả quả đạn vào nòng súng để rồi sau đó quả đạn vút bay đến mục tiêu. Cứ sau mỗi lần như vậy các chú lại kiểm tra độ chính xác của đạn nổ và lại chỉnh thước ngắm để sau đó rút ra những kinh nghiệm và kết luận cần thiết. Thích nhất là xem các chú bộ đội tập bắn súng máy vào bia di động, tức mục tiêu di động. Trên cánh đồng làng tôi có một con đường khá cao, ngay dưới chân con đường này là một con mương sâu, tiếp nữa là ruộng. Nơi này đã được sử dụng làm bãi tập bắn. Súng máy được đặt trên ruộng lúa đã thu hoạch, chú bộ đội đứng dưới lòng mương, tay giơ cao tấm bia di động, bắt đầu chạy khi nghe khẩu lệnh của chỉ huy, chú bộ đội điều khiển súng máy bấm cò cũng theo khẩu lệnh của chỉ huy, và loạt đạn nổ phá tan bầu không khí tĩnh lặng trên cánh đồng. Chim chóc bay nhớn nhác. Lũ trẻ chăn bò chúng tôi đứng cách đó không xa, nghe chỉ thấy sướng tai, chứ không thấy sợ, vì biết đó là những tiếng nổ không chết người. Cũng như khi thử súng cối, sau mấy loạt đạn các chú bộ đội kiểm tra bia di động để tính điểm và rút kinh nghiệm. Tôi nghe chú chỉ huy nói với các chiến sĩ của mình: Chúng ta phải tập luyện theo tinh thần “đổ mồ hôi trên thao trường để bớt đổ máu trong chiến trận”.

Bố mẹ tôi giành hẳn hai chiếc giường to cho các chú bộ đội ngủ. Mẹ tôi xem các chú bộ đội như người trong nhà, tối nào luộc khoai lang mẹ tôi cũng mang lên nhà trên một rá khoai luộc mời các chú cùng ăn. Có hôm các chú bảo, “thôi chị Thự (gọi tên theo con) không phải lỉnh kỉnh nữa, để chúng em xuống bếp ngồi ăn với cả nhà cho vui”. Ngồi bên chiếc mâm tre bốn chân, trên có đặt rổ khoai luộc, cả nhà tôi cùng các chú bộ đội vừa ăn khoai vừa chuyện trò vui vẻ. Nhờ vậy mà tôi biết được “trích ngang nhân thân” của từng chú: chú nào quê Thái Bình, Nam Định, chú nào quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Chú nào quê Sơn Tây, Phú Thọ, chú nào quê Hải Dương, Hải Phòng…, bố mẹ từng chú còn hay mất, vợ con rồi hay vẫn độc thân…Chỉ sau một vài tuần các chú bộ đội lại ra đi. Đêm trước ngày các chú lên đường mẹ tôi thường nấu nồi cơm nếp gạo hoa vàng mời các chú ăn, gọi là “buổi liên hoan chia tay”. Nếu lũ trẻ con chúng tôi là những người mừng nhất làng hôm các chú bộ đội đến, thì hôm các chú ra đi chúng tôi là những người buồn nhất. Tôi và mấy đứa bạn khóc sướt mướt khi tiễn các chú ra tận đầu làng. Tôi buồn phải đến mấy ngày liền. Sau này, khi đã xuất ngũ, có chú còn trở lại làng tôi thăm nơi đóng quân thời kháng chiến, thăm gia đình tôi. Lại tay bắt mặt mừng, nhưng cả nhà tôi buồn khi hay tin, có mấy chú từng ở nhà tôi đã hy sinh trong trận Điện Biên Phủ. Cho đến nay tôi đã ba lần lên thăm Điện Biên Phủ. Cứ mỗi lần đến thăm tôi lại cất công đi thăm các nghĩa trang liệt sĩ và ra sức kiếm tìm những tấm bia có ghi họ tên những chú bộ đội từng đóng quân ở nhà tôi đã hy sinh. Thật đáng buồn, tôi không thể tìm ra họ tên một chú nào. Tôi buồn, trộm nghĩ trong đầu, chắc các chú ấy đã xung phonglao vào đồn giặc đánh bộc phá, cho nên xương tan thịt nát. Tôi ứa nước mắt khi nghĩ thầm như vậy.

Sau này, khi lớn tuổi hơn, tôi thật sự tâm đắc và thích thú khi đọc bài thơ “Bộ đội về làng” của nhà thơ Hoàng Trung Thông. Bài thơ như nói về chính làng tôi, về nhà tôi và về tôi ngày xưa. Tôi như thấy hình ảnh của chính mình ngày ấy khi đọc câu thơ:

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau

Nhà thơ như đã nói giùm những điều chúng tôi muốn nói, nói giùm tình cảm, nỗi niềm của dân làng tôi với bộ đội thời kháng chiến chống Pháp:

Các anh đi

Ngày ấy đã lâu rồi

Xóm làng tôi còn nhớ mãi

Các anh đi

Bao giờ trở lại?

Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Các anh về mái ấm nhà vui

Tiếng hát câu cười

Rộn ràng xóm nhỏ

Các anh về tưng bừng trước ngõ

Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau

Mẹ già bịn rịn áo nâu

Vui đàn con ở rừng sâu mới về.

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Các anh đi

Khi nào trở lại?

Xóm làng tôi

Trai gái vẫn chờ mong

Chờ mong chiến dịch thành công

Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ

Anh đi chín đợi mười chờ

Tin thường thắng trận, bao giờ về anh

Tôi được hưởng lợi rất nhiều mỗi khi bộ đội về làng. Lần đầu tiên tôi được nghe đài tiếng nói Việt Nam là nhờ các chú bộ đội ở nhà tôi. Chả là, tổ điện đài mật mã sử dụng máy quay tay ở nhà tôi có một chiếc đài cỡ nhỏ nom như chiếc đồng hồ báo thức, các chú bộ đội thường mở đài vào lúc 12 giờ trưa để nghe tin đài Tiếng nói Việt Nam. Và tôi ngồi nghe lỏm. Tôi thuộc được nhiều bài hát chính là nhờ các chú bộ đội ở nhà tôi dạy cho. Chẳng hạn: “Qua miền Tây Bắc”, “Bình Trị Thiên khói lửa”, “Vì nhân dân quên mình”, “Đoàn vệ quốc quân”, “Làng tôi”… Tôi rất thích nghe các chú bộ đội hát bài “Tiến về Hà Nội” vì khí thế hừng hực của ca khúc, tai tôi như nghe rõ mồn một rầm rập bước quân hành của đoàn quân ca khúc khải hoàn trở về thủ đô:

Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê

sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về
Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên
Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về
Hà Nội bừng tiến quân ca.

Tôi biết thổi sáo, thậm chí biết làm sáo trúc, làm tiêu trúc là nhờ chú bộ đội tên là Thái ở nhà tôi đã dạy và chỉ bảo. Chú Thái chỉ cho tôi cách chọn ống trúc để làm sáo, cách khoét lỗ, đo khoảng cách giữa các lỗ sáo và khoảng cách từng lỗ đến lỗ thổi... Làng tôi có ông Kiệu chuyên đi ngược bè, tức là lên vùng rừng núi miền Tây Thanh Hoá, mạn Bái Thượng, khai thác luồng, nứa, gỗ, củi, đóng thành bè rồi chở về xuôi để bán cho bà con có nhu cầu. Sau mỗi chuyến ngược bè như vậy tôi thường lân la xin ông Kiệu mấy cây trúc, cây nứa con, ống nhỏ có thể làm sáo. Dùi sắt nung đỏ và mũi dao nhíp nhọn là những dụng cụ tôi sử dụng để khoét sáo trúc. Do “tự sản xuất” được, cho nên có lúc tôi có tới năm sáu cây sáo trong nhà. Tôi chọn cây sáo có chất lượng âm thanh tốt nhất để hàng ngày sử dụng.Tối tối, dưới bầu trời đầy sao, tôi kê chõng tre giữa sân, nằm nghêu ngao thổi sáo. Khắp làng văng vẳng tiếng sáo du dương của tôi với những giai điệu quen thuộc là là rê mí rê… Chú bộ đội tên là Quang ở nhà tôi viết chữ rất đẹp, hay giúp đỡ tôi. Chú đóng vở học giúp tôi và ở trang đầu mỗi quyển vở chú dày công viết thật to tên môn học bằng thứ chữ “nghệ thuật” nom rất đẹp, thích mắt: Văn, Toán, Sinh vật, Sử, Địa lý… Mỗi lần như vậy tôi mang vở mới đóng đi khoe khắp lớp, lũ bạn cùng lớp trố mắt nhìn, thán phục. Còn tôi phỗng mũi…

Còn chuyện này nữa: Nhìn các chú bộ đội ăn cơm bằng “đũa hai đầu”, tôi thấy hay hay, cũng bắt chước. Một đầu đũa gắp thức ăn, đầu kia và cơm cùng thức ăn vào miệng. Rất vệ sinh, chung mà riêng, bệnh ai nấy chịu. Tuy nhiên, bắt chước chỉ được vài hôm là tôi bỏ, vì nó lỉnh kỉnh và bất tiện. Vả lại, cả nhà tôi vô bệnh, lo gì. Đó là chưa kể, hồi đó tôi ăn bẩn, tôi ở bẩn, đũa hai đầu cũng chẳng giải quyết được gì. Lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy bộ đội ngồi ăn cơm. Không biết bây giờ bộ đội chính quy nước ta có ăn cơm bằng “đũa hai đầu” như bộ đội thời chống Pháp hay không nhỉ? Hồi đó tôi còn được biết, trong quân đội có ba chế độ ăn khác nhau: Đại táo là chế độ ăn dành cho chiến sĩ và cán bộ cấp thấp. Trung táo là chế độ ăn dành cho cán bộ trung cấp và tiểu táo là chế độ dành cho cán bộ cao cấp. Thoạt đầu tôi cữ ngỡ ăn “đại táo” là ngon nhất. Nhưng hoá ra không phải như vậy, ăn “tiểu táo” mới là ngon nhất. Không biết bây giờ bộ đội có còn ba chế độ ăn, đại táo, trung táo và tiểu táo như ngày xưa nữa hay không nhỉ?

LBT.