Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỌC GIẢ PHAN NGỌC: TRÍ THỨC PHẢI LO LẮNG VỀ ĐẤT NƯỚC

Kiều Mai Sơn
Thứ hai ngày 31 tháng 8 năm 2020 8:48 AM


VHSG- Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc quê ở Nghệ An, một tên tuổi hàng đầu trong giới nghiên cứu và dịch thuật nước ta đã từ trần lúc 20h40 ngày 26.8 tại Hà Nội, hưởng thọ 96 tuổi. Tưởng nhớ một bậc thầy và học giả đáng kính, VHSG xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà báo Kiều Mai Sơn về ông.

Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc (1925-2020). Ảnh: Phạm Long.

Dù tung hoành đủ cả các ngành văn học, ngôn ngữ, văn hóa học… song học giả Phan Ngọc luôn tự nhận mình là người sống nhỏ bé.

Công trình nghiên cứu “Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều” và “Văn hóa Việt Nam một cách tiếp cận mới” của ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước đợt đầu tiên (năm 2001).

Đồng thời, ông còn là tác giả nhiều công trình xuất sắc khác: “Bản sắc Văn hóa Việt Nam”, “Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với Pháp”, “Thức nhận về Văn hóa Việt Nam”, “Giải thích văn học bằng ngôn ngữ học”, “Thi Thánh Đỗ Phủ và một nghìn bài thơ”…

“Tôi có đạo Nho, tôi sống nhỏ bé”, ông chia sẻ với người viết bài này trong những cuộc trò chuyện trong các năm trước. Bước sang tuổi 95, như lời ông vẫn hằng nói, sức khỏe cố nhiên là không được tốt như trước. Tôi lật lại từng trang nhật ký những lần nghe ông bà kể chuyện, ngồn ngộn tư liệu về một thời đã qua.

Người cha hay chữ

Thân phụ học giả Phan Ngọc là cụ Phó bảng Phan Võ, thi đỗ năm 20 tuổi. Nhà khoa bảng trẻ tuổi ấy, xuất thân bần hàn, song có tiếng là hay chữ khắp vùng. Một lần kể chuyện cho tôi nghe, học giả Phan Ngọc đã nói: Trong làng có một ông rất khinh người, nghe nói cha tôi hay chữ. Ông ta nói: Nó là măng mọc, đã ăn thua gì, tre già còn chẳng ăn ai. Cha tôi đối đáp ngay: “Măng mọc gặp mưa măng mọc tốt/ Tre già phải gió tre già còi”. Ông ấy ghét lắm, đòi đánh cha tôi, nhưng vẫn phải khen là hay chữ.

Quê gốc ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An nhưng Phan Ngọc sinh ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, nơi cha ông đang làm Tri phủ lúc đó. Người thân của ông kể lại rằng, cụ Phan Võ là nhà Nho nhưng không kỳ công đặt tên con cái. Tháng 10 năm Ất Sửu, cụ bà Phan Võ trở dạ sinh người con trai thứ ba ở Tĩnh Gia. Nơi đây có núi Ngọc, cụ Phan Võ đặt tên cho con là Ngọc. Từ nhỏ, cậu bé đã nổi tiếng là thần đồng lại ham học.

Sau này ông cho tôi biết, để đạt được những thành tựu hơn người khác và được giới khoa học xã hội đánh giá là nhà bách khoa (như cách ví von của nhà báo Nguyễn Hòa thì Phan Ngọc là “nhà bách khoa cuối cùng của thế hệ”), chủ yếu vẫn là tự học.

Ông là học trò của những bậc thầy uyên bác nhất cả nước như Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh… khi còn ở Huế. Đi kháng chiến, lên chiến khu Việt Bắc, ông lại được họa sĩ Tô Ngọc Vân dạy về hội họa, nhạc sĩ Văn Cao giảng cho nghe về cái hay của nhạc, vị ngự sử văn đàn Phan Khôi có giảng một ít về điển cố…

Thấy Phan Ngọc là người thèm học, chịu khó học, lại học nghiêm chỉnh nên những bậc thầy trong các lĩnh vực đều nhiệt tình chỉ bảo. Còn bản thân Phan Ngọc tự nhận thấy mình không được đi học đại học, mà học bất đắc dĩ để lấy bằng thì không tiến nhanh nên ông càng ra sức mày mò, cần công tự học. Ông học tiếng Nga với Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn, học tiếng Đức và triết học phương Tây với Thạc sĩ Trần Đức Thảo.

Đổi lại, nằm trên sạp nứa ở Việt Bắc, đêm đêm Phan Ngọc nói chuyện về triết học cổ đại phương Đông, mà chủ yếu là triết học Trung Hoa với những học thuyết của Khổng Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử… cho Trần Đức Thảo nghe.

Thầy nào cũng dạy ông hết lòng. Họ nói thẳng với ông những điều họ không nói với ai. Và ông tâm niệm: “Có những người dạy tôi như thế, thì mình dốc hết cả năng lực quyết tâm vào học”.

Trí thức phải lo lắng về đất nước

Ba mươi tuổi, rời khỏi Ban Liên hiệp đình chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, từ Sài Gòn ra Hà Nội, nhờ sự giới thiệu của Giáo sư Trần Đức Thảo – Phó Giám đốc Đại học, Phan Ngọc về công tác tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa mới thành lập sau ngày giải phóng (1954).

Trường Đại học ngày ấy với những nhà khoa học được coi như những “ông trùm văn hóa” sáng danh một thời: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Văn Giàu, Trương Tửu, Trần Đức Thảo,… Toàn bộ lớp giáo sư, giáo viên ngày ấy giờ đây đều đã rời xa thế giới. Chỉ còn lại duy nhất học giả Phan Ngọc.

Học giả Phan Ngọc và vợ – bà Nguyễn Kim Tuyến

Ban đầu, Phan Ngọc được cử làm trợ giảng cho Giám đốc Trường Đại học Sư phạm Văn khoa Đặng Thai Mai – người có một bộ óc cường ký, đọc thiên kinh vạn quyển. Chuyện Phan Ngọc làm trợ giảng cho Giám đốc Đặng Thai Mai cũng là một việc ly kỳ. Một hôm, Giám đốc Đặng Thai Mai cho gọi Phan Ngọc lại và hỏi: “Anh dạy được môn nào?”.

Không ngần ngại, Phan Ngọc trả lời: “Thưa bác, bác giao môn gì con xin dạy môn ấy”. Đặng Thai Mai cười hỏi: “Thế anh có dạy được văn học Trung Quốc không?”. Phan Ngọc thưa: “Nếu bác cho dạy thì con dạy”.

Đặng Thai Mai nhìn Phan Ngọc vẻ ngờ vực: “Anh đọc Kinh thi chưa?”. “Con không những đọc mà còn thuộc”. “Anh thuộc bài nào?”. Biết thầy Mai rất thuộc sách nên Phan Ngọc coi đây là để dịp chứng minh: “Con thuộc gần như toàn bộ Quốc phong. Còn Nhã và Tụng con không thích nên không thuộc mấy”.

Đặng Thai Mai hỏi bốn bài trong Quốc phong. Phan Ngọc đọc vanh vách. Hỏi về Sở từ, Ly Tao, Hán phú… từng bài trong từng đoạn cụ thể, Phan Ngọc đều đọc thuộc lòng. Đặng Thai Mai thích chí thốt lên: “Anh đúng không hổ là con cụ Phan Võ”.

Và giờ lên lớp đầu tiên với bài giảng Hồng môn yến (Bữa tiệc hồng môn) trong Sử ký của Tư Mã Thiên, Phan Ngọc đã chinh phục được không chỉ riêng những sinh viên Trường Đại học Sư phạm Văn khoa mà ngay cả vị Giám đốc khó tính là Đặng Thai Mai.

Từ người trợ giảng của Hiệu trưởng Đặng Thai Mai, Phan Ngọc đã đứng lớp giảng 6 bộ môn thay các vị giáo sư bậc thầy, trong đó có Văn học Trung Quốc, Văn học phương Tây, Ngôn ngữ học, Lý luận văn học… Nhưng sau đó, ông bị quy kết là tham gia phong trào “Nhân văn – Giai phẩm”. Sau kiểm thảo, Phan Ngọc và Cao Xuân Hạo đều phải rời bục giảng, xuống làm nhiệm vụ phiên dịch tài liệu và sinh hoạt chuyên môn cùng bộ phận văn thư, hành chính…

Tôi nhờ cha và nhờ vợ

Khi ông bà còn ở khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), thi thoảng tôi có dịp được làm “tiểu đồng” giúp ông vài ba việc vặt. Những lúc ngồi giải lao, ông chia sẻ đôi điều tự bản thân rút ra trong cuộc sống.

Ông nói: “Sung sướng nhất của con người là được người vợ hiểu mình. Tôi tự nhận thấy tôi là người may mắn. Tôi được bà vợ đặc biệt. Người giúp ích tôi nhất chính là bà Tuyến. Người khác chỉ mong chồng giàu có, sung sướng.

Bà vợ tôi che chở tôi, giúp đỡ tôi, bằng lòng với hoàn cảnh của tôi. Tôi nhờ cha, nhờ vợ. Nhờ cha dạy, nhờ vợ giúp đỡ, cho nên tôi được sung sướng”.

KIỀU MAI SƠN