"Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân", điều này đã được khẳng định một cách trang trọng tại điều 2, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Tư tưởng cán bộ là “công bộc” của dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ trong “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945:
"Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.”
Thế nhưng trong thực tế, khi quyền lực nhà nước được trao cho con người cụ thể thì quyền lực ấy có khi lại vận động theo chủ quan của người sử dụng, biến hóa trái với các tư tưởng nêu trên. C.Mác gọi đó là sự tha hóa của quyền lực.
Tha hóa quyền lực biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực của cá nhân hay của nhóm quyền lực, làm méo mó mục đích tự thân của quyền lực nhà nước là phục vụ nhân dân.
Lạm dụng quyền lực, biến quyền lực công thành phương tiện, công cụ cá nhân để trục lợi đang là hiện tượng ngày càng phổ biến trong hàng ngũ quan chức hiện nay. Những vụ bổ nhiệm thần tốc con ông cháu cha và những đại án tham nhũng gần đây càng cho ta thấy rõ hơn điều đó.
Khi những vụ sai phạm bị phơi bày ra ánh sáng mới thấy quyền lực trong tay các cá nhân đã dính chàm là vô biên. Nghe thì phi lý vì làm gì có chuyện quyền lực vô biên bởi các chức danh lãnh đạo đều được quy định chức năng quyền hạn rất cụ thể. Nhưng thực tế không hoàn toàn như lý thuyết nêu trong luật, trong các định chế xã hội.
Quyền lực vô biên thể hiện, một là hành sự bất chấp luật pháp, tác oai tác quái trong phạm vi địa hạt, ngành, lĩnh vực mình phụ trách; hai là được che chở, bảo kê từ người có thế lực cao hơn; ba là bưng bít, vô hiệu hóa mọi sự giám sát của cơ quan chức năng, của cấp trên và người dân.
Vụ Thụ Thiêm: 20 năm nước mắt người dân vẫn chảy. Một điển hình về sự tha hóa quyền lực.
Nguồn ảnh vtv1
Sự tha hóa quyền lực diễn ra trong môi trường “kín như bưng” ấy chỉ bộc lộ chân tướng khi chính những kẻ tha hóa không còn gì để mà tha hóa nữa, nghĩa là đã vượt qua giới hạn đỏ, bị dân tố, truyền thông vạch mặt. Tuy nhiên, có những trường hợp dân tố nhưng sự tha hóa quyền lực vẫn không bị ngăn chặn, xử lý bởi cách hành xử hoặc là đùn đẩy, lảng tránh trách nhiệm, hoặc là bao che của cấp có thẩm quyền. Vụ Thủ Thiêm dây dưa kéo dài hơn 20 năm nay là ví dụ điển hình cho sự tha hóa quyền lực.
Nguyên nhân nào dẫn đến những kết cục đáng buồn này?
Có thể kể ra trước hết là vấn nạn chạy chức chạy quyền. Một khi chức quyền được mua bán thì cả người mua lẫn người bán đều ngộ nhận quyền lực là của riêng mình để rồi từ đó phớt lờ luật pháp, bất chấp dư luận mà tác oai tác quái.
Quy trình chạy chức chạy quyển. Nguồn từ vtc
Hai là sự bao che, bảo kê cho nhau tạo thành nhóm lợi ích, thậm chí là tập đoàn lợi ích. Họ núp bóng, đánh lừa dư luận bằng những ngôn từ ma mị: “đúng quy trình”, “tập thể đồng thuận”, “ổn định để phát triển”,… Những sai phạm bị phanh phui gần đây ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, và một số địa phương khác đã minh chứng cho điều này.
Ba là vô hiệu hóa chức năng giám sát của các cơ quan chức năng đặc biệt là quyền giám sát của người dân. Đây là lỗ hổng lớn nhất khiến quyền lực bị tha hóa nhanh chóng, mạnh mẽ khi nó không được giám sát chặt chẽ (không phải thứ giám sát “đúng quy trình”, “tập thể đồng thuận” như các quan chức nhúng chàm đã bao biện). Phải hiểu, giám sát ở đây không phải là cản trở thực thi quyền lực mà là phát hiện, ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực để làm việc hại dân hại nước. Chúng ta đang thiếu chế tài đủ mạnh và minh bạch để “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh.
Làm sao để kiểm soát tình trạng tha hóa quyền lực nơi cơ quan công quyền?
Chế tài bằng luật pháp là công cụ pháp lý để kiểm soát quyền lực. Chế tài phải chặt chẽ, không để kẻ tha hóa lợi dụng kẽ hở tìm đường thoát thân khi bị phát giác.
Gần đây, Trung ương ban hành Quy định 205-QĐ/TW năm 2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Bộ Nội vụ cũng đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước nhằm chống việc bổ nhiệm thần tốc. Tất cả đều nhằm mục đích hoàn thiện chế tài pháp lý, khắc phục những kẽ hở trong công tác cán bộ thời gian qua.
Minh bạch trong việc quy hoạch, tuyển chọn nhân sự, bổ nhiệm, điều động cán bộ là điều kiện tiên quyết giúp dân thực hiện quyền giám sát quyền lực của mình. Cơ quan Đảng, Nhà nước dẫu có trăm tay ngàn mắt cũng không thể am tường cán bộ đảng viên bằng tai mắt của nhân dân, của truyền thông và mạng xã hội.
Họ - những cán bộ thoái hóa, biến chất, những kẻ cùng hội cùng thuyền - có thể che mắt cấp trên bằng đủ mọi chiêu trò nhưng không thể lọt qua được “con mắt tinh đời” của nhân dân. Nhiều vụ sai phạm của cán bộ công chức trong thời gian qua được phát hiện từ những phản ánh của người dân thông qua báo chí và mạng xã hội, có khi chỉ là một cái biển số xe khác thường, một ngôi biệt thự ngạo nghễ giữa khu dân cư, một tấm bằng bất hợp pháp, một vụ bổ nhiệm thần tốc con ông cháu cha,…
Điều gì đã khiến các vị - những cán bộ lãnh đạo cấp cao, những tướng tá đầy uy lực, có người còn là anh hùng, đầy mình huân chương, bằng khen -trở thành những kẻ phạm tội nghiêm trọng đến mức bị truy tố hình sự?
Quyền lực tạo cho họ vỏ bọc chắc chắn mà nếu chỉ dựa vào báo cáo, vào hồ sơ đánh giá cán bộ đảng viên hàng năm thì chẳng dễ gì thấy được những mảng tối khuất lấp phía sau ánh hào quang của nó. Không phải vô cớ mà người ta bảo: “Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối”.
Xin trích dẫn câu nói chua xót của bị cáo Diệp Thị Hồng Liên (cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐTHòa Bình) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 ở Hòa Bình: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật". Có lẽ không riêng gì bà Liên, rất nhiều cán bộ công chức hiện nay cũng chung quan niệm như vậy. Thứ tư duy tiêu cực đó đang biến điều bình thường trở thành bất thường nơi công sở, từng ngày từng giờ đẩy họ lún sâu vào tội lỗi trong một tập thể bị tha hóa, câu kết và che chắn cho nhau cùng hưởng đặc quyền đặc lợi.
Nguồn; vanhoanghean