Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG NÉT VẼ... NGẪU HỨNG

Nguyễn Đình Phượng
Thứ ba ngày 25 tháng 8 năm 2020 9:16 AM


                                                 C

    Cầm trên tay cuốn kí họa về các nhà văn Việt Nam được nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương tặng, tôi hồi hộp theo dõi. Lâu nay đã có chân dung về các nhà văn bằng lời, thi thoảng mới có vài kí họa đi kèm, nay cả một cuốn toàn kí họa. Đúng là “độc” và lạ.

        Tất cả có 361 nhà thơ, nhà văn được ông kí họa. Con số ấy chỉ là một “góc nhỏ” trong “khu rừng” nhà văn Việt Nam đông tới cả ngàn người. 361 nhà văn với 432 kí họa quả là một kì công về sức lao động của nhà thơ Trần Nhương từ mấy chục năm qua. Gọi là nét vẽ ngẫu hứng nhưng ngòi bút của ông không giản đơn, cố chạm tới cái thần thái của mỗi nhân vật. Có nhà văn được ông vẽ trong các giai đoạn khác nhau; có người ông chỉ vẽ một lần là “ăn ngay”. Có bức kí họa được ông dụng công chăm chút, nhưng có bức ông chỉ chấm phá vài ba nét bút mà vẫn tạo được cái riêng biệt của con người ấy.

         Do có nhiều năm công tác tại cơ quan Hội Nhà văn, nên ông mới có điều kiện gặp gỡ các văn nhân. Vốn yêu thích hội họa, ông thường quan sát, kí họa chân dung các nhà văn, ghi lại những khoảnh khắc được gặp gỡ đồng nghiệp. Vì thế, có nhà văn ông kí họa tới 4 bức như Xuân Thiều, Ma Văn Kháng; người có 3 kí họa như Vũ Tú Nam, Hồ Phương, Đỗ Chu, Nguyễn Hoa, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Thiều, Tô Hoàng, Trần Đăng Khoa, Pờ Sảo Mìn…Rất nhiều người có hai bức như Kim Lân, Lương Sĩ Cầm, Hà Phạm Phú, Hòa Vang, Nguyễn Đức Mậu…

          Trong những kí họa đó, có cái ông vẽ trực tiếp các nhà văn trong các lần hội họp, dự trại viết cùng nhau; có cái ông vẽ theo ảnh, có cái vẽ sau này bằng công nghệ kĩ thuật số trên chiếc smartphone. Có những kí họa ông vẽ đã trên 30 năm, nhưng có kí họa còn mới toanh trong năm 2020.

           Cái hay của cuốn kí họa “Khoảnh khắc văn nhân” chính là mang đến cho người xem một góc nhìn, một cách cảm nhận về các nhà văn để mọi người yêu hơn, thông cảm hơn với thứ lao động mang tính đặc thù mà họ đang làm. Rất mừng là, hầu hết, các kí họa đều đẹp, tuy không phải gương mặt nào cũng chạm tới bản chất, nhưng ít nhiều đều làm các “nguyên mẫu” hài lòng; nhiều bức đạt đến độ sâu sắc của thần thái. Tôi thích ngòi bút của họa sĩ khi lột tả vẻ phong trần, bộc trực của nhà Chu Lai và Đỗ Minh Tuấn…Vẻ hóm hỉnh của nhà thơ Giang Nam; cái thâm trầm đến sắc lạnh của Ma Văn Kháng. Ngắm kĩ, ánh mắt thẳm sâu, đa tình của nhà thơ Hoàng Cầm không thấy lẫn cùng ai. Với Hoàng Cát, Nguyễn Quang Lập ngòi bút Trần Nhương đặc tả cái vẻ phớt đời rất đáng yêu của họ. Khi đưa ngòi bút đến gương mặt Hoàng Công Khanh, Hoàng Hưng, tác giả trân trọng chất trí giả trong hai con người này. Hữu Thỉnh, vốn là chỗ bạn bè thân gần, Trần Nhương chú ý lột tả đôi mắt nhìn đời đâu cũng đẹp của tác giả “Thương lượng với thời gian”. Còn ở nhà thơ Lê Huy Quang, chất “Đồ Nghệ” trong đôi mắt rất dễ nhận ra; Lê Lựu với gương mặt đau khổ và cô đơn làm người xem rưng rưng. Ở Nguyễn Khắc Trường ta thấy có cái nhìn xa xăm, diệu vợi. Nguyễn Minh Châu thẳm sâu, đau đáu với đời. Ông Văn Tùng nho nhã, lịch thiệp. Phạm Hổ đôi mắt nhìn đời trong veo, hồn nhiên như con trẻ. Nguyễn Xuân Khánh lại có ánh nhìn muốn “xuyên thủng”các vỉa tầng xưa cũ.…

   Trong cái vòng “đi ở” của kiếp người, có không ít nhà văn được tác giả kí họa đã đi về “miền xa thẳm”. Nhưng nụ cười, ánh mắt của họ trong cái khoảnh khắc được Trần Nhương “chộp” vẫn còn tươi nguyên cảm xúc.

          Khác với “nickname” Trần Ham Vui, nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương là người  trân trọng sâu sắc đồng nghiệp. Nếu không coi các đồng nghiệp, các bạn văn là “nhân tình” chắc chắn sẽ không có cuốn kí họa “Khoảnh khắc Văn nhân” mà nhiều người đang có may mắn cầm trên tay./.