Trang chủ » Truyện

Truyện ngắn. DƯƠNG ĐỨC KHÁNH

Dương Đức Khánh
Thứ tư ngày 11 tháng 2 năm 2009 4:34 AM
   
 
                  ĐỂ ĐÓ COI CHƠI !
                                                           Truyện ngắn. DƯƠNG ĐỨC KHÁNH
 
Cái nhà vệ sinh công cộng của ấp mới xây bự chảng. Gạch men ốp lát, kiểu cọ màu mè dòm mát con mắt!... Vậy mà hai ba tháng nay, để để đó coi chơi!...
Mấy ông ban ấp hôm rày cứ họp miết, bàn tới tính lui chưa ra cái  phương án “mở cửa hoạt động”! Tranh cãi cũng “sôi sình: “…Tui có ý kiến, đề nghị giá vé thấp nhứt cũng phải một ngàn!…”. Rồi: “Sợ không “con ma” nào chịu tới, mấy ông chạy đi nắm tay người ta, lôi vô được không?!...Rồi mướn ai trực, mần vệ sinh?...Tui có dọ thử mấy đối tượng khó khăn thất nghiệp rồi, ai cũng lắc đầu: Thà đói đi bắt hôi, đi mót lúa ăn, chớ không ai chịu…đi trực nhà cầu mà ăn! Vô phương!...
Thiên hạ cũng ì xèo, nhứt là mấy bà ngoài chợ. Bà Năm Bánh Lọt trề môi dài cả tấc: “Mấy ổng xây thì để cho mấy ổng vô đó mà đi, cho nó sang!...Mẹ, ăn cơm với nước mắm kho nổ thấy ông bà ông vải mà đi cầu lần tốn ngàn bạc! Họa là điên!...Mà nhà tui lớn nhỏ gần chục mạng. Vị chi ngày mất toi ký gạo! Sống nổi hông!”…Bà Tư Tẹt xổ luôn: “Tui thì đi hầm cá, đi dưới sông từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ quen rồi, thoải mái mát mẻ. Mỗi lần vô nhà cầu nghe cái mùi là khó chịu muốn ngộp thở!...Hôm hổm lên nhà thằng Hai trên thành phố ở chơi mấy bữa về mang bịnh bón luôn! Sướng ích gì!... Con dâu thì cứ hỏi hoài, sao không thấy má đi “ta-lét”!...Mà ở trển nghĩ cũng mắc cười, trong nhà từng dưới từng trên gì cũng có, dzậy là cũng như…cha này ngồi “ta-lét” trên đầu cha kia!”. Cả chợ cười cái rần!
Hôm rầm rộ chiến dịch xóa trắng toàn bộ cầu bè, cầu hầm trong ấp, lực lượng phải tới tận nơi, nhiều chỗ phải dùng biện pháp cưỡng chế mới giải tỏa, rút cầu được! Mấy hầm nuôi lẻ tẻ thì kéo cá lên lớp ăn lần, lớp cho hàng xóm. Còn như bè Bảy Xị gần bến chợ là dạng nuôi nhiều, cá còn nhỏ, phải tiếp tục bằng thực phẩm. Vợ Bảy Xị ngày nào cũng đi chở bao bao, mặt mày nhăn đùm! Vừa đứng cho cá ăn vừa lầu bầu, lý sự khan: “ Cái thứ này cũng cám gạo, cũng đầu cá xay ra!...Con người ta cũng ăn cơm, ăn cá mà ra!...Dzậy mà tác hại, với ô nhiễm! Bày đặt!...”    
 
         Bè Bảy Xị cũng như cái nhà cầu công cộng của ấp! Tối ngày rần rần, vui đáo để!...Xóm giềng sớm tối được dịp gặp nhau, vừa ngồi “tủm” vừa thoải mái tán dóc trên trời dưới đất!...Một dãy cả chục ô cầu, nhưng nạn cầu kẹt cũng liền liền!...Vách ván ngăn dính liền thấp tè, trống lổng trống lơ, nên “phe tóc dài”, “phe đực rựa” phải chia phiên! Chừng nào phe này đi dứt, phe kia mới được xuống!...Nên có khi “giải quyết” được là mất đứt buổi sáng!...
 
 
 
Cái cảnh buổi tối mới ngặt! Trời tối hù, đứng trên nhìn xuống cứ thấy một cục đen đen, nếu là “phe đực rựa” nhiều khi còn nhận ra nhờ điếu thuốc đỏ rực! Còn không, biết giống gì chết liền!...Mấy tay xỉn rượu là hay mắt nhắm mắt mở tông tông xuống. “Đi đâu ông nội! Bộ đui hả?...”. Vậy là xin lỗi lia lịa, sượng ngắt! Có tay trơ mặt lì, phóng đại vô luôn! Chị em la làng um sùm! (Cảnh này xảy ra hoài!)...Nhưng ban đêm xỉn mà đi cầu bè rủi lọt cầu còn đỡ, dù gì cũng nước sông! Chớ lọt cầu hầm một phát là tắm cả ký xà bông thơm, ba ngày còn mùi! Còn tai tiếng thì “thúi hoắt” cả đời!...Thiếu gì tay hồi nhỏ lọt hầm cá vồ, giờ thành “ba trợn” luôn!
Vậy là cả mấy tháng nay, bà con mình bít chịt “đầu ra”, nhưng “giải quyết” ở đâu, giấc nào thì đi hỏi đứa con nít ba tuổi cũng biết!...Thành tật thành lệ rồi!...
Hôm họp phiên cuối cùng, trước tình trạng “vô cùng bức xúc”, ban ấp quyết định: “…Không chần chừ gì nữa, sáng ngày mai mở cửa…phục vụ!”
Và, cứ như có bùa phép gì không bằng!... Buổi khai trương thành công ngoài sức tưởng tượng!..Thấy trước mắt mà tin không nổi!...Mờ trời, già trẻ trai gái kéo tới rần rần, tranh nhau mua vé như đi coi hát! Có người ôm bụng vừa đi vừa chạy, mặt mày xanh dờn!...Mấy anh lực lượng lăng xăng xé vé, thu tiền không muốn kịp! Trưởng, phó ấp cũng có mặt từ sớm, đứng theo dõi, cười tủm tủm!...Mơi mốt được xã, huyện biểu dương, được bằng khen là cái chắc!…
Số là sau buổi họp, các khu trưởng, tổ trưởng nhận chỉ thị của ấp về triển khai tới từng hộ, kiểu úp úp mở mở: Tối nay, sẽ có lực lượng dân quân luân phiên bơi xuồng tuần tra, phục kích sáng đêm dọc theo bờ kinh; sẽ pha đèn bắt quả tang và phạt tại chỗ hai trăm, đối với một trường hợp ngồi “tủm” dưới sông!
Nhưng, cảnh rần ì đông đúc như vậy được đâu ba bữa, tới ngày thứ tư thì chẳng còn thấy ma nào. Vậy là tiếp tục đóng cửa, để đó coi chơi!
                                                                                               DĐK
 

Tuổi Trẻ 3/8/08, với tên Chuyện làng bờ kinh.

            Lão Phúng
Truyện ngắn Dương Đức Khánh

  Lão Ba Phúng mất nay hơn hai chục năm. Hồi giờ, bàn thờ lão chỉ gọn hơ cái bát nhang với tấm bài vị  thầy cúng viết bằng mực Tàu. Dân ruộng rẫy lớp lão hồi đó cả đời mới chụp hình một lần, đó là lúc mần căn cước! Cho nên, cái “thẻ bọc nhựa” rủi ro lạc, mất thì cháu chắt đời sau chẳng biết chi mặt mũi ông bà…
           Vậy mà mới hôm rày, một ông Mỹ biết nói tiếng Việt lơ lớ, xưng tên là Rai Xơn, đi với mấy ông cán bộ đem tới tận nhà một tấm hình của lão với một cuốn băng cát-xét, nói là đã giữ hơn ba chục năm, giờ xin tặng lại gia đình!...Hình lồng khung đàng hoàn. Y chang không xê một nét! Đúng là  gương mặt lằm lằm của lão hồi còn sống mỗi lần gặp chuyện rắc rối, bực dọc!...Mở băng ra nghe cũng đúng là cái giọng cục cằn, “bặm trợn” hồi trước của lão! Con cháu lão mừng húm như cha ông mình đội mả sống lại!...Nghe nói, ông Mỹ còn ra ủy ban xã ngỏ ý định xin cất lại ngôi nhà thờ hệt kiểu nhà lão hồi xưa nữa !...
    
        Sinh thời, lão thiệt như cục đất. Cả đời chỉ quanh quẩn với mấy đám ruộng; quen tật la hét dậy đồng mỗi lần quất roi cày vào mông trâu nên cái tánh nóng nảy như Trương Phi của lão thì cả làng ai cũng biết.
 Có lần ngoài đồng về, lão ực cạn gáo dừa nước mưa rồi hể hả ngồi  bệt xuống thềm quấn điếu thuốc rê bằng ngón cẳng cái! Đang tới cữ ghiền, cái máy đèn của lão tự nhiên trở chứng không chịu cháy (mấy người già lớp lão hay gọi cái bật lửa nhôm là cái máy đèn). Nổi khùng, lão đứng dậy quăng cái vèo tuốt bụi bông bụp ngoài ngõ rồi đùng đùng xuống bếp bươi than đốt thuốc. Chưa hả giận, sẵn tay lão rút cái búa, phăm phăm ra kiếm lại  cái máy đèn “mắc dịch”!...Lão hằm hè đặt nó lên cục đá kê thềm, nghiến răng nện ba búa tóe lửa! Cái máy đèn bẹp dúm! Lão mới chịu quăng xuống  ao cái tủm!
       Trong những đồ dùng thường ngày của lão chỉ có cái máy đèn là có phần máy móc một chút nên nó mới trục trặc. Còn mấy thứ do chính tay lão làm thì kể như xài đời đời…Cái gối kê đầu lão đẽo bằng gỗ mít, lâu năm màu gỗ lên nước vàng rộm láng boong! (Mỗi lần làng có dịp giết trâu bò, mấy chú bác hay đùa: Không có búa tạ thì tới mượn cái gối của ông Phúng đập cũng chết ngắt!). Còn cái gậy, có lần lão hì hà hì hục cả buổi ngồi cưa cái cát-tút đạn đại liên của Mỹ, tra vô đầu mũi, kiểu như người ta đóng móng ngựa, chống ba đời cũng chưa   mòn!
       Và, cũng cây gậy này – nó gắn liền với câu chuyện “cười ra nước mắt”  mà người làng nhớ đời mỗi lần nhắc chuyện hồi chiến tranh.
      
      Chuyện là hồi lính Mỹ ập vô làng lần thứ hai. Dọc bìa làng lúc ấy là dãy hàng rào ấp chiến lược ngăn cách xóm làng với đồng ruộng, ai ra đồng phải qua mấy cái cổng có lính gác,  phải trình giấy tờ. 
 Sớm ấy lão chống gậy tính ra thăm lúa. Tới cổng rào không thấy thằng lính nào mà là…một thằng Mỹ mặt mũi non choẹt, đứng ngơ ngơ ngáo ngáo! Hắn chĩa súng chặn lại, lên giọng bằng tiếng Việt, bặp bẹ:
 - Co…kan-quooc khong?...
 -Tui  ra thăm lúa, không đem cuốc!...Lão chỉ tay ra ruộng, trả lời.
 -No,no…kan-quoc, kan…quooc! Hắn gằn mạnh từng tiếng.
 -Tui-đi-thăm-lúa, không-vác-cuốc!...Mần chi có cán cuốc! Lão bắt đầu nổi cáu …Bỗng lão giơ cây gậy lên trước mặt hắn:
 -…Không có cán cuốc!...Gậy được không?!
         -…?!
            Liền lúc đó có mấy người đàn ông đàn bà vừa đi tới, lão ngoắc lia lịa:
 -Mau, đem cuốc tới đây! Thằng Mỹ đòi cái cán cuốc! Không biết mần chi!
     Tới nơi ai nấy cười òa:
 -Ơi dà, thằng Xơn!... Hắn hỏi cái…thẻ căn-cước! Cái thẻ bọc nhựa của bác đó!...
      Như chực nhớ ra chuyện cũ, mặt lão bỗng tím  lại, mắt trợn lên đỏ vằn, miệng giựt giựt rung cả chòm râu. Giọng lão đứt nghẹn:
 -…Căn!...với cước!...Nhà tao lãnh đủ…hai quả ca-nông tàu!...Nhà thờ nhà tự,…gia phả chín mười đời dòng họ tao cũng tiêu rụi ! Đừng nói chi căn với cước!...
 Lão vừa gào vừa chỉ vào thằng Mỹ đang nghệch mặt há hốc, chớ biết mô tê là chi cả!...Lão còn giơ đầu gậy lên, chỉ cái cát-tút: “Nè, đạn tụi bay bắn ràng ràng nè! Chối không!...” Làm ai nấy cười nôn ruột!
         
       Bà con xúm lại khuyên lơn:
 - Chuyện bom đạn chiến tranh mà hơi sức đâu bác Ba ơi!...Tụi hắn chắc cũng bị bắt “quân dịch quân gà” như con cháu mình đây cả! Nóng giận chi cho mệt!...
      
       Thằng Xơn (bà con kêu theo cái chữ gì Xon trên túi áo hắn) thì cả làng ai lạ gì!... “Cái thằng nhìn cái mặt mắc cười, ngô ngố như “đi ỉa không biết đường vô!” Chắc đang đi học rồi bị bắt lính qua đây!…Cả một làng Việt Cộng, vậy mà chẳng thấy hắn biết sợ sệt chi cả! Từ hồi về đóng quân, ngày nào thấy hắn cũng mang máy ảnh, máy thâu băng lang thang khắp làng, gặp gì cũng chụp, cũng thâu!
 Hôm hắn chụp với thâu được mấy cô đi cấy dưới ruộng đang hò! Vậy là cứ đứng mở lui mở tới, rồi bập bẹ hò theo làm mấy cô mấy bà cười nghiêng cười ngữa!...
 Cái thằng cũng lạ, sáng nào cũng mang cả túi đồ hộp, ra chợ đòi đổi chuối, đổi bánh ít bánh tét ngồi ăn ngon lành!...Hôm bà Tư đưa hắn đòn bánh tét mới vớt đang ngâm nước lạnh, hắn lật đật lột, nước nóng chảy ra, hoảng hồn liệng cái bịch!... Cả chợ cười rần rần! Bà Tư phải cho đòn khác!...”  
          …
 
          Mấy tháng sau.
 Lão Ba Phúng đang lui cui buộc giàn bầu  trước sân bỗng  có tiếng loa tay rao vang đầu xóm. Lão chống gậy ra ngõ thấy thằng Tư “a-lô” cũng vừa đi tới:
 -Rao cái chi đó mậy!...
 -Sáng ngày mai, đúng bảy giờ, ra đình làng nhận…bồi thường! Mỹ bồi thường thiệt hại trận ca-nông hồi năm ngoái!...Nhớ đem  “Tờ khai gia đình”!...
 -Mẹ…nó! Cũng giấy với tờ!...Mà có chắc không mậy!...
 -Ơ, tui  “a-lô” mà nói dóc cho “chánh phủ” bỏ tù rục xương à!...
                                              
        Sáng ấy tại sân đình làng – Thằng Xơn cũng  mang máy ảnh lăng xăng cùng với tốp lính Mỹ làm nhiệm vụ hổ trợ chính quyền địa phương lo công việc bồi thường thiệt hại chiến tranh cho bà con… 
         Từ mờ sáng, dân làng đã đứng ngồi lố nhố trước cổng đình…Mỗi “nóc gia” được bồi thường hai trăm bạc với hai chục tấm tôn lợp nhà.  Ai nhận xong buộc tròn lại, xỏ cây sào, hai người gánh…
 Xơn đang nhướng chân lên hốc cây si bên góc sân đình, giơ máy nhắm. Và, hắn bỗng giật mình hạ máy xuống để nhìn cho rõ…! Đúng là lão Ba Phúng! Lão chống gậy sai sải như đang chống xuồng, một tay vạch đám đông  xấn thẳng vào.  Điếu thuốc rê to tướng ngậm trể bên mép, phà khói xanh um, đặc quánh! “Tách! Tách!”…Lão liệng tàn thuốc cái bịch xuống đất, bước tới trước mặt mấy tay cán bộ xã, mặt hầm hầm! “ Tách!”…
 Biết rành tính khí lão, tay trưởng ấp xuề xòa:
 -A hà, bác Ba mới tới!...Đếm lẹ cho bác tụi bây!... Có  cháu chắc gì theo gánh cho bác không?!...
 Vẫn bản mặt chàu quạu, lão  trừng trừng vào đống tôn trước mặt, rồi ngước lên, mắt đảo quanh!...
  Tự nhiên, Xơn giựt mình kéo sụp mũ xuống nửa mặt và ôm máy đứng né lui sau vai một thằng kia. Lão lườm xoi xói một lượt từng cặp măt xanh lè mà lão cho là “thủ phạm dội ca-nông” vô làng!
 Lão tằng hắng, rồi giơ đầu gậy nhịp nhịp xuống đống tôn trước mặt, giọng bửa củi:
  -Nè!...Nhà-tao-là-nhà-rường !...Cột săng kiềng kiềng !...Ngói âm dương ! …Ba đời ông bà tao mới mần lên nổi!...Thứ này là cái đồ…! …Mơi mốt phải đền lại nhà rường cho tao!...
        
         Rồi lão vung văng, ào ào chống gậy bỏ về!...
       
        Thằng Xơn bật lại máy thâu băng, tiếng lão nghe lồng lộng!  Xơn đứng há họng, chẳng hiểu trời đất chi!...Cả làng cười rân!...
                                                                                                                                                                                                                                                                                               
Báo SGGP  3/8/08, với tên truyện Bức ảnh 
DĐK