Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CÂU THƠ THỔI LỬA SUỐT ĐỜI

Nguyễn Xuân Dương
Thứ hai ngày 21 tháng 12 năm 2009 9:41 PM

        (Đọc Đồng hành thế kỷ, thơ Thái Thăng Long, NXB Thanh niên -2009).
 Tôi coi câu thơ trên là khát vọng sống của cả đời người, đời thơ Thái Thăng Long (TTL). Trong lời tựa của Đồng hành thế kỷ, TTL đã trích một câu nói của một triết gia cổ Hy Lạp : “Sau thần linh là thi ca” để dẫn dụ sự cần thiết, sức mạnh cải hóa, sức mạnh dẫn dắt nhân loại của thi ca. Nhưng tôi nghĩ rằng, thần linh lại được sáng tạo ra từ trí tưởng tượng bất diệt của loài người – đó là thi ca.
 “Những câu thơ thổi lửa suốt đời” là một câu thơ tài hoa, một câu thơ lớn! Sự tài hoa đã đến kỳ chín mọng. Độ lớn của nó đã mở ra đến chỗ vô cùng. TTL đã dùng động từ “thổi” chứ không phải “thắp”. “Thắp” thuộc phạm trù tạo dựng, phạm trù của sự cho, sự ban ơn. “Thắp” có thể bị tắt đi, bị lụi tàn trước gió mưa và bão lũ cuộc đời. “Thổi” thuộc phạm trù duy trì mãi mãi, phạm trù khơi dậy. Bởi TTL hiểu rằng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã luôn cháy bùng ngọn lửa trong trái tim mỗi con người. Nhưng sang thế kỷ  XXI này, thế kỷ mà TTL muốn dùng thơ mình để đồng hành và trải nghiệm – Tình người đã dần vơi cạn đi, ngọn lửa của lòng yêu thương và nhân hậu đã dần nguội lạnh đi. TTL cũng như bao nhiêu nhà thơ khác sống có trách nhiệm với cuộc đời này  đã và phải làm một điều gì  vô cùng hệ trọng. Đó là việc nhen nhóm lại, thổi bùng lên ngọn lửa trong trái tim người, không chỉ trong chốc lát mà suốt cả đời người, đời thơ. TTL có nói : “ Thi ca là nơi ẩn náu tâm hồn mình, ẩn náu những cảm xúc, ẩn náu lý trí”. Nhưng, nếu ta đọc kỹ, chăm chú và cẩn trọng Đồng hành thế kỷ, ta lại thấy hiện dần lên sau từng bài thơ, sau từng con chữ có một TTL ắp đầy lòng nhân hậu.
 Tôi không có tham vọng mộng du trong cõi vô biên mà TTL đã tạo dựng cho thơ mình. Tôi chỉ đề cập tới một số câu kết trong thơ TTL. Những câu kết không bao giờ khép lại một bài thơ, dù trước đó TTL có viết gì đi nữa, có tưởng tượng ra bao điều khác lạ, bao sự bất ngờ, căm ghét đến tận cùng thói giả trá, ngang trái lọc lừa, những điều chưa hoặc không hoàn hảo của cuộc đời. Sự căm ghét ấy chính là được bắt nguồn, được khơi dậy từ tình yêu cháy bỏng cuộc đời. Vì thế, câu thơ kết của TTL như là gieo hạt, có thể ươm mầm những ước mơ và khát vọng của con người, để cùng anh yêu thêm hơn nữa cuộc đời này. Chỉ bằng mười câu thơ, với 61 từ ngắn ngủi mà “Sông Hồng thần thánh” đã tạo dựng cho ta một trường liên tưởng, một trường suy nghĩ đa tầng, đa nghĩa. Chúng ta nghĩ về những chiến tích oai hùng “Man mác ngựa xe hào khí ngang trời”; nghĩ về một Sông Hồng dào dạt sóng, những con sóng vỗ bờ mà âm hưởng của nó cứ lan tỏa như ngàn vạn câu ca theo suốt tháng năm, theo suốt rộng dài của đất nước mà “Sông Hồng thần thánh” đã đi qua. Tâm hồn ta lại phiêu diêu trong những miền cát trắng bơ vơ của ngàn năm tồn tại. Ta nghĩ về tuổi thơ ta : “Nước sông nhuốm đời thơ ấu/ Ngàn câu ca con sóng vỗ bờ/ Tuổi thơ gọi, chân phù sa lấm/ Dẫu nghìn năm cát trắng vẫn bơ vơ”. Câu kết của bài thơ như một lời nhắn gửi, để ta dẫu là ai, còn say hay tỉnh, khi nghe tiếng gọi của mẹ, vẫn nhớ rằng “Tỉnh trong say giữ lấy đất trời”.
 TTL tin vào sự luân hồi của vũ trụ. Dù đã có lúc “Tích tắc thời gian cửa đã khép rồi”, dù “Yêu ghét như không”. Bởi cái ghét, cái yêu của thời này cũng khác nhiều so với cái ghét, cái yêu của thời xưa. Sự biến chuyển của thời cuộc cũng có thể biến “Chân lý cong theo đường cong ánh sáng”. TTL đã đặt niềm tin vào sự luân hồi để rồi  tin khổ đau, đói nghèo cũng sẽ qua đi “Tích tắc triệu triêu năm cám dỗ/ Cửa thời gian lại mở lại yêu”.
 Không hiểu sao khi đọc “Chiều nghìn năm trong mắt” lòng tôi cứ nghèn nghẹn. Rồi một cái gì đó cứ lớn dần, cứ trỗi dậy trong tôi. Tôi như được đi dọc suốt nghìn năm,  nhìn suốt tận nghìn năm chỉ qua những câu thơ rất kiệm lời, kiệm chữ của TTL. Có những bài thơ  ta bắt gặp trong đời, để hiểu được cặn kẽ lớp lớp tầng nghĩa của nó phải vật lộn, trăn trở, phải vận hành hết cảm xúc và trí tuệ. TTL có những bài thơ như thế. Tại sao lại “Chiều nghìn năm trong mắt”? Có phải một chiều dài tồn tại suốt nghìn năm của Thăng Long? Hay nghìn năm chỉ là một đơn vị đo thời gian tượng trưng của TTL chứa dựng biết bao biến cố dời đổi, bao nhiêu sự hưng phế của các triều đại? Sự sáng tạo của triệu triệu kiếp người  đã đọng lại trong đôi mắt? Tôi hiểu rằng, đó là “đôi mắt” của thi sĩ TTL khi khát khao “Ta đợi nghìn năm ấy/ Cháy chiều trong mắt ai/ Ta đợi nghìn năm ấy/ Quên đi những đêm dài”.
 Tôi biết TTL sinh ra và lớn lên ở cái ngõ nhỏ số 22 Đội Cấn. cái ngõ nhỏ ấy ngày xưa chỉ là ao tù nước đọng. Cứ mỗi mùa hè đến khi rau muống đang đại trà thu hoạch. Sau mỗi lần thu hoạch thì hầu như tất cả phân tươi của phố phường hà Nội được trút hết xuống những ao hồ rau muống ấy. Mùi nước tù đọng, mùi phân tươi xông lên nồng nặc. thế mà TTL vẫn không thể quên cái phố cũ nghìn năm ấy là lẽ làm sao?  Rồi tôi hiểu đó là tình yêu, những kỷ niệm của một thời gian khổ mà tươi đẹp, cái thời TTL đã từng “Chân lấm đỏ phù sa”. Đến khi trở thành người lính chiến trường, trở về định cư ở Sài Gòn, TTL vẫn không nguôi nhớ về nơi ấy. Anh đã lấy cái tên Thái Thăng Long để đặt cho bút hiệu của mình với tất cả tình yêu thương trân trọng nhất.
 Cái đơn vị thời gian nghìn năm ấy ta lại được gặp trong bài “Mơ”. TTL đã mơ một giấc mơ trôi suốt cả nghìn năm mà ở đó đã tồn tại cả cõi phù du cùng cõi thực. Vì đó là giấc mơ nên những câu thơ ta cảm thấy như nó chắp vá, không đầu không cuối, cứ hỗn độn như trong cõi mơ… Nhưng rồi phiêu lưu mãi, TTL cũng đã kết lại cho mình, một sự kết táo bạo, một sự kết mở ra : “Ta là kẻ yêu giấc mơ đẹp nhất/ Nhớ người xưa/ Bỗng chốc rưng rưng”. Ta thường gặp những câu thơ như thế trong Đồng hành thế kỷ, những câu thơ như từ trong một cõi  thẳm sâu nào đó hiện về, như từ trên trời rơi xuống. Thơ TTL không kết dính với nhau bằng những liên từ mà bằng sự liên tưởng. Đọc thơ anh, ta không thể chỉ đọc bằng cảm xúc mà phải đọc nó bằng cả trí tuệ. Thơ TTL làm cho ta trăn trở và rồi phải đắm say. Anh chỉ nhớ “Người xưa” chứ không  phải là những con người hiện tại, những “Người xưa” của quá khứ nghìn năm.
 TTL có một khát vọng lớn lao : “Ta đi trên con đường mòn/ Mù mịt trăng sao/ Ta khát vọng mặt trời còn bé/ Ta ngưỡng vọng bao trái tim thơ trẻ/ Ta đợi tình yêu/ hạnh phúc dâng tràn”. Và, dường như để nuôi cho khát vọng ấy tiệm cận với hiện thực, TTL đã luôn tự nhủ mình phải viết “Những câu thơ thổi lửa suốt đời”.