Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÂU CHỈ NHƯ LÀ MỘT KHẨU HIỆU

Dương Đức Quảng
Thứ sáu ngày 18 tháng 12 năm 2009 2:48 PM
Tôi định đặt tít của bài viết này là: “Lương Giáo, Bắc Nam chung một mái nhà”, nhưng lại thôi, vì nghe như một khẩu hiệu chính trị, có thể một ai đó đọc sẽ bị dị ứng. Vì thế mới có đầu đề của bài viết này như trên.
Bài viết của tôi có nói đến đạo Công giáo nhưng sẽ không nói đến và bình luận gì về chuyến thăm Ý, gặp Giáo hoàng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vừa diễn ra trong tuần qua, vốn là một đề tài được báo chí và dư luận trong nước và nước ngoài quan tâm. Tôi có nói đến người Bắc, người Nam nhưng không viết gì về vấn đề thống nhất Bắc Nam, một chủ đề không mới nhưng chưa phải đã hết tính thời sự, nhất là trong con mắt của một số người Việt ở nước ngoài. Bài viết của tôi chỉ nói về chuyện con trai tôi mới cưới vợ và gia đình tôi mới có thêm một cô con dâu người miền Nam, theo đạo Công giáo.
Cậu con trai út của tôi, Dương Đức Hà Đăng, học xong đại học ra trường kiếm việc làm ở Hà Nội vài năm, có một thời gian ngắn tập sự làm báo ở cơ quan Thông tấn xã nhưng rồi không thích “cả gia đình làm báo”, nên chuyển vào TP Hồ Chí Minh kiếm việc khác. Sau hơn ba năm định cư tại thành phố này với nghề ma-két-ting cho Tổng Công ty Rượu Bia – Nước giải khát Sài Gòn, ở tuổi “tam thập nhi lập”, con trai tôi lấy vợ. Vợ cháu, Ngô Thị Hoàng Vy, học xong đại học về thực tập ở chỗ cháu làm việc một thời gian, nay làm cho một công ty bảo hiểm tại thành phố. Con dâu tôi quê gốc ở Mỹ Tho, Tiền Giang, cả gia đình hiện ở TP Hồ Chí Minh. Cháu theo đạo Ki-tô – đạo gốc của bố cháu, tên thánh của cháu là Marita Magarita Ngô Thị Hoàng Vy. Thời buổi bây giờ không phải như trước, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, mà trái lại, “.Con ngồi đâu cha mẹ phải theo đấy”. Dù bạn bè của tôi, của vợ tôi, cùng quê có, cùng học có, cùng công tác có, công tác và định cư ở TP Hồ Chí Minh khá nhiều, trong đó nhiều người có con gái, cháu gái vào loại “chân dài như kiếm Nhật” quý mến con trai tôi, rất muốn “làm sao để hai gia đình trở thành thông gia” nhưng rồi đều không thành. Việc cháu quyết định lấy vợ và định ngày tổ chức lễ cưới hoàn toàn do cháu và vợ cháu quyết định trên cơ sở được cả hai gia đình đồng thuận.
Lễ cưới của con trai tôi được tổ chức ngày 28-11-2009 tại thành phố Hồ Chí Minh, diễn ra tại hai nơi: Ở Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng và ở Nhà khách Văn phòng Chính phủ, 108 Nguyễn Du, mà trong bài “Ghi vội sau lễ cưới của con trai” trên blog này tôi có viết, điều đó “như một sự trái khoáy”, nhưng thật ra là rất thú vị và đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi thành viên của hai gia đình chúng tôi.
Tôi đã vào nhiều nhà thờ, nhà chùa của nhiều tôn giáo ở trong nước cũng như ở nước ngoài để tham quan, vãn cảnh. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, tôi đã từng viết bài về cụ Tô Văn Pho, một chức sắc của đạo Cao Đài, chủ trì “Đại đạo Tam kỳ Phổ độ Thánh thất Thăng Long”, giầu lòng yêu nước, tham gia tích cực công tác xã hội, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người và sau năm 1975 đã vào Thánh đường Tây Ninh của đạo Cao Đài, ngắm nhìn một con mắt tựa như vầng mặt trời mà tín đồ đạo Cao Đài tôn thờ. Tôi đã vào nhà thờ Tin Lành ở Nha Trang và từng quen biết một vị mục sư, biết rằng mục sư có thể lấy vợ và khi giảng đạo có thể mặc lễ phục như người bình thường, khác hẳn linh mục bên Công giáo không được phép lập gia đình và khi giảng đạo phải mặc áo lễ theo quy định của đạo Ki-tô. Tôi không bao giờ quên ơn chị Sáu, một tín đồ theo đạo Tin Lành ở Nha Trang, mẹ của một liệt sĩ Việt Cộng, người đã đưa vợ tôi vào nhà hộ sinh để sinh đứa con đầu lòng, là Dương Đức Đà Trang, hiện là Trưởng Văn phòng báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, trong khi tôi đi công tác vắng nhà. Tôi cũng đã từng gặp, phỏng vấn vị Hòa Thượng Thích Thanh Tứ, một chức sắc cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khi Hòa thượng còn là Thượng tọa chủ trì chùa Quán Sứ, được Thượng tọa mời ăn cơm chay ngay tại chùa. Còn khi ra nước ngoài, tôi đã đến thăm những giáo đường đồ sộ, những công trình kiến trúc nổi tiếng của đạo Ki-tô ở Pháp, ở Tiệp, ở Ba Lan, ngắm nhìn những bức tranh có một không hai trên các vòm nhà thờ lớn của các họa sĩ danh tiếng từ nhiều thế kỷ trước. Tôi đã vào những ngôi chùa khổng lồ ở Trung Quốc, vào chùa Vàng ở Thái Lan...để lễ Phật. Tôi cũng đã từng xem người theo đạo Hồi hành lễ ở sân bay Bát-đa, I-rắc hay đến thăm một nhà thờ Hồi giáo ở Ma-rốc có thể chứa được 25.000 người, chưa kể khoảng sân bên ngoài có thể chứa được gần 100.000 người khác cùng hành lễ...
Thế nhưng tôi chưa bao giờ được chứng kiến một lễ cưới được tổ chức tại nhà thờ. Vì thế lễ cưới của con trai tôi diễn ra ở nhà thờ, vì con dâu tôi theo đạo Thiên chúa, là một điều hiếm có. Trước khi lễ cưới diễn ra, con trai tôi phải đi học một lớp gọi là “giáo lý hôn nhân” trong ba tháng, có kiểm tra kiến thức sau khi học, nếu không đạt sẽ phải học lại và nếu không có đủ “trình độ” thì sẽ không được làm lễ cưới tại nhà thờ.
 
Đúng 9 giờ30 lễ cưới bắt đầu tại Nhà nguyện 2 của Nhà thờ Kỳ Đồng. Sở dĩ lễ cưới diễn ra tại Nhà nguyện mà không phải ở nhà thờ chính là vì con trai tôi không theo đạo. Chỉ khi nào cả hai người cùng theo đạo thì lễ cưới mới được tổ chức trong nhà thờ. Khi cô dâu và chú rể khoác tay nhau bước vào thì dàn đồng ca của nhà thờ ngồi phía sau trong Nhà nguyện bắt đầu cất tiếng một bài thánh ca. Vị Linh mục, tôi đoán có lẽ đã ngoài 70, nói giọng Bắc, mở đầu buổi lễ bằng việc cho biết nhiều nhà thờ từ chối việc tổ chức lễ cưới như thế này (vì chỉ có một người theo đạo), nhưng nhà thờ Kỳ Đồng đã chấp nhận việc tổ chức lễ cưới cho hai con chúng tôi vì không thể không đáp ứng nguyện vọng của gia đình con dâu tôi, một gia đình cả nhà theo đạo Công giáo. Tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy vị Linh mục này không mặc áo chùng màu đen như tôi thấy các linh mục khác thường mặc, mà lại mặc áo lễ màu phớt hồng. Sau này con dâu tôi cho biết, trong những buổi làm lễ thành hôn cho các tín đồ thường linh mục mặc áo lễ màu hồng, màu biểu trưng cho niềm vui, niềm hạnh phúc. Trong các buổi lễ phục sinh, các linh mục lại thường mặc áo lễ màu tím, còn nhiều buổi lễ khác lại mặc áo lễ màu đen, tuỳ theo tính chất của từng buổi lễ. Sau đó vị Linh mục mở Kinh thánh nói về bổn phận của con người trước Thiên chúa và đối với nhau trong cuộc sống tạm trên trần gian trước khi về Thiên đàng. Ông đọc những đoạn trích trong Kinh thánh nói về bổn phận và trách nhiệm của người con trai, con gái trong hôn nhân, “hôn nhân một vợ một chồng”, và nói về lời răn dạy của Chúa đối với các cặp vợ chồng, là “Sự gì Thiên chúa đã kết hợp thì con người không được phân ly” và “Bậc cha mẹ cũng như con cái phải sống và chu toàn các bổn phận trong tinh thần Đức tin và luôn sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh”...Đến phần quan trọng nhất trong nghi lễ, con trai và con dâu tôi trao nhẫn cưới cho nhau trước sự chứng kiến của vị Linh mục thay mặt cho Thiên chúa và trả lời các câu hỏi của vị Linh mục này chỉ với hai từ có hay không mà thôi: Anh Đăng có tự nguyện lấy chị Vy làm vợ không? / Chị Vy có tự nguyện lấy anh Đăng làm chồng không?” và: Anh Đăng có nguyện sống chung cùng chị Vy không bao giờ phân ly kể cả khi sung sướng lẫn lúc gặp gian nan, khổ hạnh không?/Chị Vy có nguyện sống với anh Đăng không bao giờ phân ly kể cả khi sung sướng lẫn khi gặp gian nan, khổ hạnh không?”.
                         Sau nghi lễ đó là thủ tục ký tên vào một văn bản như là bản khế ước hôn nhân của hai vợ chồng và của hai người làm chứng trước vị Linh mục. Cuối cùng, vị Linh mục này thực hiện nghi lễ ăn bánh Thánh và chia bánh Thánh cho con dâu tôi và những tín đồ theo đạo Ki-tô có mặt tại nhà thờ. Những người không theo đạo không được ăn bánh Thánh.
Buổi tối cùng ngày, hai gia đình chúng tôi tổ chức lễ cưới cho hai cháu theo nghi thức thông thường tại Nhà khách Chính phủ, 108 Nguyễn Du, TP Hồ Chí Minh. Thế là từ hôm nay, gia đình chúng tôi, một gia đình không theo đạo, như cách gọi ngày xưa là “người bên Lương”, đón một cô con dâu theo đạo Ki-tô, “người bên Giáo”,  quê ở miền Nam, lấy chồng miền Bắc, về cùng sống chung trong một mái nhà. Điều thú vị hơn nữa, gia đình họ hàng chúng tôi lại có nhiều người theo đạo Phật, bản thân tôi, vợ tôi và con trai đầu của tôi đều là đảng viên Cộng sản, dưới con mắt của những người theo đạo là người vô thần, song tất cả đều rất vui khi có một thành viên mới của gia đình như thế.
Tôi viết bài này không phải để làm chính trị, để tuyên truyền một điều gì đó mà có thể người này, người khác khó nghe, mà chỉ để nói lên một sự thật: Khi đã có lòng với nhau thì mọi sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc, vùng miền..., đều có thể tìm được một điểm chung và đều có thể sống cùng nhau tốt đẹp.  Điều đó đâu phải chỉ là một khẩu hiệu chính trị.
Nguồn:
http://vn.myblog,yahoo.com/dd_quang1945