Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀM CHO "KHỐC HẠI" CHỈ VÌ IN THƠ

Bùi Hoàng Tám
Thứ tư ngày 20 tháng 1 năm 2010 8:01 PM
Với “lý lịch văn chương” khá “hoành tráng” cộng với lý lịch 15 năm quân ngũ, một người “mê cuồng, cuống quýt” với văn chương như nguyên sĩ quan QĐND Phan Đức Chính việc vào Hội Nhà văn Việt Nam tưởng chừng như lẽ đương nhiên. Thế nhưng cuộc đời lại không đơn giản như ta tưởng. Hơn ¼ thế kỉ qua, anh đã 4 lần làm đơn mà vẫn chưa qua được cửa ải của 5 khóa chấp hành

Viết về người khác mà lại kể về mình là điều ngớ ngẩn và tối kị của người cầm bút. Thế nhưng tôi lại mở đầu bài viết bằng việc làm ngớ ngẩn và tối kị đó. Số là dạo còn ở Thái Bình, việc được in thơ trên hai “ngôi đền văn chương” là báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội là niềm mơ ước của khá nhiều văn sĩ chứ không chỉ loại tôm tép ngữ chúng tôi. Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đó, đám văn sĩ ở Thái Bình mới chỉ có khoảng 5 - 6 người (nói như ngôn ngữ quê tôi là chưa đầy một cỗ) có thơ in trên báo Văn nghệ. Có lần, lũ tập tọng văn chương chúng tôi tụ tập ba hoa thơ phú, một nhà thơ lớn tuổi ngồi lặng lẽ nghe từ đầu đến gần cuối buổi mới thủng thẳng phán nhẹ một câu: “Năm một nghìn chín trăm mấy mấy, mình có bài in trên Văn nghệ. Thế là ôi thôi thôi, cả bọn ngồii im như thóc giống. Có tác phẩm được in ở hai tờ báo trên như một chứng chỉ bảo kê cho tầm văn chương vượt qua bến phà Tân Đệ, lên đến Hà Nội thủ đô.

Những cuộc ra quân “oai phong, lẫm liệt”

Phan Đức Chính xuất hiện trên các “ngôi đền văn chương” đó từ rất sớm, tuy chả bao giờ thấy anh “thủng thẳng” chuyện này. Bài thơ Khóm dừa và ngôi nhà Bác ở của anh được in trên Văn nghệ Quân đội từ những năm cuối thập kỉ sáu mươi của thế kỉ trước, tức là cách đây quãng 40 năm. “Oai hùng” hơn, năm 1974, Phan Đức Chính cùng với các nhà thơ Trần Nhương, Ngô Thế Oanh, Trần Bình Minh được giải thưởng Thơ hay của tạp chí văn chương uy tín nhất nhì cả nước khi đó. Năm 1971, anh lính trẻ Phan Đức Chính lúc ấy đang lăn lộn ở chiến trường Bình Trị Thiên còn được Tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn Việt Nam trang trọng giới thiệu trong mục tác giả, tác phẩm cùng với các nhà thơ nổi tiếng Duy Khán, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hoa. Thời bao cấp, việc in thơ tập khó như… “đường vào nước Thục” nhưng ngay từ năm 1976, Phan Đức Chính đã được Nhà xuất bản Văn học Giải phóng cho ra mắt tập thơ Những dòng sông ra biển, in chung với Trần Văn Tuấn. Sáu năm sau (1982), một lần nữa Phan Đức Chính lại được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tuyển chọn vào tập thơ chung Hương nắng - Tiếng chim cùng với các nhà thơ Hà Phạm Phú, Nguyễn Thụy Kha, Thân Như Thơ. Việc “ra quân” như vậy vào thời điểm đó ghê gớm lắm, “oai phong lẫm liệt” với cả quốc gia chứ chả chơi. Và biết đâu nó chính là một trong những nguyên nhân đã khiến anh “khốc hại”…?

“Khốc hại” vì… in thơ!
 
Vào những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, việc dỡ bỏ bao cấp, trong đó có cả “bao cấp văn chương” đã khiến chuyện in ấn tuy không dễ dãi như bây giờ nhưng cũng không còn gian nan như trước đó nên hàng loạt tập thơ xuất hiện. Các nhà thơ trẻ đã phải nhiều năm “xếp hàng dài cổ” phía sau đoàn người dài tít tắp mà phía trước toàn những cây đa, cây đề trước cổng nhà xuất bản giờ đây như được sổ lồng. Không chỉ ở trung ương mà ở nhiều địa phương, các cây bút cả già, cả trẻ đều náo nức ra thơ tập. Bi kịch cho Phan Đức Chính là vào thời điểm đó, cái cơ quan mà anh từ quân ngũ chuyển về sau ngày thống nhất đất nước là Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình lại tinh giảm biên chế. Tính theo chế độ lúc ấy, 14 năm 8 tháng quân ngũ (chưa quy đổi) và 16 năm công tác ở các cơ quan nhà nước, nếu về “một cục”, anh sẽ được lĩnh bốn triệu hai trăm ngàn đồng. Chả biết tính toán thế nào mà Phan Đức Chính quyết định xin về “một cục” dù anh không thuộc diện giảm biên. Cầm số tiền hơn bốn triệu bạc trong tay, Phan Đức Chính run lên vì cả đời mình chưa bao giờ anh có nhiều tiền đến thế. Và việc đầu tiên anh nghĩ đến là ra cho riêng mình một tập thơ. Tập thơ “Những dòng sông dân ca – NXB Lao động 1990” với giá tổng chi phí là hai triệu tám trăm ngàn đồng chẵn đã được trích ra từ ngân sách “một cục” đó. In thơ xong, ngày ngày, Phan Đức Chính lóc cóc đạp xe đem thơ đi… tặng. Thương chồng vất vả, vợ anh trích ra một triệu mốt để mua cho chồng chiếc babetta cổ cò, cổ ngỗng, hỏng hóc liên miên, đi thì chậm, nổ thì to mà uống xăng như uống bia hơi Hà Nội. Sáng nhà thơ dậy sớm, chằng buộc vài chục cuốn sách sau gác ba ga, nổ máy phành phạch ra ngõ. Chiều, thi sĩ trở về khi chiếc gác ba ga đã trống rỗng. Số tiền bán sách sem sém số tiền đổ xăng. Xuất bản một ngàn cuốn, chỉ thu tiền được khoảng gần hai trăm cuốn, số còn lại là tặng. Có lẽ trong đời mình, chưa bao giờ Phan Đức Chính ký nhiều như thế. Khi những chữ ký tặng cuối cùng được viết lên, cũng là lúc chiếc xe đổ bệnh rồi liệt hẳn. Thế là số tiền mồ hôi, xương máu gần 40 năm (sau khi quy đổi) trong đó có cả giọt nước mắt mong con của người mẹ già  cộng với giọt lệ nhớ chồng của người vợ trẻ đã bị “Những dòng sông dân ca” cuốn trôi ra biển.

Cày thuê, gặt mướn lấy tiền… in thơ 

Nếu vào người khác, sau cú “dại dột” ấy chắc phải buồn và cạch đến già. Thế nhưng Phan Đức Chính ngược lại, rất vui và hoàn toàn không nghĩ đến việc “rút kinh nghiệm”. Mười bốn năm sau (2004), khi đã “hoàn hồn”, Phan Đức Chính tiếp tục cho ra mắt Trường ca Mưa trong đất – NXB QĐND và tập thơ chọn Đất mưa – NXB HNV. Năm 2005, Phan Đức Chính tiếp tục cho ra mắt Trường ca Mây trắng bay về đâu. Chưa hết, anh còn “dọa” sẽ tiếp tục xuất bản hai tập thơ và trường ca nữa.
 Cho đến nay, trừ hai tập bao cấp in chung, Phan Đức Chính đã có 5 tập in riêng, trong đó có 2 tập là trường ca. Vẫn biết việc in một tập thơ đối với nhiều người là chuyện “nhỏ như con thỏ” nhưng với Phan Đức Chính thì tuyệt nhiên không nhỏ bởi từ 20 năm nay, vợ chồng anh và bà mẹ già cùng bốn đứa con sinh sống, học hành, thuốc men khi đau ốm… chỉ có duy nhất dựa vào hơn một triệu tiền lương hưu non của chị. Để duy trì cuộc sống, nhà thơ già và cô giáo hưu non phải cày cấy gần một mẫu ruộng.

Ba cách tiếp cận thơ Phan Đức Chính

Hơn 40 năm gắn bó với văn chương mà có 7 tập thơ cả in chung lẫn in riêng tất nhiên không thể nói là ít nhưng cũng chẳng thể nói là nhiều. Tôi đã từng thấy không ít người chơi thơ như thú chơi cây, cá cảnh và chỉ vài ba năm viết lách nhưng cũng đã cho ra mắt hàng chục tập thơ to nhỏ, lớn bé. Văn chương vốn không tính nhiều - ít mà chủ yếu là ở chỗ hay – dở. Bốn câu Nam quốc sơn hà… của Lý Thường Kiệt không thể kém Truyện Kiều mấy ngàn câu của Nguyễn Du. Vậy thơ Phan Đức Chính hay hay không? Trả lời câu hỏi này xưa nay đều là việc khó, nhất là với tôi, một người không chuyên tâm vào nghiên cứu hay phê bình văn học. Thực lòng, tôi dị ứng với lối “cao đơn hoàn tán” và rờn rợn trước những mỹ từ “mở ra, đóng vào”, “ảo giác, thi phẩm”, “bước ngoạt – vượt lên”… của kiểu phê bình “bốc thơm” trong không ít các bài báo gần đây. Vì vậy, tôi chọn cho mình ba cách để tiếp cận thơ pham Đức Chính. Thứ nhất, theo những công nhận mang tính chính thống, Phan Đức Chính từng được Giải nhất cuộc thi Thơ của Tạp chí Văn nghệ Thái bình 1999, ba lần được Giải thưởng Lê Quý Đôn về thơ. Thứ hai, đối với anh em đồng nghiệp, chúng tôi – tức là gồm các nhà thơ: Nguyễn Trọng Khánh, Đỗ Trọng Khơi, Bùi Hoàng Tám – đều là hội viên Hội nhà văn Việt Nam (cả điều này cũng chả có gì ghê gớm lắm) trưởng thành và gắn bó với mảnh đất Thái Bình cùng có chung nhận xét: “Phan Đức Chính là nhà thơ hàng đầu của mảnh đất này trong vòng 50 năm qua”. Khi tôi lên Hà Nội, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà thơ nổi tiếng, nhắc đến thơ anh, nhiều người tỏ ra thiện cảm và thán phục, nhất là đối với các nhà thơ thuộc thế hệ chống Mỹ. Các câu thơ hay của Phan Đức Chính như: “Đất nước tựa lưng nhau đánh giặc – Tiếng đàn bầu ngả nón xuống dòng sông”, “Vợ chồng thương nhau sông rộng lại sông sâu”… được nhiều người thuộc. Thứ ba, xin nhường ý kiến cho độc. Đây là cách mà theo tôi là đáng tin nhất.

Con đường vào Hội gian nan
 
Với “lý lịch văn chương” khá “hoành tráng” cộng với lý lịch 15 năm quân ngũ, một người “mê cuồng, cuống quýt” với văn chương như nguyên sĩ quan QĐND Phan Đức Chính việc vào Hội Nhà văn Việt Nam tưởng chừng như lẽ đương nhiên. Thế nhưng cuộc đời lại không đơn giản như ta tưởng. Hơn ¼ thế kỉ qua, anh đã 4 lần làm đơn mà vẫn chưa qua được cửa ải của 5 khóa chấp hành. Lần thứ nhất là vào năm 1983. Một buổi chiều ở Nhà số 4 Lý Nam Đế,  nhà văn trẻ Đỗ Chu (khi đó mới gần 40 tuổi) bảo Phan Đức Chính: “Mày làm thơ khá đấy. Vào Hội đi, tao với Nguyễn Đức Mậu giới thiệu”. Và từ lá đơn đầu tiên ấy đến nay đã 26 năm đồng nghĩa với 25 lần kết nạp hội viên mới, năm nào cũng vậy, bạn bè văn chương lại hồi hộp hi vọng: “Thái Bình lần này thế nào cũng có Phan Đức Chính”. Thế nhưng nói như nhà văn Nam Cao, rằng… “đã hi vọng, đã thất vọng nhưng mãi mãi vẫn còn hi vọng”.  Có lần mấy anh em ngồi bàn tán tào lao, tôi đùa rằng có khi tại cái tên bác là “Chính – Phan Đức Chính” nó húy kị chứ giá tên bác ấy là “Phụ - Phan Đức Phụ” thì biết đâu mọi việc lại chả… hanh thông!
Giờ đây, những người cùng thời với anh như Nguyễn Thụy Kha, Thân Như Thơ, Trần Nhương, Trần Nhuận Minh, Duy Khán, Hà Phạm Phú… đều trở thành hội viên có thâm niên của Hội. Những người giới thiệu anh  như Nguyễn Đức Mậu, Đỗ Chu đã trở nên danh giá. Đặc biệt là nữ sĩ Anh Thơ, bà bác họ đồng thời cũng là một trong số những người ký đơn giới thiệu anh đã về nơi chín suối. Chỉ còn duy nhất một mình anh lặng lẽ làm thơ, lặng lẽ in thơ và lặng lẽ chờ đợi trong hi vọng vào mỗi kỳ kết nạp hội viên mới.