Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI BUỒN CUỐI NĂM

Lê Huy Quang
Thứ hai ngày 21 tháng 12 năm 2009 8:36 AM
  1.  Mỗi sáng mai, trên báo chí, truyền hình, trong các trường học, cả nhà trẻ, mẫu giáo, nơi công cộngChân…trên mọi miền đất nước; đâu đâu chúng ta cũng được nghe câu nói quen thuộc cửa miệng- Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai! Hoá ra, trẻ em là tương lai của một dân tộc, nói rộng ra, và khái quát, trẻ em là tương lai của cả thế giới ! Ai cũng nói, và biết như thế. Nhưng rồi, ngày nào cũng nói ( và cả hát nữa ), quen miệng đi, những điều thiêng liêng, đáng ghi nhớ để thực hiện ấy, lại trở nên qúa bình thường, thậm chí, có lúc còn có vẻ như là sáo rỗng, tầm thường nữa, cứ như nói để mà nói…Và  rồi, chẳng có ai nghĩ là đã làm gì cho các em, một việc cụ thể, trong một ngày cụ thể hay không. Còn câu hát thì vẫn cứ vang lên, vang lên mãi, vô tận, không bao giờ dừng…Đã gần trôi qua 10 năm đầu của thế kỷ XXI, đã sắp bước vào Đại lễ kỷ niệm Thăng Long- Hà Nội 1.000 năm tuổi; vậy mà, một Cung Văn hóa tổng thể về nghệ thuật, thể thao, vui chơi, giải trí…khép kín, đầy đủ tiện nghi, hiện đại, dành riêng cho trẻ em - ngay giữa trung tâm, hoặc ngoại vi Hà Nội thì hình như vẫn chưa có phương án, dự án, quy hoạch…ở đâu cả ( xin đừng nói là đã có cái “Cung thiếu nhi phố Lý Thái Tổ”, từ thời bao cấp xa xưa, đã cải tạo vài lần, mà vẫn hết sức chật chội so với nhu cầu của trẻ em Thủ đô hiện nay). Rồi ngay cả cái “Công viên Tuổi trẻ Thủ đô” ở Thanh Nhàn, thì cũng ì ạch lâu nay chưa đâu vào đâu, thật buồn lòng. Nhưng điều đáng quan tâm nhất, mà thời gian qua, báo chí, công luận đã đặt câu hỏi- là tại sao trong dịp Đại lễ kỷ niệm này, lại không có bất kỳ một công trình mới nào dành cho thiếu niên và nhi đồng Thủ đô- để các em được đến dự lễ cắt băng khánh thành, rồi sau đó trở thành một tụ điểm của tuổi trẻ  trong một lễ hội. Câu hỏi này, xin nhường lời cho các cơ quan chức năng; bởi chỉ còn không đầy một năm nữa thôi, có lẽ, sẽ không còn thời gian cho bất kỳ một đề xuất dự án mới, hoặc điều chỉnh nào nữa!

2. Càng đến những ngày cuối năm, Thủ đô Hà Nội càng tấp nập, nhộn nhịp muôn sắc, muôn vẻ, muôn màu; với tất cả vẻ đẹp vốn có, cũng như những mảng tối của cuộc sống thường nhật; đó cũng là lẽ thường tình. Một trong những mảng tối đó- vẫn là một chủ đề cũ, mà không ngày nào công luận không bàn tới- đó là văn hóa giao thông đô thị ( GTĐT); bởi nó tác động trực tiếp đến ( tính mạng) của mỗi con người…Nói đến GTĐT, chúng ta thường so sánh: xe mô tô, gắn máy- xe đạp- người đi bộ- như ba cái chân kiềng chủ yếu và rất quen thuộc trong cuộc sống hiện đại; nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và các TP, đô thị lớn. Với mô tô, xe gắn máy, luật pháp đã có đủ các chế tài quy định, xử phạt. Với xe đạp, tuy Nhà nước không quản lý( đăng ký, biển số); nhưng cũng đã có những quy định cụ thể, nên cũng không thể cứ tự do nghênh ngang như xưa nữa. Như vậy hiện nay, chỉ còn lại người đi bộ là ( hình như) vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật; và hình như, bản thân người đi bộ cũng nghĩ rằng- mình có quyền tự do, đường ta ta cứ đi- chân tôi, tôi cứ đi. Đó là chưa nói đến một nếp nghĩ rất cũ đã tồn tại lâu nay trong tiềm thức mỗi người ( kể cả với các nhà thi hành luật pháp)- là khi tai nạn xẩy ra, người đi bộ, người có phương tiện giao thông thô sơ hơn…là phải được bênh vực- theo kiểu “ có lý, có tình”. Thôi thì, không thể nào kể hết ra được là có bao nhiêu kiểu đi bộ đã vi phạm luật giao thông: đi không đúng phần đường; đi ngang, đi chéo, đi tắt không theo đèn tín hiệu và theo làn quy định; tự do trèo qua các giải phân cách; bế trẻ em, cầm cả phích nước sôi chạy ào qua đường; gồng gánh cồng kềnh len lỏi giữa các dòng ô tô, xe máy ( nhất là trong các khu phố cũ, phố cổ)…và rất ít khi đi qua cầu vượt dành cho người đi bộ ( mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư khá nhiều tiền của cho mô hình này). Vì thế mà thời gian qua, tai nạn giao thông xẩy ra với người đi bộ ngày càng gia tăng; thậm chí, có không ít vụ việc xẩy ra rất thương tâm cho cả khách bộ hành lẫn các phương tiện tham gia giao thông khác. Chắc chắn, để lập lại trật tự, kỷ cương GTĐT;  các cơ quan chức năng TP cũng phải từng bước có các chế tài hợp lý; để hướng dẫn và khép dần người đi bộ vào vòng pháp luật. Bởi, Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long đã đến ngay trước mắt chúng ta!
 
    3. Nhìn đi, nhìn lại, quay tới, quay lui; mỗi buổi sáng mai, bóc một tờ lịch để chào ngày mới…vậy là, Thủ đô của chúng ta sắp bước vào Đại lễ kỷ niệm tròn một ngàn năm tuổi của mình. Trong cả núi việc trên nhiều lĩnh vực khác nhau mà TP đang khẩn trương tiến hành, thì công tác lập lại trật tự, kỷ cương, nếp sống đô thị; vẫn là một trong những thử thách không nhỏ diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong đời sống thường nhật của thời kinh tế thị trường, hội nhập. Và một trong những “ việc nhỏ” mà không nhỏ được triển khai trong thời gian qua- đó là Công an TP đã tiến hành kiểm tra họat động của các công ty kinh doanh hoạt động xích lô du lịch- trên toàn địa bàn Hà Nội.
     Như chúng ta đã biết, hiện nay, không kể các loại ô tô được phép tham gia giao thông; thì có ba phương tiện đang cùng tồn tại một cách đông đảo trên địa bàn TP - đó là xe mô tô, gắn máy; xe đạp và xích lô. Về xe máy, đã có khá đầy đủ các chế tài để quản lý, xử phạt của pháp luật. Với xe đạp, dù sao cũng vẫn là lọai xe thô sơ nhất mà người ta hay nói vui là “ nằm ngoài vòng pháp luật” ( vì Nhà nước không quản lý, không đăng ký, không biển kiểm soát); nhưng cũng đã bắt đầu được nhắc nhở, xử phạt nếu vi phạm luật giao thông. Chỉ còn một loại phương tiện thô sơ cuối cùng là xích lô, thì do tính chất “đa năng” và “cơ động” của nó ( vừa hoạt động kinh doanh, vận chuyển tất cả các loại hàng hóa cồng kềnh cũng như gọn nhẹ; vừa chở người - mà trong số đó, thời gian gần đây đã xuất hiện một loại xích lô chuyên chở khách nước ngòai tham quan du lịch; cũng như tiệc tùng ăn hỏi, cưới xin…trong nội đô và các khu phố cũ, phố cổ); thì vẫn là một lĩnh vực mà báo chí, công luận đã cảnh báo, và cho rằng rất cần phải quan tâm. Bởi, không phải các xe xích lô cứ trang trí đủ kiểu, xanh xanh, đỏ đỏ lòe loẹt, rẻ tiền ; rồi nhân danh đưa đón khách Tây…mà muốn đi kiểu gì thì đi ( hàng ba, hàng năm, hàng bảy- tiện đâu dừng đó). Chưa kể đội ngũ các bác “tài’, mỗi bác một kiểu y phục, từ các loại mũ đội đầu cho đến giày dép đi dưới chân…đã làm nên một tổng thể thiếu thẩm mỹ trước con mắt khách du lịch trong nước và nước ngoài…Được biết, chỉ trong ngày đầu ra quân kiểm tra chấn chỉnh hoạt động xích lô, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vi phạm từ nhỏ đến lớn; vì thế, CATP sẽ nhanh chóng đề ra những biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết trong thời gian tới; để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này một cách triệt để và hiệu qủa nhất!
    Vâng...Nỗi buồn cuối năm...Đôi dòng tản mạn trước thềm Đại lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long. Chắc chắn, Thủ đô Hà Nội ta còn rất nhiều công việc phải làm!