Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LỘ TRÌNH (Trích trường ca)

Nguyễn Đình Di
Thứ hai ngày 21 tháng 12 năm 2009 9:39 PM
 
      TNc : Nguyễn Đình Di, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, từng tham gia TNXP thời chống Mỹ . Vừa qua anh vinh dự được nhận giải  thưởng Thơ của Bộ Quốc phòng với tập Trường ca “ LỘ TRÌNH  “viết về đề tài TNXP Chống Mỹ cứu nước . TNc xin trân trọng
trích giới thiệu một số chương trong trường ca “ LỘ TRÌNH “ của anh .
 
LỘ TRÌNH  ( Trích )
 
Khúc V  : (  Chương II  )- SUỐI HOA TRẮNG 
Em mười bẩy dẫn anh về bên suối
Về miền thơ thao thiết của đời mình
Hoa ngời ngợi giữa đôi bờ lá nõn
Mát ai nhìn khoảng lặng chiến tranh
.
Ta ở rừng về hay ta ra tuyến
Đón và tiễn nhau ở chính khúc suối này
Cái quãng vượt đá tròn mà cát sắc
Vết đau còn lặn xót đến hôm nay
.
Trăng hồi ấy sáng vô duyên làm hai đứa sợ
Lén nắm tay nhau qua suối lén bạn bè
Giá thủa ấy dám liều ôm nhau nhỉ
Có khi bây giờ thoát bến nhớ sông mê
.
Có chắc đã là đúng không
Chắc gì đã là may
Chỉ riêng mình suối biết
Cuối mùa xuân hoa trắng ngập đôi bờ
Nước nguồn giữ hương thịt da trinh nữ
Mặc một người ngơ ngẩn ở cõi thơ
Nắng vàng mách vụng đầu rừng em tắm
Dẫn người đi may mà suối ngăn anh
Nghe em hát bỗng rưng rưng biết sợ
Trăng từ rằm đến khuyết thật mong manh
.
Mãi đến thuở anh dạt ra biển lớn
Sóng bạc đầu xô trắng phía bờ xa
Em giờ ở nơi nào em có biết
Thơ anh về bên suối cũ đơm hoa
Khúc VI : THUNG GIÓ
Ký ức giục ta về thung lũng gió
Mùa đã sang hoa tím rủ rê mình
Hồ hởi thắp mặt trời cho mùa hạ
Rừng lấp lánh vô vàn con mắt lá
Đường qua thung như mạch máu căng lên
Dân xóm lánh xa vào rú thẳm
Nắng cô đơn vàng trong những cánh hoa hiên
Xóm ven rừng hồi ấy chỉ còn người quê xa bám trụ
Bìu díu nhau gắng gánh những tháng ngày
Nhớ quá
Ngày ta đến
Cha dạy cách chặt cây
Mở miệng gỗ phía sẽ cho cây đổ
Mẹ dạy ta bắt cua ,
                ruốc cá , đọt rau hiền mềm là loại rau ăn
Nhớ em thơ còm nhom nhen lửa
Củ sắn em nùi
Dành cho ta cuối bữa
Vết đau của ta mẹ đắp hành khô
                               trộn muối với xương rồng 
Đêm đau nhức ta buột rên
Mẹ khóc
Đến bao giờ nợ nước mắt trả xong ?
Ngày tuyến đã thông
Cha mẹ sơ tán rồi ta mới thấm
Đất vắng người thân trống chếnh ngần nào
Gió vẫn gió
Không gian yên ắng lạ
Ngỡ không còn trăng sao
Chỉ gió Lào
                    ào ào
.
Gió như nén vào đáy phổi
Muốn ngỏ lời thương không nói nổi
Sợ lời gẫy vụn trong vạt gianh
Đành mặc gió vắt làn da khô kiệt
Tiếng vượn hú gọi con chiều thê thiết
Lá chuối rừng quăn mép rũ bên khe
Đàn cua đá trốn vào hang đất thở
Chim Từ quy rã cánh chẳng bay về
.
Các bạn gái tóc ròn như sắp gẫy
Giọng khản khô sao hát được lên lời
Vắng tiếng hát thở như càng khó
Lá trên rừng gió bứt lả tả rơi
.
Sao có thể quên nổi mùa gió cháy
Tuyến đường thông bom giặc trút đêm ngày
Mắt đồng đội nhìn nhau thành mưa mát
Lên giữ đường cuốc xẻng chắc trong tay
.
Ta thầm viết bài ca của mồ hôi và máu
Lửa trong gió kia đất uống đã dịu dần
Đường thông mạch băng qua thung lũng gió
Gian khổ này ta vượt cuối mùa xuân .

Khúc XIV ( Chương III ) – TÔI TIN 
Tôi không tin đã là người Việt lại phỉ báng
                               dân tộc mình không văn hóa
Văn là đẹp
Hóa là sống
Hóa là giáo hóa
Lịch sử giải đất này muôn đời gìn giữ nét đẹp
                            riêng để răn dạy cháu con mình
Thơ như đứa con ngoan biết gọi
           giọt nước mắt rơi để sẻ chia, để cứu người
Để vầng trăng hơn vầng trăng
Mặt trời hơn mặt trời
Và những thân phận nhỏ nhoi
                      cùng bay với hồn vía các thánh thần
Thi ca mượn lời trẻ thơ để gom góp vài phần
                      truyền đời trong núi rừng ,
                            ruộng đồng, sông nước . 
Cái đẹp mong manh như khói sóng  
                            của vô bờ mộng ước
Gieo hạt li ti sưởi ấm trái tim người
.
Tôi tin những chiến binh đích thực vì Tự do
            không chiến đấu cốt ghi danh vào chính sử
Xương máu Việt vô hình và hữu hình
                     âm thầm trong những tầng di chỉ
Có khắc tên tuổi cá nhân nào trên rìu đá,
                     trống đồng, trong binh khí sắt thép đâu 
Cái sống bền lâu là những hình chạm sơ sài 
                                                   trên vách động 
Là tiếng thét, tiếng cười rung nhịp trống
Là những hoa văn tạo sóng
Là biểu tượng âm dương giao nhau
                                               trên nắp thạp đồng 
Và Vua Hùng,  An Dương Vương, Thánh Gióng 
Cứ lưu truyền từ người , sang người ,
                   đến người mà lưu truyền mấy ngàn năm
.
Tôi tin khí thiêng của núi sông tạo dựng
                                        nền văn minh lúa nước
Nền văn hóa của tổ tông đã lấy mồ hôi
                               và máu xương thúc vào lòng đất
Có nhựa trắng cho cây xanh
Gọi nắng vàng ươm tụ thảo bùi vào hạt
Và tiếng hát đầu tiên là khúc ca cất lên
                                   trong lễ hội  gọi mùa 
.
Rồi lễ hội chính của non sông
                                   sẽ dành cho con trẻ 
Thơ cất lời ơn vì với các con ta ; ta sẽ đẹp hơn lên
                                       cùng những tháng năm này 
Những bầm dập gắng che đừng để con ta thấy
Lẽ của muôn đời
Sau bão tố sẽ dịu dàng là cơn mưa đền cây. 
Khúc XVII ( Chương IV )  =  NGỌN LỬA 
Có tiếng gọi âm âm , u u từ đâu thế 
Gió bỗng cồn cào trong xương ống chân
Kỷ niệm ùa về xanh xao như mặt người đói lả
Đăm đăm nhìn ta trong nặng trĩu ưu phiền
.
Cơn bão đã đi qua 
Xơ xác trắng bên đường
Vạt hoa cúc dại
Đốm nhụy úa một chấm vàng tê tái
Nhọc nhằn tỏa hương
Loài hoa thuở ấu thơ đặt tên hoa cỏ mả
Ru những nấm mộ hoang bên đường
Những nấm mồ cỏ xanh chưa kịp
Đêm đêm gió lay
               những đốm lửa lân tinh nhức buốt
Gọi hồn ta trở về 
Gió day dứt canh khuya
Không cho lòng ta yên ngủ
Gà gáy vã trong sương
Tuốt bạc tóc trên đầu
Nỗi nhớ đi đâu…
                            về đâu .
Những mất còn so đo
Những nông nổi , thắm sâu
Những cơn đau tê
Những mỏng manh vui sướng
Có lẽ nào
Đã qua trong tâm tưởng ?
Có lẽ nào
Đã qua 
.
Sáng nay ký ức òa ra
Những cảnh
Những người
Những tên
Những tuổi
Những tháng năm
.
Ta khoác lên vai chiếc ba lô đáy đã thủng
( Đêm qua vừa chong đèn vá lại )
Trốn vợ
Trốn con
Trốn bốn bức tường ố vàng lốm đốm rêu
Theo chân gió
Liệu áo cánh nâu , cổ quả tim thời bom lửa
Có còn chờ bên đồi tím hoa không ?
.
Dù không ai đợi
Thì
Những tháng năm còn lại
Hồn ta
Ta đi tìm
Nơi ấy
Dưới đáy cát có tiếng hỏi
Có cơn mưa thời trẻ tuổi
Nếu không về
Ngọn lửa đời ta làm sao còn cháy nổi
.
Men theo con đường đất đỏ ngày xưa
Trong tầm tã cơn mưa
Ta tìm về ngọn suối
Cây bên đường nhân hậu mải miết xanh
Người mẹ xóm đồi sau ba mươi năm
Nghe ta nghẹn ngào gọi
Mẹ thảng thốt tên ta rồi giận rỗi
“ Mày còn sống ư con
Sao giờ mới về
Tao tưởng mày chết rồi ! “
Tôi lao đến ôm chầm lấy mẹ
Cả mẹ và tôi òa khóc
Mẹ đã tha cho những tháng ngày tôi bạc
Đã như quên
Những tháng ngày mê mải áo cơm
Đuổi bẩy sắc cầu vồng sau cơn bão
.
Gặp lại các em tôi
Những người cả tuổi thơ chưa bao giờ
                             mặc trọn bộ quần áo mới 
Chưa bao giờ kẻ mắt tô môi
Gặp lại
Những ngôi nhà chân đồi
Không có khóa
Tấm rèm lá chống lên chờ đợi
Những ai còn nhớ lối trở về
.
Trong cơn mưa mát lành này
Cánh đồng khô khát của tôi đang được tưới ẩm
Sức lực đã cạn của tôi đang được hồi sinh
Để đủ sức
Lật những tảng đất ba mươi năm qua
                       còn trĩu nặng trên thi hài đồng đội
Ba mươi năm sau
Tuổi thanh xuân sóng dội
Những ưu tư quất buốt bờ đời
Ai ghi hết những lời trăn trối
Những lời nhắn gửi người ở lại
Của đồng đội tôi
Con đường này
Mùa đông tầm tã này
Tôi trở lại
Những mất mát
Vừa lớn lao, vừa thơ dại
Ngỡ như có
Ngỡ như không
( Lại như không à ) ?
Cơn gió Lào năm ấy
Lửa trong đám cháy
Rát bỏng những ngón tay cầm bút hôm nay
.
“ Đã đến đây phải đón bạn về “
Ai khóc đấy  ?
Ai vừa nhắc  ?
“ Đừng để nước mắt chảy “
Nhỡ vương vào xương
Đau cốt các bạn mình “
.
Người bạn gái biệt ly khi mười bẩy tuổi
Máu dần cạn
Em xanh xao khe khẽ hát
Khe khẽ cười tê dại
Nén cơn đau sợ đồng đội đứng bên
                                            buốt lòng òa khóc
.
Bây giờ
Đồng đội khóc cả cho ngày ấy
Em ơi !
Những vụn xương trắng nằm trên
            bàn tay xạm nắng nổi gân xanh run rẩy
Chiếc cặp tóc năm xưa ba mươi năm sau
                                      sáng lóa đáy tiểu sành
Rễ cây luồn trong
                         ống xương khô khẳng
Nhói buốt
Thời xa xanh…
Ta cùng nhau về với mẹ đây
Đêm nâng bạn trên tay
Thầm chuyện trò với bạn
Cơn đau xưa lại buốt thịt da mình
Gọi bữa cơm ở quán dọc đường
                     chủ quán lạ thấy thừa ra bát đũa
Thấy khách ngồi lặng thinh
                                      trong khói hương bay
.
Chúng tôi uống suông từ đáy mắt
Nỗi nhớ lặn trong những giọt rượu
Giữa khoảng đặc của đất trời
Những buông
Những níu
Ta về nơi phải về
.
Ở cuối con đường này
Có một đám cháy
Tôi đi qua ngọn lửa ấy
Ngọn lửa ở chân núi mẹ
Như con thuyền đi biển được thui
Những vỏ hà , rác rều rụng xuống
Để lột xác mình
 Trích Trường ca “ LỘ TRÌNH “ của
Nguyễn Đình Di -  Giải thưởng Bộ Quốc Phòng ( 2005- 2009 )