Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ SỰ HÌNH THÀNH NGƯỜI VIỆT HIỆN ĐẠI

Hà Văn Thùy
Thứ ba ngày 22 tháng 12 năm 2009 8:07 PM

Trong nhân chủng học, thuật ngữ người hiện đại dùng để chỉ Homo sapiens, loài Người Khôn ngoan hiện sống trên Trái đất. Thuật ngữ người Việt hiện đại được giới khoa học Việt Nam dùng để chỉ người Việt (Kinh), thuộc chủng Mongoloid phương Nam có mặt trên đất Việt Nam từ thời Đồ Đồng, khoảng trước 2000 năm TCN. Thuật ngữ người Việt cổ dùng cho nhóm loại hình Australoid sống trên lãnh thổ Việt Nam từ thời kỳ Đồ Đá tới đầu thời Đồ Đồng, khoảng 30000 năm tới trước 2000 năm TCN. Trong thế kỷ XX, do sự thống lĩnh của quan niệm Đa nguồn gốc của nhân loại (người da đen sinh ở châu Phi, người da vàng sinh ở châu Á, châu Âu sinh người da trắng), người Việt cổ được coi là dân cư bản địa, tiến hóa lên từ Người Đứng thẳng Homo erectus, cùng loài với Người Bắc Kinh, Java. Thập niên 80, khảo sát sưu tập 76 sọ cổ phát hiện trên đất Việt Nam, trong sự so sánh với sọ cổ trên toàn Đông Nam Á, Giáo sư Nguyễn Đình Khoa, nhà nhân chủng học hàng đầu của Việt Nam đưa ra nhận xét: “Thời Đá Mới dân cư trên đất Việt Nam gồm bốn chủng Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid cộng cư với nhau. Sang thời kỳ Kim khí, người Mongoloid phương Nam trở thành chủ thể trên đất này, người Australoid mất dần đi, hoặc do di dân hay đồng hóa.” (1) Nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích thực tế này mà xu hướng chung cho rằng, người Việt cổ bị người phương Bắc tràn xuống đồng hóa. Năm 2005, trả lời Đài BBC, Ban tiếng Việt, Giáo sư Trần Quốc Vượng phát biểu: “Tôi đã nói rồi, nói với ông Phạm Văn Đồng rằng, chúng ta có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang rồi lính tới, chúng ta bị đồng hóa đứt đuôi!”
Cho đến cuối thế kỷ XX, việc tìm hiểu quá khứ chủ yếu dựa trên khảo cổ học, cổ nhân chủng học, ngôn ngữ lịch sử học, văn hóa học... Tuy đã tích lũy được khối lượng tri thức lớn, nhưng tất cả những khoa học trên chưa  đưa ra những kết luận có thẩm quyền về nguồn gốc cũng như sự hình thành của con người trên Trái đất. Chỉ khi di truyền học được áp dụng vào lĩnh vực này, mới mở ra chân trời giúp nhìn vào quá khứ. Từ những giọt máu của con người hiện đại, khoa học di truyền như cỗ máy thời gian, giúp ta đi ngược về xa xưa để biết hàng vạn năm trước tổ tiên ta là ai, sống ở đâu và bằng con đường nào đến ta hôm nay:
Người hiện đại Homo sapiens xuất hiện 160000 năm trước tại Đông Phi. 85.000 năm trước, con người vuợt Hoàng Hải tới đất Yemen và chia đôi: một bộ phận ở lại, bộ phận kia theo bờ biển Ấn Độ, Pakistan đi về hướng mặt trời mọc. 70.000 năm trước, người tiền sử đặt chân tới miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Lúc này đang trong Kỷ Băng hà, phần lớn Trái đất phủ băng tuyết. Mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 met. Đất Việt Nam trải rộng ra theo thềm lục địa, thành đồng bằng Hainanland rộng mênh mông, có khí hậu mát mẻ, rừng cây xanh tốt, bờ biển nông, nhiều hải sản, là môi trường thuận lợi cho người sinh sống. Đấy là những tri thức cơ bản mà khoa học nhân loại cung cấp cho chúng ta.
Dùng những thành tựu di truyền học mới nhất giải mã nhiều tư liệu khảo cố học, nhân chủng học, lịch sử, văn hóa… chúng tôi đưa ra nhận định về sự hình thành dân cư Việt Nam như sau:
Tới Việt Nam, hai đại chủng người tiền sử Mongoloid và Australoid hòa huyết cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Do môi trường thuận lợi, họ sinh sản nhanh và lan ra khắp lục địa Đông Nam Á, sang Miến Điện, Ấn Độ rồi ra các đảo ngoài khơi, tới tận châu Úc, qua những cầu bằng đất. Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu phía Bắc tốt hơn, người Việt cổ đi lên khai phá lục địa Trung Hoa, sau đó vượt eo Bê rinh sang chiếm lĩnh châu Mỹ.
Cũng thời gian này, có những nhóm người Mongoloid riêng rẽ từ Đông Dương theo con đường Ba Thục đi lên định cư ở Tây Bắc Trung Quốc, sau này trở thành những bộ lạc du mục Mông Cổ.
Khoảng 20.000 năm trước, người Hòa Bình Việt Nam thuần hóa cây kê bổ sung vào nguồn lương thực, sau đó thuần hóa cây lúa trồng khô (lúa lốc). Khoảng 15.000 năm trước, băng hà tan, nuớc biển dâng tới mức như hôm nay. Đông Nam Á mưa nhiều, trở nên nóng và ẩm, nhiều vùng bị lụt lội. Lúc này cây lúa nước được người Hòa Bình phát minh cùng với việc thuần hóa gà, chó. Từ Việt Nam, lúa, kê, gà, chó được đưa lên phát triển nông nghiệp ở Trung Quốc. Khảo cổ học đã tìm thấy vết tích lúa trồng 12000 năm trước ở hai địa điểm thuộc đồng bằng sông Dương Tử. Trên vĩ độ 35 phía nam Hoàng Hà, khí hậu quá khô nên lúa không sống nổi, người Việt cổ biến nơi này thành vùng chuyên canh cây kê.
Khoảng 5000 năm TCN, diễn ra sự tiếp xúc tự nhiên giữa người Mông Cổ du mục và người Bách Việt nông nghiệp. Chủng người lai Việt-Mông ra đời trong cộng đồng Bách Việt, được gọi là Mongoloid phương Nam. Đó là chủ nhân của văn hóa trồng kê Ngưỡng Thiều.
Khoảng 4000 năm TCN, vùng Đông Á, chiếm khoảng 65% dân cư hành tinh, có nền kinh tế và văn hóa nông nghiệp phát triển hàng đầu nhân loại.
Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ do Hoàng Đế dẫn đầu xâm lăng Bách Việt. Tuy thắng trận nhưng do số người ít và văn hóa thấp, người du mục bị người Việt quá đông và văn hóa cao đồng hóa. Xuống Trung Nguyên, người Mông Cổ từ bỏ lối sống du mục, học nghề nông cùng văn hóa của người Việt. Do sự chung đụng này mà lớp người lai Mông -Việt mới ra đời, cố nhiên cũng thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Do sinh ra từ lớp Mông Cổ thống trị, họ nắm quyền và sau vài ba thế hệ, khi người Mông Cổ thuần chủng không còn, họ trở nên thành phần chủ đạo của xã hội và tự nhận mình là người Hoa Hạ. Đó chính là tổ tiên người Hán hiện đại. Người Hoa Hạ mở rộng lãnh thổ và hòa huyết tiếp với người Bách Việt vùng mới chiếm được, khiến cho nhân số Mongoloid phương Nam ngày càng tăng và tới 2000 năm trước Công nguyên, trở thành đa số trong dân cư Trung Quốc.
 Sự lấn chiếm của người Mông Cổ diễn ra dài dài và ngày càng khốc liệt khiến cho dân Bách Việt phía Bắc Dương Tử của Đế Lai và dân phía Nam của Lạc Long Quân liên minh chống xâm lăng. Trong trận Trác Lộc
trên Hoàng Hà  2600 TCN, Đế Lai hy sinh, Lạc Long Quân cùng đoàn quân dân Việt dùng thuyền vượt biển xuôi về Nam, đổ bộ vào vùng Nghệ Tĩnh. Do cùng chủng tộc và tiếng nói, đoàn người được dân sở tại cưu mang. Người con cả của Lạc Long Quân được tôn làm Hùng Vương.
Người Mongoloid trong đoàn thuyền nhân hòa huyết với người bản địa sinh ra những người Mongoloid phương Nam mới, đó chính là người Việt hiện đại (Kinh). Khoảng 2000 năm TCN, người Mongoloid phương Nam trở thành chủ thể trong dân cư Việt Nam. Di chỉ Mán Bạc Ninh Bình có tuổi 2000 năm TCN với 30 di cốt người Việt cổ (Australoid) và người Việt hiện đại (Mongoloid phương Nam) trong cùng nghĩa địa là minh chứng thuyết phục cho quá trình chuyển hóa này. Như vậy là đã có đáp án cho câu hỏi của Giáo sư Nguyễn Đình Khoa một phần tư thế kỷ trước: Người Việt hiện đại do người Việt chủng Mongoloid từ châu thổ Hoàng Hà trở về hòa huyết với người sống trên đất Việt Nam sinh ra. Hoàn toàn không có chuyện di dân cũng không có chuyện đồng hóa. Đây được gọi là quá trình Mongoloid hóa dân cư Việt Nam. Quá trình này cũng xảy ra với các dân tộc Đông Á khác như Triều Tiên, Indonesia, Mã Lai, Lào, Thái… Kết quả là vào cuối  thiên niên kỳ III TCN, đại bộ phận dân cư Á Đông thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Việc dân cư hàng loạt nước cách xa Trung Quốc và không bị người Hán chiếm đóng ngày nào cũng chuyển hóa sang Mongoloid phương Nam là bằng chứng xác thực bác bỏ việc Hán hóa dân cư Việt Nam.
Từ trình bày trên, có thể đưa ra kết luận:
1. Người Khôn ngoan Homo sapiens có mặt trên đất Vệt Nam khoảng 70.000 năm trước, sớm nhất trên Lục địa Đông Á. Dân cư đầu tiên trên đất Việt Nam gồm 4 chủng Việt cố: Indonesian, Indonesian, Vedoid và Negritoid, trong đó Indonesian đa số và giữ vai trò lãnh đạo. Người Việt hiện đại (Kinh) ra đời khoảng 2600 năm TCN.
2. Khai phá đất Trung Hoa từ 40.000 năm trước, người Việt là chủ nhân nền văn hóa nông nghiệp phát triển hàng đầu nhân loại. Tiếp thu và học tập văn hóa của tổ tiên Việt, người Hán, con lai Việt- Mông xây dựng nên văn hóa Trung Hoa. Những di sản văn hóa có trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN là sáng tạo của người Việt cổ. Những di sản sau đó có phần công sức lớn lao của người Việt. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán.
3. Người Việt (Kinh) và người Hán cùng chủng Mongoloid phương Nam ra đời đồng thời tại hai vùng cách xa nhau hàng vạn dặm. Mặt khác, do hòa huyết với người Việt cổ sống lâu đời trên đất Việt Nam nên người Việt hiện đại có chỉ số đa dạng di truyền cao hơn người Hán (2) vì vậy không có chuyện người Hán đồng hóa người Việt.
4. Lịch sử người Việt có hai thời kỳ: thời kỳ đầu đi lên khai phá đất Trung Hoa, thời kỳ sau trở về Việt Nam dựng nước Văn Lang.(3)
                                                              12. 2009
1. Nguyễn Đình Khoa. Nhân chủng học Đông Nam Á. ĐH&THCN, Hà Nội, 1983.
      2. S.W. Ballinger et all: Southeast Asian mitochondrial DNA Analys is reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45
      3. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học, 2008