Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÍ MẬT CỦA BIỂN

Trường Giang
Thứ ba ngày 22 tháng 12 năm 2009 11:36 AM
 
Hồi ký 

 50 năm đã qua kể từ khi xẩy ra các sự việc mà tôi kể sau đây. Các nhân vật trong chuyện đều có thật nhưng đến nay người thì đã về cõi vĩnh hằng , người thì đang nghỉ ngơi ở một địa phương nào đó khó tìm gặp . Các địa danh , phiên hiệu đơn vị hồi ấy ,nay cũng đã thay đổi,giải thể.
Nhưng ,thứ còn lại quý báu hơn cả là Bản hùng ca bất tử tấu lên từ bí mật của Biển
 Đó là hồi đầu năm 1962 . Xưởng Đóng tàu1 (Hải Phòng) triển khai đóng một loạt phương tiện vận tải thủy gây ngạc nhiên cho nhiều cán bộ, công nhân vì đây là kiểu thuyền đánh cá vỏ gỗ , không tên , không số  do
Phòng Thiết kế tàu thủy thuộc Cục Cơ khí Bộ Giao thông Vận tải thiết kế .  ( thời kỳ này ,Cục Cơ Khí đóng trụ sở tại 120 Phố Hàng Trống –Hà Nội , do Anh hùng Lao động Ngô Văn Năm làm Cục trưởng .)
 Tháng 8 năm1962 , 4 chiếc tàu vỏ gỗ không tên ,không số được đóng xong từ Xưởng Đóng tàu1 ,bàn giao cho Đoàn 759
 Cho đến khi “ Mỹ cút ,ngụy nhào”  chúng tôi mới được biết rõ lai lịch của Đoàn 759 (về sau đổi thành Lữ đoàn 125) :   Ngay từ năm 1959 ,cùng với việc mở đường vận tải chiến lược trên bộ (đường Trường Sơn mang phiên hiệu Đoàn 559 ) ,Bộ Chính trị đã  có quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển để đưa vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho cách mạng miền Nam
 Tháng 5-1959 , tại Thanh Khê xã Thanh Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình ,tiểu đoàn 603 vận tải quân  sự đường biển được thành lập mang tên “ Tập đoàn đánh cá sông Gianh” gồm 107 cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm đi biển ,được tuyền chọn từ các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết .Chuyến tàu đầu tiên chở 5 tấn vũ khí và thuốc men cho Quân khu V , điểm hẹn cập bến là chân đèo Hải Vân . Tàu nhổ neo đúng đêm 30 Tết Canh Tý tức 27-1-1960  Nhưng đến vùng biển miền Trung thì gặp bão ,sóng to ,tàu bị hỏng , giạt vào bờ , hầu hết thủy thủ của Đội1 bị bắt . Tuyến vận tải đành phải tạm ngưng hoạt động để tìm biện pháp khắc phục khó khăn
 Ngày 23-10-1961 , Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập lực lương vận tải quân sự trên biển            
     Cuối năm 1961 ,đầu năm 1962 các tỉnh Bến Tre , Cà Mâu, Trà Vinh , Bà Rịa đã cử 6 thuyền gỗ gắn maý bí mật vượt biển ra tới miền Bắc an toàn , được Bác Hồ và Bộ Chính trị , Quân ủy trung ương đón tiếp ân cần .
  Sau khi nghiên cứu , xem xét các mặt : khả năng phương tiện , con người và những bài học kinh nghiệm rút ra từ những con thuyền Nam Bộ ,Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng  quyết định hướng đột phá của Đoàn 759 là Nam Bộ, sau đó sẽ phát triển ra miền Trung .
  Thuyền “Bạc Liêu” do đồng chí Bông văn Dĩa và đồng chí Lê văn Trạnh phụ trách được đi chuyến trinh sát mở đường từ Bắc vào Nam . Ngày 18-4-1962,  thuyền”Bạc Liêu” vào tới Bồ Đề ( thuộc xã Tân Ân huyện Ngọc Hiển –Cà Mâu). ,đi vào cửa Rạch Ráng , cập bến Vàm Lũng lúc 22 giờ .
  Căn cứ vào kết quả cụ thể ấy ,trung tuần tháng 8 năm 1962 ,Quân ủy trung ương thông qua Nghị quyết mở đường  Đường Hồ Chí Minh trên biển          
  Cũng vào tháng 8 năm1962 , 4 con tàu vỏ gỗ  không tên , không số mà Đoàn 759 nhận từ Xưởng Đóng tàu 1 Hải Phòng được lệnh khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng và đã lần lượt “xung trận” .
  Đêm 11-10-1962, chuyến tàu vỏ gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng , đồng chí  Bông Văn Dĩa làm chính trị viên chở 30 tấn vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng),chạy vào tới bến Vàm Lũng (Cà Mâu) ngày 16-10-1962 an toàn , mở ra luồng tàu bí mật nối hậu phương lớn  Miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam
  Cùng ngày16-10-1962 , chuyến tàu thứ 2 khởi hành và mấy ngày sau đã tơí Cà Mâu giữa ban ngày an toàn . Tiếp theo là chuyến thứ 3 khởi hành ngày 14-11 và chuyến thứ tư khởi hành ngày 14-12-1962 . Cả 4 chuyến tàu vỏ gỗ không số đều vào tới Cà Mâu an toàn đưa được hơn 100 tấn vũ khí
cho Khu IX. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt cần tuyệt đối giữ bí mật nên các cán bộ , kỹ sư ,công nhân đã tham gia thiết kế , thi công để “khai sinh” những con tàu không số ấy đều không được biết tin thắng lợi để mừng !
 Những chuyến tàu không số bí mật đưa được vũ khí vào Cà Mâu trót lọt đã khẳng định khả năng duy trì  tuyến vận tải chiến lược lâu dài , nhưng đòi hỏi phải có những phương tiện tốt hơn để vận tải trên biển trong mọi thời tiết . Chủ trương của Quân ủy trung ương là cần nhanh chóng có loại tàu vỏ sắt để trang bị cho Đoàn 759 .Việc đóng tàu , Bộ Quốc phòng đề nghị Xưởng Đóng tàu III Hải Phòng đảm nhận
 Từ đó , Xưởng Đóng tàu III Hải Phòng và một số cơ sở công nghiệp khác đã được giao đóng loại tàu vỏ sắt (Ký hiệu là VS)
  Ngày17-3-1963, chiếc VS  đầu tiên chở vũ khí đã lên đường vượt biển vào Nam và đã cập bến an toàn . Sau đó ,các tàu VS lần lượt đựơc hạ thủy , tiếp tục lên đường và tới đích thắng lợi . Chỉ trong vòng một năm , Đoàn 759
đã chạy23 chuyến tàu vào Nam Bộ, chở được 1.318 tấn vũ khí cho chiến trường. Chiến công này vô cùng quan trọng đối vơí quân dân Nam Bộ vì thời kỳ này việc vận chuyển vũ khí vào Nam theo đường Trường Sơn bằng phương thức gùi ,đi bộ đang gặp rất nhiều khó khăn ,ít hiệu quả .
                                                     * 2  *                                                     
             
     Năm 1963, lực lượng vũ trang của miền Đông Nam Bộ phát triển nhanh chóng nên vũ khí cung cấp cho miền Đông phải theo phương thức : tàu từ miền Bắc đưa vào Cà Mâu, Bến Tre,Trà Vinh ; từ đó Đoàn 962 và các lực lượng khác dùng thuyền nhỏ ,bí mật vượt qua vùng địch chiếm đóng tới miền Đông . Nhằm mở luồng chạy tàu thẳng từ miền Bắc vào Đông Nam Bộ ,tàu vỏ gỗ do thuyền trưởng Lê văn Một , chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy với 12 thủy thủ  xuất phát từ cảng Bính Đông ( Hải Phòng) đêm 26-9-1963,chạy thẳng vào Bà Rịa
    Tới đảo Phú Quý ,tàu chuyển hướng vào bến ,không may mắc cạn cách đồn Phước Hải của địch không xa . Đã tưởng phải phá tàu để giữ bí mật , nhưng cán bộ ,chiến sỹ nhất quyết giữ tàu bằng cách  nhanh chóng bốc dỡ vũ khí đưa giấu vào nơi an toàn .Ngày hôm sau ,con tàu vẫn nằm trên cạn ,chính trị viên và thợ máy tình nguyện ở lại canh gác , sẵn sàng phá hủy tàu khi có địch xuất hiện . Nhưng điều đó đã không xẩy ra .
Đến chiều, nước lên ,con tàu ra khỏi nơi cạn, vào bến được cất giấu an toàn . Chuyến đi  mở luồng  mở bến chi viện vũ khí cho Khu VII  vào Bà Rịa thành công  Phát huy tinh thần dũng cảm ,kiên cường đó ,cán bộ chiến sĩ Đoàn 759 (về sau đổi gọi là Đoàn125) trong năm 1964-1965 đã huy đông 20 tàu vỏ gỗ,vỏ sắt không số ,tổ chức 88 chuyến vận chuyển 4.000 tấn vũ khí cho chiến trường Nam Bộ , cực nam Trung Bộ và Khu V . Đoàn đã mở thêm các bến Vũng Rô (Phú Yên) ,Lộ Giao (Bìmh Định) ,Đạm Thủy ( Phổ An-Quảng Ngãi), Bình Đào (Quảng Nam)…
   Một số con tàu , một số cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ,lập công xuất sắc nhưng tất cả đều lặng thầm trong bí mật của biển thiêng liêng .
  Cũng do đảm bảo tuyệt đối bí mật mà hồi ấy Bộ Giao thông vận tải không cho lưu trữ  những tài liệu cụ thể ,chi tiết về những công việc và những con người  có công nghiên cứu  ,thiết kế thi công chế tạo những con tàu không số vỏ gỗ,vỏ sắt .Thâm chí , đến nay vẫn không ai biết được kiểu dáng ,kích thước ,trọng tải , tốc độ tối đa của loại tàu độc 
   Người viết bài này mở sách “ Lịch sử Giao thông vận tải Việt Nam” tìm mãi mới gặp một trang có đoạn ghi , xin trích  : “…Trong những điều kiện cần phục vụ kịp thời các yêu cầu của GTVT thời chiến ,ngành cơ khí GTVT đã  : Đóng mới và cải tiến trên 30 loại canô , tàu kéo tàu đẩy…Các đơn vị tham gia đóng loạt đầu tiên là Xưởng Đóng tàu III (Hải Phòng ) và Xí nghiệp Canô-Sàlan Thanh Trì (Hà Nội)… loại thuyền biển 50T lắp máy 150cv (ký hiệu 6528) do Phòng thiết kế của Cục Cơ khí thiết kế ,Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng chế tạo là tiền thân của đoàn tàu Tự Lực ,có tính năng tốt,  đáp ứng yêu cầu của vận tải thời chiến trên biển ( Đoàn tàu Tự Lực đã lập nhiều chiến công trên tuyến vận tải cho miền Nam và Khu IV )
                                                    -3-
 Đây chính là “đồng loại , đồng tông” của những tàu không số vỏ gỗ và vỏ sắt đã lặn vào đáy sâu bí mật của Biển  !
   “Đường Hồ Chí Minh trên biển”  được coi là một trong những kỳ tích độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam chúng ta mà kẻ địch không dễ gì hiểu hết được.
   Để kết thúc bài này , tôi xin trích thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chúc mừng 35 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển :
… “ Năm tháng sẽ trôi qua , những chiến công anh hùngvà sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông ; của những con tàu không số ;của quân và dân  các bến bãi  làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãiđi vào lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc ta…
     …Tổ quốc và nhân dân sẽ đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển…” (Thư đề ngày 23-10-1996) 
T.G.
Phương Mai,10-2008