Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ÂM NHẠC VÀ HỘI HỌA TRONG THÁNH ĐƯỜNG

Lê Hoài Nam
Thứ tư ngày 23 tháng 12 năm 2009 6:20 PM
 
Trong lịch sử đời sống tinh thần của nhân loại, có yếu tố tín ngưỡng của tôn giáo. Khi một tôn giáo lớn ra đời còn có nghĩa nhân loại sẽ được chào đón một vị thánh lớn. Phật giáo ra khai sinh với sự xuất hiện của Thích Ca Mâu Ni. Đạo Hồi hình thành cùng với sự hiện diện của thánh ALa. Thiên Chúa giáo sinh ra nhờ sự giáng sinh của Chúa Jêsu Christ.
Sự xuất hiện của Chúa Jêsu Christ là một hiện tượng lớn sưởi ấm tinh thần của nhân loại giữa đêm đông băng giá, trở thành nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận cho nhiều nhạc sĩ thiên tài, nhiều hoạ sĩ trứ danh sáng tác ra những tác phẩm bất tử.
Ngay từ thời kỳ Phục Hưng, tại đất nước Italia, nơi có toà thánh lớn Roma, xuất hiện nhạc sĩ Palestrina (1525-1594). Người nhạc sĩ lỗi lạc này đã tự nguyện hiến dâng cả cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của mình cho Thiên Chúa. Thủa thiếu thời, Palestrina phục vụ trong đội đồng ca của nhà thờ Santa Maria Maggiore, sau trở thành người chỉ huy dàn nhạc trong nhà thờ St. Pter. Ông đã từng một lần bị Giáo hoàng tính tình nghiêm cẩn bãi chức vì cho ông là kẻ còn mang trong mình nhiều yếu tố thế tục. Nhưng sau nhiều năm làm những công việc bên ngoài nhà thờ, ông lại tìm được lối trở về với thánh đường bằng õm nhạc. Palestrina có công lớn cứu vãn nền âm nhạc nhà thờ khỏi sự phá hoại của những người theo chủ nghĩa cuồng tín, muốn biến âm nhạc tôn giáo thành loại thánh ca Gregory rẻ tiền, tầm thường. Palestrina sáng tác theo phương châm Vấn đề phức điệu trang nghiêm và quan điểm tôn giáo chính thống có thể hoàn toàn phù hợp với nhau. Trong thực tế, những tác phẩm của Palestrina, bằng phong cách nhẹ nhàng giản dị, đã thể hiện khả năng cảm xúc tinh tế tuyệt vời, từ cung bậc niềm vui tột độ đến nỗi đau khổ khôn cùng. Trong suốt cuộc đời cầm bút hầu như Palestrina chỉ viết thánh ca và nhạc acappella giành cho hợp xướng không dàn nhạc đệm. Palestrina để lại cho đời hơn một trăm ca khúc Misa và hơn ba trăm khúc ca Motes cùng những bài tụng ca như Stabat Meter, các bài tụng ca Đức Mẹ đồng trinh, những bài thánh thi và Madrigals. Nhiều bài không chỉ được biểu diễn trong nhà thờ mà còn được biểu diễn ở nhà hát thành phố. Tác phẩm hay nhất của Palestrina là Misa Papae Marcelli. Tác phẩm này ngày nay chúng ta vẫn được nghe trong những dịp lễ lớn, trang trọng ở nhà thờ lớn Hà Nội, Bựi Chu, Phát Diệm và nhiều thánh đường khác.
Sinh sau Palestrina hơn một thế kỷ, nhà soạn nhạc người Đức Jôhan Sebastian Bach (1685-1750) cũng là một người viết nhạc thánh ca lừng danh. Bach sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Lên 10 tuổi Bach đã mồ côi cả cha và mẹ. Bách được người anh trai đón về nuôi dưỡng. Người anh trai không thừa hưởng truyền thống âm nhạc của gia đình, anh ta hay tìm cách cản trở việc học nhạc của Bách. Bách thường phải chép thuê các bài bè cho đàn clavico dưới ánh trăng mờ, vì không dám thắp đèn. Chuyện này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đôi mắt của Bách, dẫn đến việc ông bị mù khi về già. Năm 1700, người anh trai qua đời, Bách phải tự kiếm sống nuôi thân. Ông vào học trong ban đồng ca của một trường học vừa để nâng cao trình độ vừa xoay sở kiếm sống. Ông chơi giỏi các nhạc cụ violol, clavico, organ. Rồi ông bắt đầu sáng tác.
Năm 1708, Bach vào phục vụ trong cung đình của công tước Weimar. Từ năm 1717 đến năm 1723 Bach làm việc tại cung đình của vương tước Leopold xứ Anhalt Cothen, Leipzig. Tại đây Bach đã đạt đỉnh cao danh tiếng về đàn organ và trỏ thành người sáng lập dòng âm nhạc phức điệu. Năm 1736, Bach phục vụ tại cung đình Dresden. Tại đây Bach viết khúc Misa nổi tiếng mà bây giờ chúng ta vẫn thấy các đội ca đoàn và các dòng nữ tu thường hát.
Tác phẩm của Bach rất đa dạng: nhạc tôn giáo (thi khúc, giáo khúc, thánh lễ ca, thánh ca Gia-tô, luân khúc, tin lành ca), concerto cho đàn clavico, khúc biến tấu giành cho violol, hợp tấu. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Bach là bản concerto Brandenburg, các bản thánh ca, thánh John, thánh Mathew, khúc Misa cung si thứ.
Về cuối đời Bach bị mù hẳn, nhưng ông vẫn đam mê sáng tác. Ông được coi là người sáng lập ra nền âm nhạc mới. Các nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Bêtthoven, Schuman đều có sự ảnh hưởng và kế thừa di sản âm nhạc của Bach. Hai người con trai của Bach là Fried Mann và Emmanuel đều trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng.
Lại có người hoàn toàn không phải nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng trong một khoảng khắc xuất thần lại sáng tác ra một bài thánh ca bất hủ, đó là trường hợp người giáo viên tên là Franz Gruber, dạy học tại một ngôi trường làng hẻo lánh, vùng sâu vùng xa của nước Ao. Mùa giáng sinh năm 1818, ngôi nhà thờ nhỏ của cái làng hẻo lánh ấy tuyết phủ trắng cả tường, mái, các cửa sổ, vườn tược, cây cối xung quanh, táp vào tinh thần những người dân làng một vẻ buồn tẻ, thê lương. Vị linh mục tên là Mohn cai quản ngôi nhà thờ ấy đã chống lại giá rét và sự buồn tẻ của mùa no-en bằng cách ngồi dưới ánh nến viết một bài thơ rồi đưa cho ông thầy giáo làng Franz Gruber phổ nhạc. Sáng tác chỉ với mục đích cho những giáo dân trong ngôi nhà thờ hát trong đêm giáng sinh, nhưng không ngờ bài hát có tên Đêm thánh vô cùng ấy đã trở thành một tác phẩm nổi tiếng, vượt qua gần 300 năm, đến nay nó vẫn là một bài ca không thể thiếu trong các thánh đường vào mỗi mùa giáng sinh:
  Đêm thánh vô cùng
  Giây phút tưng bừng
  Đất với trời xe chữ đồng
  Đêm nay Chúa con thành Thánh tôn thờ
  Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa.
  Không châu báu, không bạc tiền...
Với riêng tôi, người viết bài báo này, cứ mỗi đêm giáng sinh về tôi lại hát bài Đêm thánh vô cùng mà không hề thấy nhàm cũ.
Ngoài những bài hát của các nhạc sĩ tôi vừa kể ra, trong lễ giáng sinh ta còn được nghe nhiều bài hát rất nổi tiếng khác như No-en đầu tiên, Đêm thánh Ân, Chúc mừng giáng sinh...
Bên cạnh âm nhạc, hiện tượng giáng sinh của Chúa Jêsu Christ còn là nguồn cảm xúc bất tận của các danh hoạ.
Leonardo de Vinci (1452-1519) là một danh hoạ người Italia, một trong những bậc thầy làm nên nền nghệ thuật tạo hình kì diệu của thời kì Phục Hưng. Vinci vừa là hoạ sĩ, vừa là một nghệ sĩ đa tài trong các lĩnh vực: điêu khắc, kiến trúc, ông còn là một nhà toán học, nhà triết học, một kỹ sư cơ khí; một người khai mở cho kỷ nguyên nhiếp ảnh.
Sự nghiệp hội hoạ cua Vinci gồm rất nhiều tác phẩm nổi tiếng như Benois Madonna, Lòng sùng kính của đạo sĩ, Ginevra de Benci, Sự hoảng sợ của những tảng đá, Bữa ăn tối cuối cùng...Nhưng kiệt tác của Vinci phải kể đến Monna Lisa, tác phẩm này còn có tên Nụ cười ngàn vàng.
Về tranh vẽ cho nhà thờ Vinci cũng có những tác phẩm tuyệt mỹ như Đức Mẹ đồng trinh, Thánh mẫu Benoit, Chúa Hài đồng với Thánh Anne.
Vinci từng được Giáo hoàng Leo X đỡ đầu, chu cấp chỗ ăn ở tại Palazzo Belvedere trong toà thánh Vatican suốt hai năm, từ 1514 đến 1516.
Khác với Leonardo de Vinci luôn tìm tòi khai thác những thủ pháp mới, Raphael (1483-1520) chỉ là người tổng hợp tất cả những gì người khác tìm ra, nhưng ông ứng dụng nó một cách tài tình. Raphael sinh ở thị trấn Perutgio, Italia, theo học hoạ sĩ Pietro Vanusi. Ông cũng ảnh hưởng trực tiếp bậc thầy Leonardo de Vinci. Khi phát hiện ra tài năng của Raphael, Giáo hoàng đệ nhị đã vời ông đến Roma. Hơn mười năm sống ở Roma cũng là thời kỳ sáng tác rực rỡ của Raphael. Cùng với kiến trúc sư Donato Bramante và danh hoạ Michelangelo, Raphael góp phần làm cho Roma trở thành trung tâm văn hoá của thế giới thời kỳ Phục Hưng. Raphael được Giáo hoàng giao cho trang trí điện Vatican, kinh đô Thiên Chúa giáo. Raphael đã để lại cho hậu thế những tác phẩm xuất sắc như Gia đình thần thánh, Cô gái làm vườn xinh đẹp, Trường học ở Aten, Thánh misen đánh bại quỷ dữ, Đám cháy ở làng...
Bức hoạ Đức Mẹ ở nhà thờ Sixteen của Raphael là một kiệt tác của mọi thời. Khác với các bức hoạ về Đức Mẹ của các hoạ sĩ trường phái Florence, bức của Raphael mô tả một Đức Mẹ hân hoan, đường bệ đang bước đi trên áng mây, xung quanh có ánh hào quang vàng rực, tay bế Chúa Hài đồng. Bức hoạ thu hút trí tưởng tượng của người xem bằng sự tráng lệ và thiêng liêng.
Hiện nay, các nhà thờ Bùi Chu, Phú Nhai, Quần Phương, Liễu Đề, Lạc Đạo...vẫn còn phiên bản của những bức hoạ của Leonardo de Vinci và Raphael.
Trong bài, tôi chỉ mới phác ra đôi nét về hai lĩnh vực âm nhạc và hội hoạ, chưa nói đến lĩnh vực, kiến trúc, sân khấu, thi ca, nhiếp ảnh...những bộ môn nghệ thuật cũng góp phần rất quan trọng vaò sự hoành tráng, thâm nghiêm của các toà thánh. Sự hiện diện của những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật bác học ấy, đặc biệt thăng hoa trong mỗi mùa giáng sinh đã phần nào trả lời câu hỏi: Vì sao đêm No-en, người ta đi đến nhà thờ đông đúc và đầy hứng khởi như ta thường thấy. Không chỉ người theo đạo Thiên Chúa mà cả người ngoại đạo cũng kéo đến nhà thờ với niềm thành kính mừng Chúa giáng sinh, đồng thời thưởng ngoạn cái không gian văn hoá tầm cao mà những nghệ sĩ thiên tài đã tạo ra.
Thị trấn Liễu Đề, Mùa Giáng sinh 2009